Khi cánh cổng trường thi khép lại, ngay cả lực lượng công an cũng chỉ được phép làm nhiệm vụ ngoài phòng thi. Trong phòng thi chỉ có giám thị và thí sinh. Khung cảnh ấy dễ tạo ra lỗ hổng cho một bộ phận nhỏ giám thị có thể làm chuyện tiêu cực.
Chính vì thế, sau sự kiện gian lận thi cử tại trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã ra quy định cho các thí sinh được phép mang các thiết bị ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng thu nhận thông tin, không có chức năng phát trực tiếp thông tin vào phòng thi.
Tại hội nghị tuyển sinh tháng 1/2012, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định ban hành quy định này không phải là chuyện vẽ đường cho hươu chạy mà đây chính là công việc phải làm, phải bắt đầu thích ứng với môi trường khoa học công nghệ ngày càng phát triển.
Xung quanh quy định này cũng có rất nhiều ý kiến tranh luận. Tuy nhiên, những gì diễn ra qua 2 kỳ thi tuyển sinh Đại học 2012, 2013 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2013, sự đúng đắn của quy định này đã được khẳng định.
Báo điện tử VTC News đã nhận được một bức tâm thư của một giáo viên trẻ mới ra trường chia sẻ cảm nhận của chính những người trong cuộc xung quanh quy định này.
Xin được đăng nguyên văn bức tâm thư của nữ giáo viên trẻ tại Phú Thọ gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. (Nữ giáo viên lưu ý không muốn tiết lộ danh tính mà chỉ muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với vị Tư lệnh Ngành Giáo dục).
“Kính thưa bác Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT,
Lời đầu thư cho phép cháu gửi lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công tới Bộ trưởng cùng gia đình. ( Kính xin Bộ trưởng cho phép cháu gọi Bác thân mật như vậy ạ).
Cháu đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên khoa Văn - Sử được 1 năm. Hiện tại cháu đang đi dạy hợp đồng ở 1 trường trong tỉnh Phú Thọ.
Cháu đã được biết về Bộ trưởng trên truyền hình, trong các bài phỏng vấn, các bài báo. Cháu rất ngưỡng mộ sự tài giỏi, trí tuệ và những thành công mà Bác đã đạt được.
Cháu rất muốn tỏ lòng kính phục với Bác nhưng cháu không biết làm thế nào. Cho đến khi cháu đọc được bức thư Bộ trưởng gửi cho em học sinh Lê Văn Được đã dũng cảm cứu 5 em nhỏ khỏi đuối nước.
Cháu chợt nảy ra suy nghĩ rằng có lẽ Bác cũng sẽ dành ra chút thời gian để xem thư, và biết đâu bức thư của cháu lại may mắn được Bộ trưởng đọc. Đó sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao với cuộc đời cháu.
Kính thưa Bộ trưởng! Cháu từng là học sinh học trong thời gian Bộ đề ra chủ trương chống tiêu cực trong giáo dục và cháu đã tham gia kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học đúng với những tiêu chí này.
Cho đến kì thi tốt nghiệp năm nay, cá nhân cháu thấy việc chống tiêu cực trong giáo dục lại phát huy tác dụng. Học sinh có ý thức học hơn và những kì thi diễn ra nghiêm túc.
Cháu rất ngưỡng mộ Bộ trưởng khi đề ra biện pháp đưa camera vào phòng thi. Đối với cá nhân cháu thì việc học sinh có quyền phản ánh việc coi thi của giám thị là một cách rất tốt để giảm tiêu cực trong thi cử. Chính biện pháp này đã phát huy tác dụng tích cực ở các trường trong địa phương của cháu.
Cháu vô cùng tâm đắc với câu nói của Bác: “Tôi không nghĩ đến việc tạo dấu ấn cá nhân”. Cháu nghĩ phần đông con người sống đều muốn để lại dấu ấn với đời sau nhưng riêng Bộ trưởng thì lại khác.
Từ điều này cháu đã hiểu thêm một khía cạnh tốt đẹp trong con người của Bác. Đó là sự cống hiến và hy sinh thầm lặng cho nền giáo dục nước nhà. Điều đó thật là vĩ đại.
Có rất nhiều điều cháu muốn nói nhưng cháu không muốn làm mất thêm thời gian cuả Bộ trưởng. Một lần nữa cháu xin gửi những lời kính chúc tốt đẹp nhất tới Bộ trưởng cùng gia đình.
Bộ trưởng mãi là thần tượng trong cháu!
Kính xin Bác cho phép cháu dừng bức tâm thư tại đây!”
Theo VTC News