Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcTHỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT HỖ TRỢ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG SẢN XUẤT KINH DOANH TẠI TỈNH ĐẮK NÔNG – KẾT QUẢ VÀ ĐỊNH HƯỚNG TRONG THỜI GIAN ĐẾN

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT HỖ TRỢ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG SẢN XUẤT KINH DOANH TẠI TỈNH ĐẮK NÔNG – KẾT QUẢ VÀ ĐỊNH HƯỚNG TRONG THỜI GIAN ĐẾN

Chủ nhật, 01 Tháng 10 2023 02:01

HÀ NGỌC ANH [1]

Học viện Chính trị khu vực III

Nhận bài ngày 19/10/2023. Sửa chữa xong 23/10/2023. Duyệt đăng 28/10/2023.

Abstract

The article focuses on analyzing some achieved results, limitations and causes in implementing policies and laws to support ethnic minorities in production and business in Dak Nong province in last time. On that basis, we propose some directions to continue to effectively implement this issue in the coming time.

Keywords: Ethnic minorities, policy, law, production and business

1. Đặt vấn đề

Hiện nay tại tỉnh Đắk Nông tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao hơn mức bình quân chung của khu vực Tây Nguyên, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ. Năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tỷ hộ nghèo DTTS tại chỗ là 32,81% và hộ nghèo DTTS chung là 27,98%)[2]. Điều này cho thấy các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, pháp luật để hỗ trợ đồng bào DTTS trong sản xuất kinh doanh (SXKD) để phát triển kinh tế - xã hội.

2. Các chính sách, pháp luật hỗ trợ đồng bào DTTS trong SXKD đang được triển khai thực hiện tại tỉnh Đắk Nông

Hiện nay Đảng và Nhà nước đang có rất nhiều chính sách, pháp luật về hỗ trợ đồng bào DTTS trong SXKD. Đối với tỉnh Đắk Nông có thể khái quát một số chính sách, pháp luật cơ bản sau.

2.1. Chính sách, pháp luật hỗ trợ đồng bào DTTS sản xuất kinh doanh trong Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Ngày 18/11/2019 Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết 88/2019/QH14 về phê duyệt đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Cụ thể hóa vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, Phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030. Với mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho hơn 47.200 hộ; giải quyết sinh kế cho hơn 271.800 hộ; đào tạo nghề cho khoảng 2,25 triệu người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 4 triệu hộ đồng bào DTTS và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đắk Nông cũng ban hành nhiều văn bản để cụ thể hoá và hướng dẫn triển khai thực hiện: Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND ngày 17/6/2022 về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 14/12/2022 về cơ chế lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình MTQG…Quyết định số 1703/QĐ-UBND về danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù thuộc Chương trình MTQG; Quyết định số 33/2022/QĐ-UBND về cơ chế phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG địa phương…Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn là 5%; phấn đấu xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là 7 xã, đạt tỷ lệ là 58,33%; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 533 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề 1.167 hộ…[1].

2.2. Chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS sản xuất kinh doanh trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025

Để tiếp tục thực hiện giảm nghèo bền vững, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15, ngày 28/7/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 Phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Chương trình gồm nhiều dự án, liên quan đến hỗ trợ đồng bào DTTS trong SXKD có hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn…Để thực hiện chính sách này, tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện như: Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 17/6/2022 về quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025; Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 14/12/2022 về việc quy định một số chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025…UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định chỉ tiêu, kế hoạch vốn giai đoạn 2021 – 2025 và các năm 2022, 2023 thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.

2.3. Chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS sản xuất kinh doanhtrong Chương trình xây dựng MTQG

Trên cơ sở Nghị quyết 25/2021/QH15 2021 Phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến vấn đề này, điển hình là Quyết định số 263/QĐ-TTg, ngày 22/02/2022 Phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025 xác định nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn…UBND tỉnh Đắk Nông có Quyết định số 772/QĐ-UBND ngày 25/4/2022 về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 43 xã đạt chuẩn NTM, trong đó: có ít nhất 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 03 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân đạt từ 17,2 tiêu chí NTM/xã và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí NTM; phấn đấu có thêm ít nhất 02 huyện đạt chuẩn NTM [2].

3. Kết quả, hạn chế, nguyên nhân hạn chế trong thực hiện các chính sách, pháp luật hỗ trợ đồng bào DTTS trong SXKD tại tỉnh Đắk Nông

3.1. Kết quả đạt được

3.1.1. Đối với chính sách, pháp luật hỗ trợ đồng bào DTTS trong SXKD khi thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 – 2030

Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt. Đến nay các huyện đã rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng và triển khai thực hiện, kết quả đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 20 hộ với kinh phí là 200 triệu đồng và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 42 hộ với kinh phí là 126 triệu đồng.

Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đối với thúc đẩy khởi nghiệp đến nay Hội Nông dân tỉnh đã triển khai thực hiện và giải ngân được 43 triệu đồng. Tỉnh được Trung ương giao thực hiện 1 dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn huyện ĐắkG’Long.

Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống: Năm 2022, tổng nguồn vốn được phân bổ là 52.590 triệu đồng, trên cơ sở danh mục dự án đầu tư đã được phê duyệt với 133 công trình, UBND các huyện, thành phố đã lập, phê duyệt 16 công trình, trong đó giao kế hoạch vốn là 5 công trình và thực hiện và giải ngân với nguồn vốn 5.595 triệu đồng, đạt 10,47% so với kế hoạch vốn được giao.

Các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình: Kết quả giải ngân vốn năm 2022 và năm 2023: Trong năm 2022, giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền của tỉnh là 7,87%; đạt 157% so với kế hoạch đề ra (Mục tiêu đến năm 2025 của tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS trong giai đoạn 2021- 2025 là 5%) [3].

3.1.2. Chính sách, pháp luật hỗ trợ đồng bào DTTS trong SXKD khi thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững

Các mục tiêu, chỉ tiêu: Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 7,87%, từ 27,98% xuống còn 20,11%, đạt chỉ tiêu đề ra số hộ nghèo giảm được 3.200 hộ, từ 12.789 hộ xuống 9.589 hộ.

Các dự án thành phần: Đã thực hiện tại 02 huyện nghèo ĐắkG’Long và Tuy Đức, nội dung hỗ trợ đầu tư công trình đầu tư cấp huyện, liên xã phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tổng số vốn được phân bổ năm 2022 là 146.486 triệu đồng. Năm 2022, huyện Đắk G’Long đầu tư 11 công trình, huyện Tuy Đức 09 công trình. Dự kiến có khoảng 140.083 người dân (người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào DTTS) trên địa bàn hai huyện nghèo được hưởng lợi từ các công trình, dự án nêu trên. Hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn đã thực hiện tại huyện Đắk G’Long với tổng kinh phí cả giai đoạn 105.662 triệu đồng. Xây dựng hồ sơ thực hiện 04 công trình đường giao thông và nâng cấp hạng mục vỉa hè, điện chiếu sáng tuyến đường xã. Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp vơi nguồn vốn được phân bổ năm 2022 là 6.195 triệu đồng, đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện. Về phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn kết quả đã giải ngân 1.880,952 triệu đồng. Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với nguồn vốn được phân bổ năm 2022 là 517 triệu đồng. Hỗ trợ việc làm bền vững với nguồn vốn được phân bổ năm 2022 là 3.593 triệu đồng, kết quả giải ngân là 338,84 triệu đồng. 3) Các chính sách giảm nghèo thường xuyên và tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo: Năm 2022 thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đã giải quyết cho vay đạt 148.217 triệu đồng, với 2.695 lượt hộ nghèo, 2.112 lượt hộ cận nghèo vay vốn với kinh phí là 134.428 triệu đồng. Chính sách đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo [4].

3.1.3. Chính sách, pháp luật hỗ trợ đồng bào DTTS trong SXKD khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM

Về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại: Theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025 đến hết năm 2022 toàn tỉnh có 50/60 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông, đạt 83,33%; có 59/60 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi đạt 98,3%; có 59/60 xã đạt tiêu chí số 4 về điện, đạt 98,3%; có 46/60 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học, đạt 76,7%; có 51/60 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, đạt 85%; có 56/60 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, đạt 93,3%; có 57/60 xã đạt tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông, đạt 95%; có 50/60 xã đạt tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư, đạt 83,3%.

Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ chương trình mỗi xã một sản phẩm: Đến nay tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh là 60 sản phẩm của 53 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất được công nhận; trong đó có 07 sản phẩm đạt 4 sao, 53 sản phẩm đạt 3 sao theo Bộ tiêu chí OCOP Quốc gia. Bên cạnh đó, hỗ trợ 15 sản phẩm lên sàn shopee; 47 sản phẩm tham gia sàn voso.vn; 25 sản phẩm được tạo gian hàng trên sàn postmart và 22 sản phẩm lên sanocop.vn…

Về giảm nghèo bền vững: năm 2022 trên địa bàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 còn 13.342 hộ, 64.828 khẩu, chiếm tỷ lệ 7,97% trên tổng số hộ toàn tỉnh, trong đó: Hộ nghèo đồng bào DTTS chung là 9.589 hộ, chiếm tỷ lệ 20,11%, hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ 3.892 hộ, chiếm tỷ lệ 24,56% trên tổng số hộ DTTS tại chỗ. Theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 47/60 xã đạt tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều, đạt 78,3% [[3]].

3.2 Hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS trong SXKD

3.2.1. Về hạn chế: 1) Chất lượng giảm nghèo trên địa bàn tỉnh chưa thật sự bền vững, nguy cơ phát sinh và tái nghèo cao do những rủi ro bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả, tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường…Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh còn cao, chủ yếu tập trung ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. 2) Công tác khuyến nông lại ít được chú trọng; ít mô hình sản xuất, kinh doanh vườn rừng, kinh tế trang trại; mô hình nông lâm kết hợp tại chỗ để nhân dân trong vùng nhất là đồng bào DTTS làm theo nên hiệu quả SXKD chưa cao; công tác đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp đối với đồng bào DTTS thiếu đất SXKD chưa được chú trọng nhiều. 3) Công tác giám sát thực thi chính sách, pháp luật về hỗ trợ đồng bào DTTS nói chung và đồng bào DTTS trong SXKD nói riêng đã được quan tâm nhiều.

3.2.2. Nguyên nhân của hạn chế: 1) Đặc thù của vùng đồng bào DTTS của tỉnh có xuất phát điểm quá thấp; trình độ dân trí của đồng bào DTTS còn thấp, nặng tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước; điều kiện tự nhiên cho sản xuất nông nghiệp và sinh sống của dân cư không thuận lợi; tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống; tình trạng dân di cư tự do đến tỉnh đa số là hộ nghèo, sống rải rác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn [5]. 2) Sự phối hợp trong tổ chức triển khai và thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ đồng bào DTTS giữa trung ương với địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa các phòng ban, bộ phận và giữa các cán bộ, công chức, có lúc, có nơi chưa được chặt chẽ, khoa học. 3) Năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cơ sở trong cụ thể hóa và thực thi hỗ trợ đồng bào DTTS gắn liền với điều kiện đặc thù của từng xã, thôn, bum trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. 4) Nguồn lực thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ đồng bào DTTS trong SXKD còn phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn trung ương và bị phân tán, dàn trải; việc lồng ghép nguồn lực còn khó khăn do mỗi chương trình, dự án có các mục tiêu, cơ chế quản lý khác nhau. 5) Văn bản hướng dẫn của Trung ương và địa phương được ban hành chưa kịp thời, đầy đủ và rõ ràng; chưa thật sự phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm, điều kiện từng huyện, từng xã.

4. Định hướng giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian đến

4.1. Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về chương trình MTQG

4.1.1. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ về quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG. Trước hết là, sửa đổi, bổ sung Điều 5, 6,7 của Nghị định để quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong tổng hợp, trình phương án phân bổ, giao mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 5 năm. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 quy định cụ thể cơ chế huy động nguồn vốn ngân sách địa phương của các tỉnh, thành phố nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương và không nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương trong thực hiện chương trình MTQG nhằm bổ sung cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 về nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình MTQG và nguyên tắc lồng ghép giữa các chương trình, dự án khác tại địa phương. Sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 1, Điều 40 về phân cấp, trao quyền đảm bảo cho địa phương nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý, thực hiện các Chương trình MTQG.

4.1.2. Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/72021 để bảo đảm tính bao quát hơn nữa đặc thù trong vùng đồng bào DTTS tại các tỉnh, vùng DTTS, hộ DTTS nghèo để được hưởng chính sách, pháp luật hỗ trợ đặc thù. Khắc phục sự chưa thống nhất, còn chồng chéo, chậm ban hành dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

4.2. Tiếp tục triển khai và thực hiện kịp thời, có hiệu quả chính sách, pháp luật về hỗ trợ đồng bào DTTS trong SXKD thông qua các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh

4.2.1. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi: Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện Chương trình, có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn của các tổ chức quốc tế; tăng cường huy động các nguồn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước đầu tư các công trình giao thông cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, đầu tư công trình giao thông kết nối, công trình điện lưới quốc gia cho các xã khu vực đặc biệt khó khăn. Ưu tiên hỗ trợ sinh kế cho các hộ DTTS là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự nguyện đăng ký tham gia dự án thông qua nhóm hộ, cộng đồng. Tăng cường công tác chỉ đạo, rà soát, đánh giá văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, chủ động xây dựng thể chế, văn bản hướng dẫn triển khai, tháo gỡ vướng mắc cho cơ sở trong tổ chức thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan việc thực hiện Chương trình, các dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn nhằm chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo các nguồn vốn sử dụng được hiệu quả.

4.2.2. Chương trình MTQG xây dựng NTM: Lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các Chương trình, các dự án đang thực hiện trên địa bàn để thực hiện các nội dung, mục tiêu chung của Chương. Rà soát, điều chỉnh, lập mới (trong trường hợp quy hoạch đã hết thời hạn) và triển khai quy hoạch chung xây dựng xã gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa theo quy định pháp luật về quy hoạch, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Tiếp tục đầu tư, duy tu, bảo dưỡng nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn gắn với phát triển đô thị, tạo kết nối đồng bộ liên xã, liên huyện. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế du lịch gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương, như: mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn…. Tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh và hướng tới xuất khẩu.

4.2.3. Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Tăng cường vai trò chủ động của cấp xã, cộng đồng thôn/bản trong việc đề xuất lựa chọn, thi công, quản lý, giám sát đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Xây dựng các quy định để khuyến khích sự tham gia của người dân vùng đồng bào DTTS về các hoạt động giảm nghèo. Chuyển dần phương thức hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện (cho vay), từ hỗ trợ đầu vào trong sản xuất sang hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Gắn công tác hỗ trợ vốn vay tín dụng với việc hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, ổn định thu nhập và thực hiện giảm nghèo theo hướng bền vững. Thực hiện đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của địa phương gắn với hỗ trợ giao dịch việc làm sàn điện tử trực tiếp hỗ trợ cho người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tạo điều kiện cho hộ DTTS tiếp cận dịch vụ trong lĩnh vực dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập. Có chính sách ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thu hút lao động nghèo là người DTTS vào làm việc.

4.3. Tăng cường vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hội đoàn thể trong thực hiện các chương trình MTQG có liên quan đến hỗ trợ đồng bào DTTS trong SXKD

4.3.1.Các cấp ủy Đảng: đề ra các chủ trương, giải pháp đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, chủ động, sáng tạo; không bao biện, làm thay nhưng cũng không buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong tổ chức thực hiện.

4.3.2. Ủy ban nhân dân các cấp: cần khẩn trương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các quy định khung, văn bản quản lý, điều hành để triển khai thực hiện các chương trình MTQG ở địa phương. Rà soát, tổng hợp các văn bản quản lý, điều hành đã ban hành để triển khai thực hiện các chương trình MTQG ở địa phương. Chủ tịch UBND các cấp phải trực tiếp chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các sở, ngành đơn vị và địa phương trong việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và văn bản triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn.

4.3.3.Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân: Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền để nhân dân thực hiện các Chương trình MTQG, nhất là ở vùng đồng bào DTTS. Tập hợp ý kiến, nguyện vọng của đồng bào DTTS và miền núi để phản ánh với cấp ủy đảng, cấp chính quyền có thẩm quyền. Chăm lo và phát huy vai trò của những cá nhân tiêu biểu trong quá trình thực hiện chương trình MTQG. Thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện Chương trình MTQG ở vùng đồng bào DTTS, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào DTTS, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.

4.4. Tăng cường công tác phối hợp trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG, trọng tâm là các quy định về hỗ trợ đồng bào DTTS trong SXKD

Các sở, ngành là chủ dự án thành phần, cơ quan chủ quản các chương trình MTQG phải chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Sở, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh xây dựng, ban hành và rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các sở, ngành, địa phương, bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Ban Dân tộc là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các cơ quan cấp tỉnh chủ trì dự án thành phần thuộc các chương trình MTQG là các cơ quan tương ứng với các Bộ, ngành Trung ương chủ trì, hướng dẫn thực hiện các dự án thành phần của các chương trình MTQG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

5. Kết luận

Chính sách, pháp luật về hỗ trợ đồng bào DTTS trong SXKD là công cụ pháp lý vững chắc để thực hiện các quan điểm của Đảng về phát triển vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh những ưu điểm, chính sách, pháp luật về hỗ trợ đồng bào DTTS trong SXKD vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, trong thời gian đến tiếp tục quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng về hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi, tiếp tục cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật cụ thể; bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật còn bất cập để tạo động lực thúc đẩy vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông (2022), Kế hoạch số 637/KH-UBND ngày 03/11/2022 về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.

[2] Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông (2022), Quyết định số 772/QĐ-UBND ngày 06/4/2022 về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 16/12/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 16/12/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025

[3] Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông (2023), Báo cáo 133/BC-UBND ngày 07/3/2023 Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

[4] Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông (2023), Báo cáo 132, ngày 07/3/2023 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

[5] Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông (2020), Báo cáo số 239/BC-UBND ngày 11/5/2020 Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.


[1] Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516