Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtỐng kínhNhững trường không dạy thêm, khi đến lớp, thầy làm gì với trẻ?

Những trường không dạy thêm, khi đến lớp, thầy làm gì với trẻ?

Thứ tư, 31 Tháng 12 2014 01:46
Thầy Trương Văn Diện trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại Trường THCS Pascal Thầy Trương Văn Diện trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại Trường THCS Pascal
Điều mà chúng ta cần không phải là thành tích, danh hiệu trong quá trình học mà quan trọng hơn là nền tảng, là hướng đi cho học sinh sau này...

Chương trình giáo dục thay đổi sẽ giảm được tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan? Hãy cùng nghe một số chia sẻ của thầy cô giáo về chương trình mà các thầy cô đang dạy cho học sinh của mình và xem điều gì là quan trọng đối với sự phát triển của thế hệ trẻ này....

Học sinh cần có đủ thời gian tự học

Theo ông Trương Văn Diện – Chủ tịch HĐQT Trường THCS Pascal (Hà Nội), học thêm hiện nay đang là một vấn đề được xã hội quan tâm và còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, tại Trường THCS Pascal, chương trình giáo dục được thiết kế để học sinh không phải đi học thêm.

Chương trình giáo dục của Trường Pascal là chương trình giáo dục trọng tâm. Nghĩa là ngoài chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường THCS Pascal tập trung học tăng cường 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh để học sinh đạt được những mục tiêu như: đạt kết quả tốt trong kỳ thi vào THPT, phát triển tốt các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết Tiếng Anh.

Cũng theo ông Trương Văn Diện, thời gian và sức khỏe của học sinh có hạn, nên cần xác định được mục tiêu, giải pháp phù hợp để các em đạt hiệu quả học tập cao nhất. Học sinh sau khi học ở trường cần có nền tảng kiến thức vững vàng, sau này học tốt chương trình THPT và trở thành sinh viên đại học vững chuyên môn và giỏi ngoại ngữ - những hành trang quan trọng để các em thành đạt trong cuộc đời.

Điều mà chúng ta cần không phải là thành tích, danh hiệu trong quá trình học THCS mà quan trọng hơn đó là nền tảng, là hướng đi để các em thuận lợi trong quá trình học tập và thành đạt sau này.

Với những môn không phải là Văn, Toán, Ngoại ngữ, ông Diện cũng cho biết trường dạy theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học sinh được các thầy cô giáo giỏi giảng dạy để nắm vững kiến thức cơ bản, nếu các em giỏi các môn đó thì là một điều đáng khích lệ.

Học sinh chỉ cần học tập nghiêm túc trên lớp, hoàn thiện đầy đủ bài tập về nhà thì các em không cần phải đi học thêm. Với phụ huynh có ý định cho con đi học thêm, ông Diện có lời khuyên cho phụ huynh là cần cân đối để học sinh có đủ thời gian tự học, nếu mất nhiều thời gian đi học thêm mà thời gian tự học của học sinh không được đảm bảo thì hiệu quả sẽ không cao.

Tạo tâm lý thoải mái quan trọng hơn

Trong khi đó, cô Thanh Huyền – giáo viên trường tiểu học song ngữ ở quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ rằng, tại trường mình, học sinh sẽ được học song song giữa chương trình bằng Tiếng Việt và chương trình bằng Tiếng Anh. Đối với chương trình Tiếng Việt, tập trung theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, bám sát chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nâng cao nhưng chỉ ở mức độ thấp.

Nói rõ hơn về việc học trên lớp, cô Huyền chia sẻ, vào cuối tuần học, giáo viên sẽ giao phiếu bài tập về nhà cho mỗi học sinh, nhưng không bắt buộc mà chỉ khuyến khích các em nên làm. Tuy nhiên, việc này cũng cho thấy mức độ tự giác học tập của các em đến đâu. Bởi có những học sinh chăm chỉ, tự giác thường hoàn thành các phiếu bài tập đầy đủ.

Với những học sinh sau 3 tuần liên tiếp không làm bài, giáo viên sẽ trực tiếp trao đổi với phụ huynh để phụ huynh biết được tình hình, việc tự học ở nhà của con ra sao. Việc này không ghi vào thành tích hay đánh giá gì nhưng là sự theo dõi, trao đổi thường xuyên giữa giáo viên và phụ huynh để có thể nắm bắt được chuyển biến của con.

Trước đây, trước kì thi cuối kì, ở các trường khác có thể giáo viên vẫn giới hạn phạm vi ôn tập cho học sinh, nhưng tại trường này, giáo viên không bao giờ giới hạn phạm vi ôn tập. Các em sẽ phải ôn tập tất cả những gì đã học theo chương trình. Sẽ có nhiều người lo lắng lượng kiến thức sẽ ôm đồm, dàn trải, nhưng thực ra trong khi dạy, giáo viên đã tập trung nhấn mạnh vào điểm cần lưu ý của bài học.

Cấu trúc đề kiểm tra không có gì khác, chỉ có nội dung là thay đổi, nên học sinh vẫn làm được bài, thậm chí là làm tốt hơn khi học tủ hay giải trước bài ở nhà.  

Với chương trình học trên lớp như vậy, nên đa phần học sinh không cần đi học thêm. Tuy nhiên, một số gia đình vẫn cho con đi học thêm tại trung tâm hoặc thuê gia sư tại nhà bởi nhiều lí do. Cô Huyền chia sẻ, một phụ huynh từng tâm sự thật rằng họ bận công việc, không có thời gian nên thuê gia sư về nhà chủ yếu để giám sát con, chứ cũng không muốn cho con đi học ở trung tâm.

Theo cô Huyền, học sinh tiểu học chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản trên lớp thì không cần phải đi học thêm. Với học sinh tiểu học, học giỏi hay không không phải là điều quan trọng nhất, quan trọng là ở lứa tuổi này, cần tạo cho các em tâm lý học thoải mái, hứng thú với việc học và có tính tự học. Tuy nhiên, nếu phụ huynh vẫn muốn cho con đến trung tâm dạy thêm, thuê gia sư riêng thì cần đảm bảo thời gian để các con vui chơi, tránh tâm lý áp lực học hành.

Đó chỉ là hai trong số nhiều thí dụ khác về cách mà thầy cô đang ngày ngày truyền tải kiến thức đến học trò của mình. Có thể ở những ngôi trường khác nhau sẽ có những định hướng phát triển riêng, cách dạy cách học mang đặc điểm riêng nhưng tất cả đều vì sự phát triển của học sinh. Thiết nghĩ, một chương trình học được thiết kế phù hợp với đối tượng học, với định hướng phát triển của học sinh, cách thức và cái tâm của người giáo viên khi truyền tải kiến thức đến học trò cũng vô cùng quan trọng, như một cách để có thể hạn chế việc dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay.

Theo: GDVN

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516