HỒ TRUNG HẢI[1]
Công ty Hợp danh Quản lý và Thanh lý Tài sản Đỉnh Luật
Nhận bài ngày 06/11/2024. Sửa chữa xong 12/11/2024. Duyệt đăng 18/11/2024.
Abstract: Intellectual property rights are an important factor in franchise operations, helping to protect and enhance brand value. These intellectual property rights include trademarks, trade secrets, and trade names. However, the enforcement of intellectual property rights faces many challenges due to violations and a lack of effective monitoring mechanisms. The current legal regulations in Vietnam need to be improved to better handle disputes. There is a need to research protective measures for intellectual property rights in franchise contracts and to raise awareness among stakeholders. Recommendations include adding detailed regulations and establishing more flexible dispute resolution mechanisms.
Keywords: Intellectual property rights, franchise operations, intellectual assets, law, infringement of rights.
1. Đặt vấn đề
Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò quan trọng trong mô hình SHTT, giúp bảo vệ và phát triển các tài sản vô hình của doanh nghiệp như thương hiệu, logo, công nghệ và bí mật kinh doanh. Theo WIPO (2022), việc bảo vệ SHTT là yếu tố thiết yếu để xây dựng niềm tin và nhận diện thương hiệu trong lòng người tiêu dùng, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho hệ thống nhượng quyền và nâng cao giá trị thương hiệu trong thị trường cạnh tranh[14].
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhượng quyền thương mại dựa trên SHTT ngày càng phổ biến. Bảo vệ các quyền SHTT không chỉ ngăn ngừa hành vi vi phạm mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để duy trì giá trị thương hiệu và đảm bảo chất lượng dịch vụ, các doanh nghiệp nhượng quyền cần chú trọng đến SHTT. Việc bảo vệ các quyền SHTTgiúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm, duy trì uy tín và danh tiếng trong mắt người tiêu dùng[2].
Việc bảo vệ SHTT còn giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ đã được phát triển để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp nhượng quyền, với quy định cụ thể trong Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ và các nghị định liên quan. Tuy nhiên, hệ thống pháp lý hiện tại vẫn chưa hoàn thiện, dẫn đến nhiều bất cập như vi phạm nhãn hiệu và tranh chấp về bí mật kinh doanh.
Trong bối cảnh này, nghiên cứu về quyền SHTT trong hợp đồng nhượng quyền thương mại (NQTM) là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1.Nhượng quyền thương mại và hợp đồng nhượng quyền thương mại
2.1.1. Nhượng quyền thương mại
NQTM là một mô hình kinh doanh đặc biệt, trong đó bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền sử dụng thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ và hệ thống kinh doanh của mình trong một khoảng thời gian nhất định. Mô hình này thường có các điều khoản rõ ràng về phí nhượng quyền và lợi nhuận, bảo đảm lợi ích cho cả hai bên. NQTM đã xuất hiện từ thế kỷ XVII – XVIII tại châu Âu, được công nhận và phát triển chính thức tại Hoa Kỳ vào thế kỷ XIX, khi nhà máy sản xuất máy khâu Singer ký hợp đồng NQTM đầu tiên vào năm 1851[7].
Ở Việt Nam, hoạt động NQTM xuất hiện từ trước năm 1975 nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh trong những thập niên gần đây, với hơn 200 thương hiệu nhượng quyền quốc tế hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau[3]. Theo Tổ chức Quốc tế về Nhượng quyền, "nhượng quyền thương mại là một hình thức mở rộng hoạt động kinh doanh bằng cách cấp phép cho một bên khác sử dụng thương hiệu và hệ thống của mình"[1].
Trong mô hình nhượng quyền, bên nhượng quyền không chỉ cấp phép thương hiệu mà còn cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ cho bên nhận quyền để duy trì chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định rằng bên nhượng quyền thường cung cấp tài liệu hướng dẫn và đào tạo[5]. Nó không chỉ giới hạn ở việc bán sản phẩm mà còn bao gồm chuyển giao cách thức hoạt động và quản lý, giúp bên nhận quyền tiếp cận một hệ thống kinh doanh đã được chứng minh thành công.
Khái niệm NQTM đã được quy định tại Điều 284, Luật Thương mại 2005, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên [8]. Nghị định số 35/2006/NĐ-CP cũng đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động này, nhưng vẫn còn nhiều thách thức trong việc thực hiện các quy định, đặc biệt là nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong NQTM [9]. NQTM đã chứng minh hiệu quả trong việc phát triển kinh doanh và mở rộng thương hiệu, giúp các doanh nghiệp tăng nhanh thị phần và giảm thiểu rủi ro thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực. Ví dụ, các thương hiệu quốc tế như Pizza Hut và Starbucks đã nhanh chóng mở rộng tại Việt Nam, cùng với các thương hiệu nội địa như Trung Nguyên và Phở 24 cũng thành công trong việc áp dụng mô hình này[19].
2.2. Vai trò của nhượng quyền thương mại
Quyền SHTT đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền trong một hợp đồng NQTM. Đối với bên nhượng quyền, SHTT giúp bảo vệ tài sản vô hình như nhãn hiệu, tên thương mại và bí mật kinh doanh khỏi bị sao chép, đồng thời đảm bảo tính đồng nhất và giá trị của hệ thống nhượng quyền. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho phép bên nhượng quyền duy trì kiểm soát đối với các yếu tố then chốt của thương hiệu, từ đó gia tăng giá trị thương hiệu trong mắt người tiêu dùng[2].
Các quy định về SHTT cung cấp cho bên nhượng quyền công cụ pháp lý cần thiết để xử lý hành vi vi phạm quyền lợi, giúp bảo vệ lợi ích tài chính và danh tiếng của thương hiệu. Quyền SHTT không chỉ là công cụ bảo vệ mà còn là chiến lược kinh doanh quan trọng [14].
Sở hữu trí tuệ là cơ sở pháp lý quan trọng cho bên nhận quyền trong việc sử dụng hợp pháp tài sản của bên nhượng quyền, từ đó tạo sự tự tin trong việc phát triển mô hình kinh doanh dựa trên thương hiệu uy tín. Việc bảo vệ quyền lợi sở hữu trí tuệ giúp xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa hai bên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vấn đề và duy trì môi trường kinh doanh tích cực. NQTM không chỉ bảo vệ quyền SHTT mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, và giảm rủi ro vi phạm.
2.3. Quyền sở hữu trí tuệ
Quyền SHTT trong NQTM đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các tài sản vô hình như nhãn hiệu, sáng chế, quyền tác giả và bí mật kinh doanh. Theo tổ chức WIPO, quyền sở hữu trí tuệ là các quyền pháp lý liên quan đến sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, và khi được bảo vệ hiệu quả, sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho doanh nghiệp[15]. Trong mô hình NQTM, quyền sở hữu trí tuệ không chỉ giúp ngăn chặn các hành vi vi phạm mà còn bảo vệ quyền lợi cho bên nhượng quyền, từ đó tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho các hoạt động kinh doanh.
Quyền sở hữu công nghiệp, một phần quan trọng của quyền SHTT, bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Trong NQTM, quyền này bảo vệ tài sản trí tuệ của bên nhượng quyền, tạo lợi thế cạnh tranh và ngăn chặn sao chép trái phép. Việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp không chỉ giúp bảo vệ các bí quyết công nghệ mà còn duy trì tính độc quyền của sản phẩm và dịch vụ, đảm bảo rằng bên nhận quyền có thể tối ưu hóa giá trị thương hiệu và công nghệ mà họ được cấp phép[13].
Mặc dù có những quy định rõ ràng về quyền sở hữu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn thiếu nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền lợi này, dẫn đến tình trạng vi phạm ngày càng gia tăng[17]. Để khắc phục tình trạng này, cần tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về quyền sở hữu công nghiệp, đồng thời cải thiện quy trình pháp lý để hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả hơn cho họ trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp[12], của các doanh nghiệp lớn và đảm bảo sự tồn tại, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong môi trường cạnh tranh hiện nay.
Quyền thương hiệu là tài sản trí tuệ quan trọng trong NQTM. Thương hiệu không chỉ là biểu tượng hay tên gọi mà còn đại diện cho uy tín, chất lượng và giá trị doanh nghiệp. Thương hiệu có thể tạo ra giá trị kinh tế đáng kể và ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách hàng[13].
Trong NQTM, quyền thương hiệu xác định mối quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Bên nhận quyền không chỉ sử dụng tên và logo mà còn tiếp nhận hệ thống giá trị và cam kết chất lượng từ bên nhượng quyền. Baker (2019) nhấn mạnh rằng quyền thương hiệu bảo vệ đầu tư của bên nhượng quyền và chỉ cho phép bên nhận quyền sử dụng thương hiệu đó[2].
Bảo vệ quyền thương hiệu rất quan trọng để duy trì lòng tin của khách hàng. Hoàng Thị Lan (2020) cảnh báo rằng mất kiểm soát thương hiệu có thể làm giảm uy tín và doanh thu [11]. Các quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ giúp bảo vệ thương hiệu, và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam khuyến nghị doanh nghiệp cần đăng ký thương hiệu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp [6].
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến việc bảo vệ quyền thương hiệu, dẫn đến tình trạng vi phạm gia tăng [16]. Để cải thiện, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của quyền thương hiệu và thực hiện các chương trình giáo dục giúp doanh nghiệp hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình[13]. Hợp tác giữa chính phủ và tổ chức chuyên môn cũng sẽ góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc bảo vệ thương hiệu.
2.4. Về hợp đồng nhượng quyền thương mại
NQTM ở nhiều quốc gia coi hợp đồng nhượng quyền là rất quan trọng. Hợp đồng này quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên, nhằm thiết lập, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ nhượng quyền. Theo Cơ quan Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC), hợp đồng nhượng quyền bao gồm việc bên nhượng quyền cung cấp hỗ trợ, kiểm soát phương pháp kinh doanh, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, và yêu cầu bên nhận quyền thanh toán phí [4].
Hợp đồng NQTM có những đặc điểm riêng, bao gồm yếu tố cấp phép, cho phép chuyển giao quyền sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu và bí mật thương mại. Nó cũng tương tự như hợp đồng chuyển giao công nghệ và hợp đồng cung ứng dịch vụ. Luật Thương mại không định nghĩa cụ thể về hợp đồng NQTM, nhưng yêu cầu hợp đồng phải lập thành văn bản[8]. Nghị định số 35/2006/NĐ-CP đề cập đến các biến thể của hợp đồng nhượng quyền.
Trong mối quan hệ nhượng quyền, có hai chủ thể chính là bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Pháp luật thương mại Việt Nam quy định bên nhượng quyền phải là thương nhân có quyền kinh doanh phù hợp với đối tượng nhượng quyền (điều 5, 6 Nghị định 35/2006/NĐ-CP). Hợp đồng NQTM phải đảm bảo thỏa thuận phù hợp với quyền lợi hợp pháp của các bên, đặc biệt là bên nhượng quyền, và tuân thủ Luật sở hữu trí tuệ. Nội dung hợp đồng tập trung vào "quyền thương mại", bao gồm tên thương mại, công nghệ, bí quyết kinh doanh và nhãn hiệu, giúp các bên khai thác và kinh doanh hiệu quả.
Luật thương mại quy định hợp đồng cần có sáu nội dung chính: quyền thương mại, quyền và nghĩa vụ của hai bên, giá cả và phương thức thanh toán, thời hạn hiệu lực, điều khoản gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp. Trong đó, "quyền thương mại" đóng vai trò cốt lõi, là đối tượng chính của hợp đồng, và càng được quy định cụ thể thì các bên càng dễ dàng hiểu và tránh xung đột [8].
Luật quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Bên nhượng quyền có quyền nhận tiền nhượng quyền, tổ chức quảng cáo cho hệ thống NQTM và kiểm tra hoạt động của bên nhận quyền để đảm bảo chất lượng[8]. Đồng thời, bên nhượng quyền cũng có nghĩa vụ cung cấp tài liệu hướng dẫn, đào tạo và bảo vệ quyền SHTT liên quan đến đối tượng hợp đồng.
Bên nhận quyền được bảo đảm quyền lợi như yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật và đối xử bình đẳng với các bên khác trong hệ thống nhượng quyền. Tuy nhiên, bên nhận quyền cũng có nghĩa vụ thanh toán đúng hạn, đầu tư cơ sở vật chất, và giữ bí mật về bí quyết kinh doanh [7].
Pháp luật không quy định cụ thể mức phí hay thời gian nhượng quyền, cho phép các bên tự thỏa thuận. Điều này tạo sự linh hoạt trong việc xác định các điều khoản phù hợp với nhu cầu kinh doanh. Các quy định trong hợp đồng mang tính gợi mở, khuyến khích thỏa thuận giữa các bên nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp trong mối quan hệ nhượng quyền.
3. Thực tiễn áp dụng hợp đồng nhượng quyền thương mại tại Việt Nam
3.1. Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền thương mại là nhãn hiệu
Chuyển nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu có hai hình thức: chuyển nhượng nhãn hiệu (bán nhãn hiệu) và chuyển nhượng quyền nhãn hiệu (cho thuê có thời hạn). Bài viết này chỉ tập trung vào chuyển nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu. Theo Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp bao gồm quyền của tổ chức, cá nhân đối với nhãn hiệu, tên thương mại và các quyền liên quan khác. Điều 138 của luật này định nghĩa chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức hoặc cá nhân khác[5].
Để thực hiện, Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ quy định rằng chủ sở hữu chỉ được chuyển nhượng trong phạm vi quyền bảo hộ đã xác định, không được gây nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm và người nhận quyền phải đáp ứng các điều kiện đăng ký nhãn hiệu. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu chỉ có hiệu lực khi được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Điều 148) [5].
Nội dung cơ bản của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu theo Điều 140, bao gồm tên và địa chỉ của các bên, căn cứ pháp lý, giá chuyển nhượng và quyền, nghĩa vụ của các bên. Để hợp đồng có hiệu lực, cần tuân thủ các điều kiện nêu trên và được đăng ký hợp lệ. Các bên cũng phải tuân thủ quy định tại Thông tư 18/2011/TT-BKHCN và Thông tư 16/2016/TT-BKHCN về hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu.
3.2. Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền thương mại là tên thương mại
Theo quy định tại khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt với các chủ thể khác[5]. Tên thương mại không chỉ là một cái tên mà còn mang giá trị thương hiệu, giúp xác định và định danh doanh nghiệp trong mắt khách hàng. Nó có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nhận diện thương hiệu và tạo lòng tin từ phía khách hàng.
Tại khoản 6 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ, cho phép tổ chức hoặc cá nhân sử dụng tên thương mại trong các hoạt động kinh doanh và tài liệu liên quan[5]. Điều 16 Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định phạm vi quyền đối với tên thương mại theo lĩnh vực và lãnh thổ kinh doanh. Để được bảo hộ, tên thương mại phải có khả năng phân biệt và không gây nhầm lẫn với tên thương mại hoặc nhãn hiệu đã được sử dụng trước.
Tại khoản 3 Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ quy định rằng quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng khi cùng với toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên đó. Bất kỳ hành vi chuyển nhượng nào khác đều không hợp pháp. Do đó, việc chuyển nhượng tên thương mại phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để đảm bảo tính hợp pháp và quyền lợi của các bên liên quan.
3.3. Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền thương mại là bí mật kinh doanh
Tại khoản 23 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh là thông tin quan trọng giúp doanh nghiệp tạo ra hoặc cải tiến hàng hóa và dịch vụ, từ đó duy trì lợi thế cạnh tranh[5]. Các thông tin này bao gồm bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, và dữ liệu thị trường. Để được bảo vệ, thông tin cần phải không phổ biến, mang lại lợi thế cạnh tranh, và được bảo vệ bằng các biện pháp cần thiết.
Theo Điều 284 Luật Thương mại 2005, NQTM là giao dịch mà bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền kinh doanh hàng hóa hoặc dịch vụ theo hình thức của mình, bao gồm cả việc sử dụng bí mật kinh doanh. Điều 289 Luật Thương mại 2005 quy định rằng bên nhận quyền phải giữ bí mật về bí quyết kinh doanh, kể cả sau khi hợp đồng kết thúc. Điều này nhằm ngăn chặn rủi ro như việc sao chép mô hình kinh doanh hoặc tạo ra doanh nghiệp cạnh tranh.
Mặc dù có quy định về bảo mật, nhưng vẫn thiếu hướng dẫn cụ thể về cách thức bảo vệ bí mật kinh doanh và các hành động cần thiết mà các bên phải thực hiện, gây ra rủi ro cho bên nhượng quyền trong việc bảo vệ thông tin quan trọng của mình.
3.4. Thực trạng khung pháp lý thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ trong chuyển giao quyền thương mại
Pháp luật về sở hữu trí tuệ trong NQTM tại Việt Nam đã có những quy định cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã định nghĩa rõ quyền SHTT, bao gồm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền thương hiệu, những yếu tố quan trọng trong các giao dịch nhượng quyền thương mại. Những quy định này cho phép doanh nghiệp tham gia nhượng quyền kiểm soát tài sản trí tuệ của mình, đặc biệt là thương hiệu và bí mật kinh doanh.
Tuy nhiên, thực tế áp dụng vẫn gặp phải một số thách thức. Đầu tiên, có thiếu sót về khung pháp lý chi tiết; mặc dù đã có quy định chung, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể cho lĩnh vực NQTM. Thứ hai, quyền lợi của bên nhận quyền chưa được bảo vệ đầy đủ, dẫn đến tranh chấp do sự không rõ ràng trong phân chia quyền lợi và nghĩa vụ về SHTT.
Thực thi pháp luật và bảo vệ quyền SHTT cũng còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp nước ngoài thường lo ngại về việc bảo vệ quyền SHTT của họ tại Việt Nam, đặc biệt là trong việc chống lại hàng giả và vi phạm thương hiệu. Cuối cùng, khung pháp lý hiện tại chưa đồng bộ với pháp luật quốc tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, trong việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Để cải thiện tình hình, cần có sự sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật, tạo ra khung pháp lý hoàn chỉnh hơn nhằm bảo vệ tốt hơn quyền SHTT trong NQTM.
4. Giải pháp hoàn thiện
4.1. Đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong nhượng quyền thương mại
4.1.1.Định hướng hoàn thiện
Bảo vệ thương hiệu: Cần sửa đổi quy định để bảo vệ thương hiệu không chỉ ở thị trường nội địa mà còn quốc tế, cải thiện theo tiêu chuẩn quốc tế như Hệ thống Madrid.
Tăng cường thực thi pháp luật: Cần củng cố hệ thống thực thi pháp luật về SHTT, mở rộng quyền hạn cho cơ quan chức năng và áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn đối với vi phạm.
Đơn giản hóa thủ tục đăng ký: Quy trình đăng ký quyền SHTT, đặc biệt là thương hiệu và bí mật kinh doanh, cần được đơn giản hóa để giảm thời gian và rủi ro vi phạm.
Quy định về bí mật kinh doanh: Cần có quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của bên nhượng quyền và bên nhận quyền trong việc bảo vệ bí mật kinh doanh, cùng các biện pháp xử lý vi phạm.
Hợp tác quốc tế: Việt Nam nên ký kết thêm các hiệp định quốc tế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong nhượng quyền, như Hiệp định TRIPS.
Nâng cao nhận thức: Cần tổ chức chương trình đào tạo và hội thảo để nâng cao hiểu biết về quyền SHTT cho các bên nhượng quyền, giúp tránh tranh chấp pháp lý không cần thiết.
4.1.2. Đề xuất về thay đổi cơ sở pháp lý hiện hành
- Luật Thương mại 2005 chưa định nghĩa rõ về hợp đồng NQTM, trong khi Nghị định 35/2006/NĐ-CP chỉ đề cập đến hợp đồng phát triển quyền thương mại và nhượng quyền thứ cấp, nhưng phân loại này còn mơ hồ về quyền và nghĩa vụ của các bên.
- Cần bổ sung định nghĩa chính thức cho hợp đồng NQTM, phân loại rõ ràng các dạng hợp đồng và quy định chi tiết về quyền và nghĩa vụ của các bên, đồng thời định nghĩa khái niệm “Quyền thương mại” để đảm bảo tính pháp lý và minh bạch.
- Cần làm rõ phạm vi kiểm soát và nghĩa vụ hỗ trợ kỹ thuật của bên nhượng quyền, để đảm bảo hệ thống nhượng quyền hoạt động nhất quán.
- Quy định về căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên nhận quyền cần cân bằng hơn, bổ sung quy định về mức độ vi phạm cụ thể mà bên nhượng quyền phải chịu, nhằm tạo sự bình đẳng giữa các bên.
4.1.3. Đề xuất hoàn thiện pháp luật về bảo vệ đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại
Thứ nhất, cần sửa đổi và bổ sung các ngoại lệ hợp lý về quyền SHTT trong hoạt động NQTM. Cụ thể, Điều 142 của Luật Sở hữu trí tuệ nên được mở rộng bao gồm điều khoản cho phép ngoại lệ trong việc khai thác và sử dụng các đối tượng SHTT như “trừ trường hợp đối với hoạt động nhượng quyền thương mại.” [5], tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân nhượng quyền mà không vi phạm pháp luật về SHTT.
Thứ hai, tại Điều 72 của Luật Sở hữu trí tuệ yêu cầu dấu hiệu phải “nhìn thấy được” để được bảo hộ [5]. Điều này hạn chế phạm vi bảo hộ đối với các dấu hiệu sáng tạo cao nhưng không hữu hình. Do đó, cần điều chỉnh quy định này bằng cách loại bỏ yêu cầu “nhìn thấy được,” mở rộng phạm vi bảo hộ nhãn hiệu và khuyến khích sự sáng tạo trong hoạt động nhượng quyền, phù hợp với các quy định quốc tế như Hiệp định TRIPS.
Thứ ba, để bảo vệ các yếu tố độc đáo trong quyền thương mại như bí quyết kinh doanh và thiết kế cửa hàng, có thể áp dụng hai phương thức: 1) Bổ sung các yếu tố này vào danh sách các đối tượng được bảo hộ trong Luật Sở hữu trí tuệ, tuy nhiên phương thức này cần sửa đổi liên tục; 2) Bảo hộ quyền thương mại như một “gói quyền,” cho phép thương nhân đăng ký bảo hộ tổng thể quyền thương mại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tạo cơ chế bảo vệ hiệu quả cho các yếu tố trong quyền thương mại.
5. Kết Luận
Quyền SHTT đóng vai trò quan trọng trong NQTM. Bảo vệ quyền SHTT không chỉ đảm bảo lợi ích hợp pháp cho các bên mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp doanh nghiệp cạnh tranh hiệu quả hơn.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, mặc dù pháp luật SHTT tại Việt Nam đã tiến bộ, nhưng vẫn tồn tại hạn chế về nhận thức và thực thi, dẫn đến xâm phạm quyền SHTT phổ biến, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nhượng quyền và lòng tin của các bên.
Để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền SHTT, cần sửa đổi và hoàn thiện quy định pháp luật, mở rộng bảo hộ nhãn hiệu, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên, và xây dựng cơ chế bảo vệ các yếu tố độc đáo. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức về SHTT trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển bền vững, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
_____________________________
Tài liệu tham khảo
[1] IFA. (2023), The franchising economic outlook (Triển vọng kinh tế nhượng quyền thương mại), nguồn: https://www.franchise.org/franchise-information/franchise-business-outlook/2023-franchising-economic-outlook
[2] Baker, T. R. (2019), Intellectual Property in Franchising: Protecting Business Assets in a Globalized Market. Journal of Business Law (Sở hữu trí tuệ trong nhượng quyền thương mại: Bảo vệ tài sản kinh doanh trong thị trường toàn cầu hóa), Tạp chí Luật kinh doanh số 118.
[3] Bộ Công thương (2024), Thống kê, nguồn: https://moit.gov.vn/nhuong-quyen-thuong-mai.
[4] Bộ nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế (2004), Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế.
[5] Quốc hội (2022), luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ, ngày 16 tháng 6 năm 2022.
[6] Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (2021), Báo cáo về tình hình thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
[7] Nguyễn Thanh Hương (2007), Nhượng quyền thương hiệu đôi điều suy nghĩ, Tạp chí Phát triển Kinh tế, số 202.
[8] Quốc hội (2005), Luật Thương mại sửa đổi, bổ sung 2015 và 2019.
[9] Mondag. (2024), Top Challenges In IP Protection In Vietnam And How To Overcome Them (Những thách thức hàng đầu trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và cách khắc phục).
[10] European Union Intellectual Property Office. (2021), The Role of IP in International Trade Agreements (Vai trò của sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại quốc tế).
[11] Hoàng Thị Lan (2020), Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, Tạp chí Luật học số 20.
[12] Hoàng Văn Thắng (2019), Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh nhượng quyền, Tạp chí Luật học số 8.
[13] WIPO. (2022), Intellectual Property and Franchising. World Intellectual Property Organization (Sở hữu trí tuệ và nhượng quyền thương mại. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới).
[14] WIPO. (2022), Enhancing IP Management and Enforcement in Franchise Systems. World Intellectual Property Organization (Tăng cường quản lý và thực thi sở hữu trí tuệ trong hệ thống nhượng quyền thương mại. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.)
[15] WIPO. (2022), Franchise and Intellectual Property: A Global Perspective. World Intellectual Property Organization (Nhượng quyền thương mại và Sở hữu trí tuệ: Góc nhìn toàn cầu. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới).
[16] Nguyen, T. A. (2021), Legal Framework for Intellectual Property in Franchising in Vietnam: Current Issues and Recommendations. (Khung pháp lý về sở hữu trí tuệ trong nhượng quyền thương mại tại Việt Nam: Các vấn đề hiện tại và khuyến nghị, Tạp chí Luật Việt Nam số 250.
[17] Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2020), Báo cáo về thực tiễn thực thi pháp luật Sở hữu trí tuệ trong thương mại.
[1] Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.