“Có thể xảy ra kịch bản Crimea ở vùng miền Đông Ukraine, tuy nhiên khả năng này rất thấp, thấp nhất trong tất cả các kịch bản khác”, ông Nguyễn Dũng - nhà nghiên cứu về lịch sử và chính trị Ukraine, đang sống ở Kiev, cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn của NTNN ngày 14.4.
Miền Đông Ukraine đang như thùng thuốc súng, nguy cơ ly khai đang đến rất gần. Theo ông, Donetsk, Kharkov hay một vùng đất khác ở miền Đông có khả năng trở thành bản sao của Crimea?
- Theo tôi, có thể xảy ra kịch bản Crimea ở vùng miền Đông Ukraine, tuy nhiên khả năng này rất thấp, thấp nhất trong tất cả các kịch bản khác. Lý do dễ thấy nhất rằng Crimea sẽ không lặp lại ở Kharkov, Donetsk, hay Odessa, bởi Nga không muốn sáp nhập những vùng này. Mới đây, chính quyền lâm thời ở Kiev đã thông báo sẽ đưa ra một số biện pháp nhằm giao quyền tự chủ tối đa cho các địa phương... Kịch bản gần nhất mà chúng ta có thể thấy là liên bang hóa Ukraine, tạo thành những quốc gia độc lập. Lúc đó Nga sẽ quan hệ với những quốc gia mới này theo kiểu anh em, đồng minh và sẵn sàng đưa quân vào bảo vệ...
Nếu cận cảnh kịch bản này, Ukraine sẽ bị sẻ chia ra sao?
- Mọi động thái của chính quyền Kiev bây giờ phải hết sức thận trọng, nếu không tỉnh táo, không có “cái đầu lạnh” thì “khái niệm Ukraine” sẽ không còn trên bản đồ thế giới. Ngay từ thời kỳ đầu của cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đã có rất nhiều chuyên gia đề cập đến khả năng ly khai và kịch bản này đã được dự đoán chi tiết, đó là việc chia nhỏ đất nước Ukraine ra thành nhiều vùng, nhiều nước khác nhau theo như mô hình Nam Tư. Giới chuyên gia cũng đã đề cập khả năng Ukraine sẽ bị chia thành 3 nước nhỏ: Cộng hòa Donetsk mà thủ đô là Kharkov; Cộng hòa Trung Ukraine, bao gồm các vùng ở miền Trung, có quan điểm khá trung lập, không theo Nga, không theo phương Tây, thủ đô là Kiev; Cộng hòa Tây Ukraine, thủ đô là Lvov.
Nhưng đấy chỉ là kịch bản được dự báo, còn thực tế đang cho thấy, miền Đông Ukraine nóng bỏng và khả năng can thiệp quân sự của Nga vẫn được nhắc đến như mối quan tâm hàng đầu hiện nay?
- Tình hình ở miền Đông Ukraine thực tế không nóng như những gì truyền thông phương Tây đưa tin. Người ta đang nói rằng, phương Tây đang thổi phồng sự việc để đạt được mục tiêu trong cuộc gặp giữa 4 bên dự kiến được tổ chức vào ngày 17.4 tới. Tuy nhiên, tôi cho rằng, Nga không dễ gì đồng ý gặp Kiev thời điểm này.
Người biểu tình tại các tỉnh miền Đông-Nam Ukraine tuyên bố không tuân theo tối hậu thư của quyền Tổng thống Oleksander Turchinov yêu cầu giao nộp vũ khí và giải phóng trụ sở chính quyền tỉnh. Thời hạn chót mà tối hậu thư đưa ra trước đó là 9 giờ sáng giờ địa phương (13 giờ ngày 14.44, giờ Hà Nội). Tuy nhiên sau giờ đó, tại Slaviansk, Donetsk và các thành phố khác, người biểu tình yêu cầu liên bang hóa vẫn tiếp tục củng cố thành lũy, tập trung trước trụ sở chính quyền và tuyên bố sẽ không tuân theo tối hậu thư. Mai Dũng |
Chính quyền lâm thời Kiev đang sử dụng đúng chính sách mà Tổng thống bị lật đổ Yanukovych đã áp dụng ở Maidan. Nhưng dùng bạo lực sẽ bị đáp trả bạo lực và đó không phải là biện pháp để giải quyết khủng hoảng. Đến khi thật cần thiết Nga mới can thiệp quân sự, và nếu điều đó xảy ra thì ứng với kịch bản “Ukraine hóa chiến tranh”.
Chính phủ lâm thời Kiev vẫn đặt nhiều hy vọng vào cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 25.5 như là một cứu cánh. Theo ông, liệu cuộc bầu cử này có diễn ra?
- Nếu Kiev không chấp nhận phương án liên bang hóa, chắc chắn cuộc bầu cử sẽ không diễn ra. Nếu có, cũng chỉ có người dân miền Tây và miền Trung tham gia bầu cử, còn người dân miền Đông sẽ không đi bầu. Và một cuộc bầu cử như vậy, Nga sẽ không công nhận. Theo đánh giá của tôi, đến 99% là sẽ không có cuộc bầu cử mà chúng ta đang đề cập.
Vậy người dân Ukraine và hàng ngàn người Việt sẽ còn phải sống chung với khủng hoảng?
- Ukraine tiếp tục có đối đầu và bất ổn ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm nữa. Trong tình huống xấu nhất, có khoảng 30% trong số hơn 10.000 người Việt sẽ phải rời đất nước này bởi không còn khả năng tài chính để bám trụ.
Xin cảm ơn ông!
Theo: Dân Việt