Hàng loạt các giải pháp được triển khai
Trả lời câu hỏi về việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không để HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý cho biết, chương trình tín dụng với HSSV theo Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện 5 năm nay. Thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Thủ tướng trên tinh thần không để HSSV nào bỏ học vì lý do tài chính, Bộ GD&ĐT đã triển khai các giải pháp:
Hàng năm, Bộ có văn bản chỉ đạo công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về chương trình tới toàn thể HSSV. Ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu các trường sớm cấp giấy chứng nhận cho HSSV để làm thủ tục vay vốn. Những HSSVnào chắc chắn được lên lớp, tiếp tục học phải cấp giấy chứng nhận sớm cho các em để làm thủ tục vay vốn. Một số trường hợp thi lại, buộc thôi học thì nhà trường cần kịp thời thông báo cho ngân hàng CSXH, tránh việc thất thoát vốn. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH nắm thông tin, xử lý những vướng mắc phát sinh, quản lý và thu hồi vốn sau khi sinh viên ra trường. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã triển khai cùng Bộ LĐTBXH xây dựng website vay vốn đi học phục vụ công tác quản lý tín dụng, xây dựng thông tư hướng dẫn, cung cấp thông tin trên trang này. Trang web có địa chỉ: http://vayvondihoc.moet.gov.vn/?page=9.5&mode=register
Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng cho biết, thường vào đầu năm học mới, các HSSV thường chậm nhận được tiền vay. Trước thực tế này, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường có chính sách giãn thu cho các em. Các em thuộc diện cho vay theo Quyết định 157 sẽ được đóng tiền sau. “Chúng tôi đã đề nghị các trường cùng chia sẻ khó khăn với nhà nước, không bắt các em phải nộp ngay. Các em nào diện gia đình nghèo, chưa có điều kiện đóng thì cho các em đóng sau. Các em bị trường thúc ép thì hãy phản ánh với Bộ GD&ĐT” – Thứ trưởng Trần Quang Quý nhấn mạnh.
Trước thông tin đã có hơn 1.000 HSSV phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, Thứ trưởng Trần Quang Quý cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT kiểm tra và báo cáo ngay về tình hình nhiều học sinh bỏ học. Qua kiểm tra, số lượng này chỉ khoảng 1.000 nhưng rải rác ở các trường. Theo thống kê, các em bỏ học có nhiều lý do khác nhau, có thể có công việc hay do điều kiện bố mẹ ốm phải nghỉ để chăm sóc…, không có học sinh theo diện vay vốn.
Cân đối đủ nguồn vốn
Trước những băn khoăn Ngân hàng Chính sách xã hội thiếu vốn để HSSV vay ưu đãi gây lo lắng cho các em và gia đình, ông Nguyễn Ngọc Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính khẳng định: Chính phủ đã cân đối đủ vốn cho NHCSXH thực hiện giải ngân cho chương trình. Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng sau khi báo cáo UBTVQH đã ký Quyết định sành 2.500 tỷ đồng từ nguồn vốn giảm nghèo của WB để dành cho NHCSXH giải ngân cho sinh viên. Cộng với nguồn thu nợ rất tốt từ chương trình cho vay trong các kỳ vừa qua, nếu nhu cầu cho vay từ khoảng 2500-3.000 tỷ đồng trong học kỳ này thì đã đủ nguồn.
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một số khúc mắc trong quá trình triển khai. Theo ông Nguyễn Tiến Trứ- Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa, địa phương có số dư nợ cao nhất cả nước, tại Thanh Hóa, trong quá trình thực hiện, hoàn thiện hồ sơ của các tổ chức cho vay vốn và các tổ chức khác chưa kịp thời, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên không có hồ sơ đưa đến ngân hàng để làm căn cứ giải ngân. Thứ 2, một số trường trong quá trình xác nhận vẫn là giấy theo mẫu cũ, chưa đáp ứng đủ thông tin. Thứ 3 là trong quá trình thực hiện tại cơ sở, việc bổ sung các hộ vào diện nghèo và cận nghèo chưa kịp thời nên ảnh hưởng đến quá trình xét cho vay vốn. Và trong quá trình xác nhận HSSV vay vốn của một số địa phương chưa thật chính xác. Thứ 4, các hộ gia đình cho rằng mức cho vay hiện nay còn thấp, từ đó, có một số đề xuất từ chi nhánh như tăng mức cho vay, xác nhận của trường cũng nên thực hiện theo mẫu thống nhất; rà soát, bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo, cận nghèo…
Còn theo ông Lò Văn Đức - Giám đốc Ban Tín dụng HSSV, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, hiện sự phối kết hợp giữa NHCSXH với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ở một số nơi chưa tốt, đặc biệt là trong việc xử lý những sai sót, tồn tại trong việc xác nhận đối tượng vay nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của chương trình.
Theo: Hải Bình (GD&Đ)