Trường Mầm non Minh An được chia thành 4 điểm trường, bao gồm: Khu Trung tâm, khu Đồng Quẻ, khu Liên Thành và khu Khe Phưa. Điểm trường khu Trung tâm tọa lạc trên một quả đồi cao với diện tích là 989m2 cũng quá nhỏ hẹp so với quy định về diện tích của trường Mầm non. Trường có 8 phòng học thì có đến 3 phòng học tạm, 3 phòng bán kiên cố và 2 phòng kiên cố. Bàn ghế, đồ dùng tài liệu giảng dạy, công trình vệ sinh đều chưa đạt yêu cầu. Nhà trường chưa có đồ chơi ngoài trời cho các cháu. Những năm qua, vượt lên tất cả khó khăn đó, Nhà trường vẫn liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, năm 2011 Trường Mầm non Minh An đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến cấp huyện. Có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm, sát sao của các cấp, ngành của tỉnh, của huyện. Đồng thời, chính quyền địa phương đã phối hợp với Nhà trường làm công tác xã hội hoá giáo dục, tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân đóng góp công sức, tiền của với mong muốn mang đến cho trẻ em một môi trường học tập, vui chơi ngày một tốt hơn và hơn cả đó là sự đoàn kết, nỗ lực cống hiến của mỗi cán bộ giáo viên nhà trường.
Khắc phục những khó khăn của một xã nghèo miền núi, năm nào cũng vậy, ngay từ đầu năm Nhà trường đã có kế hoạch đến từng gia đình vận động học sinh đến lớp. Nhờ vậy tỷ lệ trẻ 5 tuổi được ra lớp trên địa bàn xã luôn đạt 100%. Trẻ đến lớp được khám sức khoẻ và cân đo chấm biểu đồ định kỳ, qua đó cho thấy tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng qua từng năm giảm đáng kể. Kết quả năm học 2010 – 2011 trên 93% trẻ có sức khoẻ loại 1, gần 7% trẻ sức khoẻ loại 2. Nhà trường có 35 cháu thuộc nhóm nhà trẻ và 182 cháu mẫu giáo qua theo dõi cân đo chấm biểu đồ ở nhóm nhà trẻ 94% phát triển bình thường, 6% suy dinh dưỡng vừa. Đối với lớp mẫu giáo tỷ lệ trẻ phát triển bình thường đạt 89,8%; 10,2% còn lại là trẻ ở thể suy dinh dưỡng vừa.
Để các tiết học của trẻ thêm phong phú, Nhà trường đã vận động giáo viên ở các nhóm lớp mỗi năm làm được hàng nghìn đồ dùng, đồ chơi với những nguyên liệu dễ thu lượm trong cuộc sống như bìa cát tông, vỏ chai nhựa, những mẩu xốp và ngay cả những viên đá cuội. Bên cạnh đó, các cô còn thường xuyên sưu tầm, sáng tác các câu chuyện, bài thơ, câu đố, ca dao, đồng dao, góp phần giáo dục nhân sinh quan cho trẻ.
Nhà trường đặc biệt coi trọng việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng trong từng bữa ăn của trẻ. Cô giáo Trịnh Thị Mai, hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Ở đây ngoài việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn cho trẻ, cán bộ giáo viên chúng tôi còn được trang bị những kiến thức để bảo đảm bữa ăn của trẻ vừa phải đủ dinh dưỡng và phù hợp với điều kiện của Nhà trường, tạo cho các cháu có những bữa ăn ngon miệng”.
Nỗ lực là vậy, song do cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên việc đảm bảo quyền lợi cho các em vẫn gặp nhiều khó khăn. Phòng học ít, thiếu trang thiết bị nên tỷ lệ các bé 2, 3, 4 tuổi đến trường chưa cao. Hiện nay trường Mầm non chung cổng, chung khuôn viên với trường Tiểu học, thời gian giao giữa 2 ca của trường Tiểu học đã ảnh hưởng rất lớn đến giờ nghỉ trưa của các bé.
Do đó, để có thể thực hiện theo đúng lộ trình phổ cập trẻ 5 tuổi của địa phương trường Mầm non Minh An cần được quan tâm hơn nữa từ các cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh và địa phương như chuyển đổi diện tích đất cho điểm trường khu Trung tâm, điểm trường Liên Thành để đảm bảo theo tiêu chí trường Mầm non; Mở rộng đủ diện tích đất cho điểm trường Đồng Quẻ; Xây dựng các phòng chức năng, phòng học để xóa các phòng học tạm.
Đối với ngành Giáo dục, cần bổ sung đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường tại khu lẻ và các phòng chức năng tại khu trung tâm. Chính quyền địa phương cần phối hợp với nhà trường làm tốt hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục, đầu tư về cơ sở vật chất như: đóng mới bàn ghế, công trình nước sạch và một số trang thiết bị khác.
Vũ Đình Thơm