Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị chỉnh lý dự luật theo đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội. Theo đó, bỏ quy định đương sự phải làm đơn yêu cầu thi hành án (THA). Trong trường hợp các bên đương sự tự thỏa thuận việc THA thì thông báo cho cơ quan THA dân sự biết để đình chỉ việc THA.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị sửa Điều 26 Luật THA dân sự theo hướng khi ra bản án, quyết định thì tòa án, hội đồng trọng tài, hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh phải giải thích cho đương sự và ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền, nghĩa vụ THA, quyền yêu cầu không THA, cơ quan THA có thẩm quyền THA.
Bỏ việc làm đơn yêu cầu là tiến bộ
Tại hội thảo của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, khá nhiều ý kiến ủng hộ sửa đổi, bổ sung Luật THA dân sự như trên. Các ý kiến này cho rằng theo Điều 106 Hiến pháp thì bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành. Như vậy cơ quan THA có thẩm quyền phải chủ động ra quyết định THA, không nên bắt đương sự phải có đơn yêu cầu THA thì mới vào cuộc. Trường hợp người được THA từ bỏ quyền lợi hoặc các bên đương sự tự thỏa thuận được việc THA thì họ làm đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ THA.
Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) góp ý: Luật sửa đổi theo hướng cơ quan THA dân sự chủ động ra quyết định THA nhưng phải tôn trọng quyền không yêu cầu THA của đương sự. “Khi ra bản án, tòa phải giải thích cho đương sự quyền không yêu cầu THA. Trong trường hợp đương sự nộp đơn không yêu cầu THA thì cơ quan THA dân sự sẽ không ra quyết định THA hoặc nếu trước đó đã ra quyết định rồi thì đình chỉ” - luật sư Hòa nói.
Tuy nhiên, cá biệt cũng có vài ý kiến đề nghị giữ hai cơ chế như hiện hành: Cơ quan THA chủ động ra quyết định THA (trong một số trường hợp luật định) và chỉ ra quyết định THA theo đơn yêu cầu của đương sự, tạo điều kiện để người được THA có thể lựa chọn về thời gian, phương thức THA phù hợp.
Theo bà Phạm Thị Thanh Loan (Phó Cục trưởng Cục THA dân sự TP.HCM), dự luật yêu cầu bỏ hẳn đơn yêu cầu THA là tiến bộ, giảm bớt thủ tục hành chính, đảm bảo lợi ích của người dân. Tuy nhiên, việc bỏ thủ tục này cần xem xét tính hiệu quả bởi sẽ gây nhiều thay đổi như hệ thống báo cáo thống kê phụ trách THA, ảnh hưởng đến thí điểm thừa phát lại.
Bà Loan cũng cho rằng nên hiểu Điều 106 Hiến pháp (bản án có hiệu lực pháp luật phải được cá nhân, cơ quan, tổ chức nghiêm chỉnh chấp hành) theo hướng chỉ khi nào người phải THA không tự nguyện thì mới cần tới THA và đây chính là giai đoạn cưỡng chế.
Án cấp dưỡng, phải tính thời hiệu phù hợp
Theo đại biểu Trần Du Lịch, có những bản án thi hành khoảng 18 năm mới xong như án cấp dưỡng nuôi con, vậy hồ sơ THA phải bảo lưu bao lâu, cơ quan THA dân sự theo dõi như thế nào? Ông ví dụ: Trong vụ án ly hôn, lúc đầu hai bên thỏa thuận cấp dưỡng nuôi con nhỏ. Sau 10 năm, người chồng lấy vợ mới, không trợ cấp nữa thì phải làm sao?
Theo luật sư Hòa, dù chủ động ra quyết định THA hay yêu cầu THA thì cũng phải tuân thủ thời hiệu THA (quy định hiện hành là năm năm). Tuy nhiên, đối với bản án có thời gian THA dài như cấp dưỡng nuôi con thì các nhà làm luật phải tính thời hiệu như thế nào để không gây thiệt hại cho người được THA.
Ngoài ra ông Lịch còn băn khoăn về việc THA trong các vụ án đòi bồi thường do danh dự, nhân phẩm bị xúc phạm. Chẳng hạn, tòa tuyên ông A phải xin lỗi ông B công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng khi bản án có hiệu lực, ông A không chịu xin lỗi thì xử lý sao?
Theo luật sư Hòa, nước ngoài có quy định trong thời gian bao lâu không thực hiện thì người được THA có quyền yêu cầu cơ quan THA đăng công khai xin lỗi trên báo. Đồng tình, ông Lịch nói: “Ngày xưa, có người đòi bồi thường một đồng danh dự. Thật sự chỉ cần công khai chuyện bên kia phải bồi thường một đồng là xem như họ đã thắng kiện, lấy được danh dự rồi. Như vậy thời hạn bao lâu để công khai xin lỗi, ai có trách nhiệm đăng thông tin? Chứ xuống phường xin lỗi mà mặt chần dần, nói cho có chuyện thì không giải quyết được gì cả. Theo tôi, luật cần phải bổ sung chuyện này”.
Đừng bắt dân xác minh điều kiện THA Lâu nay người dân tự đi xác minh điều kiện THA là vô cùng khó vì đến hỏi thì các cơ quan quản lý thông tin đâu có cung cấp cho họ. Do đó việc quy định cơ quan THA dân sự phải đi xác minh là hoàn toàn đúng. Cơ quan THA phải thực hiện quyền lực của mình trong việc này. Ngoài ra hiện nay một số cơ quan THA dân sự không tôn trọng quyền tư vấn của luật sư. Có cơ quan THA dân sự không chấp nhận có luật sư tham gia vào giao đoạn THA. Vì thế luật sư phải yêu cầu đương sự ủy quyền cho mình mới được tham gia nhưng không phải ai cũng muốn ủy quyền. Trong khi đó, giai đoạn THA cực kỳ quan trọng, từ giấy biến thành tiền, thành tài sản. Nếu không có người có trình độ pháp lý hỗ trợ cho người dân thì phát sinh ra rất nhiều vấn đề mà luật lại không đề cập. Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA, Đoàn Luật sư TP.HCM |
Theo: Ngân Nga/ PLO