Liên tiếp trong thời gian qua, xã hội đón nhận nhiều tin không vui về đạo đức ngành y, có thể kể ra ngay những vụ việc liên quan đến y đức của người bác sĩ gây chấn động dư luận như vụ: "nhân bản phiếu xét nghiệm" ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức, vụ "tráo thủy tinh thể" và mới đây nhất là vụ án mạng kinh hoàng xảy ra ở thẩm mỹ viện Cát Tường với tính chất phạm tội hết sức dã man và tàn độc, ném xác phi tang của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (chủ thẩm mỹ viện).
Dư luận đặt câu hỏi không biết những lớp cán bộ y tế này được đào tạo ra sao khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Xung quanh câu chuyện y đức trong ngành y và công tác giảng dạy cho sinh viên trường ĐH Y Hà Nội, trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Nguyễn Hữu Tú cho biết, chính môi trường sống và học tập có những cám dỗ đối với các sinh viên, không đơn giản như ngày xưa, trong đó các em chưa hoàn toàn phân biệt được cái tốt, cái chưa tốt, cái nào là phù hợp và không phù hợp và dễ bị sa ngã.
Buồn cho đồng nghiệp
PV: Thưa PGS. TS Nguyễn Hữu Tú, sau nhiều sự việc đau lòng liên quan tới ngành y, nhiều người lo ngại y đức trong ngành y đang đi xuống, không như sự kỳ vọng của nhân dân, là ngôi trường hàng đầu đào tạo ra những lớp thầy thuốc ông suy nghĩ sao về y đức và một số sự việc đau lòng gần đây?
PGS. TS Nguyễn Hữu Tú: Tôi cũng có cảm giác rất buồn, tôi phản đối những việc làm vi phạm y đức của một số đồng nghiệp trong thời gian gần đây. Tôi nghĩ đây chỉ là một số nhỏ, nhưng cũng để lại hậu quả rất lớn đối với uy tín của ngành, của xã hội nói chung. Đúng là trong những năm gần đây chúng ta thấy vi phạm đạo đức nghề nghiệp gặp nhiều hơn, trong ngành y cũng vậy, nói rộng ra trong phạm vi xã hội cũng vậy.
Cũng có một phần lí do khác là thông tin bây giờ nhanh và rộng rãi hơn trước đây, chúng ta dễ nhận ra điều đó hơn, ngày trước thường nhà báo đến thì mới có tin.
PV: Theo PGS, những sự việc liên quan tới đạo đức ngành y như vừa qua thì nguyên nhân nằm ở đâu?
PGS. TS Nguyễn Hữu Tú: Báo chí và các cơ quan chức năng đã phân tích đến nhiều nguyên nhân của sự việc này. Tôi muốn đề cập thêm đến trách nhiệm của cá nhân. Đây là nguyên nhân quyết định. Một người thầy thuốc hành nghề phải hiểu, tôn trọng và không vi phạm các quy tắc nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp. Hệ thống quản lý chỉ có thể phòng ngừa tối đa chứ không thể loại bỏ hoàn toàn vi phạm có động cơ của cá nhân.
Ngay cả những nước phát triển hệ thống quản lí, pháp luật của họ rất rõ ràng, chặt chẽ, nghiêm khắc, nhưng vẫn có những cá nhân, những cán bộ y tế có những hành động phạm pháp nghiêm trọng.
PV: Thưa PGS, đối với sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, trong quá trình đào tạo để trở thành một bác sĩ, các em được học những gì về y đức?
PGS. TS Nguyễn Hữu Tú: Trường Đại học Y Hà Nội là một trong những trường đầu tiên thành lập Bộ môn Y đức y xã hội học, để nghiên cứu và giảng dạy chính thống cho các em sinh viên từ năm thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Ngoài ra các em còn được học môn Kỹ năng tiền lâm sàng, trong đó có phần quy tắc giao tiếp, ứng xử trong bệnh viện...Và đối với các môn học lâm sàng trong giảng dạy chuyên môn y đức cũng được lồng ghép trong những tình huống cụ thể.
Nhìn chung y đức được giảng dạy trong suốt cả thời gian học của sinh viên, hoặc bằng môn học chính thống hoặc được lồng ghép trong các môn học. Nhà trường đã động viên, chỉ đạo cho các thầy luôn tìm cách lồng ghép y đức trong giảng dạy chuyên môn, cũng kêu gọi các thầy trong lúc hành nghề hãy là tấm gương đạo đức cho sinh viên học tập và noi theo.
PV: Có ý kiến cho rằng, mặc dù các em được đào tạo rất bài bản về y đức nhưng khi ra đời các em phải vật lộn với cuộc sống, với môi trường xã hội, chính điều đó làm mất dần đi y đức trong mỗi bác sĩ, thậm chí là "phản bội" là lời thề Hippocrates và 12 điều y đức đã được học ở trường, ông nghĩ sao?
PGS. TS Nguyễn Hữu Tú: Học y đức trong trường đại học chỉ là một phần, một mắt xích để người cán bộ y tế có đạo đức khi làm việc. Đạo đức của nghề y phải dựa trên một nền tảng đạo đức, đạo lý của một con người nói chung trong xã hội. Mà đạo đức được hình thành, gọt dũa trong cả cuộc đời con người, từ khi sinh ra, lớn lên trong gia đình, đi học vỡ lòng, qua các trường học từ phổ thông tới đại học, ngay cả khi ra trường rồi là một sinh viên giỏi, ngoan. Mặc dù đã học tất cả các quy tắc đạo đức nhưng còn môi trường làm việc, môi trường sống, nhiều yếu tố có thể tác động. Do đó cần người cán bộ phải tiếp tục học tập, rèn luyện và giữ được bản lĩnh của mình, không vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Học đầy đủ đạo đức trong trường y, chưa thể chắc chắn trở thành một người cán bộ luôn có y đức trong khi hành nghề. Chúng ta cần cả gia đình, các nhà trường và xã hội.
PV: Liệu người cán bộ y tế có phải “uốn” mình theo dòng chảy xã hội không, thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Hữu Tú: Cũng không phải, vì anh đã chọn ngành y thì phải đi theo đạo đức ngành y, thậm chí những nguyên tắc rất khắc nghiệt nhưng vẫn phải theo, chứ nói vì xã hội thế này, thế kia mà tôi phải thay đổi tiêu cực thì không đúng. Tuy nhiên chúng ta đã nhận thấy xã hội có tác động rất quan trọng.
Sức nặng ngành Y nhiều hơn các ngành khác
PV: Trong thời gian qua nhiều người đã lên tiếng việc môn giáo dục đạo đức trong trường học từ mầm non tới phổ thông, đại học không được coi trọng, chính vì đó mà xuất hiện nhiều hành vi đạo đức của học sinh, sinh viên, vậy đây có phải là căn nguyên cho sự xuống cấp đó?
PGS. TS Nguyễn Hữu Tú: Tôi nghĩ không đúng đối với trường Đại học Y Hà Nội, vì tôi cũng đã từng là sinh viên của trường, và bây giờ tôi là giảng viên của trường và lãnh đạo của trường, tôi thấy việc dạy đạo đức trong trường được tăng cường rất nhiều so với thời của chúng tôi. Bằng chứng là trước đây không có Bộ môn Y đức y xã hội học, trước đây giảng dạy chỉ lồng ghép rất ít, nhưng hiện nay đã có Bộ môn chuyên nghiên cứu và giảng dạy, ngoài ra y đức còn được lồng nghép ở nhiều môn học khác.
PV: Tăng cường giáo dục y đức cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải chăng vấn đề y đức của mộ bộ phận cán bộ y tế trong thời gian qua đã trở nên quá lo ngại?
PGS. TS Nguyễn Hữu Tú: Đúng thế, cần tăng cường giảng dạy y đức, đây là một cảnh báo từ phía xã hội, từ phía nghề nghiệp. Môi trường sống và học tập có những cám dỗ đối với các em, không đơn giản như ngày xưa, trong đó các em chưa hoàn toàn phân biệt được cái tốt, cái chưa tốt, cái nào là phù hợp và không phù hợp và dễ bị sa ngã, chính vì thế cần tăng cường quản lý và định hướng cho các em.
PV: Trên cương vị là hai người thầy -thầy giáo và thầy thuốc, đây là hai người thầy được cả xã hội quan tâm, tin cậy, nhưng đứng trước nhiều thử thách cụ thể là những hành vi của đồng nghiệp trong thời gian qua, cá nhân ông có cảm thấy mình bị áp lực không?
PGS. TS Nguyễn Hữu Tú: Đúng là chúng tôi có hai vai, thầy giáo và thầy thuốc, rõ ràng sức nặng nhiều hơn các ngành khác. Phải làm tròn trách nhiệm của thầy thuốc với những quy tắc đạo đức nghề nghiệp rất khắt khe, làm thầy giáo cũng vậy, nhưng đã chọn nghề của mình thì phải cố gắng. Làm tốt được những công việc này chúng tôi cảm thấy rất tự hào.
PV: Trong thời gian tới để sinh viên thấm nhuần giáo dục y đức hơn nữa nhà trường có tăng cường thêm biện pháp gì?
PGS. TS Nguyễn Hữu Tú: Nhà trường vẫn tiếp tục làm phong phú, đặc biệt trong cách tiếp cận, giảng dạy y đức, làm môn học hay hơn, thực tế hơn, sâu sắc hơn, làm cho sinh viên ngấm sâu hơn chứ không phải là chỉ học để thi.
Nếu chỉ dừng lại ở những quy tắc giáo điều sinh viên sẽ không nhớ và cũng không muốn học. Nội dung cũng cần phải bao quát hơn, thực tế hơn, đi vào cuộc sống hơn là lý thuyết – đó là cái nhà trường đang hướng tới.
Nhà trường cũng yêu cầu tất cả các bộ môn phải lồng ghép vấn đề y đức trong hoạt động đào tạo, giảng dạy để sinh viên dễ tiếp thu hơn. Đặc biệt kêu gọi các thầy các cô trên giảng đường cũng như trong bệnh viện khi khám chữa bệnh hãy thể hiện mình là một tấm gương đạo đức cho sinh viên. Không có ví dụ nào về tấm gương tốt hơn là chính các thầy cô.
Xin cảm ơn PGS.
Theo: giaoduc.net.vn