Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcRộng cửa xét tuyển bổ sung

Rộng cửa xét tuyển bổ sung

Thứ năm, 09 Tháng 8 2012 01:49
Ngày 8-8, hội đồng xét duyệt điểm sàn tuyển sinh ĐH-CĐ của Bộ GD-ĐT đã quyết định chính thức điểm sàn ĐH và CĐ, đúng với mức đã dự kiến trước đó.

“Việc xét duyệt năm nay không căng thẳng như năm trước do mặt bằng điểm thi cao hơn” - TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, thành viên hội đồng, nhận xét.

Dư nguồn tuyển

Tuy chưa đạt được tới ngưỡng 15 điểm/ba môn, nhưng nhiều thành viên hội đồng xét duyệt điểm sàn đều cho rằng áp lực đã giảm khi hai vấn đề lo lắng đã có dấu hiệu khả quan hơn năm trước. Đó là điểm sàn vừa được xác định không quá thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nhưng vẫn tạo điều kiện để các trường tốp dưới không quá khó về nguồn tuyển.

Với điểm sàn khối C là 14,5 điểm, ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, dự đoán điểm chuẩn các ngành xã hội có thể tăng. Với khoảng 5.000 chỉ tiêu khối C còn lại (sau khi đã tuyển nguyện vọng 1), trong khi số thí sinh đủ điều kiện xét tuyển (có điểm thi bằng hoặc trên điểm sàn nhưng trượt nguyện vọng 1) ước tính còn gần 14.000, tính một cách tương đối thì tỉ lệ chọi của khối C ở nguyện vọng bổ sung khoảng 1/2,8.

Dĩ nhiên, trên thực tế tỉ lệ chọi này sẽ khác nhau giữa các trường, tùy thuộc sức hút của mỗi trường. Song theo các thành viên hội đồng xét duyệt điểm sàn, số ngành khối C phải xét tuyển với mức điểm bằng điểm sàn có thể giảm so với năm trước do nguồn tuyển dồi dào, các trường nhiều khả năng lựa chọn hơn.

 

Trong buổi họp hội đồng xét duyệt điểm sàn sáng 8-8, có ý kiến của đại diện trường CĐ lo lắng mức điểm sàn ĐH tăng ở khối C, D sẽ kéo theo mức tăng tương ứng ở hệ CĐ nên ảnh hưởng đến việc xét tuyển của các trường.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, thống kê của bộ cho thấy việc tăng 0,5 điểm với điểm sàn CĐ ở khối C, D không ảnh hưởng đến nguồn tuyển khi chỉ có vài chục thí sinh ở khối C và hơn 100 thí sinh khối D hụt trúng tuyển khi điểm sàn tăng.

Với điểm sàn 13,5, khối D còn khoảng 15.000 chỉ tiêu cho nguyện vọng bổ sung, trong khi đó số liệu tổng hợp từ Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cho thấy số thí sinh đủ điều kiện xét tuyển còn khoảng 40.000, tỉ lệ chọi khoảng 1/2,6. Với điểm sàn 13, khối A còn khoảng 38.000 chỉ tiêu cho nguyện vọng bổ sung, trong khi số thí sinh đủ điều kiện xét tuyển trên 68.000, tỉ lệ chọi khoảng 1/1,8. Khối B, với điểm sàn 14, còn khoảng 6.000 chỉ tiêu nhưng có tới 60.000 thí sinh đủ điều kiện xét tuyển, tỉ lệ chọi là 1/10.

Theo giải thích của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, trên thực tế khả năng “ảo” ở khối B cao hơn các khối khác (do nhiều thí sinh chọn khối B làm phương án “dự phòng” cho khối A) nên tỉ lệ chọi thật sẽ không tới mức tính cơ học như trên. Khối A1 là khối duy nhất có số dư (thí sinh đủ điều kiện)/số thiếu (chỉ tiêu) tương đương nhau, với mức chọi khoảng 1/1,1. Nhưng để đảm bảo chất lượng, nhiều trường ĐH cho biết sẽ tuyển bổ sung khối A bù cho khối A1 lần đầu tuyển sinh.

Nhiều thí sinh khối C, D... hụt trúng tuyển

Theo GS.TS Vũ Văn Hóa - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, mức điểm sàn này được đánh giá là nhích hơn một chút so với năm 2011, nhưng nếu nói chất lượng học sinh phổ thông khá hơn thì không thuyết phục. Với một trường ngoài công lập, chưa đủ nguồn tuyển, chờ đón đến 1/2 chỉ tiêu từ nguyện vọng bổ sung, không hề mong đợi điểm sàn cao hơn năm trước nhưng ông Hóa vẫn thẳng thắn cho rằng mức điểm sàn năm nay cho thấy chất lượng thí sinh chưa thật sự được nâng lên. “Xét đến cùng, thí sinh dự thi khối A vẫn chiếm đa số mà điểm sàn khối thi này không tăng thì rõ ràng mặt bằng chất lượng thí sinh vẫn còn thấp” - ông Hóa nói.

Tuy nhiên, ngay với mức nhích rất khiêm tốn này đã có rất nhiều thí sinh trước đó khấp khởi dự tính đỗ ĐH cuối cùng lại ngậm ngùi từ bỏ cánh cửa giảng đường.

Với mức điểm sàn bộ đưa ra, ông Vũ Văn Hóa cho biết trường có đến 300 thí sinh khối D1 trúng tuyển... hụt do trước đó trường vẫn dự trù mức điểm chuẩn khối D1 bằng điểm sàn của bộ năm ngoái. Như vậy, năm 2012 trường sẽ phải tuyển bổ sung nhiều chỉ tiêu hơn dự kiến ban đầu, khoảng hơn 2.300 chỉ tiêu bổ sung/4.300 chỉ tiêu ĐH chính quy, ở hầu khắp các ngành đào tạo.

Còn ông Phạm Văn Điển - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp - cho biết trường có trên 100 thí sinh vừa chạm mức 13 điểm ở khối D bị trượt ĐH với mức điểm sàn bộ công bố sáng 8-8.

Các trường trong nhiều khu vực tuyển sinh có thể tự cân đối

Kết quả thi ĐH 2012 cho thấy bước tiến bất ngờ của chất lượng đào tạo học sinh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Trong khi vùng núi phía Bắc năm nay phải chật vật vẫn khó thể tự cân đối được nguồn tuyển sinh thì các trường tại đồng bằng sông Cửu Long tràn trề hi vọng có thể tự lấp đầy chỉ tiêu. Tại khu vực miền núi phía Bắc, riêng khối A còn thiếu đến 3.600 chỉ tiêu, nhưng số thí sinh địa phương thi ở Hà Nội chưa đỗ nguyện vọng 1 mà trên điểm sàn chỉ có 3.900 em, nên chắc chắn các trường không tuyển đủ nếu chỉ dựa vào học sinh có hộ khẩu tại vùng”.

Điều này cũng dễ hiểu khi ngay trường ĐH trung tâm của khu vực là ĐH Thái Nguyên cũng còn thiếu rất nhiều chỉ tiêu. Trong khi đó, số chỉ tiêu còn thiếu ở các trường ĐH đồng bằng sông Cửu Long là 2.500, còn số thí sinh có hộ khẩu ở vùng này dự thi tại TP.HCM vượt điểm sàn nhưng chưa trúng tuyển nguyện vọng 1 lên đến 8.000 em. Với nguồn tuyển dồi dào hơn, ông Ga cho rằng các trường trong nhiều khu vực tuyển sinh hoàn toàn có thể tự cân đối với nhau để lấp đầy chỉ tiêu, không cần đến sự di chuyển thí sinh từ khu vực khác.

Theo NGỌC HÀ - VĨNH HÀ (Tuoitre)

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516