Trước thông tin phản ánh từ một số phụ huynh có con đang học tại Trường tiểu học Phù Khê, Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh:Trong năm học 2014- 2015, Trường tiểu học Phù Khê bắt học sinh may đồng phục mới trong khi đồng phục từ năm ngoái vẫn mặc vừa, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với lãnh đạo nhà trường để tìm câu trả lời.
Đại diện nhà trường – bà Nguyễn Thị Dân - Hiệu trưởng, đã có thông tin trả lời Báo Giáo dục Việt Nam.
Hiệu trưởng: Cần thì may, không thì thôi!
Bà Nguyễn Thị Dân – Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Khê cho biết, nhà trường có quy định về mặc đồng phục từ sau Thông tư số 26 của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2009 quy định về mặc đồng phục của học sinh sinh viên (HSSV). Đồng phục của học sinh gồm có một áo đông, một áo hè, một váy hoặc một quần soóc. Học sinh nữ thì mặc váy, học sinh nam thì mặc quần soóc.
“Việc may đồng phục học sinh triển khai từ nhiều năm, thống nhất với phụ huynh học sinh có làm đồng phục từ năm 2009”.
Bà Dân cũng cho biết thêm, việc thống nhất diễn ra vào cuộc họp phụ huynh đầu năm. Trước hết, có các cuộc họp của lãnh đạo nhà trường, sau đó mời ban đại diện cha mẹ học sinh họp, rồi họp với toàn thể phụ huynh học sinh. Mỗi lớp sẽ triệu tập một hội trưởng phụ huynh thống nhất may, thống nhất mẫu mã.
Cô giáo chủ nhiệm thông báo cho học sinh về hỏi bố mẹ có may đồng phục hay không, bố mẹ đồng ý may thì học sinh hoặc phụ huynh đến đăng ký.
“Bởi vì chúng tôi chưa họp phụ huynh học sinh, cho học sinh về hỏi bố mẹ có cho may quần áo không, nếu may thì đến đây các cô đo, nếu em bé thì bố mẹ đến đây đăng ký, nhiều phụ huynh đến đăng ký. Nhiều phụ huynh cho may, nhiều phụ huynh bảo không may” – bà Dân nói thêm.
Đồng phục từ năm ngoái vẫn mặc vừa và còn giữ sạch sẽ thì không yêu cầu may. Đối với học sinh lớp 1, ngay khi vào trường họp thống nhất 100% may đồng phục, còn từ lớp 2 những em nào bẩn quá có thể thay thì đăng ký, em nào vẫn mặc vừa và sạch sẽ vẫn để mặc bình thường.
Bà Dân còn cho biết: “Không bao giờ có tình trạng học sinh không may đồng phục thì bị đuổi học, không may vẫn bình thường”. Việc cô giáo bảo học sinh nếu không may đồng phục mới thì khai giảng xong sẽ cho nghỉ học, bà Dân đưa ra khả năng là cô giáo mới, chưa nắm được tinh thần chung. “Cô giáo nói như thế thì cần chấn chỉnh ngay” – bà Dân nói.
Trên không bảo nhưng dưới lại làm
Trường tiểu học Phù Khê tiến hành đo đồng phục từ thứ 4 ngày 6/8/2014.
Phía nhà trường khẳng định trước đó “chưa họp phụ huynh học sinh”. Như vậy, qua “kênh trung gian” học sinh, phụ huynh được biết thông tin nhà trường tiến hành đo và may đồng phục cho năm học mới. Vậy sự thống nhất giữa phụ huynh học sinh và nhà trường về đồng phục cho năm học 2014-2015 đã có?
Phía nhà trường không “ép” chỉ tiêu may đồng phục mới, ai đăng ký thì may, không đăng ký thì thôi. Vậy mà cô giáo chủ nhiệm lại “dọa” học sinh bắt buộc phải đăng ký ít nhất một áo mới. Vậy có phải trên không bảo nhưng dưới lại làm?. Câu hỏi đặt ra, điều gì khiến giáo viên chủ nhiệm lại làm khác yêu cầu từ ban lãnh đạo nhà trường?
Đối với việc hiệu trưởng khẳng định đồng phục cũ từ năm ngoái vẫn mặc vừa thì không yêu cầu may, cùng chờ xem phía Trường tiểu học Phù Khê trong năm học mới có thực hiện đúng như lời bà hiệu trưởng đã nói.
Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT ngày 30/9/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên có nêu rõ: Nguyên tắc mặc đồng phục bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng trường. Tùy theo khí hậu, thời tiết các vùng, miền, căn cứ vào điều kiện của nhà trường, được cha mẹ học sinh đồng thuận về chủ trương. Hiệu trưởng quyết định việc mặc đồng phục và quy định kiểu dáng, màu sắc, số ngày mặc đồng phục trong tuần. Trường hợp cần có sự thay đổi kiểu dáng, màu sắc đồng phục phải được sự đồng ý của Hội đồng trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Chỉ thị 1537/CT-BGDĐT ngày 05/5/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường và nâng cao hiệu quả một số hoạt động giáo dục cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo có nêu: Về tổ chức mặc đồng phục của học sinh, sinh viên: Nếu có nhu cầu thì cơ sở giáo dục, đào tạo chỉ quy định về mẫu mã để gia đình học sinh tự may, sắm; Không thay đổi quy định đồng phục để thực hiện tiết kiệm, tránh lãng phí.
Theo: GDVN