“Tôi phục anh Hòa”
Tiến sỹ Vật lý Nguyễn Văn Khải – giám đốc viện Khoa học Vật lý Hà Nội, người có hai bằng sáng chế về ứng dụng vật lý vào thực tiễn cuộc sống và có hàng loạt những nghiên cứu phục vụ lợi ích con người, người nông dân. Đặc biệt, ông còn nghiên cứu ra loại nước Ozon trị dứt điểm bệnh chân tay miệng cho trẻ em. Từ đó có biệt danh ông già Ozon.
Trao đổi với phóng viên Báo Đất Việt chiều ngày 18/2/2014, ông già Ozon đã bày tỏ quan điểm về nhân vật gây xôn xao báo chí thời gian gần đây: Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa.
“Trên cương vị là một thầy giáo, một nhà vật lý, và là một người luôn tìm tòi cái mới cho mình và cộng đồng có một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhiều tiện nghi hơn, tôi hoan nghênh anh Hòa. Doanh nhân này dùng tiền của mình, kiến thức của mình cố gắng tạo ra tàu ngầm, đó là ý tưởng rất tốt, mục đích rất đẹp. Điều quan trọng là dù bị chê bai, dèm pha mà vẫn quyết tâm làm. Đó là điều khiến tôi phục anh Hòa.” – Tiến sĩ Khải bày tỏ.
Ông Nguyễn Quốc Hòa cùng công nhân của xưởng sản xuất thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa trong bể nước
Theo quan điểm của tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải, việc anh Hòa đang làm tuy không phải là sự kiện gì mới, vì trước đó đã có một kỹ sư hai lúa chế tạo máy bay, anh thợ xe cũng làm máy bay, và cũng đã có người chế tạo tàu ngầm tại Việt Nam, chỉ là không dùng công nghệ AIP… Tuy nhiên, doanh nhân này đã mở ra một tư tưởng mới mà các nhà khoa học Việt Nam cần phải nhìn nhận.
“Chúng ta nhiều khi đang có tư duy ai cũng biết thiên hạ đã làm rồi và họ làm tốt, vậy mình còn làm làm gì? Nhưng giờ anh Hòa làm lại thì đã sao? Theo tôi, có làm thì mới biết sai mà sửa, có sửa được thì mới là cái của mình, còn cả đời đi mua thì tiền tấn tiền núi cũng không đủ được” – ông Khải nhận định.
Nên coi tàu ngầm Trường Sa là công trình khoa học cấp bộ
Tuy rất ủng hộ doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa, nhưng tiến sĩ Khải cho rằng anh Hòa cũng nên biết nhìn nhận và nhờ cậy đến sự giúp đỡ từ những người khác để con tàu có thể sớm thành công và tránh những rủi ro không đáng có.
“Anh Hòa này cần phải có nhiều người hợp tác và phải là những người có kinh nghiệm, kiến thức trong việc chế tạo tàu, kể cả là tàu nổi, hoặc phải có sự tham gia của những người đã sử dụng tàu ngầm… Về tự động hóa cũng cần phải có sự tư vấ của kỹ sư quang điện, kỹ thuật điện…”
Còn về việc doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa có thành công hay không, tiến sỹ Khải cho biết: “Để thành công còn phải phụ thuộc vào ba yếu tố. Thứ nhất, hướng nghiên cứu chế tạo có đúng hay không? Thứ hai, có đủ tiềm lực tài chính để đi đến đích hay không? Thứ ba, nhận được sự ủng hộ như thế nào?”
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải chia sẻ cách cứu cây hồ tiêu cho người dân Chư Sê (Gia Lai)
“Về vấn đề sự ủng hộ, có thể thấy người dân Việt Nam đại đa số đang mong chờ vào sự thành công của tàu ngầm Trường Sa, đó là một sự khích lệ động viên tinh thần rất lớn, rất đáng quý. Tuy nhiên, anh Hòa sẽ cần nhiều hơn thế. Đặc biệt là sự giúp đỡ, tạo điều kiện từ phía chính quyền, nhà nước, các bộ ngành khoa học, đặc biệt là Bộ Khoa học Công nghệ. Với những thành tựu đến thời điểm này, và kết hợp với sự giúp đỡ từ các kỹ sư, nhà nghiên cứu có kiến thức kinh nghiệm khác, tôi tin anh Hòa sẽ làm được.” – ông Khải nhận định.
“Giá mà anh Hòa là nhà khoa học, và tàu ngầm của anh được xét vào đề tài khoa học cấp Bộ, với tâm huyết của anh, chắc chúng ta sẽ có nhiều hi vọng hơn”. – Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải tỏ ra tiếc nuối.
Vì sao khoa học Việt Nam dậm chân tại chỗ
Cũng nhân nói về tàu ngầm Trường Sa của một doanh nhân dám nghĩ dám làm, tiến sỹ Nguyễn Văn Khải cũng bắt mạch điểm yếu kém của nền khoa học Việt Nam.
“Tôi không hiểu từ bao giờ một số nhà khoa học, đầy đủ học hàm học vị của Việt Nam lại mang trong mình lối tư duy trì trệ mà tự kháo lên rằng đang đi tắt đón đầu? Trước đây, năm 1980, khi nước ta còn đói khổ đủ đường, tôi và các cộng sự của 6 đơn vị gồm có hai Bộ, trường Đại học Bách Khoa… đã nghiên cứu thành công việc nuôi tinh thể để làm đầu thu tia phóng xạ, tia lade, phục vụ trong công nghệ vũ trụ và tên lửa.
Ngày đó, chúng tôi thành công vì chúng tôi đoàn kết, chúng tôi làm khoa học vị nhân sinh. Còn bây giờ, sau hàng chục năm chúng ta gần như dậm chân tại chỗ vì có sư thiếu đoàn kết, rèm pha lẫn nhau. Đề tài thì chỉ mong kiếm được cái nào cấp càng cao càng tốt, thời gian càng lâu càng tốt, kinh phí rót càng nhiều càng mừng”. – Tiến sĩ Khải nói thẳng.
Ô tô điện điều khiển bằng smartphone, một tiến bộ của nền công nghiệp Campuchia
Tiến sĩ Khải phân tích thêm: “Cũng với lối tư duy này mà nhiều khi ta đang bị lầm tưởng. Ta mua công nghệ của người khác, của nước ngoài để mang về biến thành của mình một cách chắp vá, không bằng một phần của người ta và gọi đó là đi tắt đón đầu. Ta liên kết liên doanh rồi khoe rằng ta đã sản xuất được, bán được nhiều sản phẩm, nhưng thực chất đấy là công nghệ nước bạn mang sang.”
“Gần đây, nước bạn Campuchia đã sản xuất được ô tô điện điều khiển bằng điện thoại thông minh, giá thành rẻ, nhiều tiện ích, thân thiện với môi trường... Ngẫm lại nước mình, từ những năm 1980 đến nay, ngành công nghiệp ô tô, ngành công nghiệp điện tử… chúng ta đã có được những gì?”
Tiến sĩ Khải kể một câu chuyện ngay trong dịp Tết rồi thở dài: “Chiều ngày 10 Tết (ngày 9/2/2014) tôi vào tới Chư Sê, Gia Lai để giúp bà con cứu hồ tiêu. Biết có “nhà khoa học” đến giúp, hàng trăm người nông dân đã tập trung từ rất sớm để nghe phương pháp cứu cây, cũng là cứu lấy cuộc sống, sản nghiệp của bao nhiêu con người gia đình họ. Khó khăn, vất vả, thiếu kiến thức, thiếu sự chăm lo. Trong khi đó, còn bao nhiêu người đầy đủ, thậm chí có quyền có thế, họ đáng lo hơn nhiều.”
Theo Tri thức trẻ