Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcPHÁT TRIỂN CÁC TRƯỜNG NGOÀI CÔNG LẬP Ở VIỆT NAM VỚI TƯ DUY MỚI.

PHÁT TRIỂN CÁC TRƯỜNG NGOÀI CÔNG LẬP Ở VIỆT NAM VỚI TƯ DUY MỚI.

Thứ hai, 16 Tháng 4 2012 03:01
A- VAI TRÒ CÁC TRƯỜNG NGOÀI CÔNG LẬP

1- Đôi nét khái quát về thực trạng ĐH Và CĐ ngoài công lập:
Cho tới nay các trường Đại học ngoài công lập (ĐHNCL) trong chế độ ta đã có lịch sử hình thành và phát triển trên hai mươi năm kể từ thí điểm ĐH Thăng Long 1988. Đã có 80 trường ĐH và CĐ NCL được thành lập và đang hoạt động, đào tạo trên 14% SV cả nước. Có một số trường đầu tư rất lớn và hiện đại như ĐH Quốc tế miền Đông ở Bình Dương, Đại học FPT đang xây dựng hoành tráng ở Hà Nội. Phần lớn các trường đã khang trang, phương tiện dạy học khá tốt, quản lý năng động, tổ chức đào tạo chặt chẽ. Một số trường liên kết với các trường nổi tiếng của nước ngoài đào tạo theo chương trình của họ, SV ra trường được cấp hai bằng của trường nước ngoài và của trường ta. SV tốt nghiệp của nhiều trường được thị trường lao động tín nhiệm, dễ tìm được việc làm… Một số ít trường còn khó, còn phải thuê mướn trường sở. Phần lớn đều khó khăn về đất đai chật hẹp, đội ngũ thầy giáo cơ hữu còn mỏng, tuyển đầu vào còn hạn chế về chất lượng. Nói tổng quát, các trường ĐH và CĐ NCL chưa tạo được ấn tượng tốt bằng với các trường công lập lâu năm. Kể ra trong thời gian hai thập kỷ hoàn toàn có thể làm được việc ấy với sức năng động của mình.

2- Cần xác định đúng vai trò các trường NCL

Cần xác định GD nghề nghiệp nói chung, GD ĐH nói riêng về cơ bản nhằm nâng cao năng lực lao động của từng người, mang tính chất là một dịch vụ, tuân theo cơ chế thị trường, có sự cạnh tranh lành mạnh dưới sự hướng dẫn và quản lý của Nhà nước. Các trường NCL và các trường công lập tự quản là hoàn toàn thích hợp với quan điểm này.

Các trường NCL sinh ra với hai sứ mạng: Một là, xây dựng mô hình quản lý hiệu quả cao với quyền tự chủ hoàn toàn vốn có về tài chính, nhân lực, có động lực tự thân để sống còn và vươn lên tạo được sự năng động thích nghi với yêu cầu xã hội và môi trường cạnh tranh. Hai là, huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để góp phần phát triển giáo dục. Không có nước nào, ngân sách nhà nước đủ sức đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của GD.

Với sứ mạng đó các trường góp phần đại chúng hoá nền ĐH, các  trường này là yếu tố mới nhiều sức sống. Phải nâng đỡ, khai thác nó. Giao cho nó cùng với các trường công lập tự quản tạo thành một đội quân đông đảo làm chủ lực trong hệ thống, đồng thời qua sự cạnh tranh sàng lọc, cùng với sự hỗ trợ tập trung của nhà nước, tạo nên  một tốp trường tiên phong có chất lượng cao, có tiềm năng khoa học mạnh.


Tiêu chí để phân biệt trường công lập và NCL là sở hữu. Ranh giới này dần dần sẽ mờ nhạt đi bởi xu thế đan xen sở hữu đang hình thành. Các trường NCL đương nhiên là có sở hữu tư nhân chiếm tỷ lệ chính. Nhưng thực tế cũng có phần sở hữu nhà trường hình thành từ của hiến tặng, từ các nhà hảo tâm, cựu SV, gia đình SV... Còn có thể có sở hữu nhà nước do được cấp đất, miễn thuế, hoặc đầu tư trực tiếp. Lâu nay không được làm rõ để quản lý nên mỗi lần các trường quốc tế muốn đầu tư thì lại sợ lẫn lộn công tư.
Điều đáng nói là đối với các trường công từ nay nên chủ trương huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư nâng cấp. Trường sở thường đã rộng rãi rồi, nhưng nhà nước không có vốn đầu tư thêm nên phần lớn các trường công lâu năm nổi tiếng mà sau hàng chục năm vẫn không xây thêm được mấy, trang thiết bị vẫn không được đổi mới. Ta không bước qua ranh giới sở hữu thì tiếp tục chịu lạc hậu kéo dài. Nên chấp nhận sự đan xen sở hữu ngay trong các trường công lập như là một thứ đột phá. Đừng sợ lẫn lộn sở hữu vì hoàn toàn có thể quản lý rạch ròi. Đề xuất này rất không quen cách nghĩ và cách làm lâu nay. Bằng vốn huy động ngoài ngân sách, có thể xây dựng một phân hiệu, một viện nghiên cứu, một khoa, một bộ môn, một phòng thí nghiệm, thậm chí một thiết bị cao cấp... Các bộ phận này được quản lý tài chính riêng biệt.

Mặt khác việc thí điểm của Bộ GD và ĐT cho các trường công lập tự chủ tài chính là một việc cụ thể, việc cục bộ nhưng có ý nghĩa sâu sắc. Hãy tiếp tục hướng này để tiến tới giao cho các trường tự quản. Đó giống như mô hình "Quốc lập dân quản" của Trung quốc  mà UNESCO đánh giá rất cao. Ở đây quyền sở hữu tách khỏi quyền điều hành.

Các thay đổi nói trên đều tiến tới xoá nhòa ranh giới sở hữu không có nhiều ý nghĩa, tạo ra một cộng đồng đông đảo nhất gồm các trường có sở hữu đan xen, các trường tư, các trường công tự quản...  như một đội quân có sắc phục khác nhau không đáng kể nhưng có một nét chung là độ tự chủ cao, năng động, sáng tạo. Khắc phục sự trì trệ của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp còn khá đậm nét trong ngành GD. Nhóm các trường này sẽ gánh vác phần lớn số lượng SV của toàn hệ thống ĐH nói riêng, GD nghề nghiệp nói chung.

3-  Không có tư duy đột phá sẽ không có giải pháp đột phá. Hàn Quốc sau hàng chục năm quyết tâm phát triển ĐH theo mô hình nhà nước đầu tư lớn và điều hành tập trung nghiêm khắc nhưng không thành công như ý muốn. Họ phải chuyển một cơ chế mềm, chấp nhận sự đa dạng, tạo môi trường cạnh tranh làm động lực phát triển. Cho mở nhiều trường tư. Đến nay có 64% SV Hàn Quốc học trong các trường tư. Nền ĐH của họ đã phát triển ngoạn mục góp phần không nhỏ cho kinh tế phát triển ngoạn mục.
Có thể thấy bài học tương tự ở Malaysia. Trước đây ở Malaysia chỉ có ĐH công lập. Từ năm 1996 Thủ tướng Mahathir chủ trương cho mở các trường tư, ngay lập tức các trường này phát triển nhanh chóng. Họ tạo ra sự hấp dẫn vì được dạy bằng tiếng Anh trong khi các trường công phải dạy bằng tiếng Mã lai. Phần lớn các trường này liên kết với các trường nổi tiếng ở các nước tiên tiến, bảo đảm chất lượng tốt và SV có thể nhận hai bằng. Và hiện nay số lượng SV học ở các trường này nhiều hơn ở các trường công lập.
Trong chiến lược phát triển GD giai đoạn 2000 đến 2010 của ta có nêu chỉ tiêu là đến 2010 phải có 40% SV học ở các trường NCL. Tiếp tục cho mở thêm trường chủ yếu là các trường NCL. Xem xét chuyển một số trường công lập thành NCL... Đó là những chủ trương hết sức đúng. Nhưng trong chỉ đạo lại hoàn toàn khác. Từ 2005 đến nay đã cho thành lập hoặc nâng cấp khoảng 250 trường ĐH công lập, chỉ có khoảng 40 trường NCL. Số SV NCL mới chỉ chiếm khoảng 14%.

Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính  phủ có quy định phải giao đất sạch cho các cơ sở GD không phân biệt công hay tư. Được miễn giảm thuế. Còn được cho vay tín dụng ưu đãi. Nhưng thực tế chưa bộ nào, địa phưong nào thực hiện.

Trong quản lý, các trường này bị phân biệt đối xử rõ rệt ai cũng thấy, có thể kể không hết các thí dụ cụ thể. Đáng lẽ phải nhìn thấy vai trò tích cực và triển vọng phát triển mà cổ vũ, vui vẻ thừa nhận các thành tựu, vui mừng trước sự xuất hiện các trường tư hoành tráng hiện đại... thì lại có vẻ thờ ơ. Còn với khuyết điểm yếu kém thì đương nhiên nên nghiêm khắc. Nhưng e chưa phải nghiêm khắc một cách công bằng. Vừa rồi Bộ kiểm tra 24 trường trong đó có 16 trường NCL, đình chỉ tuyển sinh 3 trường NCL. Môt vị lãnh đạo Bộ thông báo có thể vào năm 2013 sẽ đình chỉ hoạt động 6 trường NCL. Dư luận cho rằng với cách hành xử lâu nay với các trường NCL, chuyện ấy hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi  vậy mới có người nói các trường này là con đẻ, con nuôi. Đưa tất cả các trường này về trực thuộc địa phương, là chịu hai tầng quản lý, thực chất là không coi họ như các trường ĐH.
Với người học. Hiện nhà nước bao cấp cho SV công lập khoảng trên dưới 70% chi phí đào tạo. Tại sao SV NCL, cũng là công dân, gia đình họ cũng phải đóng thuế, khi ra trường trách nhiệm và nghĩa vụ của họ cũng giống như SV công lập, vì sao họ không được phần bao cấp đó? Họ phải chịu 100% chi phí đào tạo, thậm chí chịu cả thuế doanh thu của trường được bổ đồng vào học phí. Vả lại có tỷ lệ lớn SV NCL là ở nông thôn, là người khó khăn. Đây có thiếu công bằng. Đã coi GD ĐH là dịch vụ thì về nguyên tắc học trường nào cũng phải đóng đủ chi phí đào tạo. Nhưng nếu nhà nước có thể gánh một phần thì đương nhiên là rất tốt. Nhưng phải công bằng với tất cả SV không kể công lập hay NCL.

Các trường NCL hiện nay đang gặp khó khăn nhiều nhất từ nguyên nhân xã hội. Nhưng có thể tin rằng không bao lâu họ sẽ vươn lên tự khẳng định, sẽ có vai trò quan trọng không thể chối cãi. Người hoạch định chiến lược cần  thấy tính tất yếu của xu thế phát triển ĐH mà nhìn nhận hợp lý yếu tố tích cực có ở các trường NCL.

B- MÔ HÌNH CÁC TRƯỜNG ĐH NCL

Hơn hai mươi năm xây dựng và phát triển!  từ đầu khi đề ra chủ trương xây dựng các trường NCL, ta đã đặt cho nó hai sứ mạng lớn: Một là, huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, hình thành các cơ sở đào tạo, đồng hành với các trường công lập phát triển mạnh mẽ nền ĐH Việt Nam. Hai là, bằng cơ chế tự chủ cao và phải tự lực cánh sinh, xây dựng mô hình quản lý năng động hơn, hiệu quả hơn so với cơ chế quản lý có phần gò bó, trì trệ ở các trường công lập. Từ đó có thể nhìn lại và đổi mới cách quản lý các trường công lập.

Từ ĐH Thăng Long ra đời 1988 đến nay cả hai sứ mạng đó đều làm chưa tốt. Không phải là chưa đủ thời gian mà là do chập chờn trong tư duy, vô cảm trong chỉ đạo.

Gần hai mươi năm qua đã có 2 quy chế Tổ chức và hoạt động các trường Dân lập, có 3 quy chế Tư thục được ban hành, nhưng MÔ HÌNH hai loại trường này vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo. Thậm chí Quy chế Dân lập vẫn được hiện hành trái với nội dung của Luật GD. Còn nhiều vấn đề cần bàn bạc, mổ xẻ.

1- Mô hình tư hữu ở Việt Nam, việc phân định trường công lập, dân lập hay tư thục là dựa vào tính chất sở hữu của từng trường.

Trường công lập là thuộc sở hữu nhà nước. Trường dân lập, theo định nghĩa của Luật GD hiện hành là thuộc sở hữu của một cộng đồng dân cư trên một địa bàn nào đó. Trên thực tế, ở VN không có trường ĐH hay CĐ nào thuộc loại này.  Trường tư thục, cũng theo định nghĩa của Luật GD là trường do cá nhân, nhóm cá nhân, các tổ chức kinh tế xã hội đầu tư xây dựng và nuôi dưỡng nó hoạt động.  Nếu làm tường minh, tài sản trong một trường tư thục thường thuộc nhiều dạng sở hữu:

1.1- Sở hữu tư nhân. Có trường chỉ do duy nhất một cá nhân hoặc một công ty đầu tư. Có trường một số cá nhân, một số pháp nhân cùng góp vốn, có trường chia đều tỷ lệ góp vốn, có trường chấp nhận có tỷ lệ chênh lệch không đều. Trong sở hữu tư nhân còn có vốn ảo từ công lao sáng lập, công lao đóng góp suốt quá trình xây dựng và phát triển nhà trường, những bí quyết công nghệ, giá trị thương hiệu cá nhân... được lượng hoá thành vốn góp.
Có trường phần sở hữu cá nhân chỉ thuộc một người hoặc một gia đình. Có trường chỉ do một nhóm hạn chế người góp vốn theo cổ phần đều, hoặc không đều. Có trường thu nhận cổ phần từ rộng rãi người góp vốn, có thể là toàn bộ CBCNV. Các cách góp vốn đó liên quan đến cách biểu quyết theo đối nhân hay đối vốn. Thực tế trong quá trình phát triển, nhà trường phải huy động vốn thêm thì làm thế nào để xác định hợp lý tỷ lệ vốn góp mới tương thích với giá trị thực đang có của nhà trường gồm cả tài sản vật hoá và tài sản vô hình? Có lẽ phải được tổ chức kiểm toán có pháp nhân đánh giá và được nhà đầu tư mới đến thừa nhận mới xác định hợp lý tỷ lệ tương quan. Một số quy định của Bộ GD và ĐT đã chỉ thừa nhận giá trị đầu tư từ hàng chục năm trước của các nhà sáng lập nhà trường mà không thừa nhận giá trị thực hiện tại nên tỷ lệ sở hữu của các vị này trở thành quá nhỏ bé so với người mới đến. Nhiều trường đã gặp tình trạng này.

1.2- Sở hữu của cộng đồng nhà trường, là tài sản được hiến tặng từ các nhà hảo tâm, các tổ chức kinh tế, xã hội; của gia đình SV, của các cựu SV...Tài sản này không thuộc về các cá nhân nào, cũng không thuộc về nhà nước mà thuộc về của nhà trường, không được chia, không được điều động khỏi tài sản của trường.

1.3- Sơ hữu nhà nước (nếu có): Đây là sở hữu từ tài sản do nhà nước đầu tư qua các chương trình xây dựng phòng thí nghiệm chuyên đề, trạm trại thực nghiệm... từ việc cấp đất, miễn giảm thuế như một thứ đầu tư của nhà nước... Lẽ ra nhà nước phải có chính sách đầu tư thích hợp cho các trường NCL cũng là vì người công dân đi học, cũng là vì chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Nhiều chính sách đã được ban hành như Nghị quyết 05/ Nghị định 69/. Không được thực hiện. Đó cũng là một thí dụ về sự thiếu hiệu lực điều hành của nhà nước. Có nơi thẳng thừng đánh thuế doanh thu các trường NCL như đối với các doanh nghiệp. Có nơi thì miễn thuế nhưng cũng bỏ luôn việc kiểm soát doanh thu và lợi nhuận bảo đảm quyền lợi của người học.

Từ khái niệm đến định lượng sở hữu nhà nước trong các trường ĐH và CĐ NCL đều bị bỏ lửng, đều mập mờ không rõ ràng và cũng vì vậy mà khi nhà nước cần đầu tư vào các trường này thì lại do dự vì sợ lẫn lộn sở hữu.
Trong các trường tư thục có thể đồng thời có ba loại sở hữu cùng tồn tại đan xen. Trong quá trình hoạt động theo thời gian, phần tăng lên (hay giảm đi) của tài sản nhà trường phải được bổ sung (hoặc khấu trừ bớt đi) cho từng phần sở hữu kể trên theo tỷ lệ chiếm giữ tương ứng. Do vậy "tài sản tích luỹ" cũng có nguồn gốc từ ba loại sở hữu trên, trong đó phần tích luỹ thuộc sở hữu nhà nước và thuộc sở hữu cộng đồng nhà trường là phần không được chia, cũng không được rút ra mà bổ sung vào phần vốn góp. Nếu phần tích luỹ thuộc sở hữu tư nhân được rút ra thì cơ cấu tỷ lệ vốn sẽ có thay đổi. Lâu nay không làm rõ về bản chất và thành phần tài sản tích luỹ nên đã gặp nhiều trở ngại trong việc điều hành trường cũng như chuyển các trường dân lập sang tư thục.

Cần phải quản lý minh bạch rạch ròi các loại sở hữu cùng tồn tại đan xen nhau thì các nhà hảo tâm mới mạnh dạn hỗ trợ vì lợi ích cộng đồng, nhà nước mới mạnh đầu tư để trường nhanh chóng trưởng thành phục vụ xã hội.
Khi đã có sự đan xen sở hữu ngay trong trường công lập thì sự  phân biệt trường công và trường tư không còn tuyệt đối nữa.

Cùng việc đó, có thể làm phong phú thêm nội dung xã hội hoá GDĐH bằng việc thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng độc lập, các tổ chức dịch vụ khoa học và GD ...với các nguồn đầu tư từ nhiều nguồn, có nhà nước, có từ các tổ chức kinh tế, xã hội, có từ tư nhân.

2-  Mô hình phát triển xét theo lộ trình

Thời gian đầu, chủ yếu vào những năm 90 và đầu những năm 2000, mô hình phát triển các trường chủ yếu bắt đầu từ vốn liếng ít ỏi, sống "ăn đong" bằng học phí thấp, vì học phí cao sẽ không ai học và tích luỹ dần hàng chục năm mới xây được trường sở. Hàng chục năm ấy thầy trò phải dạy và học trong điều kiện rất khó khăn, trường thuê, thầy mời, dạy chay...

Vào cuối những năm 2000 khi xã hội đã có một số doanh nhân vừa có tiềm lực tài chính vừa quan tâm đến GD, bắt tay đầu tư xây dựng các trường  ĐH tư thì mới xuất hiện mô hình phát triển mới: Đầu tư tương đối đàng hoàng ngay từ đầu, chọn thầy giỏi, công bố tiêu chí chất lượng cao và học phí cao dù khó tuyển sinh ban đầu. Quyết tâm xây dựng "thương hiệu". Chấp nhận bù lỗ trong thời gian tương đối dài, thậm chí lỗ ngay trong thu chi thường xuyên, chưa nói đến khấu hao hoàn vốn. Đây thường là do các nhà đầu tư thật trường vốn.

3- Mô hình lợi ích

Lợi ích xét đối với người học, với nhà nước (xã hội), với nhà đầu tư, với đội ngũ thầy cô giáo và CBCNV trong trường.

Hoạt động GD là nhằm hoàn thiện nhân cách và nâng cao năng lực từng cá nhân, trước hết đem lại lợi ích trực tiếp cho cá nhân, do đó người học phải trả tiền như là chi phí đầu tư cho tương lai cá nhân; cũng có đem lại lợi ích gián tiếp cho xã hội do đó Nhà nước cũng phải chịu một phần chi phí. Tỷ lệ hoặc định mức mà nhà nước bao cấp cho chi phí đào tạo cá nhân vừa là  phản ảnh lợi ích xã hội vừa là phản ảnh chính sách phúc lợi của nhà nước  trong GD. Riêng những người học các ngành chỉ để phục vụ công ích, công quyền, những người được coi là mầm móng nhân tài phục vụ lợi ích quốc gia, những người thuộc diện ưu tiên theo các chính sách xã hội thì nhà nước nên bao cấp hoàn toàn. Đó là sự chia xẻ chi phí trên cơ sở lợi ích mà GD đem lại. Đó là quan hệ giữa người học và nhà nước, cũng là thái độ của nhà nước với người học dù họ học ở loại trường nào, trường công hay trường tư. Phần chi phí này cũng giống như các loại học bổng của nhà nước, nên rót theo người học. Sự tồn tại và phát triển của các trường tư cũng đem nhiều lợi ích cho xã hội cho nên nhà nước cũng phải có chính sách đầu tư hỗ trợ ở  mức độ có thể.

Xét về lợi ích của những người sáng lập và các nhà đầu tư, thông thường người ta chia thành hai loại trường: vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Ta không bàn loại nào tốt hơn loại nào. Thực ra loại nào cũng có thế mạnh của nó. Loại nào cũng có vai trò xã hội của nó. Ở VN chưa có tiêu chí xác định từng loại và vì vậy chưa có hệ thống chính sách đối với từng loại.
Do nguồn ngân sách nhà nước hạn chế, nên ta phải giải quyết hài hoà hai yêu cầu. Một là cần thu hút thêm nhiều nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để phát triển GD. Đó là yêu cầu bức xúc của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Do đó, cần thừa nhận sở hữu hợp pháp của các nhà đầu tư đồng thời bảo đảm cho họ có lợi ích ở mức hợp lý từ hiệu quả đầu tư. Thực ra đầu tư xây dựng trường là đã có tấm lòng đáng được ghi nhận rồi. Bởi vì có nhiều con đường đầu tư khác có thể có lợi nhuận cao hơn nhiều. Ở ta chưa thể hy vọng có nhiều người bỏ vốn lớn đủ tầm xây dựng trường (hàng trăm, hàng ngàn tỷ) dể làm từ thiện. Nếu có cũng thật cá biệt.

Động lực thu  hút đầu tư xây dựng trường ở chỗ đây là một dạng đầu tư ít rủi ro vì nhu cầu còn rất lớn, dù là lợi nhuận không cao; mặt khác nhà đầu tư cũng có lợi về thương hiệu, về danh tiếng và cuối cùng là có sự thanh thản trong lòng với một hoạt động mang tính xã hội.

4-Mô hình về tổ chức

Mô hình bộ máy tổ chức nói chung là giống nhau đến hiện nay. Cao nhất là Đại hội cổ đông (ĐHCĐ), giữa hai nhiệm kỳ thì quyền lực tập trung vào Hội đồng quản trị (HĐQT) còn việc điều hành được giao cho Hiệu trưởng. Như vậy, ai là chủ nhân của trường? ĐHCĐ biểu quyết theo đối vốn hay đối nhân? Quan  hệ giữa nhà đầu tư với nhà khoa học, nhà giáo xét về mặt quyền lực ra sao? Nếu người góp vốn bằng tiền là chủ thật sự thì các nhà giáo thành những người làm thuê, dễ đưa nhà trường vào tình trạng dễ lệch hướng và thiếu động lực nâng cao chất lượng.

Nên chăng với các trường phi lợi nhuận phải xoá bỏ nguyên tắc biểu quyết theo đối vốn. ĐHCĐ được thay bằng Đại hội nhà trường gồm toàn bộ cán bộ nhân viên cơ hữu. Thành viên HĐQT không nhất thiết là người có góp vốn. Ở loại trường này các nhà giáo, các nhà khoa học được xác lập ở vị trí chủ đạo. Các nhà đầu tư là đồng chủ nhân cùng với các nhà giáo, nhà khoa học. Còn với các trường vì lợi nhuận nên chăng luôn giữ tỷ lệ các giá trị ảo của các nhà giáo, nhà khoa học không dưới 50% dù có thu hút vốn bao nhiêu đi nữa, để bảo đảm vai trò các chủ sở hữu này có tỷ trọng đủ lớn trong biểu quyết theo đối vốn. Điều này hoàn toàn có lý vì trường càng phát triển thì vai trò và giá trị hàng ngũ này càng lớn. Trong khi tổng sở hữu ảo của  những con người cụ thể vẫn chưa đủ tỷ lệ này thì vẫn giữ tỷ lệ đó trong biểu quyết. Cần có quy định cụ thể về vốn ảo liên quan đến lãi được hưởng trên vốn, quyền biểu quyết theo vốn.

5. Liên quan đến cấu trúc hệ thống giáo dục

Nói không quá lời, sự xuất hiện các trường NCL lẽ ra phải được coi là một yếu tố mới mang tầm chiến lược trong GDĐH. Để phát triển chất lượng GDĐH không thể không tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và gay gắt, muốn thế thì các trường phải năng động và thực sự có quyền tự chủ, chủ yếu là tự chủ về tài chính và nhân lực, nhân sự. Các trường NCL có thế mạnh này do tính chất và hoàn cảnh của nó.

Như trên đã nói, giáo dục có hai sứ mạng, một là xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người, hai là nâng cao năng lực lao động của họ. Ở các cấp học thấp hoạt động GD chủ yếu là để hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng các thế hệ công dân tốt, do đó xã hội nên chăm lo chu đáo, nhà nước nên bao cấp nhiều hơn, các trường công lập nên có số lượng chiếm phần chủ yếu. Còn ở các cấp học sau và trên, chủ yếu là giai đoạn dậy nghề, trung cấp, CĐ và ĐH thì hoạt động GD chủ yếu là để nâng cao năng lực lao động, nên từng cá nhân hoặc gia đình phải gánh vác phần lớn chi phí đào tạo như là sự đầu tư cho tương lai. Ở các bậc học này nên có trường NCL nhiều hơn.   Nhà nước chỉ  cần tập trung xây dựng một số ít trường ĐH công lập nhằm đào tạo các SV thật ưu tú, một số ít khác nhằm đào tạo phục vụ công ích, công quyền; một số ít khác nữa phục vụ các chính sách xã hội...

Bài viết này tập trung vào vấn đề cụ thể là mô hình ĐH tư thục. Thật ra điều đáng nói hơn chính là nếu chưa xác lập đúng đắn tư duy về vai trò GD NCL thì bàn việc cụ thể cũng không có ích gì.


GS.TS.TRẦN HỒNG QUÂN

Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH CĐ NCL Việt Nam
Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516