Trường Đại học Quảng Nam được Thủ Tướng Chính Phủ ra quyết định thành lập ngày 8 tháng 6 năm 2007 trên cơ sở trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam. Sau 15 hình thành và phát triển (tính từ khi thành lập trường Trung học sư phạm tiền thân của Đại học Quảng Nam hiện nay), Đại học Quảng Nam đã có những thành tựu đáng kể. Về đội ngũ: với hơn 293 cán bộ, GV, trong đó có 7 Tiến sĩ, 10 đang là nghiên cứu sinh, 27 người đang học cao học trong và ngoài nước, 128 Thạc sĩ, 82 cử nhân. Về quy mô đào tạo, hiện nay có hơn 6061 SV chính quy (trong đó ĐH 2857, CĐ 1909, TC 1295 SV), khoảng 3000 SV các hệ tại chức, liên kết đào tạo với các trường, với hơn 40 ngành đào tạo ĐH, CĐ; có quan hệ đào tạo với nhiều trường ĐH có uy tín trong, ngoài tỉnh và đào tạo nguồn nhân lực cho nước bạn Lào. Hiện nay, trường có cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ dạy học tương đối hoàn thiện và hiện đại (so với các trường trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên và các trường ĐH địa phương), với 2 cơ sở đào tạo, trong đó, cơ sở 1 (7 ha) tại Trung tâm TP. Tam Kỳ cơ bản đã hoàn thành công tác xây dựng, với hơn 100 phòng học (khoảng 30% được trang bị các thiết bị dạy học hiện đại), 1 trung tâm học liệu (với hàng chục ngàn đầu sách chuyên ngành, tham khảo), một khu thể thao ngoài trời đầy đủ các hạng mục theo tiêu chuẩn (nhà đa năng, sân vận động – khán đài, hồ bơi,...), 1 khu giảng đường 300 chỗ, 1 trung tâm hội thảo đa năng (hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện văn hoá, văn nghệ… 500 chỗ; một khu thực hành tin học (6 phòng máy với gần 600 máy tính,..), phòng học chuyên đề (nhạc - hoạ - múa), một khu ký túc xá với 4 dãy nhà 3-4 tầng đáp ứng cho khoảng 1400 SV nội trú (sắp tới sẽ xây dựng 2 khu 5 tầng đáp ứng khoảng 1200 chỗ ở), một khu nhà ăn SV (2 tầng, đáp ứng 800 suất ăn cùng lúc), một nhà ở chuyên gia đạt tiêu chuẩn phục vụ cho GV thỉnh giảng, các chuyên gia khi đến làm việc với nhà trường, xe ô tô 47 chỗ phục vụ công tác đào tạo. Sắp tới nhà trường đang có kế hoạch xây dựng thư viện điện tử 9 tầng với đầy đủ tiện nghi (khi hoàn thành được xem là thư viện hiện đại nhất của các trường ĐH trong khu vực). Cơ sở 2 ở Tam Phú – Tam Kỳ, đang quy hoạch xây dựng với diện tích 50 ha. Trong tương lai đây sẽ là trung tâm làng ĐH của Quảng Nam. Có thể nói, sự ra đời của Trường Đại học Quảng Nam được xem như là sự tiếp nối, mang trong mình những trách nhiệm, sứ mệnh cao cả, nặng nề của lịch sử vùng đất này giao phó là tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống hiếu học của người Quảng trong thời đại mới. Thực hiện kỳ vọng lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam: Đại học Quảng Nam sẽ là một trong những yếu tố giúp Quảng Nam có thể phát triển nhanh và bền vững dựa trên lợi thế về chất lượng nguồn nhân lực, đưa người dân thoát nghèo bằng giáo dục đào tạo, bằng chất xám, kinh tế tri thức.
Sự kỳ vọng lớn nhất đối với Đại học Quảng Nam thuộc về nhân dân tỉnh Quảng Nam. Một trường đại học vì người Quảng Nam! Hiện nay, dân số Quảng Nam khoảng 1,45 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, phần lớn đang trong tuổi lao động, tuổi đi học, đào tạo nghề. Hàng năm có hàng chục ngàn SV, HS đi học các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Kinh tế xã hội Quảng Nam chưa phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn (80% là người dân nông thôn, 70% là lao động nông nghiệp), thu nhập và tích luỹ của người dân chưa nhiều thì việc đầu tư cho việc học hành của con cái là một hạn chế rất lớn, nhất là những người nông dân có con cái đi học xa, chi phí lớn, không theo dõi, kiểm soát được quá trình học tập sinh hoạt. Người dân luôn kỳ vọng Đại học Quảng Nam phát triển đa ngành, đa nghề, có chất lượng, có uy tín, có thương hiệu, tương đương với các trường trong khu vực để con em Quảng Nam có cơ hội được lựa chọn, được học ĐH ngay trên mảnh đất quê hương với những thuận lợi nhất định về các chính sách, đi lại, ăn ở, sinh hoạt, việc làm...
Kỳ vọng về tiếp nối truyền thống hiếu học của mảnh đất Quảng Nam. Một trường ĐH của Quảng Nam vì truyền thống hiếu học của Người Quảng! Trong thời đại ngày nay, khi giáo dục đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định đến sức mạnh, thương hiệu một quốc gia thì truyền thống hiếu học là tài sản quý nhất, lòng tự hào của một vùng đất. Sự ra đời của Đại học Quảng Nam đã tạo ra một niềm tin và hy vọng cho người dân và chính quyền Quảng Nam. Hy vọng đây sẽ là một ngôi trường có thể tiếp tục phát huy, phát triển, tiếp nối truyền thống hiếu học của vùng đất Quảng Nam đã được các thế hệ cha ông tạo dựng hàng trăm năm qua.
Kỳ vọng của chính quyền, doanh nghiệp... ở Quảng Nam. Một trường ĐH vì sự phát triển của Quảng Nam! Hiện nay, khi Quảng Nam phát triển mạnh các ngành kinh tế như công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thu hút hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà máy xí nghiệp, công ty mọc lên ngày càng nhiều thì nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chất lượng cao là rất lớn. Nhưng hiện tại nguồn nhân lực này vẫn chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng, nhiều ngành nghề còn thiếu, nhất là lực lượng lao động được đào tạo bài bản như du lịch, công nghệ thông tin, cơ ký - điện tử, kinh tế, tài chính ngân hàng, văn hoá,... Chính sự thiếu hụt này phần nào giảm sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài, giảm hiệu quả của các chính sách phát triển, làm cho nền kinh tế phát triển thiếu tính bền vững và tính chủ động. Trên cơ sở truyền thống hiếu học, Quảng Nam phải lấy lợi thế nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình cạnh tranh thu hút đầu tư, cạnh tranh phát triển; phải trở thành trung tâm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho cả nước, tiến tới xuất khẩu nguồn nhân lực chất lượng cao ra thế giới.
Kỳ vọng lớn là một động lực đồng thời cũng là những thách thức lớn mà Trường Đại học Quảng Nam phải vượt qua trong chặng đường sắp tới. Một số thách thức phải đối mặt có thể là:
Một là, Trường phải có đủ đội ngũ cán bộ, GV đảm bảo về chất lượng, có trình độ, có uy tín khoa học. Trình độ và uy tín của người thầy là một trong những yếu tố quyết định chất lượng đào tạo, quyết định đến uy tín, thương hiệu của một ngôi trường. Một trường ĐH phải có đủ đội ngũ Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ theo số lượng, cơ cấu chuyên ngành, theo tỉ lệ SV. Do đó, trường phải xây dựng, phát triển, tuyển chọn, quy tụ, thu hút, tập hợp được đội ngũ cán bộ, GV giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh về chính trị, tốt về phẩm chất đạo đức, tận tụy với nghề nghiệp, đặc biệt là đội ngũ đạt các tiêu chuẩn của một trường ĐH theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây được xem là thách thức lớn nhất, của Trường Đại học Quảng Nam.
Hai là, sự cạnh tranh gay gắt giữa các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh, trong đào tạo. Hiện nay, số lượng, mật độ các trường ĐH, CĐ và số chuyên ngành đào tạo (tương tự nhau) tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là sự chọn trường của thí sinh ngày nay không dựa vào khoảng cách địa lý (gần hay xa) mà dựa vào uy tín, chất lượng, dựa vào sở thích ngành đào tạo phù hợp. Số lượng trường, chỉ tiêu tuyển sinh/trường tăng nhưng dân số tăng chậm, dẫn đến quy mô người học không tăng. Do đó, sự cạnh tranh của Đại học Quảng Nam với các trường trong quá trình tuyển sinh và quá trình đào tạo là một yếu tố sống còn đối với sự phát triển của nhà trường. Đây được xem là thách thức rất lớn đối với một trường địa phương, có lịch sử hình thành phát triển tương đối non trẻ như Đại học Quảng Nam.
Thứ ba, xây dựng, hình thành và phát triển thương hiệu đào tạo nguồn nhân lực là một thách thức lớn đối với tất cả các trường ĐH hiện nay. Khi mà sự lựa chọn của người học trở nên đa dạng hơn, khi mà các doanh nghiệp có xu hướng chuyển từ sử dụng lao động đã “đào tạo sẵn” sang hình thức tự hợp đồng, tự đào tạo ngay từ đầu; khi mà giáo dục đại học hội nhập quốc tế sâu rộng, quá trình liên kết chuyển giao quy trình, chương trình đạo tạo, đội ngũ GV trở nên phổ biến thì cơ hội sẽ nhiều hơn, phần “thắng” sẽ thuộc về những trường đã khẳng định được uy tín, thương hiệu, những trường mà sản phẩm đào tạo đã được xã hội thừa nhận. Do đó, đây được xem là một trong những thách quan trọng mà Đại học Quảng Nam cần phải vượt qua.
Những thách thức đặt ra cũng chính là định hướng phát triển trong thời gian tới của Đại học Quảng Nam. Xác định đúng thách thức, vượt qua thách thức sẽ góp phần giúp Đại học Quảng Nam khẳng định vai trò, vị trí, thương hiệu của mình trong hàng ngũ các trường ĐH ở Việt Nam, đặc biệt là đáp ứng được những kỳ vọng của người dân, chính quyền, kỳ vọng của một vùng đất có truyền thống hiếu học.
ThS. TRẦN VĂN ANH