Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcGIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC – VẤN ĐỀ CỐT LÕI CỦA VIỆC HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH CHO HỌC SINH

GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC – VẤN ĐỀ CỐT LÕI CỦA VIỆC HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH CHO HỌC SINH

Thứ sáu, 24 Tháng 5 2013 07:19
Bác Hồ với thiếu nhi Bác Hồ với thiếu nhi
Từ khi sinh ra, lớn lên và trưởng thành, con người luôn được sống trong ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. Để hoà nhập cùng phát triển, ngoài tri thức, con người còn phải có đạo đức để điều chỉnh mọi hành vi của mình sao cho phù hợp với tồn tại xã hội và ý thức xã hội trong hình thái kinh tế - xã hội hiện nay. Quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh được bắt đầu từ khi các em cắp sách đến trường, bước chân vào lớp Một đúng như quan điểm của Bác Hồ: “Trẻ em như búp trên cành” cần được nâng niu, quan tâm chăm sóc tỉ mỉ và chu đáo. Việc trau dồi cho trẻ em những tri thức và kĩ năng cần thiết hữu ích cho cuộc sống chẳng khác nào người nghệ sĩ chơi cây cảnh phải uốn nó theo hình thế từ khi chúng còn non. Mấy ai đợi đến khi cây trưởng thành rồi mới uốn nắn theo tư duy của mình? Tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng, trải qua năm tháng được giáo dục trong nhà trường, gia đình và xã hội quan tâm chăm sóc, đạo đức nhân cách dần được hình thành và phát triển hoàn thiện.

Giáo dục đạo đức - vấn đề cốt lõi của việc hình thành nhân cách cho học sinh phổ thông là cả một quá trình được chuẩn bị đầy đủ về tri thức khoa học và chiến lược đào tạo từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ cụ thể đến trừu tượng. Không chỉ dừng lại ở bồi dưỡng nhận thức về chuẩn mực đạo đức xã hội mà giáo dục còn góp phần định hình và phát huy những phẩm chất cần thiết của nhân cách con người với những hành vi cao đẹp đầy tính nhân văn cùng hệ thống chuẩn mực hành vi đạo đức: chuẩn mực tri thức và niềm tin; chuẩn mực về tình cảm, thái độ; hình thành cho học sinh những kĩ năng, hành vi phù hợp với các chuẩn mực và trên cơ sở đó rèn luyện thói quen đạo đức tích cực.

 

Đạo đức là gốc rễ của nhân cách con người. Nếu đức cao sẽ được mọi người kính nể, trong lòng sẵn có giá trị nhân văn, nhân đạo. Sinh thời Chủ tịc Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, điều này thể hiện rõ trong câu: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên” (Nửa đêm). Quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố: bẩm sinh, di truyền, hoàn cảnh sống, việc giáo dục và tự giáo dục. Quan điểm duy vật biện chứng khẳng định tính chất quan trọng của của các yếu tố bẩm sinh di truyền và hoàn cảnh sống với sự hình thành và phát triển tâm lí. Yếu tố bẩm sinh - di truyền được coi là tiền đề vật chất có ảnh hưởng nhất định đến các yếu tố tâm lí như tính cách, năng lực, trí nhớ,… Yếu tố môi trường và hoàn cảnh sống có những ảnh hưởng quan trọng tới việc hình thành nhân cách con người. Theo quan điểm của Hồ Chủ tịch thì nhân cách được hình thành trong quá trình giáo dục. Chẳng thế mà khi đứa trẻ sinh ra bị lạc trong rừng sống cùng bầy sói thì nó không thể thành người được. Vậy, môi trường giáo dục quyết định việc hình thành nhân cách cho học sinh phải đảm bảo những điều kiện như: chế độ chính sách ưu việt trong giáo dục; việc tích hợp lồng ghép chương trình đào tạo phù hợp; người thầy là tấm gương sáng về đạo đức và nhân cách; học sinh thân thiện, chủ động tích cực; cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ và đáp ứng được nhu cầu học tập trong thời đại mới.

 

Theo quan điểm duy vật biện chứng, Bác Hồ không tuyệt đối hóa vai trò của giáo dục nhưng giáo dục đóng vai trò quyết định việc hình thành nhân cách con người. Quan điểm này có sự kế thừa và phát triển từ những bậc tiền nhân trong lịch sử, Khổng Tử quan niệm tiến bộ đúng đắn về đạo học: “Học cho rộng, hỏi cho kĩ; nghĩ cho cẩn thận, phân biệt cho sáng tỏ, làm cho hết sức. Có điều không học nhưng đã học điều gì thì phải học cho kì được. Có điều không hỏi, nhưng khi đã hỏi điều gì thì phải hỏi cho thật hiểu. Có điều không nghĩ nhưng đã nghĩ điều gì thì phải nghĩ cho ra. Có điều không phân biệt nhưng đã phân biệt điều gì thì phải phân biệt cho minh bạch. Có điều không làm nhưng đã làm điều gì thì phải cố hết sức mà làm cho bằng được… Nếu quả theo được đạo ấy thì tuy ngu mà cũng thành sáng, yếu đuối rồi cũng thành ra khoẻ mạnh”. Giáo dục là hoạt động chủ đạo nên cần coi trọng việc tổ chức, hướng dẫn hoạt động của trẻ em. Trẻ càng được hoạt động hết mình với thế giới khách quan thì càng nâng cao chất lượng quá trình xã hội hoá cá nhân của chúng. Xây dựng môi trường giáo dục tốt là tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với sự phát triển nhân cách của trẻ em, bởi “con người tạo ra hoàn cảnh tới mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người mức ấy” (K. Marx). Việc cần giáo dục trẻ tự ý thức về những hoạt động của bản thân, yếu tố tự giáo dục ở trẻ càng cao bao nhiêu càng có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển nhân cách của chính nó bấy nhiêu.

 

Giáo dục toàn diện học sinh từ khi trẻ thơ cho đến lúc trưởng thành phải đảm bảo đạt được (hội tụ trong một con người) những yếu tố: đức (đạo đức, ngoan, lễ phép, thân thiện, hòa nhã), trí (kiến thức, trí tuệ, sự hiểu biết - thông thái), thể (sức khỏe, thể dục - thể thao, năng khiếu), (đẹp trong trang phục, quan niệm về cái đẹp) và văn (con người hoàn thiện về nhân cách và thể hiện là người có văn hóa). Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có quan điểm biện chứng về tài và đức: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Đây là một minh chứng cho việc giáo dục toàn diện con người mới trong thời đại ngày nay.

                         Nguyễn Chí Thức

                       (Cán bộ Sở GD&ĐT TỈNH Tuyên Quang)

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516