Theo lệ làng, bỏ quên định hướng bền vững
Chương trình gặp gỡ lần này tập trung vào việc kết nối trực tiếp các đối tác phù hợp với nhau, cùng chia sẻ những ý tưởng hợp tác kinh doanh và kinh nghiệm đầu tư quý báu, tạo cơ hội để các doanh nghiệp tự giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của mình.
Trả lời báo chí, ông Bùi Đình Dĩnh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết về hiện trạng việc các doanh nghiệp của kiều bào ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hiện nay: “Chúng ta đang có những chính sách ở trên thì rộng rãi, thông thoáng, nhưng nhiều địa phương còn chưa thực hiện đúng theo nghị quyết 36 của Bộ chính trị”.
“Doanh nghiệp Việt đang có những chính sách không có định hướng bền vững, lâu dài trong nhiều năm, đã có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp nước ngoài đã phản ánh. Trong lúc các doanh nghiệp gặp khó khăn về đầu tư vốn vào địa phương, về cơ chế thủ tục, thì chúng ta lại gây khó dễ, làm cho họ cảm giác khó chịu về thủ tục hành chính”, ông Dĩnh nói.
Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: “Hiện nay ở nước ta, chính sách trên thì thông thoáng, nhưng khi xuống một số địa phương thì lại theo lệ làng, nhiều nơi nghĩ Việt kiều là xa lạ, cảnh giác, gây khó khăn, không tạo môi trường thân thiện”.
Theo thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn thì nguyên nhân căn bản hiện nay vẫn hạn chế sự thành công của doanh nhân nước ngoài là do cách đặt vấn đề nhìn nhận, ủng hộ, đánh giá của chính quyền địa phương nơi có dự án đầu tư.
Thứ trưởng cũng phản ánh thực trạng việc thu hút nguồn vốn hiện nay: “Một số địa phương còn coi nguồn đầu tư của người Việt Nam từ nước ngoài về như các nhà đầu tư nước ngoài, các văn bản không đúng với đường lối, chủ trương chính sách của nhà nước. Hỗ trợ đối với một số dự án của địa phương chưa đúng, gây chán nản, phiền não cho các doanh nghiệp kiều bào ở nước ngoài”. .
Nghệ thuật bôi trơn, văn hóa phong bì
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng cũng cho biết về nguồn vốn hiện nay các doanh nghiệp kiều bào đầu tư về nước hàng năm không hề nhỏ: “Số tiền đầu tư có hiệu quả vào nước ta khoảng 6 tỷ đô la, đầu tư trên 2000 dự án lớn, nhỏ, vài ba tỷ đầu tư về bằng con đường không chính thức, một năm số tiền doanh nhân kiều bào gửi về lên đến 20 tỷ đô”.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng vạch ra hiện thực tất cả là do dơ chế, chính sách thu hút của nước ta. Về cơ bản có những nơi thu hút được rất cao như Đà Nẵng, bởi vì họ có những chính sách thông thoáng còn đi trước cả trung ương, trong khi có nhiều địa phương lại không thể thu hút được đầu tư, mặc dù có thế mạnh về thiên nhiên và tiềm lực du lịch.
“Trên thực tế, họ đem lại nhiều nguồn lợi nhưng hệ thống cơ chế của chúng ta còn những thủ tục nằm ngoài sự quản lý của nhà nước như nghệ thuật bôi trơn, văn hóa phong bì, đó chính là kinh nghiệm ăn sâu vào phong cách làm việc của những nhà doanh nhân trong nước. Chính vì vậy, nên doanh nhân trong nước rất nhanh nhạy, năng động nhưng tính bền vững kém”, Thứ trưởng phát biểu.
Cho đến nay, đã có 51 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố có các dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài với hơn 3.600 doanh nghiệp kiều bào có số vốn đóng góp là 8,6 tỷ USD.
Phần lớn các dự án đầu tư của kiều bào vào các lĩnh vực thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, công nghệ phần mền, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thuỷ hải sản.
Theo Bao Datviet