Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtXã hội“Lộ sáng” một nguyên nhân khiến sức dân kiệt

“Lộ sáng” một nguyên nhân khiến sức dân kiệt

Thứ tư, 25 Tháng 9 2013 04:18
Lãnh đạo công ty cấp nước đô thị TP.HCM lương cao ngất ngưởng, 2,6 tỉ đồng /năm vừa bị đình chỉ công tác. ( Trong ảnh: Lãnh đạo công ty cấp nước đô thị TP.HCM từng được nhận Huân chương lao động hạng Ba) Lãnh đạo công ty cấp nước đô thị TP.HCM lương cao ngất ngưởng, 2,6 tỉ đồng /năm vừa bị đình chỉ công tác. ( Trong ảnh: Lãnh đạo công ty cấp nước đô thị TP.HCM từng được nhận Huân chương lao động hạng Ba)
Đánh giá sai phạm tại 4 công ty công ích ở TP.HCM trong vụ “nhận lương 2,6 tỷ đồng” là “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, Thành ủy – UBND TP HCM mới đây đã quyết định đình chỉ chức vụ 8 lãnh đạo của các công ty này để kiểm điểm, xử lý nghiêm. 

Quyết định kịp thời này của Thành ủy TP.HCM phần nào chấn an được dư luận bớt bất bình. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều ngẫm suy. Ngẫm tới một nguyên nhân khiến sức dân kiệt…

 

Bất bình và bất công

Chuyện thời sự nóng trong mấy tuần qua là câu chuyện về lương khủng của một số “ông chủ” công ty công ích. Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP HCM lương 2,6 tỉ đồng/ năm. Giám đốc Công ty TNHH MTV Chiếu sáng Công cộng 2,2 tỉ đồng/năm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình Giao thông Sài Gòn 856 triệu/1 năm … Không chỉ giám đốc, các chức danh như Chủ tịch Hội đồng thành viên, phó giám đốc, kế toán trưởng ở những công ty này lương cũng cao ngất ngưởng.

 

Nhiều người tưởng đó là câu chuyện mới, nhưng thực ra không hề mới vì chỉ khác là con số lương có khủng hơn mà thôi. Đã có lần dư luận phải thốt lên rằng: Chủ tịch HĐQT Petrolimex lương hơn 50 triệu đồng/tháng. Trong khi năm 2011, Petrolimex đã kinh doanh thua lỗ 1.671 tỷ đồng. Lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) hưởng lương 79,749 triệu đồng/tháng trong khi giá bán gạo Việt Nam rẻ nhất thế giới, còn những người nông dân làm ra hạt gạo thì phải bỏ ruộng, xin trả đất cho nhà nước…vv…

 

Những con số về lương của lãnh đạo Petrolimex, Vinafood, hay các công ty Thoát nước, Chiếu sáng, Giao thông khiến người “hiểu chuyện” phải bất bình, đau xót. Họ là những đơn vị được giao tiền của Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ chịu trách nhiệm về cấp thoát nước cho dân, nhưng kết quả là cứ mưa thì ngập lụt. Vậy họ lương cao và được thưởng là vì nguyên do thành tích gì? Với Petrolimex chiếm trên 60% thị phần bán lẻ xăng dầu mà mỗi lần tăng hoặc giảm giá có tính chất quyết định đến toàn bộ thị trường – nhà nước bù lỗ, kinh doanh lỗ lại được lương thưởng cao, là vì sao? Và cả chiếu sáng, giao thông và cả thoát nước đều nhờ tiền ODA – tiền vay thế chấp tương lai của đất nước để xây dựng và phát triển, vậy mà họ lại tự cho mình cái quyền được lương cao, thưởng cao . . , là nguyên cớ vì sao? Thật bất công và vô lý.

Hơn 2 năm nay, cả nước ta đang phải gồng mình với khó khăn kinh tế, có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, phải cạnh tranh, không trụ nổi trước khó khăn, phải “ra đi” hàng loạt. Bên cạnh đó có quá nhiều loại thuế phí bổ xuống đầu DN và dân.

 

Vậy mà có “ông chủ” ở công ty công ích lại nhận lương nhiều tỉ/năm, vị chi ông ta nhận lương 8,3 triệu đồng/ngày. Đây là tiền lương mà một người công nhân trực tiếp nhận được sau hơn 1 tháng trời lặn ngụp dưới lòng cống hôi thối. Thậm chí nó cao gấp đôi gấp ba lần lương tháng của hàng trăm người lao động ở những công ty khác…

 

Ở đất nước mà ta đang xây dựng chế độ tươi đẹp vì người dân lao động, vậy mà đâu đó còn có những “ông chủ”, những ông “quan tham” không vì người dân lao động.

 

Nếu như chúng ta phải vắt kiệt sức dân để bù đắp lại những khó khăn cho nền kinh tế do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới khó khăn thì lại đi một lẽ. Thế nhưng sự vắt kiệt ấy lại không đáng, không thể chấp nhận được nếu vắt kiệt sức dân để chi lương, thưởng khủng cho một số “quan tham” và đập vào nợ nần cho các tập đoàn nhà nước độc quyền hoặc những DNNN làm ăn thua lỗ.

 

Lãi lớn thì các doanh nghiệp công ích được tự thưởng nhưng lỗ lớn lại mang tiền nhà nước và tiền thuế của dân đóng góp để bù vào. Và điều đó là nghịch lý đi ngược với sự phát triển. Có cơ chế nào “giúp” họ vô trách nhiệm như thế không? Có đấy!

 

“ Kẽ hở cơ chế lớn nhất”!?

Hiện đang có nhiều văn bản liên quan đến cơ chế kiểm soát và phân bố lợi nhuận tại Doanh nghiệp nhà nước. Thông tư 27 ngày 14/9/2010 do Bộ Lao động - thương binh và xã hội ban hành về việc hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Thông tư 117/2010 ngày 5/8/2010 do Bộ Tài chính ban hành về việc hướng dẫn cơ chế tài chính trong công ty TNHH Một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu. Thông tư 138/2010 ngày 17/9/2010 Bộ tài Chính ban hành về việc hướng dẫn chế độ phân phối lợi nhuận đối với công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu. Và mới nhất là Nghị định 50/2013 NĐ – CP và Nghị định 51/2013 NĐ – CP của Chính phủ quy định cách hạch toán lương, mức lương của viên chức quản lý trong DNNN.

 

Theo Thông tư 27, mức lương tối đa các sếp này ( sếp ở những DN có mức lương khủng- PV) được hưởng cũng chỉ khoảng 30 triệu đồng/tháng. Và “mới toanh” là Nghị định 50/2013 NĐ – CP và Nghị định 51/2013 NĐ – CP của Chính phủ quy định lương của các sếp trong DNNN trong đó mức cao nhất là Chủ tịch Hội đồng thành viên là 36 triệu đồng/tháng và có quy định cuối năm thành tích tốt, lợi nhuận cao thì thưởng thêm nhưng không quá 0,5 lần mức lương.

 

Việc quản lý tài chính và phân phối lợi nhuận của các DN này được thực hiện theo Thông tư 117/2010 và Thông tư 138/2010. Theo đó, trong trường hợp DN có lợi nhuận, sau khi bù đắp lỗ của các năm trước theo quy định của Luật thuế thu nhập DN và nộp thuế thu nhập DN, lợi nhuận sẽ được phân chia: Chia lãi cho các thành viên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng (nếu có), bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế, trích 10% vào quỹ dự phòng tài chính (khi số dư quỹ bằng 25% vốn điều lệ thì không trích nữa), trích lập các quỹ đặc biệt từ lợi nhuận sau thuế theo tỷ lệ đã được Nhà nước quy định đối với công ty đặc thù mà pháp luật quy định phải trích lập. Số lợi nhuận còn lại sau khi trừ đi các nội dung quy định được phân phối theo tỷ lệ giữa vốn nhà nước và vốn công ty tự huy động bình quân trong năm. Lợi nhuận được chia theo vốn tự huy động được phân phối vào quỹ đầu tư phát triển của công ty, quỹ thưởng Ban quản lý điều hành công ty…

 

Lợi nhuận được chia theo vốn thuộc chủ sở hữu đầu tư tại công ty được sử dụng như sau: Đối với công ty chưa được đầu tư đủ vốn điều lệ thì phần lợi nhuận này được dùng để đầu tư bổ sung cho đủ mức vốn điều lệ của công ty đã được phê duyệt. Nếu công ty đã đủ vốn điều lệ thì số tiền này được báo cáo để đưa về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN Trung ương. Việc chia phần lợi nhuận này vào quỹ thưởng Ban quản lý điều hành DN rồi thưởng cho các sếp.

Điều rất tệ của các văn bản trên là, một bên là văn bản khống chế mức lương tối đa, mức thưởng tối đa, một bên lại là văn bản khuyến khích phân chia lợi nhuận thoải mái. . . Đây được cho chính là “kẽ hở cơ chế lớn nhất” để các sếp thoải mái nhận lương khủng mà vẫn ung dung không bị pháp luật sờ gáy.

 

Xử nghiêm để răn đe những “ quan tham” khác!

Nhưng chúng ta không thể đổ hết lỗi cho cơ chế. Vì cơ chế cũng là do con người ban hành ra.

Thật nực cười khi vụ việc các sếp lương khủng bị lộ sáng, nhiều cơ quan liên quan mới ồ lên, thốt lên… nhưng thực chất họ đã biết từ lâu và có thể lắm chứ họ là một bộ phận “cấu thành” trong đó. Dư luận cho rằng lương khủng cho thấy sự móc ngoặc giữa cơ quan phê duyệt cấp Ngân sách với các DN này rất chặt chẽ. Hàng năm đều có thanh tra, kiểm tra mà không hề có phàn nàn hay kiến nghị gì trước đó để điều chỉnh cơ chế làm cụt vốn nhà nước và chất đầy túi “quan tham”?

 

Đánh giá sai phạm tại 4 công ty công ích ở TP.HCM trong vụ “nhận lương 2,6 tỷ đồng” là “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, Thành ủy – UBND TP HCM mới đây đã quyết định đình chỉ chức vụ 8 lãnh đạo của các công ty này để kiểm điểm, xử lý nghiêm. Quyết định kịp thời này của Thành ủy TP.HCM phần nào chấn an được dư luận bớt bất bình.

“Hậu” vụ việc các sếp nhận lương khủng khiến ta phải lắng lại để ngẫm suy, ngẫm tới một nguyên nhân khiến sức dân kiệt, ngẫm các sếp thoải mái nhận lương khủng một thời gian dài mà pháp luật không sờ được gáy họ. Ngẫm vì sao có những “con voi tham nhũng” khiến sức dân kiệt, lại lọt lưới pháp luật?

 

Thời gian qua có nhiều vụ xử lý kiểu “đầu voi đuôi chuột” khiến dân thấy nản, báo chí cũng nản. Ví như vụ ở Tổng công ty Vật tư nông nghiệp thất thoát hàng nghìn tỉ đồng, Vinashin., Vinalines… Dân thấy những cơ quan có trách nhiệm cũng có xót, có xử lý, nhưng chỉ xử lý nửa vời để làm vợi dư luận mà thôi.

 

Đã đến lúc chúng ta phải tuyên chiến với một thực tế: “Vốn nhà nước thì cụt đi mà tiền giám đốc thì cứ đầy lên” rõ ràng là có tham nhũng. Trong vụ các sếp nhận lương khủng không thể chỉ kỉ luật họ cái án kỉ luật, nộp lại tiền tham lam, “cho hạ cánh an toàn” là xong. Như vậy vẫn chưa nghiêm minh, chưa chống được tham nhũng tận gốc, chưa chống được nạn chạy chức, chạy “ghế” bổng lộc. Đã có ý kiến của ĐBQH, luật sư đặt ra cần xem xét trách nhiệm hình sự với các vị sếp trắng trợn nhận lương khủng.

 

Xử lý nghiêm vụ này sẽ củng cố thêm quyết tâm chính trị của bộ máy, lòng tin của dân với tổ chức Đảng trong công cuộc chống tham nhũng. Xử lý nghiêm vụ này sẽ có tác dụng răn đe những “quan tham” khác đã, đang nhăm nhe đục khoét cái túi Ngân sách, khiến sức dân kiệt.

Theo: Pháp Lý

 

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516