Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtỐng kínhĐi tìm liều thuốc chữa trị phòng ngừa bạo lực tuổi học đường

Đi tìm liều thuốc chữa trị phòng ngừa bạo lực tuổi học đường

Thứ sáu, 07 Tháng 10 2011 08:54
Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau liên quan đến nạn học sinh đánh nhau. Gọi tên là bạo lực học đường cũng chưa hẳn đã đúng vì nhiều người cho rằng học sinh đánh nhau phần lớn đều diễn ra ở ngoài trường học. Nhưng quan trọng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy và làm thế nào để giảm thiểu hiện tượng đó thì vẫn là những câu hỏi lớn với toàn xã hội.

Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau liên quan đến nạn học sinh đánh nhau. Gọi tên là bạo lực học đường cũng chưa hẳn đã đúng vì nhiều người cho rằng học sinh đánh nhau phần lớn đều diễn ra ở ngoài trường học. Nhưng quan trọng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy và làm thế nào để giảm thiểu hiện tượng đó thì vẫn là những câu hỏi lớn với toàn xã hội.

Những con số biết nói

Chưa đầy 2 năm (từ đầu năm 2009 đến 7.2010), cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Các nhà trường xử lý kỷ luật, khiển trách gần 900 học sinh, buộc thôi học hơn 730 học sinh do tham gia vào các vụ đánh nhau trong và ngoài nhà trường và cảnh cáo gần 1.600 em. Riêng năm học 2009-2010 xảy ra 7 vụ việc học sinh đánh nhau dẫn đến chết người. Tình trạng này có xu hướng diễn biến phức tạp, trong đó, đáng lo ngại là các vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng, làm nhục bạn, quay phim rồi tung lên mạng, xảy ra ở nhiều địa phương. Cứ 5.260 học sinh thì xảy ra một vụ đánh nhau; cứ 9 trường thì có một vụ học sinh đánh nhau; 10.000 học sinh thì có một em bị kỷ luật khiển trách; 5.555 học sinh thì có một em bị kỷ luật cảnh cáo; cứ 11.111 học sinh thì có một em bị buộc thôi học có thời hạn vì đánh nhau.

Điều này một lần nữa cho thấy sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử của một bộ phận học sinh. Đó là con số và nhận định của Hội thảo “Giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau” được Bộ GD&ĐT tổ chức hồi cuối tháng 7.2010.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau, cần phải bắt đầu từ chính gia đình. Hiện nay, nhiều gia đình không kiểm soát được việc con cái tiếp cận phim ảnh, trò chơi bạo lực, đồi truỵ; hay đáng báo động hơn là sự thiếu quan tâm của các bậc phụ huynh đến việc học tập, bạn bè của con cái… là nguyên nhân đáng kể dẫn đến bạo lực học đường.

Lứa tuổi nhiều uẩn khúc

Học sinh thời nay quá cá tính, luôn muốn thể hiện mình với những riêng biệt khó lý giải chăng? Hay hỗn láo quá chăng? Rồi do tiếp xúc quá nhiều với nguồn tri thức mở, các văn hóa phẩm và những trò chơi chưa thực sự lành mạnh nên một số em sa sểnh những bước sai lầm về nhân cách và đạo đức? Những câu hỏi nhức nhối “khía” vào lòng xã hội với nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Tính cách con trẻ, với mâu thuẫn nhỏ cũng sẵn sàng “tung chưởng” giữa chốn đông người. Làm thế nào để đối phương tâm phục khẩu phục và “bẽ  mặt” trước bạn bè mới thỏa mãn. Mai Thị Thu H., học sinh trường Quang Trung (Thanh Xuân – HN) tâm sự: "Học sinh thế hệ 9X muốn tây hóa cách sống, muốn nổi bật. Bọn em rất thích đánh nhau, chỉ cần một vụ nhỏ cũng có thể làm mình nổi tiếng, được mọi người sợ, rồi đi bảo kê cho những bạn khác, đấy được coi là niềm hãnh diện ta đây là dân… đầu gấu!".

Chỉ cần một cái nhìn thiếu thiện cảm đã có thể dẫn tới “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” sau buổi học. Hay "Mày nhớ chửi tao cái gì không?". Và sau mỗi lần dứt câu hỏi, "đàn chị" này lại giang tay tát thẳng vào mặt một nữ sinh đứng cúi mặt, tay giữ vạt áo vừa bị xé. Quây quanh đó là cả chục học sinh. Chốc chốc, lại vọng vào những câu a dua: "Đánh thế còn nhẹ đấy", "Bỏ tay ra, làm gì phải giữ áo"… Như được đổ thêm dầu vào lửa, nữ "đại ca" liền cùng vài người nữa xông vào tiếp tục lột áo của nữ sinh này. Mấy nam sinh đứng xem cười khoái chí, không ngớt lời bình luận. Chỉ đến khi nạn nhân cúi gằm mặt, tay che trước ngực, quỳ gối xin mới được đám bạn cho phép mặc áo vào. Bạn chỉ cần vào Youtube, gõ vài từ khóa “nữ sinh”, “đánh nhau” "nữ sinh đánh nhau"…, trên màn hình máy tính sẽ hiện ra cả trăm video với các tiên gọi: "Nữ sinh Phú Thọ đánh nhau bằng giầy cao gót vì quá …xinh", "9X đánh nhau", Girl 9x đám nhau trên cityview”, “Học sinh nữ liên tục đánh nhau rách quần áo”… không chỉ xuất hiện trên trang của nước ngoài, những hình ảnh này tràn ngập trên những trang video của Việt Nam. Tại Clip.vn, trong số cả trăm clip nữ sinh đánh nhau, có nhiều đoạn được đưa lên có từ 2-3 năm trước và cũng nhiều đoạn mới được tung lên trong một tuần trở lại đây!

Giờ đây, khi đi qua các cổng trường phổ thông, mỗi người chúng ta đều coi chừng phải chứng kiến học trò đánh nhau. Có cả những màn trình diễn “túm tóc”, dùng giầy cao gót, gậy gộc… “choảng” bạn. Phải chăng bạo lực học đường đã trở thành căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục? Hay cá tính thời nay của giới học trò phải thế?

Học sinh đánh nhau, đặc biệt là nữ sinh tham gia các trò gây lộn đã gây sốc cho mọi người. Cái mà mọi người phê phán nhất chính là sự vô cảm của giới trẻ với đồng loại. Giá trị về đạo đức và nhân phẩm đang bị thế hệ trẻ “phá vỡ” chăng? Đó không phải do tính bột phát mà căn nguyên của nó là nền tảng gia đình và xã hội đang bị lay chuyển…

Tìm lại niềm tin nơi học đường

“Bóng đen đang đè nặng lên các bậc cha mẹ, những nỗ lực chăm lo cho thế hệ tương lai gia đình và xã hội đang bị chính những “chủ thể” nhận mọi ưu ái đó dẫm đạp. Giới trẻ hiện nay đã quá đà, trượt dốc không phanh và “thuốc” chữa vẫn còn là dấu chấm hỏi tất cả chúng ta”. Cô Lê Thị Hà (Đống Đa – HN) trăn trở.

Nguyễn Thị Hồng, SV Học Viện Hành Chính cho rằng: Khi học sinh đánh nhau xảy ra mọi người mới lên tiếng. Phần nhiều đều đổ lỗi cho nhà trường! Sẽ là sai lầm nếu đổ hết trách nhiệm cho nhà trường. Trong ba môi trường giáo dục thì yếu tố gia đình và nền tảng xã hội quan trọng không kém. Nhà trường chỉ là cầu nối của các em trong mối quan hệ tổng hòa, nơi bồi đắp nền tảng kiến thức, văn hóa, đạo đức để vào đời. Gia đình trong chuyện này phải là quan trọng nhất, và trách nhiệm xã hội cũng không ít hơn đâu. Chúng tôi cũng đã trải qua thời kỳ đó, nhưng cái khủng khiếp ở đây chính là sự dung nạp của văn hóa ngoại lai mà giới trẻ đang thiên vị và mù quáng ái mộ. Họ khác xa với chúng tôi. Họ thích nổi tiếng, theo lối sống xa  thực tế, đua đòi thể hiện cá tính. Nguy hiểm hơn là teen nhà mình không tận dụng ưu việt của CNTT, trái lại họ đi đào sâu những mặt tiêu cực của thời đại số để tạo ảnh hưởng với bạn đồng trang lứa. Thế nhưng lỗi để các em tham gia các trò chơi xấu ấy nằm ở đâu? Ai chịu trách nhiệm? Câu trả lời thuộc về gia đình, nhà trường và các nhà quản lý những thứ liên quan đến đến các em.

Đi đến đâu cũng nghe những ngôn từ không hay về thế hệ trẻ hiện nay. Một nỗi thất vọng về thế hệ 9x vốn dĩ đang làm vấy bẩn thuần phong mỹ tục của người Việt và vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Không ai tin những cô học trò “nấp” dưới mái trường kia lại bùng phát nhiều hành động ghê sợ như vậy. Con gái “giang hồ”, “côn đồ”, “đàn chị”… thật sự làm cho nhiều bậc phụ huynh, gia đình, xã hội bàng hoàng.

Thế nhưng không phải hoàn toàn vô phương cứu chữa. Sự quậy phá của các em cũng chỉ là tức thời. Quay trở lại những ngôi trường đã từng làm rung động xã hội bởi nạn học sinh nữ đánh nhau, chúng tôi được biết các em đều đã quay trở lại học tập bình thường. Các em đều đang phấn đấu cho công việc học tập và rèn luyện đạo đức. Thầy Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, nơi đã từng để bị xảy ra trường hợp em Nguyễn Quỳnh Anh và Vũ Ngọc Diệp xôn xao một thời cho biết: Hiện nay các em đang chăm chỉ học tập và có những biểu hiện tích cực về đạo đức, mối bất hòa giữa các em đang được hóa giải hữu hiệu và quan trọng hơn là các em đang phấn đấu để lấy lại niềm tin nơi thầy cô và bạn bè. Đó là dấu hiệu đáng vui mừng vì các em đã nhận ra lỗi lầm và đang sửa chữa sai phạm.

Minh Thứ

Kỳ sau: Thuốc đặc trị nào cho  bạo lực học đường

(Với sự tham vấn của các chuyên gia: tâm lý học, xã hội học, biện pháp của Bộ trong quản lý, và ý kiến của nhà làm luật)

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516