Theo PGS.TS. Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, điều đáng lo ngại nhất của chủng cúm mới H7N9 là nó nằm trong nhóm nguy cơ lây từ động vật sang người, H7N9 thường có ở chim hoang dã.
GS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, đây là lần đầu tiên cúm A/H7N9xảy ra ở người. “Vi rút cúm H7N9 này lưu hành ở các đàn gia cầm, chưa từng xuất hiện ở người và các nhóm vi rút cúm A/H7 thường gây bệnh nhẹ ở người với hội chứng cúm và viêm kết mạc”, GS Hiển nói. Tuy nhiên, điều khiến các chuyên gia lo lắng nhất là các dấu hiệu đặc trưng của chủng cúm mới này hoàn toàn không có sự khác biệt với các chủng cúm khác. Hiện chúng ta chưa biết được đường lây truyền, chưa có thuốc đặc trị cũng như chưa có vắc xin.
Theo BS. Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khó khăn của chủng cúm mới này là chẩn đoán lâm sàng không có sự khác biệt so với nhiều loại cúm khác. Vì thế, phải căn cứ vào yếu tố dịch tễ để phát hiện. Ngoài ra, về thuốc điều trị, hiện vẫn chưa xác định Tamiflu có tác dụng với chủng cúm mới hay không mà phải chờ kết luận của các chuyên gia WHO và các nơi tiếp nhận ca điều trị. “Không chỉ cần cảnh giác với chủng cúm mới mà chúng ta cũng cần lưu ý đến các chủng cúm đang lưu hành. Vì thế cần luôn sẵn sàng có thuốc Tamiflu ở các cơ sở y tế để phục vụ điều trị ngay khi có dấu hiệu cúm”, BS Hà cảnh báo.
Giám sát chặt người nhập cảnh
Tuy tại Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm cúm A/H7N9, nhưng các chuyên gia dịch tễ rất lo ngại sự lây truyền mạnh mẽ của căn bệnh này. TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Chủng vi rút có biến đổi dễ kết hợp với các chủng khác tạo thành chủng vi rút mới. Lại chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu, chưa rõ ràng về nguồn lây, nên nguy cơ bùng phát dịch rất dễ xảy ra”.
Ngay trong ngày 4/4, Cục Y tế dự phòng đã gửi công điện khẩn tới Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, đề nghị giám sát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam, tiến hành kiểm tra thân nhiệt bằng máy đo nhiệt độ từ xa cho tất cả các hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đường hô hấp cấp cần được khám sàng lọc, cách ly và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng chống nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ viêm phổi nặng do vi rút, đặc biệt nếu có yếu tố dịch tễ như đi từ vùng dịch về, tiếp xúc với gia cầm ốm, chết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dù rất quan ngại với chủng cúm mới, nhưng Tổ chức Y tế thế giới vẫn đưa ra khuyến cáo các nước thành viên chỉ giám sát, không hạn chế đi lại. “Tuy vậy cần đặc biệt tăng cường hệ thống giám sát tại cửa khẩu và xây dựng kế hoạch phòng chóng cúm. Lấy mẫu bệnh nhân viêm phổi vi rút nặng xét nghiệm. Chúng ta phải chủ động bởi bệnh nhân vào nhập viện, với những dấu hiệu đặc trưng của cúm chúng ta không thể nhận biết được ngay bệnh nhân có mắc cúm A/H7N9 hay không, TS Long nói.
Thứ trưởng Long cũng chỉ đạo các Vụ, Cục liên quan cần chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, máy thở, trang thiết bị vật tư, hóa chất… sẵn sàng cho điều trị bệnh nhân khi phát hiện. Đồng thời cần xây dựng phác đồ điều trị chủng cúm mới này, cần ban hành và hướng dẫn ngay trong tuần tới. Cần nâng cao năng lực xét nghiệm cho các viện, đào tạo tập huấn trang bị cho các tỉnh vê PCA, xét nghiệm phát hiện sớm các ca viêm phổi nặng. Ngay sau cuộc họp của Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long và đoàn công tác Bộ Y tế đã đến sân bay Nội Bài để kiểm tra công tác phòng chống dịch. Thứ trưởng chỉ đạo công tác phòng chống dịch cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế và các đơn vị tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, bên cạnh việc kiểm tra giám sát chặt chẽ theo quy định của ngành y tế, cần tránh gây phiền hà cho hành khách.
Theo: SKĐS