Kiên trực tiếp chỉ đạo các chủ trương nói trên, gây hậu quả nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ của Chính phủ, thu lợi bất chính cho nhóm cổ đông của Ngân hàng ACB là 256.838.071.514 đồng và trực tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB 1.407.382.784.540 đồng.
Hành vi của Nguyễn Đức Kiên đã có đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, được quy định tại Điều 165 Bộ Luật Hình sự với vai trò chủ mưu.
"Bầu Kiên" tạo áp lực, dọa cách chức để cấp dưới làm theo chỉ đạo của mình.
Liên quan đến vụ việc này, Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB), Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, và Phạm Trung Cang (nguyên Thành viên Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB) cũng bị Cơ quan CSĐT khởi tố vì tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với vai trò là đồng phạm giúp sức cho “Bầu Kiên” thực hiện hành vi phạm tội.
Tại Cơ quan CSĐT, các bị can Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang đều khai rằng: Lý Xuân Hải là người đề xuất phương án ủy thác cho các nhân viên Ngân hàng ACB mang tiền của ngân hàng này đi gửi vào các ngân hàng khác. Phương án này được Nguyễn Đức Kiên đồng ý và chỉ đạo các Thành viên Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ký biên bản ngày 22/3/2010 thông qua chủ trương.
Đến khoảng tháng 3/2012, Lý Xuân Hải mời Thường trực HĐQT họp để thông báo việc Ngân hàng ACB ủy thác cho 19 nhân viên gửi tiền vào Ngân hàng Vietinbank và bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt 718,908 tỷ đồng là có bằng chứng rõ ràng nhưng Ngân hàng Công thương từ chối trách nhiệm nên Hải có đề nghị Thường trực HĐQT ký lại biên bản họp ngày 7/6/2011 để làm cơ sở khởi kiện Vietinbank.
Các bị can Kỳ, Quang, Cang đều thừa nhận việc dùng tiền huy động của dân ủy thác cho nhân viên gửi vào các tổ chức tín dụng là sai phạm đối với Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và làm sai lệch thông tin liên quan đến báo cáo tổng huy động từ dân cư của toàn hệ thống ngân hàng, làm ảnh hưởng đến việc ra các chủ trương điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ.
Việc Ngân hàng ACB gửi tiền vượt trần lãi suất vi phạm Thông tư số 02, ngày 3/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước. Trách nhiệm này thuộc về Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB, Nguyễn Đức Kiên và ban điều hành.
Chủ trương cấp tín dụng cho Công ty ABCS để mua cổ phiếu Ngân hàng ACB là do Nguyễn Đức Kiên đề xuất và đượng Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đồng ý thông qua. Thường trực HĐQT ủy thác cho Kiên, Chủ tịch Hội đồng đầu tư chỉ đạo trực tiếp việc đầu tư.
Sau năm 2008, mặc dù không tham gia HĐQT Ngân hàng ACB nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn là người có ảnh hưởng và chỉ đạo, quyết định nhiều hoạt động của ngân hàng này. Thực tế, các ý kiến của Kiên trong các cuộc họp HĐQT sau đó đều trở thành Nghị quyết.
Để tạo áp lực với các Thành viên Thường trực HĐQT, trong các cuộc họp Kiên thường nói: “Hiện tôi không tham gia gì trong Hội đồng quản trị. Tôi nói nhăng nói cuội gì các anh nghe hay không nghe thì tùy. Nhưng tôi có quyền cách chức các anh” hoặc “Vai trò tư vấn của tôi, thành viên Hội đồng sáng lập đã được quy định trong quy chế hoạt động của Hội đồng sáng lập. Tôi nói muốn nghe thì nghe, không nghe thì thôi. Nhưng với tư cách Cổ đông lớn, tôi có quyền triệu tập Đại hội cổ đông bất thường, cách chức các anh ra khỏi Thành viên HĐQT”.
Do Nguyễn Đức Kiên là cổ đông lớn của Ngân hàng ACB, là người có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động của ngân hàng này trong thời gian dài nên phát biểu của ông “bầu” này đã tạo ra áp lực lớn, làm mọi người ngầm hiểu là không thực hiện theo ý ông Kiên là không được. Vì vậy, các ý kiến của Kiên trong các cuộc họp HĐQT sau đó đều trở thành Nghị quyết của Ngân hàng ACB.
Bị can Trần Xuân Giá khai: Ngày 22/3/2010, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB có họp bàn về chủ trương ủy thác cho nhân viên dùng tiền và USD của ngân hàng gửi vào các tổ chức tín dụng. Tại cuộc họp này có một số ý kiến, trong đó có ông Trần Mộng Hùng đề nghị giảm bớt lãi suất huy động để giảm số tiền huy đông của dân, vì ở thời điểm đó Ngân hàng ACB đã huy động được nhiều tiền của dân nhưng không cho vay được mà lại phải trả lãi. Nguyễn Đức Kiên không đồng ý với phương án này mà nói “làm gì thì làm nhưng không được giảm tổng tài sản của Ngân hàng ACB”.
Sau đó, Lý Xuân Hải (Tổng Giám đốc) đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền và USD vào các tổ chức tín dụng. Phương án này được Thường trực HĐQT ký biên bản thông qua, giao cho Tổng Giám đốc tổ chức thực hiện.
Cơ quan CSĐT xác định, hành vi của "Bầu Kiên" đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với vai trò là người chủ mưu.
Về chủ trương không được giảm tổng tài sản Ngân hàng ACB là ý kiến xuyên suốt của Nguyễn Đức Kiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ngân hàng này từ trước tới nay. Chủ trương cấp tín dụng cho Công ty ACBS mua cổ phiếu ACB là do Kiên đề xuất và được Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đồng ý thông qua và ủy quyền cho Kiên, Chủ tịch Hội đồng đầu tư chỉ đạo trực tiếp việc đầu tư.
Từ năm 2008, sau khi Nguyễn Đức Kiên rút ra khỏi HĐQT và ban điều hành. Để duy trì sự ổn định liên tục thì Kiên có đề xuất thành lập Hội đồng sang lập như là đại hội cổ đông thu nhỏ để hỗ trợ cho HĐQT và ban điều hành mới.Mặc dù không tham gia với tư cách Thành viên HĐQT, nhưng sự có mặt của Kiên trong các cuộc họp của HĐQT, Thường trực HĐQT và ban điều hành cũng tạo ra ảnh hưởng lớn đến việc ra các quyết đinh, nghị quyết liên quan đến cách hoạt động của ACB, nhất là trong thời kỳ đầu của Hội đồng sáng lập.
Bị can Lý Xuân Hải khai: Hải là người đề xuất chủ trương dùng tiền ngân hàng huy động của dân ủy thác co các nhân viên và các tổ chức gửi tiền VNĐ và USD vào các tổ chức tín dụng, nhằm mục đích tránh gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB khi mà tiền huy động vào nhiều mà không cho vay ra được.
Thuờng trực HĐQT Ngân hàng ACB giao cho Hải chỉ đạo, điều hành việc thực hiện chủ trưong, ký hợp dồng với 4 công ty và ủy quyền cho Nguyễn Văn Hòa (Kế toán trưởng) ký ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng. Toàn bộ số tiền gốc, lãi theo hợp đồng, lãi vượt trần và các khoản phí khác thu được từ hoạt động ủy thác đều được Ngân hàng ACB hạch toán và sổ sách của Ngân hàng này.
Hải khai Nguyễn Đức Kiên là người đề xuất chủ trương trương cấp tín dụng cho Công ty ACBS để đầu tư cổ phiếu ACB và được Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đồng ý thông qua, giao cho Kiên chỉ đạo Công ty ACBS đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng tiến hành lấy lời kha của các ông Nguyễn Ngọc Trung - quyền Tổng Giám đốc Công ty ACBS), Trần Vi Lâm - Tổng Giám đốc Công ty ACI, Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Công ty ACI-HN) và các cá nhân liên quan tại 3 công ty này.
Kết quả cho thấy, vào đầu tháng 9/2009, các ông Nguyễn Đức Kiên, Lê Vũ Kỳ và Lý Xuân Hải có đến Công ty ACBS chủ trì cuộc họp với lãnh đạo đơn vị này. Tại cuộc họp, Nguyễn Đức Kiên giao cho Công ty ACBS thực hiện mua cổ phiếu Ngân hàng ACB thông qua các công ty ACI và ACI-HN.
Kiên yêu cầu Công ty ACBS phải chấp hành vì đây là chỉ đạo của Thường trực HĐQT. Lý do phải thông qua công ty ACI và ACI-HN để mua cổ phiếu Ngân hàng ACB là vì Công ty ACBS là công ty chứng khoán do Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn điều lệ nên không được phép mua cổ phiếu của chính ngân hàng này.
Nguồn tiền chuyển cho Công ty ACI từ tháng 11/2009 đến tháng 2/2010 để mua cổ phiếu Ngân hàng ACB là vốn tự có của Công ty ACBS. Để hợp thức hóa việc chuyển tiền này, Công ty ACBS đã ký 3 hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho Công ty ACI (lần lượt vào các ngày 4/11/2009, ngày 23/11/2009 và ngày 25/1/2010).
Từ tháng 3/2010 trở về sau, nguồn tiền chuyển cho Công ty ACI và ACI-HN được lấy từ việc Công ty ACBS phát hành trái phiếu bán cho Ngân hàng TMCP Kiên Long (gồm 3 đợt vào các ngày 4/3/201, ngày 22/3/201 và ngày 5/5/201, sso tiền mỗi đợt là 500 tỷ đồng). Để hợp thức hóa việc chuyển tiền này, Công ty ACBS ký hợp đồng hợp tác đầu tư ngày 10/3/2010 với Công ty ACI và hợp đồng này 20/5/2010 với Công ty ACI-HN.
Việc Công ty ACBS mua cổ phiếu của Ngân hàng ACB thông qua Công ty ACI và ACI-HN là chủ trương của Nguyễn Đức Kiên và Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB, chính ngân hàng này là đơn vị cấp vốn. Việc ra chủ trương và chuẩn bị nguồn vốn đầu tư là do Kiên, Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB phê duyệt chấp thuận cho Công ty ACBS hợp tác đầu tư với Công ty ACI và ACI-HN.
Cổ phiếu thuộc danh mục hợp tác đầu tư với Công ty ACI phải thống nhất theo chiến lược dầu tư của Công ty ACBS. Tổng số tiền mà Công ty ACBS đã sử dụng để mua cổ phiếu Ngân hàng ACB là khoảng 1.557 tỷ đồng. Tổng số cổ phiếu Ngân hàng ACB mà Công ty ACBS đã mua được tổng cộng 52.508.538 cố phiếu với giá bình quân 29.566 đồng/cổ phiếu. Trong đó, Công ty ACI đứng tên mua 38.373.018 cổ phiếu, Công ty ACI-HN đứng tên mua 14.135.520 cổ phiếu). Hiện toàn bộ số cổ phiếu mà Ngân hàng ACB đã mua nói trên chỉ còn 19.568.538 cổ phiếu, trong đó Công ty ACI còn 5.433.018 cổ phiếu, Công ry ACI-HN còn 14.135.520 cổ phiếu.
Toàn bộ số cổ phiếu Ngân hàng ABC đã mua thông qua Công ty ACI và ACI-HN đang được Công ty ACBS quản lý bằng phong tỏa trên tài khoản lưu ký chứng khoán của Công ty ACI và ACI-HN tại Công ty ACBS. Toàn bộ số cổ phiếu này được mua bằng tiền của Ngân hàng ACB.
Sau khi có khuyến cáo của Kiểm toán, Công ty ACBS đã làm thủ tục để các Công ty ACI và ACI-HN hoàn lại tiền cho Công ty ACBS bằng cách phát hành trái phiếu bán cho Ngân hàng Vietinbank. Nhưng vì Công ty ACBS là chủ sở hữu thực sự số cổ phiếu Ngân hàng ACB nen Công ty ACBS buộc phải thanh toán đối với hai khoản trái phiếu do các Công ty Aci và ACI-HN phát hành. Công ty ACI và ACI-HN chỉ đứng tên hộ Công ty ACBS trong việc mua cổ phiếu Ngân hàng ACB. Công ty ACBS là đơn vị đặt lệnh mua và quản lý số cổ phiếu đã mua được. Công ty ACI và ACI-HN không được quản lý, sử dụng số cổ phiếu ACB đã mua được trên tài khoản của họ...
Như vậy, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, cũng như lời khai của những người liên quan, Cơ quan CSĐT đã kết luận, hành vi của Nguyễn Đức Kiên cùng Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, và Phạm Trung Cang có đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bởi vậy, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố như đã nói ở trên.
Theo: GDVN