Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, nếu người thầy thuốc ứng xử thật tâm, thật bụng, thật lòng thì người bệnh sẽ hiểu.
Vừa qua, trên một số phương tiện thông tin phản ánh bệnh nhân tên Tr. (Hà Tĩnh) bị bác sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ chối mổ vì bệnh nhân là người viết báo.
Tuy nhiên, PGS.TS.Vũ Bá Quyết khẳng định: “Tôi từ chối không phải vì cô ấy là người viết báo mà do bệnh của cô ấy không phải trường hợp cấp cứu.
Hơn nữa, khi nghe cô ấy nói làm ở tờ báo đó, tôi không thích nên bày tỏ: “Báo các cô thường đưa tin như thế này, thế kia chứ không ám chỉ bệnh nhân viết báo nên bác sĩ không mổ”.
Bên lề Hội thảo Báo chí với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân do Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngày 25-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã trải lòng với phóng viên về cách ứng xử của thầy thuốc.
Ông nói: Trong trường hợp cần phải mổ nhưng bác sĩ không thể mổ được. Vì lý do công việc, người bệnh sẽ thông cảm.
Trong trương hợp không phải cấp cứu, nếu bệnh nhân chỉ muốn được bác sĩ nào đó mổ, bác sĩ có thể giải thích cho bệnh nhân đợi đến dịp khác.
Như vậy, người bệnh sẽ thấy hài lòng và cảm thấy người thầy thuốc có trách nhiệm.
Nếu người thầy thuốc ứng xử thật tâm, thật bụng, thật lòng thì người bệnh sẽ hiểu. Người thầy thuốc vì bực bội mà trút vào người bệnh là hoàn toàn không nên.
Như tôi, tôi làm lãnh đạo bệnh viện hàng chục năm, tôi hiểu người bệnh vào viện là rất khổ. Vì thế khi đến bệnh viện, ít ra cũng phải được nghe những lời nói nhẹ nhàng.
Bởi thế, người bác sĩ dù có bực dọc cũng phải vứt bỏ để đến bệnh viện làm việc vui vẻ.
Bất kỳ loại hình khám chữa bệnh nào cũng đều phục vụ cho nhân dân, nên chúng ta không nên phân biệt khám dịch vụ hay không dịch vụ.
Khám chữa bệnh quan trọng nhất là phục vụ người bệnh tốt nhất trong điều kiện có thể. Nhìn chung người thầy thuốc và người bệnh phải biết thông cảm và chia sẻ cho nhau, không nên thiên về hướng nào.
Người phóng viên tuy không trực tiếp cầm dao mổ, không trực tiếp nghe ống khám bệnh hay kê đơn thuốc…nhưng lại giúp tuyên truyền để người dân biết cách phòng chống bệnh tật.
Về cơ bản người trong ngành y cũng như người làm công tác truyền thông miễn sao làm cho tốt công việc.
Dù ở chỗ này chỗ khác còn có mặt này mặt nọ, thậm chí còn có những tiêu cực nhưng cách giải quyết vấn đề không thể nhìn theo hướng toàn màu đen, mà phải nhìn thấy màu hồng, sự phát triển …
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là “mặc kệ” tiêu cực. Chúng ta phải quyết tâm xóa và loại bỏ tiêu cực để xã hội phát triển hơn.
“Ví dụ khi xảy ra sự việc nào đó, chúng ta phải đánh giá trên mọi góc độ, hoàn cảnh như thế nào? Có thể cùng một biến cố như vậy mình phải xử lý rất nặng, cũng có trường hợp mình xử lý nhẹ hơn”.
Tôi là người cầm dao mổ 33 năm liên tục, chưa bao giờ ngừng nghỉ. Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng có thể làm được hết mọi trường hợp. Cho nên, là bác sĩ phải làm đúng với năng lực tối đa thì người bệnh sẽ chấp nhận.
Cũng bên lề Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng chia sẻ xung quanh sự việc “từ chối mổ cho người viết báo”.
Ông Nguyễn Thế Kỷ nói: “Nếu cô phóng viên đến bệnh viện với mục đích chữa trị hoặc muốn bác sĩ chăm sóc sức khỏe thì không cần giới thiệu mình là ai. Bởi khi đến viện, người bệnh chỉ có nhu cầu chữa khỏi bệnh.
Ngay cả với những người nghèo khó nhất, có địa vị xã hội thấp nhất cũng không cần phải nói điều đó, còn đối với người có thân phận và địa vị xã hội càng cao càng không nên nói ra”.
Những trường hợp nhà báo bị CSGT bắt, khi xuống xe cũng không cần trình bày là mình nhà báo, mà chỉ cần biết mình là công dân đang làm việc với người được pháp luật giao nhiệm vụ.
Dù người phóng viên tác nghiệp cần kỹ năng, trình độ, cảm xúc nhưng khi viết, nên che giấu cảm xúc, nhìn nhận vấn đề khác quan, chính xác và công bằng để làm sao đưa đến người đọc một thông tin cần thiết.
Theo Soha