Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcBIỂU HIỆN NỘI DUNG ỨNG XỬ TRÊN MẠNG XÃ HỘI CỦA SINH VIÊN HIỆN NAY

BIỂU HIỆN NỘI DUNG ỨNG XỬ TRÊN MẠNG XÃ HỘI CỦA SINH VIÊN HIỆN NAY

Thứ tư, 23 Tháng 11 2022 07:29

HỒ THANH PHONG

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bến Tre

Nhận bài ngày 17/10/2022. Sửa chữa xong 21/10/2022. Duyệt đăng 26/10/2022.

Abstract

Research on the content of student’s behavior on social networks, thereby showing the most prominent and typical expression levels of students when they behave on social networks. The article focuses on researching and clarifying two basic aspects of behavioral content on social networks, namely: Behavioral content on personal pages and behavioral content on friends, associations and groups. Thereby, proposing some solutions to improve the behavior culture of students on social networks.

Keywords: Behavioral content on social networks; Social Network; student.

1. Đặt vấn đề

Ứng xử, giao tiếp trên mạng xã hội (MXH) là một hoạt động thường xuyên, cơ bản khi tham gia mạng xã hội. Ứng xử trên MXH được biểu hiện qua nhiều khía cạnh đa dạng như: hành vi ứng xử; nội dung ứng xử; mối quan hệ ứng xử và các trang mạng xã hội thường dùng trong việc ứng xử,… Trong đó, nội dung ứng xử trên MXH được xem là yếu tố quan trọng, cốt lõi của việc ứng xử trên mạng xã hội.

Thông qua nội dung, người nói có thể mô tả, biểu hiện bằng các hình ảnh, ngôn từ (hành vi ứng xử) phù hợp với bối cảnh, hoàn cảnh giao tiếp. Việc ứng xử được người dùng sử dụng đa dạng các loại MXH mà bản thân cảm thấy phù hợp, quan tâm như đăng trên các trang facebook, zalo, tiktok,… (các trang MXH). Qua đó, khi nhận được nội dung của người đăng thì người nhận được thông tin, nội dung đó sẽ nắm bắt được nội dung và biểu hiện qua lời nói, thể hiện tâm trạng thấu hiểu, đồng cảm và dần hình thành mối quan hệ ứng xử, tương tác với nhau nhiều hơn không chỉ trên MXH mà còn trong đời sống thực tiễn (thiết lập mối quan hệ ứng xử). Như vậy, nội dung ứng xử trên MXH có ý nghĩa, vai trò quan trọng, quyết định đến hành vi, mối quan hệ ứng xử và các trang MXH thường dùng khi ứng xử trên MXH.

Nội dung ứng xử thể hiện tính chất, nội dung cốt lõi của vấn đề khi đọc, tiếp cận đến. Thông qua các dòng chữ, dòng tin nhắn bình luận, tin nhắn chat, giúp sinh viên (SV) có thể nắm bắt được nội dung của tin nhắn mà người gửi muốn truyền đạt, trao đổi, chia sẻ đến người đọc, người nhận. Hiện nay, tình trạng giới trẻ, nhất là các bạn SV thường có xu hướng sáng tạo ra một loại ngôn ngữ dùng để diễn đạt, truyền tải thông điệp giữa những bạn trẻ với nhau mới có thể hiểu được, điều này được biểu hiện qua nhiều nội dung ứng xử khá đa dạng: Ck, Vk, FA, RIP, OMG,… Mỗi ngôn từ, kí tự sẽ biểu thị những nội dung ứng xử khác nhau phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh giao tiếp trên MXH [3]. Tuy nhiên, việc ứng xử của SV đôi lúc còn mang tính cảm tính, dễ bị tác động bởi các nguồn thông tin xấu, tiêu cực trên mạng xã hội (tâm lý đám đông trên MXH) có thể dẫn đến nhiều tình trạng SV có biểu hiện các nội dung ứng xử thiếu chuẩn mực tác động tiêu cực đến đời sống tâm lý, tình cảm của giới trẻ nói chung.

Nội dung ứng xử trên MXH của SV trong bài báo được thể hiện qua hai khía cạnh chủ yếu đó là: ứng xử trên trang cá nhân (bản thân SV) và ứng xử trên các trang của bạn bè, hội, nhóm.

2. Tổng quan nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện đối với 250 SV các ngành, các năm tại 05 trường đại học trên địa bàn TP.HCM: Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM; Trường Đại học Kỹ thuật mật mã phân hiệu tại TP.HCM; Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM; Trường Đại học Văn hóa TP.HCM; Trường Đại học Mở TP.HCM tương ứng với 250 mẫu khảo sát, kết quả thu được 165 mẫu khảo sát đạt chất lượng (loại bỏ 85 phiếu không đạt yêu cầu).

Sau quá trình thu thập, phân tích, sàn lọc dữ liệu bằng phần mềm SPSS phiên bản 20.0, cho ra kết quả nghiên cứu được biểu hiện qua các con số cụ thể trong bảng thống kê của nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu được thực hiện từ giai đoạn tháng 10/2021-4/2022.

3. Nội dung nghiên cứu

Ứng xử trên MXH đang là vấn đề nóng được đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, khoa học quan tâm và thực hiện. Ứng xử trên MXH mang đến nhiều thuận lợi và thách thức nhất định. Theo thống kê về việc sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam năm 2022 cho thấy, có 76,95 triệu người dùng MXH ở Việt Nam vào tháng 1 năm 2022. Phân tích của Kepios cho thấy người dùng MXH ở Việt Nam đã tăng 5,0 triệu (+6,9%) từ năm 2021 đến 2022 .

Việc giao tiếp, ứng xử thông qua MXH sẽ mang đến nhiều thuận lợi như: người dân có thể thông qua các kênh MXH tự đăng ký các loại hình dịch vụ công trực tuyến một cách thuận lợi và dễ dàng, tiết kiệm chi phí và thời gian; học sinh, SV có thể học trực tuyến tại nhà, giao lưu, kết nối bạn bè qua các kênh MXH; mua sắm trực tuyến; lưu trữ và tìm kiếm các nguồn tài liệu công việc, học tập dễ dàng; đọc báo, nắm bắt tin tức nhanh chóng, kịp thời các sự kiện diễn ra trong cuộc sống;… Tuy nhiên, đi cùng với những thuận lợi trên, MXH ẩn chứa nhiều thách thức vô cùng tai hại, nhất là đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên. Bởi vì, về đặc điểm tâm sinh lý các em lúc này có nhiều biến đổi cả về nhận thức lẫn tinh thần tình cảm, thể chất phát triển. Các em cảm thấy mình không còn là trẻ con nữa, nhưng các em cũng có cảm giác mình chưa thực sự là người lớn. Tâm lý các em dễ bị tác động, nghe theo các thông tin trên MXH, bồng bột, đa số có tâm lý vội vàng, nỗ lực khẳng định cá tính riêng của mình nên thường có những biểu hiện nội dung ứng xử thiếu chuẩn mực với mọi người trên MXH như: đăng tải các bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung bêu xấu nhau trên MXH; nhắn tin bình luận với nội dung cà khịa, nói móc người khác trên các trang mạng, diễn dàn, chia sẻ các video chứa nội dung bạo lực, đăng tải thông tin trên các bài viết (poster), nhiều user, fanpage, group facebook tận dụng triệt để tính năng chia sẻ bài viết từ các website, blog khác để thu hút bình luận (comment) của người dùng, tạo dư luận trái chiều [2], livestream khiếm nhã xúc phạm người khác xuất hiện ngày càng nhiều trên MXH… đã và đang tác động rất lớn đến SV hiện nay, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hình ảnh của bản thân SV cũng như hình ảnh nhà trường. Chính vì thế, việc quan tâm nhiều hơn nữa đến các biểu hiện nội dung ứng xử của SV trên MXH hiện nay đang là một trong những vấn đề không chỉ các cấp, các ngành có liên quan, mà còn là trách nhiệm của bản thân SV, gia đình và toàn xã hội.

Nội dung ứng xử trên MXH là một trong những nội dung quan trọng trong văn hóa ứng xử trên MXH [1]. Nội dung ứng xử trên MXH chứa đựng một hay nhiều vấn đề, nội dung mà người đọc, người nhận quan tâm, thể hiện tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, nhận thức, thái độ của người gửi đến người nhận thông qua ngôn ngữ, hình ảnh, kí hiệu riêng biệt.

Nội dung ứng xử có thể chứa đựng một hay nhiều vấn đề, thông tin khác nhau.

Nội dung ứng xử trên MXH luôn ẩn chứa, tồn tại hai mặt của một vấn đề: tích cực và tiêu cực. Tùy vào nhận thức, quan điểm của mỗi cá nhân sẽ có những cách ứng xử, nội dung bình luận khác nhau.

3.1. Văn bản pháp lý liên quan đến nội dung ứng xử trên MXH

Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH, trong đó, tại Điều 4, chương 2 có quy định về nội dung ứng xử trên MXH đối với cá nhân, tổ chức.

Luật số: 24/2018/QH14 của Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc ban hành Luật An ninh mạng 2018, có hiệu lực từ ngày 12/6/2018 đã quy định rõ về một số nội dung liên quan đến MXH.

Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính Phủ về việc ban hành quyết định phê duyệt đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”.

Thông qua một số văn bản pháp lý trên đã khẳng định tính chất quan trọng cũng như vai trò của nội dung ứng xử trên MXH nói chung, nội dung ứng xử của SV trên MXH nói riêng mà các cấp, các ngành trong toàn xã hội phải quan tâm đúng mức.

3.2. Nội dung ứng xử trên trang cá nhân

Nội dung ứng xử trên trang cá nhân là một khía cạnh quan trọng trong nội dung ứng xử trên MXH.

Trang cá nhân trên MXH tương ứng với một tài khoản trên MXH. Tại đây, người dùng có thể tự do đăng tải thể hiện các nội dung mà bản thân, cá nhân người dùng mong muốn, thông qua các bài viết, hình ảnh, video clip, thông tin, vấn đề thường nhật diễn ra trong đời sống xung quanh.

Để đánh giá một cách khách quan mức độ biểu hiện các nội dung ứng xử của SV trên trang cá nhân, chúng tôi tiến hành thực hiện khảo sát và thu được kết quả như sau:

1

Bảng 1. Mức độ biểu hiện nội dung ứng xử trên trang cá nhân của SV

Nguồn: Khảo sát của tác giả, 12/2021

Chú thích: (MĐ1: Không bao giờ; MĐ2: Hiếm khi;MĐ3: Thỉnh thoảng;MĐ4: Thường xuyên; MĐ5 : Rất thường xuyên).

Qua bảng số liệu phân tích trên cho thấy, nội dung ứng xử của SV trên MXH chỉ tập trung ở mức độ thỉnh thoảng, một số nội dung được SV biểu hiện trên MXH như: chia sẻ, đăng tải những thông tin cuộc sống, hoạt động hàng ngày của bản thân; những hoạt động hay sự gặp mặt của gia đình; những chuyến đi chơi, cuộc gặp gỡ với bạn bè; phong trào của lớp, đoàn, nhà trường; những sự việc ấn tượng xung quanh mà bạn chứng kiến,… được biểu hiện ở mức độ thỉnh thoảng là nhiều nhất. Tuy nhiên, nổi bật nhất là các biểu hiện: Đăng tải, chia sẻ những kỷ niệm đặc biệt của bản thân; bày tỏ tâm trạng, cảm xúc của cá nhân (rất vui, buồn, lo lắng,…) lên MXH và chia sẻ về hoạt động học tập của mình và bạn bè trên MXH. Những nội dung trên được SV biểu hiện lên MXH rất phổ biến, thường xuyên nhất. Điều này cho thấy, bản thân mỗi SV đều luôn muốn thể hiện những cảm xúc cá nhân của mình lên MXH, SV rất muốn nhận được những lời bình luận, khen ngợi và động viên tích cực đến từ người thân, họ hàng và bạn bè trên MXH.

3.3. Nội dung ứng xử trên trang bạn bè, hội, nhóm

Nội dung ứng xử trên các trang bạn bè, hội, nhóm là một hình thức khá phổ biến đối với SV các trường đại học ở Việt nam.

Nội dung ứng xử trên các trang bạn bè, hội, nhóm của SV bao gồm các biểu hiện nổi bật như: đăng tải những thông tin, hình ảnh đặc biệt, giật gân, ấn tượng mạnh; thể hiện thái độ của bản thân đối với hành vi của người khác; đăng bài chia sẻ kinh nghiệm học tập, hoạt động; hỏi, trao đổi thông tin hoạt động của lớp, nhóm; chúc mừng sinh nhật, ngày lễ; động viên, khích lệ, chia sẻ với bạn bè trong cuộc sống; tuân thủ quy tắc do trưởng nhóm đặt ra khi tham gia các trang, hội nhóm; lưu bài viết của bạn bè vào mục yêu thích cá nhân; giao lưu, gặp gỡ trực tuyến (họp lớp, sinh hoạt,…).

Để nghiên cứu và chỉ ra mức độ biểu hiện các nội dung ứng xử trên trang bạn bè, hội nhóm của SV, chúng tôi đã tiến hành khảo sát theo mức độ tăng dần, từ thấp đến cao đo lường mức độ biểu hiện các nội dung ứng xử của SV, và đưa đến bảng kết quả như dưới đây:

2

Bảng 2. Mức độ biểu hiện nội dung ứng xử trên trang bạn bè, hội, nhóm SV

Nguồn: Khảo sát của tác giả, 12/2021

Chú thích: (MĐ1: Không bao giờ; MĐ2: Hiếm khi; MĐ3: Thỉnh thoảng; MĐ4: Thường xuyên; MĐ5: Rất thường xuyên).

Thông qua khảo sát 09 biểu hiện nội dung ứng xử trên MXH của SV, theo các mức độ từ thấp đến cao (không bao giờ; hiếm khi; thỉnh thoảng; thường xuyên và rất thường xuyên) kết hợp với các số liệu đã phân tích ở bảng số liệu trên đã cho ta thấy: mức độ biểu hiện nội dung ứng xử trên trang bạn bè, hội nhóm của SV chỉ tập trung ở mức độ trung bình (mức độ thỉnh thoảng chiếm tỷ lệ cao nhất trong bảng số liệu). Hầu hết SV thường có những biểu hiện như đăng tải, chia sẻ những thông tin, hình ảnh đặc biệt, giật gân, ấn tượng mạnh trên MXH; muốn thể hiện thái độ của bản thân đối với hành vi của người khác; hay thường xuyên đăng bài chia sẻ kinh nghiệm học tập, hoạt động của bản thân, bạn bè;… chiếm tỷ lệ cao trong các biểu hiện. Qua đây có thể thấy, khả năng ứng xử của SV trên MXH đang có vấn đề. Nguyên nhân có thể là do phần lớn SV có xu hướng thể hiện “cái tôi” cá nhân, sự hiểu biết cá nhân, có nhu cầu khẳng định bản thân, thích được người khác khen ngợi và khoe cái đẹp của bản thân trên MXH. Tuy nhiên, những bình luận trên MXH đôi lúc chỉ mang tính cảm tính nhất thời hoặc nhằm mục đích hưởng ứng theo trào lưu đám đông, không phản ánh đầy đủ và toàn diện được bản chất của vấn đề. Tuy nhiên, những hoạt động đăng trên các trang bạn bè, hội nhóm của SV đó cũng là điều kiện cơ bản để kết nối, tương tác và thể hiện sự quan tâm của bạn bè dành cho người nào đó.

Như vậy, nội dung ứng xử trên MXH được SV biểu hiện qua hai khía cạnh chính: biểu hiện trên trang cá nhân và trên trang bạn bè, hội, nhóm:

- Đối với trang cá nhân, những biểu hiện thường hay gặp nhất đó là: đăng tải những kỷ niệm đặc biệt của bản thân; bày tỏ tâm trạng, cảm xúc của cá nhân (rất vui, buồn, lo lắng….); và đăng tải những hoạt động học tập của mình và bạn bè là phổ biến.

- Đối với trang bạn bè, hội, nhóm, SV thường có những biểu hiện nổi bật đó là: Tuân thủ quy tắc do trưởng nhóm đặt ra khi tham gia các trang, hội nhóm; Chúc mừng sinh nhật, ngày lễ; Hỏi, trao đổi thông tin hoạt động của lớp, nhóm.

3.4. Giải pháp nâng cao nội dung giao tiếp ứng xử của SV trên MXH

Việc biểu hiện các nội dung ứng xử trên MXH của SV là do chính bản thân SV có mong muốn được biểu hiện. Chính vì thế, để góp phần cải thiện, nâng cao ý thức của SV trong việc biểu hiện các nội dung trên MXH là trách nhiệm của cả cộng đồng. Thiết nghĩ, trong thời gian tới để nâng cao khả năng, năng lực ứng xử của SV trên MXH, cần phải thực hiện một số giải pháp cơ bản dưới đây:

3.4.1. Nâng cao ý thức trong việc tự học, tự nghiên cứu sách, báo, tạp chí, tiếp cận nội dung của vấn đề một cách toàn diện, đa chiều

a. Mục tiêu

Nâng cao ý thức của SV trong việc biểu hiện nội dung ứng xử trên mạng xã hội; hình thành ý thức tự giác, thói quen ứng xử tích cực hơn khi đối mặt với các vấn đề trên các trang mạng xã hội (trang cá nhân và trang bạn bè, hội, nhóm).

b. Nội dung và cách thức thực hiện

- Tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi và xem xét các nội dung thông tin bình luận, chia sẻ về một nội dung hay vấn đề quan tâm rõ ràng, có nguồn gốc, chính thống;

- Xác định các từ khóa cần thực hiện tìm kiếm, sách, báo, tạp chí, nội dung, vấn đề trên các trang cá nhân hoặc trang bạn bè, hội, nhóm;

- Sử dụng Google và gõ các từ khóa cần tìm kiếm trên một số tạp chí và báo điện tử uy tín hoặc các hội thảo nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án,…;

- Tham khảo và chọn lọc các tài liệu phù hợp, đúng với nhu cầu, mục đích của người sử dụng;

- Trích dẫn lại các nguồn tài liệu tham khảo được sử dụng trong các tài liệu sử dụng trong bài viết;

- Đọc và ghi chú lại những nội dung cốt lõi, tóm tắt lại nội dung chính của bài viết tham khảo, hoặc nội dung các vấn đề trên mạng xã hội.

c. Điều kiện thực hiện

- Phải có thời gian đọc, nghiên cứu;

- Phải có ý thức tự giác, tích cực, siêng năng trong việc thực hiện công việc;

- Phải có sự ghi nhớ tốt, kỹ năng phản biện các vấn đề về nội dung ứng xử trên mạng xã hội đúng, theo quan điểm cá nhân và phù hợp với lối ứng xử chuẩn mực, văn minh trên mạng xã hội;

- Phải có sự đeo bám, kiên trì, bền bỉ theo thời gian mới mang lại hiệu quả mong đợi.

3.4.2. Sự quan tâm của Nhà trường, gia đình và xã hội trong các hoạt động quản lý SV với các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội

a. Mục tiêu

- Hiểu được vai trò, tầm quan trọng cũng như trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong việc tổ chức, phát động, tạo điều kiện, môi trường sinh hoạt lành mạnh cho SV, qua đó nângg cao nhận thức của SV trong việc ứng xử với các mạng xã hội phù hợp.

- Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho các hoạt động tuyên truyền, ứng xử lành mạnh trên mạng xã hội đối với SV, góp phần hình thành thói quen, phẩm chất đạo đức trong sáng, duy trì lối ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội.

b. Nội dung và cách thức thực hiện

- Xây dựng quỹ đồng hành cùng SV: Với ý nghĩa tạo điều kiện, môi trường cho SV tham gia hoạt động, hạn chế thời gian sử dụng MXH nhiều, góp phần hình thành nề nếp, lối sống, tác phong ứng xử chuẩn mực trên MXH và đời sống. Quỹ đồng hành SV được thành lập với sự liên kết, tự nguyện giữa nguồn kinh phí của đội ngũ giáo viên nhà trường và với các bậc phụ huynh SV quan tâm đến các hoạt động, nội dung ứng xử của con mình trên mạng xã hội. Quỹ đồng hành là nguồn cung cấp kinh phí tổ chức các hoạt động, chương trình ý nghĩa cho SV, góp phần tăng cường tính kết nối, tính giáo dục và tính nhân văn trong các hoạt động theo định hướng giáo dục của nhà trường và xã hội.

- Tổ chức bằng hai hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến:

Sử dụng hình thức trực tiếp với các chương trình; cuộc thi video người dẫn chương trình; Hội thi tiếng hát SV; Ngày hội trải nghiệm, sáng tạo; talkshow; đối thoại, gặp gỡ lãnh đạo với đoàn viên, thanh niên; diễn kịch sân khấu hóa; kể chuyện… Thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn về văn hóa ứng xử trên MXH qua đó định hướng SV hiểu hơn về các nội dung ứng xử trên MXH một cách lành mạnh, có văn hóa.

Sử dụng hình thức trực tuyến để phát động cuộc thi về thiết kế inforgraphic; những ấn phẩm truyền thông về nội dung ứng xử lành mạnh qua MXH; cuộc thi tìm hiểu lịch sử địa phương vào các dịp lễ, các ngày quan trọng gắn với sự kiện lịch sử của đất nước, dân tộc, thiết kế logo, cuộc thi “Sinh viên với gia đình văn hóa”: mỗi ngày SV viết bài kèm 01 hình ảnh đẹp của bản thân và gia đình, đăng tải trên trang cá nhân và tổng kết, đánh giá, trao thưởng theo mức độ like, share và comment của bạn bè trên mạng xã hội,…

c. Điều kiện thực hiện

- Sự vận động về nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động, chương trình về các nội dung ứng xử trên MXH;

- Sự vào cuộc quản lý của các cơ sở, cơ quan chức năng về quản lý các trang MXH trong việc đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, rà soát, phát hiện và kịp thời uốn nắn các biểu hiện nội dung ứng xử thiếu văn hóa, thiếu lành mạnh trên các trang MXH;

Bên cạnh đó, Cấp Ủy và nhà trường cần chủ động, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện các công trình thanh niên, các dự án khởi nghiệp dành cho thanh niên, giới thiệu các mô hình hay, sáng tạo về học tập, nâng cao các kỹ năng sử dụng công nghệ, phần mềm cho SV; giảm bớt và hạn chế thói quen sử dụng mạng xã hội vào thời gian rảnh rỗi.

3.4.3. Nâng cao năng lực thông tin giữa người thân, bạn bè và nhà trường trong các nội dung ứng xử của SV trên mạng xã hội

Đoàn Thanh niên, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cần triển khai và thực hiện các mô hình câu lạc bộ; phát động các cuộc thi thiết kế inforgraphic, thành lập câu lạc bộ truyền thông về các nội dung ứng xử trên mạng xã hội. Qua đó, vừa tạo phong trào thu hút đông đảo đoàn viên, SV tham gia, vừa nâng cao tính hiệu quả trong việc ứng xử trên MXH đối với SV ở một số trường đại học, cao đẳng hiện nay.

a. Mục tiêu

Tạo ra các kênh qua các ứng dụng MXH nhằm dễ dàng nắm bắt thông tin của SV với các nội dung ứng xử trên MXH, qua đó đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, phạm tội qua mạng xã hội của SV.

b. Nội dung và cách thức thực hiện

- Thành lập các tổ giám sát qua hình thức trực tuyến: Trong đó có sự tham gia của ba, mẹ, phụ huynh của các bạn SV tham gia cùng với các đội ngũ giáo viên nhà trường và lực lượng cơ quan quản lý pháp luật. Qua đó, kịp thời nắm bắt, trao đổi thông tin về các hoạt động đăng tải, chia sẻ, biểu đạt cảm xúc của SV trên trang cá nhân và trang bạn bè, hội, nhóm.

- Thành lập tổ tư vấn tâm lý qua hình thức trực tuyến: giúp tăng cường tính chủ động, tự giác và tạo không gian riêng tư, thoải mái trao đổi các thông tin, các vấn đề về tâm lý, tình cảm của các bạn SV gặp phải; góp phần tháo gỡ kịp thời những vấn đề phát sinh của SV trên MXH; tạo tâm lý thoải mái, an toàn khi ứng xử trên MXH.

c. Điều kiện thực hiện

- Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc quản lý các trang MXH nhằm hỗ trợ, tư vấn các vấn đề pháp lý trong việc ứng xử, sử dụng MXH hiệu quả.

- Sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa Nhà trường và phụ huynh SV trong việc tham gia, theo dõi, gửi các thông tin, hình ảnh ứng xử của SV trên MXH hàng ngày được cập nhật kịp thời.

4. Kết luận

Biểu hiện nội dung ứng xử trên MXH của SV được thể hiện một cách rõ nét qua hai khía cạnh: trang cá nhân và trang bạn bè, hội, nhóm. Đối với việc ứng xử trên trang cá nhân, hầu như các bạn SV đều thích được bày tỏ cảm xúc cá nhân trước những thông tin, vấn đề gặp phải; thích được đăng các thông tin, thành tích cá nhân đã đạt được trong học tập cũng như cuộc sống; Tuy nhiên, đối với việc ứng xử trên trang bạn bè, hội, nhóm thì SV thường có các biểu hiện nổi bật như: Tuân thủ quy tắc do trưởng nhóm đặt ra khi tham gia các trang, hội nhóm; Chúc mừng sinh nhật, ngày lễ; Hỏi, trao đổi thông tin hoạt động của lớp, nhóm. Tóm lại, đa phần SV đều thích thể hiện cái đẹp của bản thân mình trên mạng xã hội, mong muốn tạo cho bản thân mình một “profile online hoàn hảo” trên MXH và muốn lan tỏa những cái đẹp, thích được mọi người khen ngợi, bình luận nhiều trên MXH.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Hồ Thanh Phong (2022), Văn hóa ứng xử trên MXH của sinh viên một số trường Đại học trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, công trình nghiên cứu khoa học sinh viên cấp phân viện, bảo vệ ngày 28/4/2022 tại Phân viện miền Nam - Học viện thanh Thiếu niên Việt nam.

[2] Bùi Văn Minh (2021), Kiểm duyệt bài viết và bình luận tiếng việt có nội dung không phù hợp trên mạng xã hội Facebook, Luận văn thạc sỹ An toàn thông tin, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên ngành An toàn thông tin, tr.16.

[3] Võ Tú Phương, Ngôn ngữ hội thoại trên mạng xã hội và vấn đề giáo dục ngôn ngữ cho học sinh”, Tạp chí Thư viện số Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu.

[4] Hồ Thanh Phong (2022), Biểu hiện hành vi ứng xử trên mạng xã hội của sinh viên một số trường đại học trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh”, Tạp chí Giáo dục, số 22 (Số đặc biệt 7), tr. 297-301.

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516