“Con khóc một tiếng khiến lòng tôi đau nhói. Nếu gia đình tôi không cẩn thận, không mang cháu ra tắm rửa thì chính tôi là kẻ đã mang con mình đi chôn sống”- người đàn ông chất phác nghẹn ngào.
Kinh khủng. Sốc. Phẫn nộ. Hoang mang. Vô nhân tính. Khốn nạn. Thất đức. Đây là những từ ngữ mà dư luận xã hội đã dùng để mô tả sự phẫn nộ của họ. Cũng chính là những từ ngữ mà sau đó chỉ một ngày, họ bày tỏ thái độ khi xảy ra vụ “2 mẹ con sản phụ chết vì bị bỏ mặc” ở Cần Thơ, và nghiêm trọng nhất là vụ “Nhân bản hàng ngàn kết quả xét nghiệm” tại BV đa khoa Hoài Đức được báo chí phát hiện.
Bạn có thể tưởng tượng được không một bệnh nhân 70 tuổi, chẩn đoán lao phổi, một bệnh nhân 27 tuổi, chẩn đoán áp xe cạnh hậu môn, một bệnh nhân 61 tuổi, chẩn đoán viêm phê quản và một bệnh nhân 12 tuổi, chẩn đoán viêm ruột thừa có chung một kết quả xét nghiệm, chính xác từng dấu phẩy trong các chỉ số, từng phút thời gian xét nghiệm.
Bạn có thể bình tĩnh khi các mẫu máu bị vứt bỏ, còn kết quả được “nhân bản” từ kết quả của một ai đó.
Sau ca “trả về” một đứa trẻ còn sống ở Quảng Nam, quá nhanh, GĐ bệnh viện nói lời xin lỗi, kèm theo một lời giải thích “chủ quan”, và thanh minh vị bác sĩ hôm đó có 30 năm kinh nghiệm.
Sau vụ nhân bản bị phát hiện, rất nhanh chóng, ngành y tế đình chỉ công tác…người tố cáo.
“30 năm kinh nghiệm”, nhưng sự tắc trách thì chẳng cần một ngày nào để thành kinh nghiệm cả. “30 năm kinh nghiệm”, trong những trường hợp như thế này, hoàn toàn không đồng nghĩa với trách nhiệm.
Sau vụ vaccine, ngành y tế giải thích nguyên nhân là do “sốc phản vệ không rõ nguyên nhân” và Bộ trưởng nói rằng lỗi vaccine thì xử lý vaccine. Những sai sót y khoa, những ca tai biến, hay sốc phản vệ, ngành y tế có thể giải thích theo kiểu y tế. Nhưng giờ đây, đối với những việc làm ác nhân bất đức thì liệu ngành y tế có thể trả lời công luận bằng một lý do có kèm theo 4 chữ “không rõ nguyên nhân”. Hay là lại “lỗi xét nghiệm thì xử lý xét nghiệm”?
Có một điều không khó để nhận ra: Ngành y tế đang tồn tại một cách trầm trọng vấn đề về y đức, khi trong vô số trường hợp, “từ mẫu” đã khai tử để khai sinh những “bác sĩ tử thần”.
Khi viết 9 điều y huấn cách ngôn thời Vua Lê- Chúa Trịnh, cụ già Hải Thượng Lãn Ông đã nói đến chữ Tâm, đến “Nhân thuật”: Đạo làm thuốc là 1 nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người và vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi, kể công.
Than ôi! Những điều lo của ông cụ được xem như ông tổ của ngành y, giờ đây đã thành sự thật khi chữ tâm, khi nhân thuật- không còn là chuyện “con sâu” nữa, bị lớp hậu sinh “Đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng mua bán”.
Hải Thượng Lãn Ông sẽ thở dài? Không. Ông sẽ chửi thề khi đám “hậu sinh khả ố” giờ đây xem máu người như tiết canh vịt.
Đào Tuấn