Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtPháp luậtBÀN VỀ ĐIỀU KIỆN XÁC ĐỊNH HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015

BÀN VỀ ĐIỀU KIỆN XÁC ĐỊNH HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015

Thứ năm, 01 Tháng 2 2024 09:44

Nguyễn Quang Thanh

NCS Tiến sĩ Luật kinh tế Trường Đại học Trà Vinh

Đặng Thị Thu Hằng

Luật gia Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa

E-mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 

Abstract

 

The article discusses the conditions for determining fundamentally changed circumstances according to the provisions of the 2015 Civil Code. The question is, if fundamentally changed circumstances have occurred before the parties enter into a contract but both parties Without knowing it, can it be considered a situation that occurred after the contract was concluded? If the event has occurred and the parties are still engaged, can it be considered a mistake/mistake on the part of one or both parties.

 

Keywords: Circumstances change fundamentally; performance of the contract when circumstances fundamentally change; events of force majeure.

 

1. Đặt vấn đề

 

Từ năm 2020 đến nay, từ khoá “hoàn cảnh thay đổi cơ bản, “thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bảnhay “sự kiện bất khả kháng” được nhắc đến nhiều trong giải quyết tranh chấp dân sự trong hợp đồng và kinh doanh thương mại khi dịch bệnh Covid-19 [5] tác động đến mọi mặt của cuộc sống vào giai đoạn này và ảnh hưởng đến việc thực hiện cam kết của các bên trong giao dịch dân sự và trong giao dịch thương mại. Đặc biệt, nội dung liên quan đến hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi nội dung này mới lần đầu tiên được ghi nhận tại Bộ luật dân sự 2015 [1].

 

2. Điều kiện xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015

 

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhất là đối với các hợp đồng được ký kết dài hạn, việc xuất hiện một sự kiện không mong đợi ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Với sự kiện này có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân, có thể là khách quan hoặc chủ quan, có thể từ thiên nhiên, từ xã hội, từ con người gây ra. Việc áp dụng điều khoản về hoàn cảnh thay đổi rất hạn chế, bởi việc áp dụng là “ngoại lệ” của nguyên tắc hiệu lực ràng buộc của hợp đồng. Khi có hoàn cảnh thay đổi xảy ra, trước hết Tòa án sẽ xem xét các quy định “truyền thống”, chẳng hạn như điều khoản bất khả kháng, xem xét yếu tố lỗi của các bên, xem xét việc giải thích hợp đồng ... để áp dụng. Khi Tòa án xem xét không có điều khoản “truyền thống” nào thỏa mãn thì mới xem xét đến điều khoản “ngoại lệ” là hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

 

Do đó, điều kiện xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản cũng rất khó xác định. Theo quy định tại khoản 1 Điều 420 Bộ luật dân sự năm 2015 hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây: Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng; Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh; Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác; Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích[1].

 

Do vậy, các điều kiện nhận diện hoàn cảnh thay đổi cơ bản bao gồm: nguyên nhân và thời điểm thay đổi hoàn cảnh, tính không lường trước được, mức độ của sự thay đổi và thiện chí khắc phục hậu quả của bên bị ảnh hưởng.

 

Cụ thể như sau:

 

Bàn về nguyên nhân và thời điểm thay đổi hoàn cảnh

 

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 420 Bộ luật dân sự năm 2015: “Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng” [1].

 

- Hoàn cảnh thay đổi cơ bản là một thuật ngữ pháp lý linh hoạt bởi nó xảy ra với các hình thức khác nhau, do đó, chúng ta không thể liệt kê hết các tình huống được cho là hoàn cảnh thay đổi.

 

- Sự thay đổi hoàn cảnh phải do nguyên nhân khách quan. Bộ luật dân sự năm 2015 không có quy định về nguyên nhân khách quan được hiểu thế nào nhưng thông thường, “yếu tố khách quan này được đánh giá trong mối quan hệ với bên thực hiện hợp đồng. Để được coi là sự kiện xảy ra một cách khách quan thì sự kiện này phải vượt qua sự kiểm soát của bên phải thực hiện hợp đồng và như vậy đây có thể là sự kiện tự nhiên như thiên tai nhưng cũng có thể là do con người gây ra như hành động của một người thứ ba” [3].

 

Đối với các chủ thể trong hợp đồng, nguyên nhân khách quan là nguyên nhân ngoài nhận thức của các bên khi giao kết hợp đồng, chẳng hạn thiên tai, chiến tranh, biến động lớn về tình hình kinh tế xã hội... Khi xác định các nguyên nhân đó có phải khách quan hay không cần đứng trên quan điểm một người bình thường trong hoàn cảnh đó có nhận thức được sự kiện nào đó sẽ xảy ra hay không. Nếu câu trả lời là không thì sự kiện đó được coi là khách quan đối với các bên trong hợp đồng.

 

- Thời điểm hoàn cảnh khách quan đó phải xảy ra sau khi giao kết hợp đồng mới được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Điều này được lý giải tương tự như trên, luật được áp dụng ở đây sẽ là luật về lỗi do các bên hoặc bên bị ảnh hưởng đã không xem xét tới nên không được xác định là hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Hơn nữa, trong cuốn Bình luận khoa học hoàn cảnh thay đổi cơ bản ghi nhận rằng “thời điểm của sự thay đổi hoàn cảnh là sau khi các bên đã giao kết hợp đồng, vì nếu diễn ra trước hoặc tại thời điểm giao kết thì bắt buộc các bên phải nhận thức để thỏa thuận nội dung của hợp đồng hoặc không xác lập hợp đồng để đảm bảo lợi ích của nhau [2].

 

Bàn về tính không thể lường trước sự thay đổi hoàn cảnh

 

Tính không thể lường trước là điều kiện tiên quyết nhưng có lẽ là yếu tố xác định khó nhất, bởi lẽ nó là yếu tố chủ quan bên trong xuất phát từ nhận thức của chủ thể trong hợp đồng. Theo điểm b khoản 1 Điều 420 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh” [1].

 

Tính không lường trước được, hay nói cách khác, chúng không thể được tính đến một cách hợp lý hoặc dự đoán bởi bên bị ảnh hưởng. Không thể lường trước bao gồm hai khía cạnh, đó là không thể lường trước được sự kiện đó sẽ xảy ra và không thể lường trước hậu quả.

 

Theo quy định tại khoản 1, Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “sự kiện bất khả kháng” là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Được hiểu rằng, tính không lường trước được hiểu là các bên đã không thể dự kiến hoặc không thể biết được về hoàn cảnh thay đổi vào thời điểm giao kết hợp đồng.

 

Căn cứ theo quy định trên, có hai nội dung cần xem xét là thế nào là không thể lường trước và một bên hay các bên đều không thể không lường trước.

 

-        Thứ nhất, về tính không lường trước tại thời điểm giao kết

 

Theo điểm b khoản 1 Điều 420 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định các bên không lường trước về sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản tại thời điểm hai bên giao kết hợp đồng. Điều 400 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết. Thời điểm chấp nhận giao kết tùy thuộc vào hình thức hợp đồng bằng lời nói, bằng văn bản hay thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết [1]. Cụ thể, trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng; Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản. Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

 

Các tranh chấp khi có yêu cầu áp dụng hoàn cảnh thay đổi thường là các hợp đồng được ký kết dài hạn và có giá trị lớn, cho nên, các bên sẽ lựa chọn hợp đồng bằng văn bản (sẽ khó có thể tìm thấy hợp đồng miệng hay thỏa thuận im lặng trong các loại hợp đồng này vì khả năng chứng minh của các hình thức hợp đồng đó rất yếu).

 

Luật Việt Nam quy định tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước hoàn cảnh thay đổi - Điều này có thể hiểu, tại thời điểm giao kết hoàn cảnh có thể chưa xảy ra hoặc đã xảy ra nhưng các bên không thể lường trước. Hoàn cảnh chưa xảy ra thì không khó để chứng minh nhưng sự kiện đã xảy ra mà các bên không lường trước trong nhiều trường hợp không dễ đưa ra chứng cứ chứng minh. Cho nên, có thể nói rằng, khả năng thấy trước không phải là bất cứ điều gì có thể tìm thấy mà là những gì hợp lý trong hoàn cảnh đó.

 

Mặc dù, không có một tiêu chuẩn rõ ràng cho tiêu chí “không thể lường trước về sự thay đổi hoàn cảnh, nhưng chắc chắn rằng, có những hoàn cảnh không được coi là không lường trước. Cụ thể, một người thuê mặt bằng kinh doanh yêu cầu giảm các khoản thanh toán tiền thuê mặt bằng do hoàn cảnh thay đổi là ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của bên thuê mặt bằng để kinh doanh. Nhưng đây không phải là lý do để bên thuê mặt bằng yêu cầu sửa đổi giá thuê trong hợp đồng thuê mặt bằng đang thực hiện.

 

Tính không lường trước được là một trong những yêu cầu bắt gặp ở hầu hết các quy định của pháp luật quốc gia cũng như pháp luật Quốc tế về hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Việc không lường trước được có thể hiểu là trong điều kiện thực tế vào thời điểm ký kết hợp đồng, việc các bên không có đủ khả năng tiên đoán được hoàn cảnh sẽ bị thay đổi. Điểm mà chúng ta cần lưu ý là quy định tại điểm b khoản 1 Điều 420 của Bộ luật dân sự năm 2015 chưa làm rõ trường hợp sự không lường trước được nhưng không hợp lý có được chấp nhận là không lường trước được hay không. Để đánh giá tính hợp lý của yếu tố không lường trước được cần căn cứ vào đặc điểm của yếu tố thay đổi, bản chất từng loại quan hệ hợp đồng, hoàn cảnh ký kết hợp đồng... Chẳng hạn, thường thì sự thay đổi chính sách, pháp luật của nhà nước, hay thiên tai như sóng thần, động đất là không lường trước được.

 

Như vậy, để xác định một sự thay đổi có lường trước được hay không cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố, không chỉ là độ lớn của sự ảnh hưởng mà còn phải căn cứ vào hoàn cảnh vào thời điểm các bên ký kết hợp đồng để đánh giá phạm vi hợp lý mà các bên có thể dự liệu.

 

-        Thứ hai, về chủ thể không thể lường trước

 

Một trường hợp khác đó là, các bên trong hợp đồng cho thuê mặt bằng kinh doanh đều không thể lường trước hoàn cảnh thay đổi hay là chỉ cần một bên không lường trước? Theo quan điểm của Tác giả, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các bên mà không phải là một bên là hợp lý bởi lẽ nếu một bên biết mà vẫn cố tình giao kết hợp đồng gây bất lợi cho bên kia thì có thể hậu quả áp dụng là hợp đồng vô hiệu do lừa dối chứ không phải hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

 

Pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận tính không thể lường trước phải xuất phát từ cả hai bên. “Không thể” ở đây được hiểu là không thể biết và không buộc phải biết về hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Bởi nếu, có thể biết hoặc buộc phải biết thì hoàn cảnh này không được gọi là không lường trước. Hoặc là nếu lường trước được, các bên sẽ phải dự liệu trong hợp đồng hoàn cảnh thay đổi hoặc phải chịu các hậu quả do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng đã được luật quy định.

 

Như vậy, tính không thể lường trước là một điều kiện quan trọng để xác định sự kiện có phải là hoàn cảnh thay đổi cơ bản hay không. Không lường trước phải không được quy định trong hợp đồng hoặc dự kiến của cả hai bên. Để đánh giá tính hợp lý của yếu tố không lường trước được cần căn cứ vào đặc điểm của yếu tố thay đổi, bản chất từng loại quan hệ hợp đồng, hoàn cảnh ký kết hợp đồng.. .

 

Thông thường, khách quan là đánh giá tính không thể lường trước bằng cách liệt kê các sự kiện có thể được xem xét là không thể lường trước hoặc loại trừ các trường hợp không thể coi là không thể lường trước. Tính không lường trước phải xuất phát từ cả hai bên trong hợp đồng và tại thời điểm giao kết các bên đều không thể lường trước được hoàn cảnh thay đổi.

 

3. Một số bất cập về điều kiện xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015

 

Vấn đề là, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định hay tiêu chí thế nào là tính lường trước hay không thể lường trước.

 

-        Hoàn cảnh thay đổi đáng kể

 

Quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 420 Bộ luật dân sự năm 2015 cùng một tiêu chí đánh giá thế nào là hoàn cảnh thay đổi cơ bản cũng có thể nói là hoàn cảnh thay đổi đáng kể. Quy định tại điểm c khoản 1 Điều 420 Bộ luật dân sự năm 2015 thì đề cập đến mức độ thay đổi hoàn cảnh và điểm d khoản 1 Điều 420 Bộ luật dân sự năm 2015 là mức độ thiệt hại. Vậy, sự thay đổi này phải ở mức nào mới được coi là điều kiện nhận diện hoàn cảnh thay đổi cơ bản?

 

Tại điểm c khoản 1 Điều 420 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác” [1]. Mức ngưỡng của sự thay đổi lớn lại được xác định một cách khá trừu tượng là “nếu biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác”. Điều kiện này căn cứ vào ý chí của các bên bằng cách đưa ra giả định “nếu”. Và hoàn cảnh phải “lớn” đến mức mà các bên sẽ không giao kết hoặc giao kết với nội dung khác.

 

Việc thay đổi cơ bản không chỉ thể hiện ở độ lớn “đáng kể” của thiệt hại mà còn thể hiện ở mức độ thiệt hại mà một bên lẽ ra không đáng phải gánh chịu. Mức độ thiệt hại phải thế nào để có thể xác định là một yếu tố nhận diện hoàn cảnh thay đổi cơ bản? Tại điểm d Điều 420 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên” [1]. Về vấn đề thiệt hại nghiêm trọng cũng khó đánh giá, bởi mỗi trường hợp khác nhau thì mức độ khác nhau, mỗi loại thiệt hại khác nhau cũng khác nhau, hay mỗi chủ thể khác nhau cũng không giống nhau. Thông thường, cách đánh giá thiệt hại là các bên so sánh kết quả của việc thực hiện theo hợp đồng và kết quả sau khi có hoàn cảnh thay đổi nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng. Từ đó sẽ xem xét mức độ thiệt hại cho mỗi bên. Cũng phải nói thêm rằng, thiệt hại nghiêm trọng không đồng nghĩa với không đạt được lợi ích mà các bên mong muốn khi giao kết hợp đồng.

 

Quy định tại điểm c và d Điều 420 Bộ luật dân sự năm 2015, hiện đang là hai điều kiện độc lập để nhận diện hoàn cảnh thay đổi cơ bản - Hai điều kiện này cùng một tiêu chí khi nói về sự “đáng kể” của thiệt hại. Hơn nữa, điểm c khoản 1 Điều 420 Bộ luật dân sự năm 2015 xác định mức độ thiệt hại chứ không thể hiện tính liên quan giữa hoàn cảnh thay đổi với nội dung hợp đồng. Do vậy, chỉ cần quy định là hoàn cảnh thay đổi đáng kể là đã thỏa mãn yếu tố này. Hơn nữa, việc quy định thành hai điều kiện cũng sẽ gây thêm khó khăn cho việc chứng minh hoàn cảnh thay đổi và không cần thiết phải tách làm hai khoản riêng biệt.

 

Tóm lại, nếu theo các quy tắc pháp lý hoặc các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng về phân định rủi ro trong trường hợp cụ thể nào đó thì sẽ không được viện dẫn quy định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản để yêu cầu thay đổi hoặc chấm dứt hợp đồng. Hoàn cảnh thay đổi đáng kể khi đảm bảo “độ lớn” của sự thay đổi và mức độ thiệt hại phải nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc xác định mức độ thay đổi và mức độ thiệt hại lại khó có thể đưa ra một ngưỡng nhất định mà tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

 

-        Nghĩa vụ khắc phục thiệt hại

 

Quy định này cũng là một điều kiện xác định hoàn cảnh thay đổi nhằm hạn chế việc lạm dụng điều khoản này để yêu cầu sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ. Tại điểm d khoản 1 Điều 420 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích”.

 

Hai bên cùng xuất phát từ nguyên tắc thiện chí, trung thực trong quá trình thực hiện hợp đồng, trường hợp có sự kiện bất ngờ xảy ra ảnh hưởng đến lợi ích của mình, thì bên thiệt hại phải nỗ lực trong việc giảm thiểu tối đa thiệt hại. Bên bị thiệt hại phải chứng minh rằng mình đã nỗ lực hết sức trong khả năng và điều kiện của mình để ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại.

 

Trường hợp bên có lợi ích ảnh hưởng, mặc dù có khả năng ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng nhưng đã không nỗ lực thực hiện thì phải tự gánh chịu rủi ro. Quy định này cũng nhằm ngăn chặn hành vi lạm dụng hoàn cảnh thay đổi cơ bản để yêu cầu sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng cho thuê mặt bằng kinh doanh. Tham khảo quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại Khoản 5 Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 “bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”.

 

Tóm lại, nguyên tắc hiệu lực bất biến của hợp đồng là nguyên tắc cơ bản trong quá trình thực hiện hợp đồng. Các bên phải tôn trọng và cam kết thực hiện thỏa thuận của mình kể cả trong trường hợp mục đích hợp đồng không đạt như mong muốn. Chỉ khi thỏa mãn các điều kiện của hoàn cảnh thay đổi cơ bản, lúc đó hợp đồng mới được xem xét đến việc có được thay đổi hay chấm dứt không.

 

4. Kiến nghị hoàn thiện về điều kiện xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản nhằm hoàn thiện quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản

 

a. Sửa đổi điều kiện tại điểm a khoản 1 Điều 420 Bộ luật dân sự năm 2015:

 

“Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra hoặc được biết đến sau khi giao kết hợp đồng”.

 

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 420 của Bộ luật dân sự năm 2015 mới chỉ đề cập đến thời điểm sau khi giao kết hợp đồng. Nếu như vậy, sẽ có trường hợp hoàn cảnh thay đổi xảy ra trong khi giao kết hoặc trước khi giao kết hợp đồng mà các bên đều chỉ biết đến sau khi hợp đồng đã giao kết.

 

b. Sửa đổi điều kiện tại điểm b khoản 1 Điều 420 Bộ luật dân sự năm 2015:

 

“Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được một cách hợp lý về sự thay đổi hoàn cảnh”.

 

Như vậy, bổ sung cụm từ “không thể lường trước được một cách hợp lý” nhằm làm rõ hơn yếu tố khách quan của hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Bởi vì, nếu các bên viện dẫn hoàn cảnh không thể lường trước được nhưng không hợp lý thì rõ ràng không thể coi sự kiện đó là căn cứ để viện dẫn hoàn cảnh thay đổi cơ bản được. Hơn nữa, yếu tố khách quan không phải lúc nào cũng dễ dàng, cho nên mặc dù sự kiện các bên đưa ra là khách quan nhưng không hợp lý trong hoàn cảnh cụ thể đó thì Tòa án cũng có thể bác yêu cầu viện dẫn hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

 

5. Kết luận

 

Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản lần đầu tiên được ghi nhận minh thị trong Bộ luật dân sự năm 2015. Bộ luật này mới có hiệu lực từ 01/01/2017 cho nên vẫn còn nhiều vướng mắc cả phương diện lý luận và thực tiễn. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc giao lưu thương mại giữa cá nhân, pháp nhân Việt Nam với các cá nhân, pháp nhân nước ngoài thậm chí giữa các quốc gia với nhau ngày càng phổ biến, ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp.

 

Pháp luật Việt Nam đang dần thay đổi tích cực để phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế. Trong quá trình này, việc nghiên cứu, học hỏi và tiếp thu có chọn lọc pháp luật quốc tế và pháp luật nước ngoài đem đến những giá trị vô cùng to lớn. Ngoài những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam thì việc đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật cũng cần được quan tâm đúng mức và đi vào thực chất hơn.

 

Hơn nữa, bối cảnh chính trị - xã hội trên bình diện quốc tế luôn chứa đựng những diễn biến khó lường. Do vậy, việc nghiên cứu một cách toàn diện quy định mới ở Việt Nam, mà cụ thể ở đây là quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản là cần thiết.

 

Danh mục tài liệu tham khảo

 

[1] Bộ luật dân sự năm 2015

 

[2] Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ, (2017), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Nhà xuất bản Công an nhân dân.

 

[3] Đỗ Văn Đại (2015), Bàn thêm về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi, Tạp chí nghiên cứu lập pháp

 

[4] Lê Thị Kim Oanh (2019), Về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, Tạp chí Kiểm sát, số 19/2019

 

[5] https://covid19.gov.vn/

 

 

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516