Nga và EU gắn bó với nhau. Vì thế, hai bên có sự ảnh hưởng lớn đến nhau. |
Các biện pháp hà khắc thêm nữa có thể gây bất ổn tình hình thêm nữa ở Nga và đẩy cường quốc Châu Âu này vào tình trạng hỗn loạn, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày hôm qua (4/1).
"Mục đích là đẩy Nga rơi vào tình trạng hỗn loạn cả về kinh tế, chính trị”, ông Gabriel thẳng thắn cho tờ Bild am Sonntag biết. "Bất kỳ ai muốn điều đó sẽ gây ra một tình hình nguy hiểm hơn rất nhiều cho toàn bộ chúng ta ở Châu Âu”, ông Gabriel cho biết, ám chỉ đến một nước Nga có vũ khí hạt nhân.
Mục đích của các biện pháp trừng phạt được áp đặt lên Moscow đến nay chỉ là lái đất nước này trở lại bàn đàm phán. "Những kẻ muốn gây bất ổn cho Nga cả về kinh tế lẫn chính trị rõ ràng theo đuổi các lợi ích hoàn toàn khác”, Phó Thủ tướng tướng Đức đồng thời cũng là Bộ trưởng Kinh tế Đức cho hay.
Theo lời ông Gabriel, một số kẻ ở Châu Âu và Mỹ muốn nhìn thấy đối thủ cũ là Nga phải gục ngã. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Gabriel nhấn mạnh: "Điều đó không phục vụ cho lợi ích của Đức cũng như lợi ích của Châu Âu. Chúng tôi muốn giúp giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, không phải là buộc Nga phải gục ngã và khuất phục”.
“Ngoài ra, nếu Nga không còn là một đối tác trong việc giải quyết các cuộc xung đột thì điều này sẽ gây ra những hậu quả rất nguy hiểm cho toàn bộ thế giới”, ông Gabriel nhấn mạnh thêm.
Nền kinh tế Nga yếu hoàn toàn không có lợi cho Italia
Không chỉ Phó Thủ tướng Đức lên tiếng mà cựu Thủ tướng Italia cũng là Giáo sư về Kinh tế - ông Romano Prodi hôm qua cũng đã phát biểu thẳng thắn trên tờ Messaggero rằng, nền kinh tế Nga suy yếu cực kỳ không có lợi cho đất nước Italia.
Giá thấp hơn trên các thị trường năng lượng quốc tế đang đem lại những ảnh hưởng tích cực cho người tiêu dùng Italia vì họ phải trả ít tiền hơn cho năng lượng. Tuy nhiên, ảnh hưởng này chỉ mang tính ngắn hạn. Về dài hạu, tình hình kinh tế suy yếu ở các nước sản xuất năng lượng gây ra do giá dầu và khí đốt sụt giảm, chủ yếu là Nga, sẽ cực kỳ không có lợi cho đất nước Italia, ông Prodi nhận định.
Theo phân tích của cựu Thủ tướng Italia, “giá dầu mỏ và khí đốt sụt giảm kết hợp với các biện pháp trừng phạt được đưa ra vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ làm giảm GDP của Nga khoảng 5% mỗi năm và vì vậy sẽ gây ra một sự sụt giảm lớn xuất khẩu của Italia, lên tới khoảng 50%”.
“Chưa nói đến tính vô ích hay những hậu quả sắp xảy ra từ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt, người ta cần phải thấy rõ một xu hướng thiếu đối xứng rõ rệt ở đây: không kể đến việc đồng rúp đang giảm mạnh trước đồng đô la, giảm ở mức gần một nửa, xuất khẩu của Mỹ sang Nga đang tăng lên trong khi xuất khẩu từ Châu Âu đang suy giảm”, ông Prodi cho hay.
Trong số các nguy cơ kinh tế cho Italia và Châu Âu, cựu Thủ tướng cũng là Giáo sư Kinh tế - ông Prodi đã chỉ ra rằng, diễn biến khó lường trong tình hình chính trị ở Hy Lạp, một nền kinh tế Đức suy yếu hơn cũng như những hiện tượng trên thị trường tài chính alf những thứ không thể dự đoán trước được.
Trước Phó Thủ tướng Đức và cựu Thủ tướng Italia, Tổng thống Áo Heinz Fischer từng tuyên bố trong cuộc trả lời phỏng vấn APA vào những ngày cuối cùng của năm 2014 rằng, việc Liên minh Châu Âu (EU) nhấp nhổm ý định tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga là bước đi “ngu ngốc và gây tổn hại”.
Lập trường của Nga và các nước phương Tây đối với những gì đã và đang xảy ra ở Ukraine là khác nhau cơ bản. Nga liên tục phủ nhận bất kỳ sự liên quan, dính líu nào của nước này vào tình hình nội bộ đất nước Ukraine nhưng phương Tây và Kiev khăng khăng đổ lỗi cho Nga, cáo buộc Moscow “thôn tính” bán đảo Crimea và kích động xung đột vũ trang ở miền đông nam Ukraine. Các nước phương Tây đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, dẫn đến một cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trong chưa từng có kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Ban đầu EU chỉ dám áp đặt những biện pháp trừng phạt mang tính hình thức đối với Moscow bởi liên minh này hiểu rất rõ một thực tế rằng, trừng phạt Nga chẳng khác nào trừng phạt chính họ. Chính sách trừng phạt của EU đã nhận được rất nhiều lời cảnh báo của giới chuyên gia, phân tích về hậu quả “gậy ông đập lưng ông”.
Tuy vậy, dưới sức ép dồn dập của Mỹ, EU cuối cùng cũng đã tung ra đòn trừng phạt thực sự hà khắc nhằm vào nền kinh tế Nga. Sự lấn tới của phương Tây đã buộc Nga phải có đòn trả đũa. Và Moscow đã đáp trả bằng một lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm, nông sản từ những nước đang trừng phạt Nga.
Nếu như Mỹ không bị ảnh hưởng gì mấy từ cuộc chiến các biện pháp trừng phạt với Nga thì với EU mọi thứ lại hoàn toàn khác. Trên thực tế, quan hệ giữa Mỹ và Nga không có mấy sự gắn kết. Trong khi đó, ngược lại, quan hệ Nga-EU lại gắn bó mật thiết với nhau, phụ thuộc rất nhiều vào nhau. Vì thế, cuộc chiến trừng phạt đã khiến cả Nga và EU đều “ngấm đòn đau”, đặc biệt là EU. Thực tế này khiến giới chức lãnh đạo ở các nước thành viên EU không thể không lên tiếng.