Quét nhà, hót rác ngày Tết là..."mất lộc".
Đó là quan niệm từ bao đời của người Việt trong những ngày đầu năm mới. Người ta cho rằng ngày đầu năm mới là những ngày mà "thần Tài" ghé thăm mỗi gia đình, đem lại may mắn, tài lộc cho gia chủ. Vì vậy, nếu quét nhà đổ rác đi sẽ vô tình đem lộc bỏ đi, cả năm sẽ không may mắn, tiền bạc hao tổn, sức khoẻ suy giảm, làm ăn sa sút...
Vì vậy, theo thông lệ, dù công việc có bận bịu đến mấy thì người ta cũng tranh thủ dọn dẹp, lau chùi nhà cửa sạch sẽ trước giao thừa để đón những điều may mắn trong năm mới và hết sức giữ gìn nhà cửa sạch, gọn để không phải quét dọn nhà hót rác đổ đi.
Ở Nam bộ sau khi quét dọn phải cất hết chổi, nếu trong ngày Tết bị mất chổi có nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm vào vét sạch của cải. Ở nông thôn ngày Tết, hiện nay còn có một số nhà vẫn giữ tục lệ rắc vôi bột ở bốn góc vườn, rồi vẽ mũi tên hướng ra cổng để xua đuổi ma quỷ.
Người Việt kiêng quét nhà, hót rác ngày Tết để tránh "mất lộc" (ảnh minh hoạ)
Theo nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), tục lệ này thực ra bắt nguồn từ một tích truyện cổ trong văn hoá Trung Hoa, xưa có mộtÂÂ người lái buôn tên là Âu Minh. Khi ông đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần thương ban cho một người hầu tên là Như Nguyệt. Từ ngày thương gia này đem Như Nguyệt về nuôi, trong nhà làm ăn phát đạt, chỉ vài năm là giàu to.
Một hôm Như Nguyệt phạm lỗi, Âu Minh không kiềm được cơn giận đã ra tay đánh cậu bé. Như Nguyệt hoảng sợ chui vào đống rác và biến mất, từ đó nhà Âu Minh làm ăn sa sút, buôn bán không được nên nghèo kiết xác. Dân làng cho đó là một vị thần mang lại sự giàu có mà nhà Âu không biết quý trọng. Kể từ đó mọi người kiêng không dám quét nhà đổ rác trong mấy ngày Tết.
Tuy nhiên, theo ông Hùng Vĩ, đó chỉ là một câu chuyện người ta nghĩ ra để giải thích cho việc làm của mình chứ không phải là chuyện có thật. Tích truyện đó cũng như bao câu truyện thần thoại, truyện cổ tích của người Việt Nam mà thôi, "Tôi chưa bao giờ tin rằng việc kiêng hót rác đổ đi trong những ngày Tết là gia chủ có thể ăn nên làm ra trong suốt cả năm đó. Và tôi khẳng định đó chỉ là quan niệm mê tín dị đoan mà thôi”, ông Vĩ chia sẻ.
"Theo tôi, câu chuyện đó nên hiểu theo ý nghĩa giáo dục về văn hoá ứng xử với người giúp việc trong xã hội thì hay hơn. Người giúp việc không còn là hiếm gặp trong các gia đình, nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, cách mà người ta đối xử với ôsin thì chưa hẳn đã "tử tế".
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Vĩ cũng cho biết, quan niệm này ăn sâu bám rễ trong suy nghĩ của nhiều người nên việc bắt người ta phải nghĩ khác là không nên. Chúng ta tôn trọng suy nghĩ của họ nếu như họ nghĩ việc làm đó là tốt cho mình. “Tôi nghĩ rằng việc họ kiêng quét nhà, hót rác ngày Tết cũng chẳng ảnh hưởng đến ai. Vì vậy, chúng ta tôn trọng họ. Tuy nhiên ở phương diện khoa học, chúng ta nên giải thích cho họ hiểu rằng những việc làm như vậy chẳng mang lại lợi ích gì cả”.
Kiêng xuất hành vào ngày “Nguyệt kỵ” ,“Tam Nương”
Trong quan niệm của nhiều người, ngày mùng 5, mười bốn, hai ba theo âm lịch là những ngày xấu, ngày kiêng kỵ không xuất hành. Nhất là những ngườiÂÂ làm băm ăn, buốn bán, họ sẽ kiêng xuất hành vào những ngày này.
Các ngày này cộng lại đều bằng 5, dân gian thường gọi là ngày "nửa đời, nửa đoạn" nên làm gì cũng chỉ giữa chừng, khó đạt được mục tiêu.
Còn những ngày mùng 3, mùng 7, 13, 18, 23, 27 trong lịch âm được quan niệm là ngày "Tam nương sát".
Có có quan niệm cho rằng, vào những ngày đó, Ngọc Hoàng sai 3 cô gái xinh đẹp (Tam nương) xuống hạ giới để làm mê muội và thử lòng con người. Nếu ai gặp phải sẽ bị các cô làm cho bỏ bê công việc, đam mê tửu sắc, cờ bạc...Vì vậy, người ta cũng kiêng xuất hành hay làm những việc trọng đại vào những ngày này vì cho rằng sẽ không thuận lợi như ý.
Nhưng nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ giải thích rằng, cho đến nay, “tôi khẳng định rằng chưa có một cơ sở khoa học nào chứng minh điều đó là đúng. Cũng chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về vấn đề này. Có thể bạn đọc được trong cuốn sách nào đó viết về những điều này nhưng đó cũng chỉ là sách mê tín mà thôi. Dân gian có câu “Đức năng thắng số, nhân định thắng Thiên”, con người không tin những loại sách mê tín thì quỷ thần không trách”.
Ông Hùng Vĩ cũng chia sẻ rằng, để thay đổi thói quen và suy nghĩ đã ăn mòn trong đời sống tâm linh của người Việt là điều cực kỳ khó. Con người ta bám víu vào một điều gì đó để lấy đó làm niềm tin, làm động lực để hy vọng rằng việc họ định làm sẽ có kết quả. Điều đó, chúng ta không nên trách nhưng cũng không cổ xuý.
Theo Nguoiduatin