Từ khi ban hành đến nay, Thông tư 03 đã hai lần sửa đổi bổ sung (Thông tư 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2008 và Thông tư số 23/2012/ TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2012) nhưng cũng chỉ sửa đổi bổ sung một số điều theo hướng có lợi cho ngành Bảo hiểm xã hội, còn phần quy định chia ngày làm việc trong tháng theo tiêu chuẩn làm việc 40 giờ trong tuần, vẫn giữ nguyên chia 26 ngày (theo tuần làm việc 48 giờ). Theo đó, về chế độ quy định làm việc tiêu chuẩn 40 giờ trong tuần đến nay đã 13 năm mà Thông tư 03 còn quy định chia thời gian làm việc 48 giờ trong tuần là 26 ngày trong tháng. (Cụ thể: Tại điểm 1 và 2, khoản I và điểm 5, khoản II của Mục B của Thông tư 03 quy định mức hưởng về chế độ ốm đau, chế độ nghỉ việc đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai lưu chết… có quy định, tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc chia cho 26 ngày).
Trong khi đó, Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ, quy định việc thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ và có hiệu lực từ tháng 10/2009; Thông tư liên tịch số 08/2003/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội tuần làm việc 40 giờ trong 5 ngày và số ngày làm việc tiêu chuẩn trong một tháng là 22 ngày (điểm a2, khoản 2, mục II của Thông tư).
Như vậy việc Bộ LĐ-TB&XH chậm điều chỉnh tính số ngày làm việc trong tháng, theo tiêu chuẩn làm việc tuần 40 giờ, đã dẫn tới ngành Bảo hiểm xã hội hưởng lợi với số ngày làm việc trong tháng chênh lệch 4 ngày. Nếu tính từ năm 2007 đến nay đã gần 7 năm – trong ngần ấy năm số người lao động bị ốm đau hưởng chế độ bảo hiểm trong cả nước, ngành Bảo hiểm xã hội đã hưởng lợi một khoản tiền không nhỏ…
Xin dẫn chứng một ví dụ từ thực tiễn: Ngày 07/3/2013, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Bình Định đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp kiến nghị về việc quy định số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng tại Thông tư 03 là không đúng quy định của Chính phủ, gây thiệt hại cho người đóng bảo hiểm xã hội. Văn bản của Trung tâm nêu rõ: Việc Bộ LĐ-TB&XH không sửa đổi về số ngày làm việc theo tiêu chuẩn trong tháng (quy định lấy tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc chia cho 26 ngày làm cơ sở để tính mức hưởng chế độ bảo hiểm ốm đau… đối với cán bộ công chức và người lao động) là không đúng quy định của Chính phủ về chế độ tuần làm việc 40 giờ.
Ngày 25/4/2013, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp có Công văn số 98/ KTrVB gửi Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội về việc thông báo kiểm tra văn bản. Công văn cho biết: Thực hiện chức năng kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, sau khi nhận được Công văn số 100/TTBĐGTS của Trung tâm DBĐG Bình Định kiến nghị, “Cục Kiểm tra văn bản đã tổ chức kiểm tra, đồng thời, để có thêm cơ sở, Cục đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện các cơ quan có liên quan: Vụ Pháp chế – Bộ LĐ-TB&XH; Vụ Tiền lương – Bộ Nội vụ; Ban Chính sách pháp luật – Tổng LĐLĐVN; Vụ Pháp luật – Bộ Tư pháp”.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và ý kiến trao đổi, thảo luận của đại diện các Bộ, ngành liên quan, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã kết luận: “Việc Thông tư số 03 quy định lấy tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc chia cho 26 ngày làm cơ sở để tính mức hưởng chế độ bảo hiểm ốm đau, chế độ nghỉ việc, đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai… đối với cán bộ công chức và người lao động là không có cơ sở pháp lý và không phù hợp với quy định về thời gian làm việc của từng loại đối tượng, từ đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ…”. Theo đó, để đảm bảo tính hợp pháp, tình thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật, Cục kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp đề nghị: “Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, tự kiểm tra, xử lý nội dung chưa phù hợp (…) của Thông tư 03 và thông báo kết quả tự kiểm tra, xử lý cho Cục Kiểm tra văn bản theo quy định của pháp luật”.
Những người làm công hưởng lương và những người lao động đang trông chờ kết quả tự kiểm tra và điều chỉnh sửa đổi kịp thời của Bộ LĐ-TB&XH./.
Theo: phaply.net.vn