Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtXã hộiTrình Chính phủ phương án xử “xe không chính chủ”

Trình Chính phủ phương án xử “xe không chính chủ”

Thứ ba, 06 Tháng 8 2013 02:09
Bộ GTVT nghiêng về phương án không xử phạt hành vi “không sang tên đổi chủ” phương tiện theo quy định. Ảnh: Tấn Thạnh Bộ GTVT nghiêng về phương án không xử phạt hành vi “không sang tên đổi chủ” phương tiện theo quy định. Ảnh: Tấn Thạnh
Trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất phương án chưa nên xử phạt đối với hành vi “không sang tên đổi chủ phương tiện theo quy định”.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa chính thức có văn bản gửi Chính phủ xem xét phê duyệt dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - thay thế Nghị định 71/2012 và Nghị định 34/2010 hiện hành.

Trong đó, duy nhất có nội dung vẫn chưa tạo được sự đồng thuận giữa các cơ quan, ban ngành. Đó là việc có hay không xử phạt hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”. Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ GTVT cho biết hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau xung quanh việc xử phạt hành vi này.

Ý kiến thứ nhất đề nghị chưa quy định việc xử phạt vì việc quy định trách nhiệm của cá nhân phải thực hiện nghĩa vụ làm thủ tục đăng ký lại phương tiện (chuyển quyền sở hữu phương tiện) khi phương tiện được mua, bán, cho, tặng, thừa kế là chưa rõ ràng, khó xác định đối tượng vi phạm.

Thực tiễn triển khai thực hiện theo Nghị định số 71 đã cho thấy việc xác định đối tượng vi phạm hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” để xử phạt là rất khó. Trong thời gian vừa qua, việc lực lượng chức năng của một số địa phương xác định vi phạm bằng cách dừng xe để kiểm tra đối với người đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường là chưa phù hợp, gây bức xúc, không đồng thuận của đại đa số nhân dân (vì người điều khiển phương tiện không phải là đối tượng bị xử phạt về hành vi vi phạm này), dẫn đến không khả thi khi thực hiện.

Chính vì vậy, nếu quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm này trong nghị định của Chính phủ sẽ không bảo đảm tính khách quan, minh bạch và khả thi khi thực hiện. Thống kê của Bộ GTVT cho thấy có 10 bộ, ngành (Thông tin - Truyền thông, Ngoại giao, Tài nguyên - Môi trường, Quốc phòng, Giáo dục - Đào tạo, Tài chính, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, GTVT, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Dân tộc), 16 địa phương và 5 tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp ủng hộ ý kiến này.

Ở chiều ngược lại, đã có 3 bộ (Công an, Tư pháp, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) và 21 địa phương đề nghị tiếp tục quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm nói trên trong dự thảo nghị định của Chính phủ; đồng thời giảm mức phạt và giới hạn các trường hợp kiểm tra xử phạt.

Lý do được các cơ quan này đưa ra là theo Luật Giao thông Đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành luật thì “xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp” (Khoản 3 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ) và “khi phương tiện được mua, bán, cho, tặng, thừa kế thì phải làm thủ tục sang tên, thay đổi đăng ký xe” (khoản 3 Điều 6 Thông tư số 36/2010 về đăng ký xe của Bộ Công an).

Bản dự thảo nghị định trình Chính phủ do Bộ GTVT chủ trì xây dựng nghiêng về ý kiến thứ nhất, không đồng ý với việc xử phạt hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”.

Ngoài ra, dự thảo cũng đã bỏ hẳn quy định xử phạt đối với hành vi điều khiển, ngồi trên xe máy lưu thông trên đường mà đội mũ bảo hiểm không đủ 3 lớp, mũ bảo hiểm dỏm. Theo đó, chỉ xử phạt tiền 100.000 - 200.000 đồng đối với một trong các hành vi: Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

Theo: NLĐ

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516