Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtXã hộiTrẻ em tham gia xây dựng chính sách cho trẻ em

Trẻ em tham gia xây dựng chính sách cho trẻ em

Thứ ba, 13 Tháng 8 2013 01:28
Với chủ đề “Trẻ em tham gia góp ý sửa đổi Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”, diễn đàn trẻ em quốc gia 2013 đã tạo cơ hội để gần 180 đại biểu đại diện cho 26 triệu trẻ em trong toàn quốc được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề có liên quan đến trẻ em. Đây là căn cứ để các cơ quan xây dựng pháp luật, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.

Nét mới của diễn đàn quốc gia lần thứ 3 này là các em được cung cấp thông tin và được đánh giá về việc tiếp nhận, thực hiện của các Bộ, ngành liên quan đối với các khuyến nghị, thông điệp của trẻ em từ các Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2009 và năm 2011. Tại đây, những thông tin về sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng được chia sẻ, các em đã thảo luận, khuyến nghị về công tác sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Sau hai ngày thảo luận, các em đã có phiên giao lưu, đối thoại với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 6 bộ ngành, gồm Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ, TB&XH, Bộ VH,TT&DL.                

Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Doãn Mậu Diệp lý giải: Tình trạng trẻ em phải lao động sớm bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trước hết là do gia đình và người sử dụng lao động không tôn trọng pháp luật. Pháp luật nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 12 tuổi, với lứa tuổi 13 - 15 có thể tuyển dụng cho những công việc nhẹ nhàng. Do đó, trước hết cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về luật cho cha mẹ và người sử dụng lao động. Bộ LĐ,TB&XH sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan xem xét đề xuất mức xử phạt tương xứng với hành vi vi phạm.

Trả lời câu hỏi về các biện pháp đối phó với bạo lực học đường đang gia tăng của đại diện trẻ em đoàn Thanh Hoá,  Thứ trưởng  Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ: Ngành Giáo dục đã phối hợp với các ban, ngành có liên quan xây dựng và ban hành 16 văn bản quan trọng có liên quan đến việc thực hiện, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Bộ GD&ĐT rất chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an ninh, trật tự trường học, phòng, chống bạo lực, tội phạm, tệ nạn xã hội trong học sinh - sinh viên. Bộ đã đã ban hành Quyết định 16/2008 quy định về đạo đức nhà giáo, trong đó nghiêm cấm các hành vi xâm hại đến tinh thần, thân thể của học sinh; Chỉ thị số 40/2008 phát động phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, phát huy tính tích cực của học sinh trong học tập, rèn luyện và chủ động tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện kỹ năng sống và  được định hướng nghề nghiệp… Vào đầu năm học mới, học sinh ở các cấp học sẽ có một tuần sinh hoạt về chủ đề “Nói không với bạo lực học đường”. 

Để đảm bảo quyền được tiếp cận với giáo dục cho trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV, trẻ em bỏ học... Bộ GD&ĐT đã có nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em đến trường, thúc đẩy giáo dục hoà nhập, tạo điều kiện để trẻ em khuyết tật được đi học, được học cao hơn. Với học sinh bỏ học, Bộ cũng có nhiều giải pháp kêu gọi toàn xã hội, các tổ chức, đoàn thể, các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ, "tiếp sức", cấp học bổng và có nhiều chương trình quyên góp, ủng hộ. Trong những năm tới, cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục đối với vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, chăm sóc đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...

Phát biểu tại phiên đối thoại, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao những kiến nghị, cũng như nguyện vọng của các em gửi đến trong Diễn đàn này và khẳng định: Những câu hỏi, những khuyến nghị, những tiểu phẩm được trình bày đã  thể hiện sự chuẩn bị chu đáo, sự thông minh, tài năng sáng tạo của trẻ em. Phó Chủ tịch nước đề nghị Ban soạn thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu những kiến nghị, nguyện vọng xác đáng của trẻ em để Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi lần này có tính khả thi cao, đáp ứng các yêu cầu thực hiện Quyền trẻ em.

6 khuyến nghị của trẻ em

* Chúng em mong muốn được thường xuyên lắng nghe, trao đổi và phản hồi các ý kiến của trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng sâu, vùng xa. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi cần có biện pháp để bảo đảm quyền tham gia của trẻ em, diễn đàn trẻ em và các hoạt động thực hiện quyền tham gia của trẻ em cần được quy định cụ thể trong Luật này để trẻ em được lắng nghe, được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng và phát triển kỹ năng thực hiện quyền tham gia. Tạo điều kiện để chúng em có thể đóng góp ý kiến vào việc xây dựng và giám sát thực hiện pháp luật, chính sách có liên quan đến trẻ em.               

* Cần có quy định cụ thể trong các luật về hình thức gây tổn hại cho trẻ em, bắt buộc trình báo, tố cáo và xử lý nghiêm khắc các hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cán bộ xã hội, chính quyền xã phường các cấp, ngành trong bảo đảm quyền được bảo vệ của trẻ em.

* Cần có nhiều hơn các chương trình, biện pháp phòng ngừa, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật tại cộng đồng để giảm bớt số trẻ em phải vào trường giáo dưỡng, trại giam, giúp đỡ trẻ em vi phạm pháp luật hòa nhập cộng đồng. Cần thành lập tòa án riêng để việc xét xử trẻ em vi phạm pháp luật thân thiện hơn với trẻ.

* Có quy định cụ thể trách nhiệm xây dựng môi trường sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cần tổ chức nhiều hơn nữa các lớp dạy bơi, phổ biến kỹ năng, kiến thức an toàn cho trẻ em trong trường học và cộng đồng.

* Quy định cụ thể trong các luật việc ưu tiên xây dựng sửa chữa, vận hành các cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em. Có chính sách hỗ trợ, giảm miễn phí để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng đặc biệt khó khăn và trẻ em nghèo được tham gia hoạt động văn hóa vui chơi, giải trí.

l Quy định cụ thể các biện pháp truyền thông, giáo dục xử phạt hành vi kỳ thị, cản trở quyền học tập của trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đầy đủ.

 

Theo: Kỳ Vũ/ gdtd.vn

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516