(23 giờ 20) Tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, hiện các tàu của Cảnh sát biển và Kiểm ngư đã tiếp cận khu vực máy bay mất tích. Tuy nhiên, do trời tối nên hai tàu này chưa tìm được vật thể nghi là bộ phận của cửa máy bay.
Trước đó, 22 giờ 50, tại Trung tâm trực chỉ huy Ủy ban QG tìm kiếm cứu nạn cho hay, tàu SAR 413 hiện đang quay về tiếp nhiên liệu. Cũng theo thông tin báo về, hiện tại, thời tiết khu vực phát hiện vật thể nghi là bộ phận của cánh máy bay rất tốt, gió cấp 4, cấp 5.
Ngày mai, 10.3, máy bay, tàu của các lực lượng sẽ tiếp tục mở rộng tìm kiếm về khu vực phía tây đảo Thổ Chu. Cùng với đó, lực lượng đơn vị Vùng 5 Hải Quân cũng đã sẵn sàng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Hiện các lực lượng vẫn tiếp tục tìm kiếm 24/24 theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải .
(22 giờ 30) Tại Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, thông tin cập nhật cho hay, hiện hai tàu Hải quân và Cảnh sát biển Việt Nam đang có mặt tại khu vực phát hiện vật thể nghi là bộ phận cánh máy bay. Tuy nhiên, vẫn chưa tìm thấy miếng composite đã được phát hiện lúc 17 giờ 30 tại vị tọa độ 08o47'32" N - 103o22'26" E.
(20 giờ 50) Dự kiến khoảng 22 giờ 30 tàu Kiểm ngư 774 sẽ tiếp cận được vật thể nghi là mảnh vỡ cánh máy bay mất tích.
(19 giờ 35) Theo thông báo mới nhất, 3 chiếc tàu KN 774, SAR 413 và CSB 2003 sẽ đến khu vực phát hiện vết dầu loang dự kiến vào lúc 20 giờ.
Trước đó, lúc 18 giờ 30, thủy phi cơ của cảnh sát biển báo về cho biết, tìm thấy một mảnh vỡ nghi là của máy bay. Tàu biển của Việt Nam đang tiến gần đến vị trí có miếng composite và thanh bằng ngang được cho là của máy bay bị nạn. Những vật thể này được phát hiện cách đảo Thổ Chu (Việt Nam) khoảng 80km về phía Nam Tây Nam, tại tọa độ 08o47'32" N - 103o22'26" E nhưng vẫn chưa được xác nhận chính thức.
Hình ảnh đã được đoàn tìm kiếm chụp lại nhưng do trời tối nên hình ảnh không rõ.
Trung tâm chỉ huy cho hay, sáng mai máy bay DSC6 sẽ ra xác định tiếp. Lập tức, Trung tâm chỉ huy yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam điều tàu ra vị trí tìm thấy miếng composite. Các tàu của ta đang tăng tốc về vị trí được chỉ định.
Nếu mảnh vỡ này được xác định là một phần của máy bay bị mất tích thì công việc trong thời gian tới của các cơ quan chức năng Việt Nam là rất lớn. Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc điều tra và công bố các thông tin liên quan.
Sở chỉ huy tiền phương sẽ được Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cùng đại diện Bộ Quốc phòng sẽ xúc tiến thành lập tại Phú Quốc.
(18 giờ 21) 3 tàu của Trung Quốc và 1 tàu của Mỹ đã được cấp phép vào vùng biển Việt Nam, cùng tham gia tìm kiếm cứu nạn máy bay mất tích.
Dự kiến khoảng 20 giờ, tàu CSB 2003 sẽ đến nơi phát hiện vật thể lạ.
Trước đó, lúc 17 giờ 10, tàu HQ 888 đã tiếp cận được vật thể lạ màu vàng nghi là mảnh vỡ của máy bay (do máy bay C130 Singapore phát hiện). Tuy nhiên, do hệ thống điện đàm chưa thể liên lạc với trung tâm cộng với việc phải quay lại Cam Ranh để tiếp nhiên liệu và điều thêm 1 đội thợ lặn nên chưa có thông tin chính thức về vật thể lạ này.
Trực ban trung tâm chỉ huy tìm kiếm máy bay mất tích liên tiếp kết nối thông tin với các lực lượng tham gia tìm kiếm ngoài khơi.
Trong một diễn biến khác tại cuộc họp báo chiều 9.3, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin quá trình tìm kiếm máy bay Boeing 777 của Malaysia chở 239 người bị mất tích.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, ngoài trên biển, khu vực tìm kiếm đã được căng rộng. Tín hiệu tìm kiếm được phát đi rất rộng nhưng vẫn chưa nghe thấy tín hiệu hồi đáp. Chưa xác định máy bay có rơi hay không, rơi ở đâu...
Tại trung tâm trực ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, cho tới 18 giờ 40, thông tin vẫn đang được cập nhật từ các lực lượng tham gia tìm kiếm.
(17 giờ 30) Vào lúc 16 giờ 20, 3 cán bộ của sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, trong đó có Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu, đã xuất phát bay vào trung tâm cứu nạn vừa được thành lập ở Phú Quốc.
Trong cuộc họp chiều nay của Trung tâm hiệp đồng điều hành bay, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không cho biết giả sử máy bay rơi ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thì chúng ta sẽ chủ trì trong công tác điều tra.
Toàn bộ phần sót lại của máy bay và người sẽ phải chuyển về trung tâm của Việt Nam. Vì vậy, sẽ có cả người (trước tiên là thân nhân) và phương tiện quốc tế đổ về khu vực đó, nên phải chuẩn bị về ăn, ở, đi lại cho tất cả mọi trường hợp.
Theo ông Đinh Việt Thắng, Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam, vị trí phát hiện vật thể lại nằm trong lãnh hải Việt Nam, nên Việt Nam sẽ điều phối việc kiểm tra.
Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Jaky Ly Thang, trưởng phòng hợp tác Quốc phòng Đại sứ quán Mỹ, đã đến Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam thông báo: lực lượng tìm kiếm của Mỹ xác minh vật thể khả nghi do máy bay Singapore phát hiện không liên quan đến máy bay mất tích (theo TTO).
(15 giờ 25) Máy bay của Lữ đoàn không quân 918 cùng đoàn máy bay hỗ trợ tìm kiếm xuất phát ra nơi xác định là điểm rơi của chiếc máy bay Malaysia mất tích. Phóng viên Nghĩa Phạm của Một Thế Giới đang có mặt trên máy bay.
(15 giờ 15) Cơ trưởng Hoàng Văn Phong và Phùng Trường Sơn trực tiếp tác chiến trên máy bay.
(15 giờ 10) Sở chỉ huy trung tâm tìm kiếm cứu nạn cứu hộ (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, mặc dù phát hiện nhiều vật lạ được cho là từ máy bay mất tích nhưng không thể tiếp cận, vẫn cần điều tàu cứu hộ tới nơi để xác minh. Phóng viên Nam Phong điện về từ trung tâm.
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cứ hộ Việt Nam đã cử tàu của Cảnh sát biển Việt Nam 2003 tiếp cận vật thể lạ, dự kiến khoảng 19 giờ 30 tối nay sẽ tiếp cận được vật thể lạ.
Trước đó, khoảng 14 giờ 45, một tàu của Singapore đã phát hiện vật thể nằm ở tọa độ 08o21'36 E, 103o13'30 N, cách đảo Thổ Chu của Phú Quốc 100 km, phía Nam - Tây Nam. Cùng lúc đó phía Malaysia đề nghị Việt Nam đưa gấp một tàu biển ra khu vực này để tìm kiếm.
(14 giờ 35) Phát ngôn viên của Malaysia Airlines cho biết hãng hàng không này sẽ giúp người thân của hành khách trên chuyến bay mất tích bay từ Bắc Kinh đến Kuala Lumpur vào sáng thứ Hai. Năm hành khách đầu tiên được đi sẽ là những người có người thân đi du lịch đến Malaysia và trở về trên chuyến bay mất tích. Nhưng khả năng chuyến bay đầu tiên sẽ chỉ có 2 người được đi. Thời gian chính xác của chuyến bay chưa được xác nhận (theo Tân Hoa Xã).
(13 giờ 30 phút) Việt Nam điều thủy phi cơ tham gia hỗ trợ tìm kiếm: Theo chỉ thị từ Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã điều động thủy phi cơ DHC-6, số hiệu VNT 777 do 2 phi công - đại úy Vương Đang Nam và thượng úy Phạm Vũ Tuấn điều khiển - xuất phát từ Cam Ranh tham gia tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay Malaysia bị mất tích. Máy bay DHC-6 có lợi thế bay sát mặt biển và có thể hạ cánh trên mặt nước. Thời gian bay liên tục trên biển 4-5 giờ với vận tốc cao nhất là 307km/h.
(13 giờ 20) Trong buổi họp báo hồi 13 giờ, nhà chức trách Malaysia vừa cho biết họ có ghi băng ghi hình của hai hành khách được cho là đã sử dụng hộ chiếu giả để lên chuyến máy bay mất tích từ Malaysia đi Bắc Kinh.
Giám đốc Cục hàng không dân dụng Azaruddin Abdul Rahman xác nhận chỉ có hai hành khách như vậy chứ không phải 4 như báo cáo trước đó. Bản ghi đã được bàn giao cho các nhà điều tra.
Ông cho còn cho biết khả năng phi công chuyến bay đó đã cố gắng quay trở lại sân bay quốc tế Kuala Lumpur từ nơi chiếc máy bay đã cất cánh 50 phút trước đó. Thông thường thì chuyến bay đó sẽ chệch khỏi đường bay như quy định và phi công sẽ phát tín hiệu cấp cứu về trạm chỉ huy. Nhưng không có tín hiệu cấp cứu như vậy từ máy bay này.
Trưởng lực lượng vũ trang Zulkifeli Mohd Zin cho biết hiện nay có 22 máy bay và 40 tàu đang tập trung tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, được triển khai từ các quốc Singapore, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ, cũng như Malaysia.
Buổi họp báo tiếp theo dự kiến diễn ra vào 3 giờ chiều (theo Straits Times).
(13 giờ 12 phút) Một nguồn tin từ bộ phận an ninh sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cho biết hiện các chuyến bay từ Trung Quốc đến Việt Nam đang được tăng cường kiểm soát chặt về thông tin hành khách...
(13 giờ 10) Trao đổi với Một Thế Giới, Đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung, nói không loại trừ khả năng máy bay nổ trên không:
"Đến giờ này, máy bay đó không hạ cánh ở đâu, có thể khẳng định chắc chắn máy bay đã bị tai nạn. Chỉ có điều, máy bay bị tai nạn ở khoảng nào trên đường bay thì hiện nay nhà chức trách vẫn đang khoanh vùng, xác định dần.
Điều này có thể căn cứ vào radar, máy bay mất tín hiệu ở đoạn nào thì máy bay bị tai nạn ở đoạn đó.
Còn nguyên nhân, đến thời điểm này không ai dám khẳng định là do đâu, phải căn cứ vào hộp đen.
Tuy nhiên, nếu nguyên nhân trục trặc kỹ thuật thì phi công vẫn có thể thông báo lại cho các khu vực kiểm soát không lưu, yêu cầu yểm trợ. Nhưng, từ hôm qua đến nay không có bất kỳ dấu hiệu nào của phi công.
Người ta (phi công) không nói được một tiếng gì để thông báo về tình trạng máy bay. Đây là điều hết sức lạ. Theo tôi phỏng đoán, chắc chắn phải có sự cố gì đó hết sức bất ngờ, hết sức nguy hiểm mới gây ra tình trạng phi công không nói được tiếng nào, không có thông báo nào về các trung tâm cả.
Họ bay ở khu vực bên kia thì có thể liên lạc với Singgapore, qua chút nữa thì liên lạc với trung tâm không lưu Việt Nam. Nhưng phi công đã không báo bất kỳ một tin tức nào về tình trạng máy bay.
Máy bay 777 là một trong những loại máy bay an toàn nhất hiện nay, không dễ gì tự nhiên rơi. Phải có một sự cố đặc biệt, mà không loài trừ khả năng là bị nổ trên không trung. Nếu không tặc thì phi công vẫn báo về được, để xin yểm trợ, lệnh hạ cánh…
Theo tôi nghĩ, nếu căn cứ vào thông tin ban đầu thì chắc chắn máy bay phải rơi xuống biển, không thể bay tới đất liền được. Bởi, nếu có thời gian bay tới đất liền chắc chắn sẽ có thông báo từ phi công.
Nếu bị nổ, hy vọng sẽ để lại dấu tích giúp quá trình tìm kiếm dễ hơn vì có các đồ vật, hành lý nổi trên mặt nước. Nhưng, nếu chỉ nổ buồng lái không, máy bay đâm xuống biến sẽ có 2 tình huống: hoặc là vỡ máy bay, hoặc là không vỡ.
Nếu trường hợp máy bay không vỡ thì việc tìm kiếm là cả một vấn đề, bởi biển mênh mông, xác định vị trí rất khó. Ngày xưa, cũng ghi nhận một vụ tai nạn máy bay 330, một năm sau mới tìm được xác máy bay trên".
(13 giờ) Theo tin do phóng viên truyền trực tiếp về từ Lữ đoàn 918, máy bay trực thăng xuất phát từ Cà Mau sẽ phối hợp cùng máy bay 286 để tìm kiếm. Máy bay 286 sẽ dùng pháo sáng mục tiêu để hướng dẫn trực thăng bay ở độ cao 200m. Máy bay 286 sẽ bay ở độ cao 2100 m, theo sau là máy bay 261 (sở chỉ huy tác chiến trên không).
Máy bay có thể bị buộc quay trở lại một quãng đường: Có khả năng những người mất tích trên chuyến bay MH370 bị buộc thực hiện một lượt bay quay trở lại nơi xuất phát. Do đó, Cục Hàng không Dân dụng và Không quân Hoàng gia Malaysia đang mở rộng khu vực tìm kiếm máy bay mất tích đến bờ biển phía Tây của Maylaysia.
Đó là thông tin từ quyền Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết trên The Straits Times.
Báo cáo mới nhất cũng cho biết ngoài 2 người châu Âu đã xác nhận bị mất hộ chiếu và nói không hề lên máy bay thì có 1-2 hành khách khác mang hộ chiếu châu Âu cũng đã không lên máy bay, mặc dù tên của họ xuất hiện trên danh sách.
Ông Hishammuddin từ chối cho biết tên hoặc quốc tịch của họ, nhưng cho biết cả 4 người đang được điều tra.
Ông cũng cho biết ông đã nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng - Tiến sĩ Ng Eng Hen của Singapore và họ đã đồng ý triển khai 3 tàu Singapore để giúp đỡ tìm kiếm.
Trong một bài viết trên trang Facebook vào khoảng 9 giờ sáng nay, hải quân Singapore còn cho biết, tàu hộ tống tên lửa, tàu khu trục nhỏ và máy bay trực thăng hải quân của họ cũng tham gia vào việc tìm kiếm. Trong một tweet trên Twitter vào sáng Chủ nhật, quân đội Singapore chúc những người nhận trách nhiệm này thành công.
Đáng lưu ý là không có hành khách người Singapore nào được xác định là có trong danh sách chuyến bay mất tích.
"Chúng tôi rất biết ơn sự giúp đỡ và phản hồi từ các nước láng giềng" - ông này nói thêm.
Buổi họp báo tiếp theo của chính quyền Malaysia dự kiến lúc diễn ra lúc 1 giờ chiều nay 9.3.
Tín hiệu cuối cùng từ máy bay mất tích: theo trang tin New Straits Times (Malaysia) được TNO dẫn lại, rằng một phi công lái chiếc Boeing 777 cất cánh 30 phút trước chiếc máy bay mất tích (mang số hiệu MH370) của Malaysia Airlines, cho biết ông đã nghe được tiếng thì thầm và tín hiệu nhiễu sóng từ máy bay mất tích. Đây được cho là liên lạc cuối cùng của máy bay MH370, chở 293 người bao gồm phi hành đoàn, trước khi mất tích.
(12 giờ 43 phút) Phóng viên Một Thế Giới cho biết trên máy bay của lữ đoàn không quân 918 được tăng cường rất nhiều phao cứu hộ.
(12 giờ 23 phút) Phóng viên Một Thế Giới - Nghĩa Phạm có mặt trên chuyến bay với lữ đoàn không quân 918 ra nơi tìm kiếm (ảnh bên dưới do phóng viên Nghĩa Phạm chụp khi chuẩn bị ra phi trường, lên máy bay, chuẩn bị xuất phát vào trưa nay 9.3.2014).
(12 giờ 2 phút) Lữ đoàn không quân 918 họp tác chiến để chuẩn bị bay vào lúc 12 giờ 20 phút ra nơi tìm kiếm máy bay mất tích.
(11 giờ 40 phút) Các phi công chính của lữ đoàn không quân 918 đang chuẩn bị bữa cơm để lên đường ra hiện trường nơi xác định chiếc máy bay mất tích đã rơi. Có tổng cộng 18 chiến sĩ lữ đoàn 918 tham gia đợt tìm kiếm này. Nhiên liệu trung bình được tiếp trong 4 giờ đồng hồ là 4 tấn dầu.
(11 giờ 38 phút) Các quan chức Mỹ nói với tờ The Los Angeles Times rằng họ đang cố gắng xác định xem có bất kỳ liên kết chống khủng bố nào với những gì liên quan đến sự việc máy bay MH370 mất tích hay không. Bởi lẽ đã xác định có hành khách là người Mỹ trên chiếc máy bay đó.
Một quan chức Mỹ nói với CNN rằng các nhân viên FBI đóng quân tại Đại sứ quán Mỹ ở Kuala Lumpur (Malaysia), bao gồm một tùy viên pháp lý của FBI đang giám sát chặt chẽ tình hình này. "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nếu cần thiết" - một phát ngôn viên của FBI chỉ trả lời.
Cũng theo phía Mỹ, mặc dù có 2 hành khách dường như đã được sử dụng hộ chiếu EU bị đánh cắp nhưng đó không hẳn là dấu hiệu của một cuộc tấn công khủng bố. Cũng có thể các hành khách bị mất hộ chiếu đã mua nó ở thị trường chợ đen.
Nhân viên FBI sẽ giúp xem lại video của sân bay Quốc tế Kuala Lumpur về hình ảnh của hành khách tại quầy vé, phần an ninh và khu vực nội trú. Các đại lý sau đó sẽ sử dụng công nghệ chống khủng bố tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào có thể nhận ra hoặc liên quan đến các thành viên của Al-Qaeda hoặc các nhóm khủng bố khác.
Hơn nữa, Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cũng có thể tham gia cuộc điều tra vì máy bay phản lực được xây dựng bởi Boeing ở đất nước này.
(11 giờ 19 phút) Đại diện lữ đoàn không quân 918 xác nhận lại với phóng viên Một Thế Giới vết dầu loang ở vị trí xác định là máy bay rơi đã nằm cách vị trí hôm qua khoảng 8km về phía Tây Nam. Vết dầu loang này được xác định là có màu cam.
(11 giờ 6 phút) Máy bay Việt Nam đang bay ở độ cao 7.000 feet tính từ mặt biển để tìm máy bay Malaysia mất tích - theo tin từ Thượng tá Nguyễn Trí Thức, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn không quân 918, phụ trách lữ đoàn phía nam thông báo với phóng viên Một Thế Giới vừa tin nhận về từ hiện trường.
(11 giờ) Đại diện lực lượng Hải quân Việt Nam cho TNO biết sáng nay khi bay ra độ cao cũ vẫn phát hiện ra dải dầu loang trên vùng biển tìm kiếm, chỉ lệch sang phía Tây một phút so với hôm qua.
(10 giờ) Theo các cơ quan chức năng, có tới 4 khu vực tìm kiếm đang được máy bay và tàu biển của Việt Nam, Singapore, Malaysia, Mỹ, Philipines, Trung Quốc nỗ lực rà soát nhưng vẫn chưa thể tìm thấy dấu hiệu của máy bay lâm nạn.
2 máy bay tìm kiếm của Malaysia đã được cho phép bay tìm kiếm tại khu vực mở rộng trùng với nhận định của các chuyên gia Việt Nam.
Hiện tại một chiếc AN26 của phía Việt Nam đã rút về tiếp nhiên liệu.
Theo : Một thế giới