Thời gian gần đây, sân khấu kịch nói có nhiều vở vừa có chất lượng nghệ thuật vừa thu hút đông khán giả.
Dấu ấn nghệ thuật
Sân khấu Hoàng Thái Thanh có 5 vở nhưng theo đánh giá của các nhà chuyên môn, hai vở: 29 anh về (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: NSƯT Thành Hội) và Tục lụy (tác giả: Ngọc Linh, đạo diễn: Ái Như) tạo sức hút lớn hơn đối với khán giả. Qua bàn tay đạo diễn luôn nỗ lực làm mới, cả 2 vở đều mang lại sức nóng cho sàn diễn này.
Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM có 5 vở mới nhưng 2 vở Tốt xấu giả thật (tác giả: Nguyễn Thu Phương, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc) và Đôi bờ (tác giả: Lê Duy Hạnh, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc) đã thu hút người xem bởi câu chuyện và hình thức dàn dựng mới lạ, tạo đất diễn cho nghệ sĩ sáng tạo thông qua các tình huống giao lưu rất ấn tượng.
Kịch Phú Nhuận năm nay có 4 vở thì 3 vở Hai, Tư, Sáu (tác giả - đạo diễn: Lê Quốc Nam), Làm đĩ (tác giả: Chu Thơm, đạo diễn: NSND Hồng Vân), Thu khùng (tác giả: Trần Kim Khôi, đạo diễn: Hạnh Thúy) được giới chuyên môn đánh giá cao bởi chất bi hài, đặc tả được không gian nhiều kịch tính, bớt sử dụng chiêu trò. Thành công này đã khẳng định thêm hai xu hướng dựng kịch: dựa theo tác phẩm văn học và dòng kịch trinh thám của NSND Hồng Vân.
Giải trí có tầm
Kịch Sài Gòn không nằm ngoài dòng chảy quen thuộc với 2 vở có tính giải trí, mang lại niềm vui nhưng sâu sắc, chứa đựng nhiều cảm xúc: Áo đợi người (tác giả: Nhã Ca, đạo diễn: NSƯT Đoàn Bá) và Tội ác và quyền lực (tác giả: Đăng Chương, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu). Trong đó, vở Tội ác và quyền lực mang lại nhiều bất ngờ khi cách dựng đưa ra các tình huống đan xen tạo sự hấp dẫn và cả việc tạo những khoảng lặng để người xem hồi hộp chờ đợi.
Nhà hát Thế giới trẻ vẫn trung thành với dòng kịch dành cho tuổi nhỏ khi dựng kịch hài pha yếu tố kinh dị. Nhiều vở diễn thu hút đông khán giả trẻ, đồng thời đạt chất lượng nghệ thuật nhưng ấn tượng nhất là Mua chồng (tác giả: Thanh Hương, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc) và Đời như (tác giả và đạo diễn: Bùi Quốc Bảo).
Thế mạnh của sân khấu này là có dàn diễn viên trẻ năng động nên 2 vở diễn trên đã khai thác được sự khao khát làm nghề, nỗ lực tìm kiếm cách xử lý không gian mới trên sân khấu quay mang lại cảm xúc mới lạ cho người xem.
Sân khấu Nụ cười mới dàn dựng 3 vở nhưng Cây cải về trời (tác giả, đạo diễn: Ngọc Tưởng), dựa theo tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư, được giới chuyên môn đánh giá tốt khi đạt được ba yếu tố: Nội dung vui nhộn, diễn xuất đồng đều, đạo diễn có nhiều xử lý hấp dẫn.
Một số vở diễn đáng nhớ khác Sân khấu IDECAF: Tía ơi má dìa (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn: Vũ Minh), Một ngày làm vua (tác giả: Viễn Hùng, đạo diễn: Hùng Lâm, Đình Toàn), Tôi là ai (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn: Vũ Minh). Sân khấu Hoàng Thái Thanh: Màu của tình yêu (tác giả: Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: Ái Như), Cảm ơn mình đã yêu em (tác giả: Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: Ái Như). Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM: Đảo thiên đường (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: NSƯT Công Ninh), Mẹ ơi (tác giả: Phạm Dũng, đạo diễn: Hạnh Thúy) và Gương mặt kẻ khác (tác giả: Bích Ngân, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc). Nhà hát Thế giới trẻ: Tình yêu nổi loạn (tác giả và đạo diễn: Cao Tấn Lộc), Hai chàng bảo mẫu (tác giả: Nguyễn Bảo Ngọc, đạo diễn: Ngọc Hùng), Am khuya (tác giả: Bùi Quốc Bảo, đạo diễn: Ngọc Hùng). Sân khấu Nụ cười mới: Siêu sao đồng ruộng, Thập diệm Diêm vương, Kịch Phú Nhuận: Cúc cù, cúc cu (tác giả: Phạm Dũng, đạo diễn: Trịnh Kim Chi). |