Trường Mầm Non Vân Anh
Đây là trường ngoài công lập đầu tiên của huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) và cũng là những trường dân lập đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh. Sau gần 20 năm (2000-2017), Công ty TNHH Thanh Sơn do Nhà Doanh nghiệp Trần Hán làm Chủ tịch HĐQT đã có hệ thống trường dân lập khang trang, bề thế, gồm 4 trường (Trường Ngô Gia Tự, Trường THPT Yên Hưng, Trường Trần Quốc Tuấn) thuộc địa bàn thị xã Quảng Yên và Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, ở TP Hạ Long. Chất lượng học tập của học sinh ngày càng được nâng cao, tỷ lệ thi tốt nghiệp những năm học gần đây đạt gần 100%, học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học đạt gần 60% (so với số học sinh dự thi). Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức xe đưa đón học sinh tận nhà…đời sống của cán bộ, giáo viên được nâng cao, nhiều thầy giáo mua được ô tô con đắt tiền và mua được nhà cao tầng… Đến nay đã có hiện tượng chảy “ngược dòng”, rất nhiều học sinh và cả giáo viên từ trường công lập xin chuyển sang các trường dân lập của ông Trần Hán công tác.
Đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, chuẩn bị cho năm học 2017-2018, Công ty TNHH Thanh Sơn đầu tư trên 20 tỷ đồng xây dựng Trường Mầm non tư thục Vân Anh tại trung tâm thị xã Quảng Yên. Chỉ trong 4 tháng, ngôi trường 4 tầng dành cho 10 lớp học, 1 phòng năng khiếu đàn, 1 phòng bếp quy mô 250 trẻ, một tầng hiệu bộ đã ra đời. Ngày 5/9/2017 Trường Mầm non Vân Anh khai giảng. Cô giáo, Hiệu phó Trần Thị Quyên cho biết, ngày đầu khai giảng chỉ có 84 trẻ ở các khu phố thuộc phường Quảng Yên, sau gần 2 tháng trường đã tiếp nhận 219 trẻ đền từ các xã khu vực Hà Nam, Tiền An, Cộng Hòa, Sông Khoai…xa nhất tới trên 15 km. Nhà trường có 3 xe loại 29 chỗ và 1 xe 16 chỗ đón trẻ tận nhà lúc 6 giờ sáng và trả trẻ lúc 18 giờ sau khi các cô giáo tắm rửa sạch sẽ cho các cháu bằng hệ thống nước nóng, lạnh.
Giờ học Đàn của các cháu
Các trẻ được học theo đúng chương trình quy định của Bộ Giáo cục và Đào tạo, ngoài ra, trẻ từ 3-5 tuổi được học đàn Óc gan 2 buổi/tuần do thầy giáo chuyên nghiệp âm nhạc ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy; Học tiếng Anh 2 buổi/tuần, do thầy giáo Trường THPT Yên Hưng dạy. Đặc biệt, trường đã cử 2 giáo viên đi Hà Nội học chương trình giáo dục sớm theo phương pháp Montessori, phương pháp dạy trẻ cảm nhận bằng các giác quan. Cô Hiệu Phó Trần Thị Quyên cho biết, nếu các trẻ có nhu cầu đón trả tận nhà, đi học đủ buổi thu 1.180.000đ/trẻ/tháng. Nếu không đi xe, đóng 920.000đ/trẻ/tháng,(trong đó tiền học phí 400.000đ, tiền ăn ba bữa sáng, trưa, chiều là 20.000đ/trẻ/ngày; tiền xe đưa đón 10.000đ/trẻ/ngày theo nhu cầu của phụ huynh). Cô Hiệu phó Trần Thị Quyên khẳng định, các khoản đóng góp trên đều công khai, hạch toán rõ ràng từng mục, được thông báo với phụ huynh, nhà trường không thu thêm bất cứ khoản gì trong suốt năm học. Cũng như các trường phổ thông; Trường Mầm non Vân Anh; ông Trần Hán cũng thực hiện phương châm “ chiêu hiền đãi sỹ”. Đến nay Trường Mầm non Vân Anh thu hút được 25 giáo viên, trong đó có 3 người có trình độ đại học, 2 cao đẳng, các cô giáo còn lại đều tốt nghiệp giáo dục ngành Mầm non hệ chính quy, đều đạt Chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào Tạo. Hầu hết các cô giáo đã có thâm niên và kinh nghiệm trong nghề. Cô Bùi Thị Nhàn, Hiệu trưởng, Đại học giáo dục Mầm non, đã từng là giáo viên trường công lập 5 năm, được công nhận là Giáo viên dạy Giỏi thị xã Quảng Yên. Cô giáo Hiệu phó Trần Thị Quyên, Đại học ngành Mầm non, ra trường giảng dạy ở một số trường Mầm non lớn thành phố Hạ Long…Khi mở trường Mầm non Vân Anh, các cô tình nguyện về trường này công tác.
Gần 20 năm, ông Trần Hán đã xây dựng được hệ thống trường dân lập ngày càng phát triển, được lãnh đạo từ Bộ Giáo Dục và Đào tạo, tỉnh Quảng Ninh, thị xã Quảng Yên và xã hội tín nhiệm, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Như vậy là hệ thống trường dân lập do ông Trần Hán xây dựng, quản lý đã hình thành “ chuỗi” trường học từ Mầm non - Tiểu học - THCS - THPT với gần 5.000 học sinh, tạo việc làm, thu nhập khá cho hàng trăm giáo viên và nhân viên. Gần đây, ông Trần Hán có nguyện vọng: Nhà nước nên cho phép các trường dân lập được tổ chức dạy nghề. Như vậy vừa khai thác được cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường, để học sinh sau khi học xong THCS, THPT không có điều kiện, hoặc không có nhu cầu học lên thì tiếp tục học nghề ngay tại trường, học sinh học nghề xong có nhiều cơ hội tìm được việc làm phù hợp./.
Bài, ảnh: Đào Thị Tròn