Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtỐng kínhVụ cả nước thiếu 27.000 giáo viên: Bộ nói thiếu, địa phương nói thừa

Vụ cả nước thiếu 27.000 giáo viên: Bộ nói thiếu, địa phương nói thừa

Thứ ba, 03 Tháng 9 2013 01:21
Để kiếm được một chỗ dạy học ở vùng sâu, vùng xa đôi khi cũng là điều không tưởng. Ảnh: Hải Nguyễn Để kiếm được một chỗ dạy học ở vùng sâu, vùng xa đôi khi cũng là điều không tưởng. Ảnh: Hải Nguyễn
Liên quan đến vụ cả nước đang thiếu 27.000 giáo viên, ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động ở một số địa phương được cho là “điểm nóng” và trả lời của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lại vênh nhau rất lớn về mặt số liệu. Điều này dẫn đến nghi ngờ, liệu con số cả nước đang thiếu 27.000 giáo viên mà bộ công bố trước đó có chính xác?
“Đang thừa đầy ra...”
Trả lời phóng viên trong cuộc họp báo ngày 30.8, ông Hoàng  Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GDĐT) - nói “tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang tiếp diễn và tập trung ở một số thành phố lớn, các vùng khó khăn. 
Cụ thể, TPHCM sau đợt tuyển thứ nhất vẫn còn thiếu 1.200 giáo viên. Một số tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang... mỗi tỉnh thiếu hơn 1.000 giáo viên...”. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Lao Động tại hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa lại cho kết quả ngược lại. Hiện toàn tỉnh Nghệ An đang thừa 1.100 giáo viên THCS.
 
Nguyên nhân dẫn đến việc thừa giáo viên là do số lớp co lại, nhiều trường phải sáp nhập. Có nhiều giáo viên được ký hợp đồng giảng dạy từ hơn 10 năm nay, năm nào cũng ngóng chờ chỉ tiêu biên chế nhưng vẫn không được. 
 
Theo người có trách nhiệm của Sở GDĐT Nghệ An thì những năm tiếp theo giáo viên bậc THPT cũng sẽ thừa, vì số lớp cấp THCS co lại thì số học sinh lên bậc học THPT cũng sẽ ít đi. Đối với bậc tiểu học, nếu theo định biên của bộ ban hành, 1,5 giáo viên trên một lớp thì xem như đủ, còn theo quy định của tỉnh, 1,3 giáo viên trên một lớp thì vẫn còn thừa. Ở bậc học mầm non, nếu theo thực tế của địa phương với định biên là 1,5 giáo viên/lớp thì số giáo viên được bố trí như hiện nay là hợp lý. 
 
Nhưng theo định biên của bộ, 2 giáo viên/lớp thì toàn tỉnh vẫn còn thiếu khoảng 600 giáo viên. Tuy nhiên, xét điều kiện thực tế thì ở Nghệ An chưa thể bố trí 2 giáo viên/lớp được. Thứ nhất, ngân sách địa phương không thể kham nổi. 
 
Tại Thanh Hóa, trả lời phóng viên Lao Động, ông Nguyễn Quốc Khải - Chánh Văn phòng Sở Nội vụ - nói: “Thiếu gì mà thiếu, đang thừa đầy ra. Thanh Hóa chỉ có thừa chứ thiếu gì”. Và để giải quyết bài toán thừa giáo viên, những năm qua, Thanh Hóa đã có nhiều biện pháp giải quyết như tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận...”. 
 
Muốn về vùng sâu cũng không còn chỗ
 
Cũng trong cuộc họp báo ngày 30.8, ông Hoàng Đức Minh giải thích, một trong những lý do khiến cho nhiều địa phương hiện có đến hàng ngàn sinh viên sư phạm ra trường nhưng không có việc làm là do “nhiều em không chịu về dạy các vùng sâu, vùng xa, mà tìm cách bám trụ tại các thành phố lớn”. 
 
Nhiều cựu sinh viên sư phạm nói rằng nhận định như vậy không sai, nhưng đó là thực trạng của... 20 năm trước. Còn bây giờ, để kiếm được một chỗ dạy ở vùng sâu, vùng xa đôi khi cũng là điều không tưởng. 
 
Ông Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) - cho biết: “Kỳ Sơn là một trong những huyện nghèo của cả nước, cách thành phố Vinh gần 300km nhưng không hề thiếu giáo viên. Hiện chúng tôi không có nhu cầu nhận giáo viên ở bất kỳ bậc học nào”. 
 
Trong lúc đó, ông Đặng Anh Dũng - Phó Bí thư Huyện ủy Thanh Chương - một vùng xa khác của Nghệ An - lại nói: “Ở huyện chúng tôi có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên. Thiếu giáo viên mầm non nhưng lại thừa đến gần 100 giáo viên THCS. Thế nên về tổng chung vẫn là thừa, do vậy mà không thể tuyển thêm được giáo viên, vì lấy tiền đâu mà trả lương cho họ”. 
 
Tương tự Nghệ An là Phú Yên - nơi đang có gần 3.000 sinh viên ngành sư phạm từ trung cấp mầm non đến đại học tốt nghiệp ra trường không có việc làm. Cô Phan Thị Tuyết Trang (Phú Yên) đã tốt nghiệp khoa Tổng hợp văn Đại học Đà Lạt và có văn bằng học chuyên ngành sư phạm năm 2002 hẳn hoi, nhưng đến bây giờ Trang vẫn đang thất nghiệp. 
 
Cô Trang chua chát: “Tôi mang hồ sơ xin việc đi “gõ cửa” từ tỉnh đến các huyện đồng bằng, lên cả miền sơn cước xa xôi, nhưng tất cả chỉ trả lời: Chưa có chỉ tiêu giáo viên văn, mong cô chờ!”. Nhiều bạn học cùng lứa tuổi với Trang như Tường Vy, Thương, Tiến, Tuấn... cũng tốt nghiệp ĐH sư phạm trong năm 2002 và “rải” hồ sơ xin việc khắp nơi. Nhưng tới giờ họ vẫn thất nghiệp, vẫn sống nhờ cha mẹ hoặc chuyển nghề nông ngư, chứ không thể chen chân vào được môi trường sư phạm tại quê nhà...
 
Ngoài việc nêu ví dụ không sát với thực tế của một số địa phương như đã nói ở trên, ông Hoàng Đức Minh còn nói rằng số liệu cả nước đang thiếu 27.000 giáo viên như công bố trước đó chỉ là “con số dự đoán của các địa phương khi xây dựng kế hoạch đội ngũ và quy hoạch mạng lưới trường lớp cho năm học mới...”. Đây là những thông tin khá bất thường và Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này trong các số báo tới.
 
Theo Lao Động

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516