Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtỐng kính7 nguyên tắc dạy tốt ở bậc ĐH

7 nguyên tắc dạy tốt ở bậc ĐH

Thứ năm, 13 Tháng 2 2014 01:44
ThS. Lê Thị Ngọc Tú - Khoa Sư phạm Lý – KTCN (Trường ĐH Đồng Tháp) giới thiệu 7 nguyên tắc được phổ biến ở các trường ĐH Hoa Kỳ, từ đó vận dụng vào giảng dạy ngành sư phạm Vật lý.

Tăng cường tiếp xúc giữa giảng viên và sinh viên

Sự tiếp xúc giữa thầy và trò trong và ngoài lớp học là yếu tố quan trọng nhất giúp khuyến khích sinh viên học tập. Giảng viên cần quan tâm giúp sinh viên vượt qua những lúc khó khăn, thử thách để theo đuổi việc học. Việc tiếp xúc với giảng viên giúp cho sinh viên gắn bó với học tập và định hướng tương lai tốt hơn.

Vận dụng giảng dạy cho sinh viên ngành sư phạm Vật lý, cần ấn định thời gian tiếp xúc sinh viên tại nơi làm việc; tổ chức gặp gỡ sinh viên ngoài giờ lên lớp hoặc tham dự các hoạt động của sinh viên.

Qua những hoạt động của sinh viên có giảng viên tham gia, lồng ghép trong những hoạt động đó sinh viên dễ dàng trao đổi thêm về những kiến thức chưa hiểu trong môn học. Ngoài ra đây cũng là cơ hội để sinh viêncó thể trao đổi với giảng viên về những thắc mắc nằm ngoài chương trình học.

Cố gắng nhớ tên càng nhiều sinh viên càng tốt, đây là một cách gây ấn tượng cho sinh viên đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất,… 

Tư vấn cho sinh viê về chương trình học và nghề nghiệp, quan tâm giúp đỡ những sinh viên cá biệt, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một điều rất cần thiết để có thể tạo ra môi trường học để tất cả sinh viên đều có những cơ hội học tập, tiếp cận khoa học, tiếp cận giảng viên như nhau.

Khuyến khích sinh viên trình bày quan điểm riêng và tham gia vào các buổi thảo luận. Trao đổi riêng lẽ với sinh viên để tìm hiểu mục tiêu học tập của họ và chia sẻ kinh nghiệm bản thân.

Khuyến khích các hoạt động hợp tác giữa sinh viên 

Trong mỗi môn học cụ thể, giảng viên nên cố gắng tạo ra ít nhất hai đến ba chuyên đề thảo luận nhóm. Đây sẽ tạo cơ hội làm việc tập thể trong việc học của sinh viên và là một trong những “kỹ năng mềm” được nhắc đến rất nhiều ngày nay đòi hỏi sinh viên phải có đưuợc khi ra trường xin việc làm. 

Để hoạt động nhóm được thực hiện một cách hiệu quả. giảng viên cần khuyến khích mọi sinh viên cùng tham gia trao đổi tại lớp; tổ chức các nhóm học tập và giao đề tài để sinh viên làm việc nhóm; tổ chức và khuyến khích sinh viên tự giúp đỡ nhau trong học tập.

Quan tâm đến yếu tố chất lượng hoạt động nhóm khi đánh giá mỗi sinh viên (bằng cách cho điểm làm việc nhóm đối với các báo cáo xemina được trình bày trên lớp). Khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động tập thể do trường, khoa tổ chức.

Khuyến khích các phương pháp học tập tích cực

Giúp sinh viên liên hệ những điều được học với thực tế (bằng việc tổ chức các chuyến tham quan thực tế hằng năm, tăng cường các bài tập gắn liền với các hiện tượng tự nhiên, thực tế trong đời sống – đặc trưng của ngành Vật lý).

Cung cấp những tình huống sư phạm thực sự để sinh viên phân tích và tìm hướng giải quyết cho hợp lý, các buổi rèn luyện nghiệp vụ sư phạm là cơ hội để các sinh viên rèn luyện kỹ năng xử lý những tình huống sư phạm cụ thể.

Khuyến khích sinh viên đưa ra các đề xuất và hoạt động mới đối với môn học. Xây dựng các bài tập giải quyết vấn đề dựa trên nhóm sinh viên và tổ chức cho sinh viên báo cáo trước lớp.

Tạo môi trường và khuyến khích sinh viên tranh luận với giảng viên, với những sinh viên khác, và có ý kiến về những nội dung trong tài liệu môn học với thái độ đúng mực.

Đa dạng hóa tài liệu học tập môn học để sinh viên có thể có nhiều lựa chọn. Khuyến khích sinh viên trao đổi thông tin qua thư điện tử (mỗi lớp nên có một họp thư điện tử riêng).

Cung cấp thông tin phản hồi kịp thời

Trong quá trình giảng dạy đa phần giảng viên đều có các bài kiểm tra thường xuyên trước và sau khi kết thúc môn học.

Để việc đánh giá được thực hiện tốt thì giảng viên nên cho nhận xét vào bài làm của sinh viên, góp ý cách khắc phục lỗi; thảo luận về kết quả làm bài của sinh viên trước lớp hoặc với từng sinh viên.

Sử dụng nhiều phương thức đánh giá khác nhau (tùy vào đặc thù của từng môn học). Cũng có thể sử dụng phần mềm đánh giá.

Tổ chức các buổi giải đáp thắc mắc đối với từng môn học. Chấm và trả lại bài kiểm tra giữa kỳ kịp thời cho sinh viên, đồng thời cung cấp lời giải, thang điểm đánh giá các bài kiểm tra sau khi chấm.

Xem trọng yếu tố thời gian

Chủ trương đào tạo theo học chế tín chỉ nhằm giảm tải số giờ lên lớp, giảm tải kiến thức mang nặng tính lý thuyết được truyền đạt trực tiếp từ thầy cô, chú trọng nhiều kỹ năng tự học, tự nghiên cứu của sinh sinh viên. 

Điều này đòi hỏi giảng viên không phải là người truyền đạt kiến tức đơn thuần mà cần phải định hướng cho học viên phân chia quỹ thời gian sao cho hợp lý để hoàn thành tốt các nội dung môn học. 

Do đó giảng viên nên phân bổ thời gian cho từng chương, từng nội dung của môn học sao cho hợp lý và đảm bảo quỹ thời gian lên lớp (thể hiện một trong đề cương chi tiết môn học).

Hướng dẫn sinh viên cách sử dụng thời gian hợp lý, đặc biệt là hướng dẫn cho sinh viên năm nhất biết cách cân đối hài hòa giữa các môn học, tránh quan niệm môn này là chính, môn kia là phụ dẫn đến phân bổ thời gian không phù hợp.

Dành thời gian hợp lý để sinh viên hoàn thành các bài kiểm tra, các bài tập lớn. Trao đổi với sinh viên về những mất mát và thiệt thòi nếu họ không tham gia lớp học đầy đủ.

Tổ chức gặp gỡ những sinh viên không thường xuyên đến lớp để tìm hiểu nguyên nhân và định hướng khắc phục. Tránh để mất nhiều thời gian do sử dụng các công nghệ dạy học, việc này đòi hỏi sinh viên phải có kiến thức về việc sử dụng các thiết bị, công nghệ dạy học.

Kỳ vọng nhiều vào sinh viên

Trong buổi đầu tiên lên lớp, giảng viên giới thiệu cho sinh viên về những mục tiêu học tập họ cần đạt được, cung cấp cho sinh viên chương trình chi tiết của môn học, những yêu cầu về điều kiện tham gia lớp học, tổ chức nhóm thực hiện các bài thảo luận, bài kiểm tra, hạn phải nộp bài kiểm tra cũng như thời gian tổ chức thảo luận và thang điểm cụ thể cho từng nội dung học tập. 

Khuyến khích sinh viên chịu khó học tập và thể hiện năng lực của họ một cách cao nhất để tích lũy kiến thức môn học chuẩn bị làm hành trang cho tương lai.

Có lời khen kịp thời về những nỗ lực và kết quả tốt từ sinh viên. Định kỳ cải tiến bài giảng theo hướng giúp sinh viên luôn nỗ lực hơn nữa.

Tiếp xúc những sinh viên có hạn chế về năng lực để tìm hiểu và có biện pháp hỗ trợ. Lưu ý sinh viên chú trọng vào việc nâng cao tri thức hơn là vào điểm số môn học và khuyến khích sinh viên tham gia vào các hoạt động của môn học.

 

Tôn trọng sự khác biệt về năng khiếu và cách học

Một phương pháp học tập tốt là biết kết hợp hài hoà giữa kỹ năng nghe giảng, đọc tài liệu, làm bài tập và thực hành. Có thể có sinh viên tiếp thu bài giảng tốt nhất thông qua nghe giảng nhưng cũng có những sinh viên lĩnh hội tốt nhất thông qua đọc tài liệu hoặc làm bài tập và qua thực hành.

Do đó giảng viên cần tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có thể lựa chọn một phương pháp học tập tốt nhất. Đạt được mục đích cuối cùng tích luỹ tối đa kiến thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập thông qua những bài kiểm tra và bài thi.

 

Bên cạnh đó, sử dụng đa dạng các phương thức giảng dạy và hoạt động học tập.  Khuyến khích sự chia sẻ về kiến thức và kinh nghiệm học tập trong sinh viên. Tổ chức các nhóm học tập sao cho sinh viên có thể bổ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Đồng thời, xây dựng các bài tập tình huống và yêu cầu giải đáp bằng lời giải khác nhau.

Theo: gdtd.vn

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516