Với mỗi tiết học kéo dài 30 phút (đối với khối 3) và 45 phút (đối với khối 6), theo thời khóa biểu của nhà trường, công ty VHGD Long Minh đã đến và hướng dẫn cho các em về những vấn đề cơ bản liên quan đến cấu trúc của mỗi cuốn sách mà các em vẫn đọc hàng ngày.
Để phù hợp với tư duy tiếp nhận của trẻ, Long Minh đã thực hiện bài giảng bằng hình thức trò chuyện, học mà chơi, thuyết trình kết hợp với hình ảnh trình chiếu trực quan sinh động.
Tiết học thư viện trở nên sinh động hơn khi giờ tự đọc của các em được chuyển thành giờ học thú vị về những cuốn sách. Cấu trúc bài giảng cũng được đổi mới linh hoạt khi thì được cấu trúc như một bài học cụ thể, rõ ràng, lúc lại được chuyển tải dưới dạng một câu chuyện nhẹ nhàng của những cuốn sách kể về mình. Tất cả đều giúp các em hiểu được một cuốn sách đã được ra đời như thế nào, những ai đã làm cho chúng chuẩn, hay và đẹp. Ngoài ra, các em còn được giới thiệu về cấu trúc của một cuốn sách gồm bìa sách, gáy sách, ruột sách… Trong đó, đặc biệt trẻ tỏ ra khá hứng thú với các vấn đề mới là thông tin từ các trang xi – nhê và khái niệm Index (Bảng tra cứu theo vần). Sau khi được chia sẻ về các thông tin trên, các em tiếp tục được chơi trò “Thi tìm Index” hoặc “Đi tìm nhà thông thái” cùng các anh chị đến từ Công ty Long Minh.
Tại trường Nguyễn Siêu các em học sinh khối tiểu học, THCS và THPT được trang bị hai thư viện đọc sách khá rộng rãi, sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi với rất nhiều thể loại sách phong phú, tạo nên một không gian văn hóa sách ấn tượng.
Đây là chương trình thí điểm, giúp các em có thêm cơ hội học hỏi, hiểu thêm về sách và những người làm sách. Các đại diện của Công ty Văn hóa Giáo dục Long Minh đã chia sẻ và trò chuyện cùng các em về vấn đề Văn hóa đọc.
Những điều bổ ích mà các tiết học do những người làm sách của Long Minh mang đến đã bổ sung thêm hiểu biết và truyền hứng thú tìm và đọc sách cho các em học sinh. Đây là một hình thức sinh hoạt ngoại khóa thú vị và hữu ích, nên phát huy và nhân rộng trong các nhà trường.
Theo: Bảo Minh (GD&TĐ)