Chiến tranh đã đi qua, nhưng dấu ấn của nó cứ hằn sâu vào trái tim mỗi người. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và những tháng năm đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, những người con thân yêu của đất nước đã ngã xuống. Máu của họ đã tô thắm thêm màu cờ. Những người mẹ Việt Nam, những người vợ, người yêu ở lại vẫn còn đó những ký ức không thể nào quên. Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, thế nhưng di chứng của nó còn đeo đẳng đến tận bây giờ. Có lẽ, hiếm nơi nào trên thế giới, di chứng chiến tranh để lại nhiều như ở Việt Nam. Dù bất cứ nơi đâu, từ phố phường chật hẹp đến những làng quê đều có nghĩa trang liệt sỹ ken dày mộ chí. Phần lớn trong số những người ngã xuống mới mười tám đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời.
Trong cuộc hành hương lần này chúng tôi có dịp về thăm lại di tích Khe Thui- thuộc km 468 xã Hóa Thanh (Minh Hóa) một quả bom nổ chậm của giặc Mỹ đã làm chết 7 và 4 người bị thương trong đơn vị C758- N75- P31. Tất cả họ đều đang tuổi mười chín, đôi mươi. Gần 45 năm trôi qua, Đảng bộ và nhân dân trong huyện mới có điều kiện thắp nén tâm nhang thể hiện tấm lòng tri ân bằng việc tổ chức cuộc hội thảo để xây dựng một nhà bia tưởng niệm cho các anh, các chị.
Trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, ngã ba Khe Ve, xã Hóa Thanh là một trong những trọng điểm vô cùng ác liệt. Nơi đây được coi như "túi bom" mà máy bay Mỹ ngày đêm dội xuống. Bởi trọng điểm này là "yết hầu", là "cửa tử" khi vận chuyển hàng hóa, đạn dược từ Bắc vào Nam theo Quốc lộ 15A và sang nước bạn Lào theo Quốc lộ 12A. Để bảo vệ trọng điểm này, Bộ Quốc phòng đã điều về đơn vị pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân đặt trận địa cách đó không xa để khống chế sự oanh tạc liên tục của máy bay Mỹ, hỗ trợ cho đơn vị TNXP C758-N75-P31 (đa số là con em quê hương Minh Hóa) chốt giữ làm nhiệm vụ thông đường. Khu vực đó có một khe nước cạn mà dân địa phương quen gọi là Khe Thui thuộc Km 468- Quốc lộ 15A. Vào khoảng tháng 4 năm 1968, trong một trận ném bom dữ dội của không quân Mỹ, có một chiếc xe tăng của bộ đội ta bị bom hất nhào xuống khe Thui. Từ đó, trọng điểm này trở thành tọa độ lửa không một ngày đêm ngớt tiếng bom. Cũng chính tại Km 468 đoạn khe Thui này có một quả bom nổ chậm bị đất đá vùi lấp đêm 19 sáng ngày 20- 7- 1968. Để kịp thời thông đường cho hàng trăm chiếc xe ô tô đang mắc kẹt, Đại đội 758 do ông Trương Thanh Hân (ở xã Minh Hóa) làm Đại đội trưởng giao nhiệm vụ cho Tiểu đội 3 gồm 11 đồng chí phải gạt hết số đất đá trên mặt đường. Còn cả đơn vị thì dồn sức mở một đoạn cua làm đường tránh để thông xe. Cả đơn vị vừa làm vừa tránh máy bay Mỹ ập đến oanh tạc.
Khoảng ba giờ chiều, đống đất đá được gạt đi gần hết thì bỗng một tiếng nổ đinh tai nhức óc, đất đá bay tung tóe. Cả đơn vị chạy đến thì nhìn thấy một hố bom sâu hoắm. Có bốn người bị thương được đưa đi cấp cứu kịp thời ở Trạm Quân y 14 (thuộc binh trạm 12) đóng ở xã Hóa Tiến, 7 người hy sinh tại chỗ chỉ tìm thấy năm người còn xác đang nhận dạng được, gồm các chị: Trần Thị Huệ, Đinh Thị Khuyên, Đinh Thị Liệu, Cao Thị Đến và Trương Thị Trạch. Hai người nam là anh Phạm Văn Ngũ và anh Đinh Xuân Đào thì không còn xác (tất cả đều là người huyện Minh Hóa). Anh em đồng đội gom nhặt từng vạt áo, nhúm tóc rồi đưa cả về mai táng ở xã Hóa Tiến.
Ngoài 7 người đã anh dũng hy sinh trong trận này, Km 468 còn chứng kiến thêm sự hy sinh của 5 đồng chí khác trong những trận oanh tạc của không quân Mỹ gồm: Đinh Xuân Tùng, Đinh Thị Thể, Nguyễn Văn Bản, Đinh Hữu Loan và Phan Đăng Cát. Hiện mộ các liệt sỹ đã được tập kết ra nghĩa trang Thanh Lạng (huyện Tuyên Hóa), riêng mộ liệt sỹ Đinh Xuân Đào đã được gia đình đưa về an táng tại quê nhà (xã Tân Hóa).
Sự kiện khe Thui hay trọng điểm Km 468 đã lùi xa theo thời gian gần 45 năm. Những người hy sinh đã được vinh danh liệt sỹ. Những người bị thương đều đã được hưởng chế độ thương binh. Nhưng với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", Đảng bộ và nhân dân xã Hóa Thanh vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm tiếc thương. Từ lâu, họ đã muốn làm một điều gì đó để tri ân những người đã ngã xuống trên quê hương mình nhưng do điều kiện khó khăn nên đành “lực bất tòng tâm”. Lãnh đạo xã đã nhiều lần đề xuất lên các cấp có thẩm quyền mong tìm được một sự đồng thuận. 45 năm qua, không riêng Đảng bộ và nhân dân Hóa Thanh, thân nhân các liệt sỹ mà cả những đồng đội của họ vẫn đau đáu nỗi lòng.
Để từng bước thực hiện bằng hành động, UBND huyện Minh Hóa đã tổ chức một cuộc hội thảo gặp mặt các nhân chứng lịch sử bao gồm một số cựu TNXP thuộc C758 và thân nhân các liệt sỹ đã hy sinh tại đây. Trong cuộc hội thảo, nhiều thông tin về sự kiện này đã được gợi mở sáng tỏ khiến ai nấy cũng phải xúc động. Ông Trương Thanh Hân- nguyên Đại đội trưởng C758 đã kể lại một cách chi tiết sự kiện ngày 20-7-1968 và những đồng đội hy sinh hay bị thương đều được ông nhắc đến rất chính xác. Ông Đinh Văn Nghiệm, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2-C758 xúc động nhớ lại: “Khi bom nổ xong, tôi là người trực tiếp ở lại tìm xác đồng đội. Năm người nữ dù thi thể không còn nguyên vẹn nhưng vẫn nhận dạng được. Mọi người tìm mãi mới nhặt được một mảnh da đầu thì biết đó là của anh Ngụ do hôm trước mới được tôi cắt tóc cho. Còn anh Đào chỉ tìm thấy một đoạn quai đồng hồ bằng thép inox dạng lò xo mà anh thường đeo ở tay. Còn anh Đinh Xuân Tùng (xã Yên Hóa) đang làm nhiệm vụ quan sát đếm bom ở trên một đỉnh đồi gần đó thì bị máy bay Mỹ đến oanh tạc và một quả bom lớn rơi xuống phát nổ tại chỗ anh đứng. Khi đơn vị cử người đến thì không còn tìm thấy anh dù chỉ là một mảnh xương, sợi tóc”.Ngoài ra, còn có quyển sổ tay do ông Đinh Khen Ngợi, nguyên là cán bộ thống kê của C758 hồi đó cũng ghi lại đầy đủ tên, tuổi, quê quán, ngày tháng năm nhập ngũ của anh em đồng đội. Trong đó có đánh dấu và ghi chú rất rõ đồng chí nào hy sinh ngày, tháng, năm nào, chuyển đơn vị khác...
Với những thành viên tham gia cuộc hội thảo, hầu hết đều có chung nguyện vọng: Sự kiện khe Thui hay trọng điểm Km 468 sớm được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền cho xây dựng tại đây một nhà bia tưởng niệm để ghi lại chứng tích tội ác chiến tranh, vừa là công trình tri ân các liệt sĩ, điểm du lịch tâm linh và để nhắc nhở thế hệ mai sau biết trân trọng lịch sử./.
Hồng Văn