Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtXã hộiTuyển nhân viên nhập liệu tại nhà thu nhập cao hay trò lừa đảo?

Tuyển nhân viên nhập liệu tại nhà thu nhập cao hay trò lừa đảo?

Thứ hai, 30 Tháng 6 2014 04:41
Trên các trang mạng hiện nay xuất hiện nhiều quảng cáo tuyển cộng tác viên đánh máy, nhập dữ liệu làm việc tại nhà, lương tháng từ 3 - 4 triệu đồng. Công việc tưởng đơn giản với mức thu nhập hấp dẫn, thu hút số đông người tham gia. Thế nhưng thực chất, nó như một trò "đỏ đen" trá hình mà phần thua thiệt luôn thuộc về người chơi.
Ngồi mát ăn bát vàng?!
Chỉ cần gõ cụm từ "tuyển nhân viên nhập liệu tại nhà" lên google.com, sau vài giây đã có hàng nghìn kết quả. PV báo Đời sốngPháp luật đã vào vai một sinh viên đang cần tìm việc làm thêm để thâm nhập, nhận ra nhiều dấu hiệu của sự lừa đảo trắng trợn, tinh vi.
Tại phố Chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội, PV đã ghi nhận phản ánh của nhiều người dân xung quanh về việc mỗi ngày có hàng chục lượt người đến công ty TNHH Đ.A để phỏng vấn, xin việc. Qua tìm hiểu được biết, công ty có trụ sở chính ở đường Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.
Theo quan sát, mới 8h30 sáng nhưng căn phòng nhỏ trên tầng 8 của tòa nhà, nơi đặt trụ sở của công ty tại Hà Nội, bốn bàn phỏng vấn đều đã có người. Ngoài ra, hai chiếc ghế sopha ngay phía cửa ra vào cũng chật kín người. Tại đây, nhân viên văn thư sẽ đề nghị người đến phỏng vấn cung cấp một mã số đã được cấp khi người chủ động gọi điện theo đường dây nóng của công ty trên website hoặc gửi bản đăng ký xin việc qua e-mail từ trước.
Phải chờ đợi khá lâu, PV mới đến lượt được phỏng vấn. Người phỏng vấn là một thanh niên trẻ, tự giới thiệu sinh năm 1988, quê Nghệ An, làm quản lý mà không xưng tên họ, không có biển hiệu đeo trên người. Bằng giọng nói nhẹ nhàng, người quản lý trẻ giới thiệu về công ty và một số ưu đãi sau khi ký hợp đồng.
Anh 1 nhap du lieu
Địa điểm phỏng vấn tại phố Chùa Hà của công ty Đức Anh luôn chật kín người.
Theo đó, công việc rất đơn giản là đánh máy và nhập dữ liệu. Sau khi ký hợp đồng, nhân viên chính thức sẽ được cung cấp một phần mềm. Phần mềm này có hai chức năng cơ bản là làm việc và thống kê theo dõi quá trình làm việc xem mình đã làm được bao nhiêu công việc trong/ngày, số lương mà mình có thể nhận được đến hết ngày làm việc đó là bao nhiêu.
Mỗi nhân viên được cấp một tài khoản với một mật khẩu riêng. Mỗi ngày, bất cứ thời gian nào rảnh rỗi, chỉ cần một máy tính có kết nối internet và khả năng đánh máy tương đối, nhân viên sẽ tự đăng nhập vào tài khoản để làm việc. Sau khi đăng nhập tài khoản, trên màn hình máy tính sẽ xuất hiện một ô chứa các ký tự chữ và số, kèm theo một ô trống bên dưới yêu cầu nhập các ký tự đã nhìn thấy. Chỉ cần nhanh tay, nhanh mắt nhìn đúng, nhập đúng và nhấn phím enter đồng nghĩa đã gửi dữ liệu đi và hệ thống sẽ tự xác nhận.
Mỗi lần enter gửi đi thành công và đúng ký tự sẽ tương đương với một mã số. Sau khi hệ thống xác nhận mã số đúng, màn hình sẽ xuất hiện chuỗi ký tự tiếp theo và nhân viên tiếp tục nhập ký tự vào ô trống bên dưới, nhấn enter là xong. Cứ như vậy, số lượng mã nhập là không giới hạn. Nhân viên có thể ngồi nhập rất nhiều mã tùy vào thời gian rảnh rỗi của mình. "Công việc rất dễ làm, tiền cũng dễ kiếm", người quản lý nhắc đi nhắc lại nhiều lần với PV trong quá trình phỏng vấn.
Người quản lý cho biết, thông thường, mỗi mã có từ 2-8 ký tự với cả ký hiệu chữ và số, không phân biệt viết hoa hay thường. Ký tự có 95% là dễ nhìn, còn 5% là khó nhìn nhằm thử thách và phân hóa nhân viên giỏi, khá, cách tính lương cũng đơn giản. Chỉ cần nhập được 1.000 mã số đúng sẽ được trả 15.000 đồng. Với khả năng đánh máy bình thường, một người có thể nhập 1.000 mã trong vòng 30 phút. Như thế, chỉ cần bỏ ra từ 3-4 tiếng một ngày ngồi ở nhà, nhân viên có thể nhận được lương tháng từ 3-4 triệu đồng.
Tiền lương của nhân viên sẽ được thanh toán hai lần vào mùng 5 và 20 hàng tháng. Hợp đồng việc làm là một tờ giấy hai mặt kín chữ với rất nhiều điều khoản. Trong đó, đáng lưu ý là số tiền đặt cọc 195.000 đồng phải đóng ngay một lần sau khi ký hợp đồng. Số tiền này sẽ được hoàn trả cho nhân viên sau 60 ngày, nếu trong thời gian đó, nhân viên nhập đều đặn mỗi tuần được 4.000 mã trở lên.
Thấy PV có vẻ lưỡng lự về số tiền đặt cọc và để tăng sức hấp dẫn, người quản lý đưa ra dẫn chứng về hai trường hợp ở TP. Hồ Chí Minh, đều là phụ nữ đang nuôi con nhỏ rằng: Mỗi người bỏ ra 6 tiếng làm việc tại nhà mà thu nhập 8 triệu đồng/tháng. Thấy PV xuôi ý, chịu ký tên vào hợp đồng làm việc, người quản lý mừng ra mặt như bắt được vàng!
Theo lời của nhân viên quản lý này thì mỗi tháng hiện nay, ở Hà Nội, phía công ty đang trả lương cho ít nhất là 40 người. Tiền lương tối thiểu của một người mới làm hai tuần cũng là 500.000 đồng. Còn, người làm chuyên nghiệp thì có thể đạt 4 triệu đồng/tháng.
Những mã số đánh đố “người lao động”
Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng, bắt tay vào làm việc chính thức, PV mới hiểu rõ vì sao, nhiều người biết mình bị ăn quả đắng mà vẫn phải ngậm ngùi coi như "của đi thay người". Các ký tự hiện trên màn hình làm việc đều loằng ngoằng, khó nhìn. Không những thế, nhiều chuỗi dài hơn 8 ký tự xuất hiện liên tục, buộc PV phải nhấn enter để bỏ qua. Như thế cũng có nghĩa là mã không được xác nhận.
Sau một buổi tối mày mò với công việc tưởng dễ dàng này, PV không thể nào nhập được một mã chính xác vì thời gian cho mỗi chuỗi ký tự dài này chỉ là 15 giây. Dù mắt có tinh đến mấy, tay có nhanh đến mấy thì 15 giây với chuỗi ký tự dài cả chữ và số chèn móc vào nhau cũng thực sự đánh đố người làm. Liên hệ lại với phía công ty, PV được hồi đáp rất nhã nhặn, vẫn bằng chất giọng nhẹ nhàng: "Em cứ làm dần dần sẽ quen. Ban đầu khó một chút nhưng một thời gian sẽ thấy cực kỳ đơn giản".
Đây là một mánh khóe rất tinh vi của chủ tuyển nhân viên. Bởi hiếm người có đủ kiên trì để làm mãi một việc không thấy có kết quả. Đương nhiên, người làm sẽ tự chán, tự bỏ việc và khoản tiền cọc ban đầu thuộc về phía công ty một cách hợp pháp.
Trong quá trình tham gia “trò chơi”, thật khó khi trong vòng 15 giây, chúng ta nhập đúng chuỗi những ký tự nhập nhèm, dài loằng ngoằng. Đương nhiên, sau một số lượng mã nhập sai nhất định, tài khoản sẽ bị khóa và “người chơi” đành phải chấp nhận mất luôn số tiền 195.000 đồng vì chán và tự bỏ.
Theo như PV báo Đời sống và Pháp luật tìm hiểu thì, mỗi ngày có hàng chục lượt người đến công ty phỏng vấn và ký hợp đồng. Số lượng tuyển dụng của công ty là không có giới hạn. Trong khi, nhân viên phải rất khó khăn để có được 15.000 đồng với 1.000 mã đúng thì phía công ty lại có nguồn thu khủng lên tới hàng chục triệu đồng. Mỗi ngày, hàng trăm người vẫn háo hức tin vào cái gọi là "hái ra tiền" một cách nhàn thân mà không biết rằng, mình đang tự móc túi tiền của mình cho người khác một cách vô nghĩa. 
Cung cấp mã cho các ngân hàng?!
Khi được hỏi, người trực tiếp phỏng vấn PV cho biết: "Công ty có liên kết với các ngân hàng để cung cấp mã số cho họ. Do đó, nhân viên không bao giờ lo hết việc. Mỗi khi cần xác nhận thông tin bảo mật nào đó, phía ngân hàng thường gửi cho khách hàng một chuỗi mã ký tự. Những mã này là do công ty cấp cho họ".
Có thể chịu mức án cao nhất tội chiếm đoạt tài sản
Theo luật sư Trần Thu Nam, đoàn luật sư TP. Hà Nội thì tuỳ vào từng hành vi cụ thể của người chiếm đọat tài sản của người khác, có thể khởi tố điều tra ở những tội danh khác nhau, ví dụ như hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu số tiền chiếm đoạt bất hợp pháp trên 500 triệu đồng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội có thể phải lĩnh mức án từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân (hoặc tử hình) theo Điều 139, Bộ luật Hình sự. Để xác định hành vi lừa đảo, cơ quan chức năng chỉ cần kiểm tra ngành nghề đăng ký kinh doanh của những công ty này là gì, đầu ra của các dịch vụ mà công ty cung cấp cho ai là sẽ rõ.
Theo DSPL
Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516