Dự án ITTP do Trường ĐH Văn Lang, Tổ chức CRS cùng nguồn tài trợ của USAID phối hợp thực hiện, đào tạo các khóa ngắn hạn với 4 ngành học: Lập trình viên, Kỹ thuật viên đồ họa, Họa viên Kiến trúc và Tin học căn bản cho người khiếm thị.
Ngoài ra, ITTP tổ chức đào tạo theo mô hình Giáo dục viên đồng đẳng cho đối tượng người khiếm thị. Cuối năm 2011, học viên thuộc khóa đầu tiên được đào tạo theo mô hình này đã hoàn thành chương trình học. Chứng chỉ mà các bạn được trao là sự ghi nhận của xã hội về khả năng, nghị lực của các bạn. Sau khi tốt nghiệp, các bạn sẽ trở thành các Giáo dục viên Hội người mù ở địa phương để tổ chức các lớp vi tính cho đối tượng người khiếm thị.
Tháng 3-2011, tại Trường Đại học Văn Lang, đại diện Tổ chức Catholic Relief Services (CRS); Hội người mù các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Bình Thuận, Vũng Tàu cùng các thầy cô, học viên thuộc Dự án này đã đến tham dự và chia vui với những học viên đầu tiên tốt nghiệp lớp Giáo dục viên tin học dành cho người khiếm thị. Đến cuối năm 2011, Trường ĐH Văn Lang tiếp tục trao bằng tốt nghiệp cho 42 học viên , 2 lớp Kỹ thuật viên đồ họa (GD) và 18 học viên Họa viên kiến trúc (AED) thuộc Dự án này.
Trước đó, trong năm 2010, có 9 học viên lớp Tin học căn bản dành cho người khiếm thị thuộc giai đoạn 2 của Dự án đã tốt nghiệp. Như vậy, tính đến nay đã có hàng trăm học viên khiếm thị đã và đang được nhà trường đào tạo cho họ ngành nghề tin học để có công ăn việc làm ổn định đời sống.
Những học viên được nhận chứng chỉ và đã ra trường đi làm
Nhiệt tình giới thiệu học viên đến với chương trình và cam kết hỗ trợ thực hiện các dự án đào tạo tại cơ sở, Hội người mù các tỉnh phía Nam đã góp phần khẳng định ý nghĩa xã hội của chương trình. Mô hình đào tạo Giáo dục viên hạt mầm kiến thức” đầu tiên đang được ươm trồng, để nhân lên tình yêu thương, kiến thức trong cộng đồng những người không may khiếm khuyết.
Tạp chí Giáo dục và Xã hội ghi nhận những đóng góp hết sức ý nghĩa của Trường ĐH Văn Lang trong hoạt động của Dự án đã góp phần xây dựng mô hình giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện đào tạo nghề và hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu: “Vì sự hội nhập đầy đủ và bình đẳng của người khuyết tật trong mọi hoạt động của cuộc sống bằng việc đảm bảo sự tiếp sự tiếp cận công bằng với giáo dục và tuyển dụng”.