Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtPháp luậtCác cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (*)

Các cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (*)

Chủ nhật, 16 Tháng 5 2021 06:41

ThS. Đoàn Quỳnh Thương

(*) Bài viết đăng Tạp chí Giáo dục và Xã hội, Số đặc biệt kỳ 1- Tháng 6/2018.

Tóm tắt

Để duy trì ổn định, hoà bình trong khu vực, kể từ khi ra đời cho đến nay, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam (ASEAN) đã xây dựng một hệ thống cơ chế giải quyết tranh chấp để giải quyết các mâu thuẫn, xung đột phát sinh trong khu vực. Tính đến nay, ASEAN đã có cơ chế giải quyết tranh chấp trong tất cả các lĩnh vực hợp tác: kinh tế - thương mại, chính trị - an ninh và văn hoá - xã hội. Những cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN không chỉ giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên mà một số cơ chế còn có thể được áp dụng để giải quyết tranh chấp giữa cá nhân, thể nhân và chính phủ quốc gia thành viên. Trong bài viết này, tác giả làm rõ các cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN hiện nay, phân tích những ưu điểm và hạn chế của những cơ chế này.

Abtracts:

To promote peace and stabilization in Southeast area, ASEAN has been created a system of dispute resolution mechanisms to settle contradictories and conflicts arising in the area. Until now, ASEAN has built many dispute resolution mechanisms to solve conlicts in commerce, politics and culture - society. These mechanisms could be used not only in state - state disputes but also in investor - state disputes. In this article, the author clarifies dispute resolution mechanisms, analyzes advantages and disadvantages of these mechanisms.

1. Đặt vấn đề

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, hay còn được gọi là ASEAN là một tổ chức quốc tế liên chính phủ ở khu vực Đông Nam Á, được hình thành từ ngày 8/8/1967 trên cơ sở Tuyên Bố Băng Kok do năm quốc gia là Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philipines, Malaysia ký kết tại thủ đô của Thái Lan vào năm 1967. Kể từ đó cho đến nay, ASEAN đã kết nạp thêm 4 thành viên là Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia để nâng số thành viên lên 10 thành viên. Ngay từ ngày đầu thành lập, ASEAN đã xác định mục đích tồn tại và phát triển của mình là nhằm duy trì sự ổn định, hoà bình, thúc đẩy phát triển kinh tế và trao đổi văn hoá ở khu vực Đông Nam Á. Mặc dù vậy, trong lịch sử phát triển của Đông Nam Á vẫn ghi nhận những vụ mâu thuẫn, xung đột giữa các quốc gia trong khu vực vì nhiều lý do như xung đột về vấn đề đường biên giới, các tranh chấp trong lĩnh vực kinh tế, thương mại… Do đó, để đảm bảo được mục tiêu đã đề ra từ những ngày đầu thành lập, ASEAN luôn chú trọng xây dựng các quy phạm pháp luật quốc tế về giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên. Từ cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tiên được xây dựng trong Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á 1976, đến nay, ASEAN đã ký kết được một số điều ước quốc tế của khu vực trong đó có ghi nhận cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên. Mặc dù còn tồn tại một số hạn chế về kỹ thuật lập pháp và sự ảnh hưởng của “phương cách ASEAN” dẫn tới khả năng thực thi trên thực tế còn hạn chế, tuy nhiên, không thể phủ nhận được tính toàn diện của cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức này bởi ASEAN đã xây dựng được cơ chế giải quyết trong tất cả các lĩnh vực hợp tác của các quốc gia thành viên.

2. Cơ sở pháp lý về giải quyết tranh chấp của ASEAN

2.1. Cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) năm 1976

Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) năm 1976 được các nhà lãnh đạo của 5 nước thành viên sáng lập ASEAN ký kết tại Hội nghị cấp cao của ASEAN lần thứ nhất, tổ chức tại thủ đô Bali ngày 24 tháng 2 năm 1976. TAC là văn kiện pháp lý đầu tiên và duy nhất tính đến nay mà ASEAN cho phép các nước bên ngoài ASEAN tham gia với sự đồng ý của các quốc gia thành viên. Năm 1989, quốc gia đầu tiên không phải là thành viên ASEAN tham gia TAC là Papua New Guines, kể từ đó đến nay, đã có 24 quốc gia bên ngoài ASEAN gia nhập TAC[1], bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Pakistan, Hàn Quốc, Nga, New Zealand, Mongolia, Úc, Pháp, Đông Timor, Bangladesh, Sri Lanka, Triều Tiên, Mỹ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu, Brazil, Na Uy, Chile, Ai Cập, Ma rốc.

Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á là công cụ pháp lý đầu tiên ASEAN cung cấp cơ chế giải quyết tranh chấp để giải quyết các trách chấp phát sinh từ việc áp dụng Hiệp ước trong các hoạt động hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội và các lĩnh vực hợp tác giữa 34 quốc gia thành viên TAC. Theo quy định của Hiệp ước, khi phát sinh những tranh chấp hoặc tình hình có thể phá hoại hoà bình và hoà hợp trong khu vực, các bên tranh chấp có thể sử dụng biện pháp thương lượng hữu nghị để giải quyết tranh chấp đó. Nếu các tranh chấp không thể được giải quyết thông qua thương lượng hữu nghị, các bên tranh chấp có thể đệ trình đơn yêu cầu Hội đồng cấp cao giải quyết tranh chấp. Hội đồng cấp cao là cuộc họp cấp bộ trưởng của các quốc gia thành viên TAC, khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp, Hội đồng này sẽ họp để xem xét vấn đề và đưa ra các khuyến nghị về phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên có thể sử dụng. Ngoài ra, Hội đồng cấp cao cũng có thể điều tra, làm trung gian, hoà giải viên để giải quyết tranh chấp.

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong TAC là cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tiên của ASEAN. Có thể thấy, trong cơ chế giải quyết tranh chấp này có một số hạn chế đáng kể: Thứ nhất, theo Điều 14 và 15 của Hiệp định, cơ chế giải quyết tranh chấp của TAC chỉ được áp dụng khi các bên tranh chấp đồng ý. Như vậy có nghĩa một trong các bên tranh chấp có thể ngăn chặn bên còn lại sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trong TAC để giải quyết tranh chấp theo tiến trình khu vực. Thứ hai, trong cơ chế giải quyết tranh chấp của TAC không có quy định về thời hạn mỗi bước của tiến trình giải quyết tranh chấp, do đó tranh chấp sẽ không được giải quyết nhanh chóng nếu thiếu sự thiện chí từ tất cả các bên tranh chấp, thậm chí nếu như một bên cố ý muốn kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp thì sẽ gây thiệt hại cho bên còn lại. Điểm hạn chế thứ ba là về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Theo quy định của TAC thì Hội đồng cấp cao - một cuộc họp của đại diện cấp bộ trưởng của các quốc gia thành viên TAC sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nếu như tranh chấp không được giải quyết thông qua thương lượng hữu nghị. Như vậy, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo TAC không phải là cơ quan chuyên trách về giải quyết tranh chấp mà đây chỉ là cơ quan adhoc, được thành lập ra khi có yêu cầu về giải quyết tranh chấp của các bên. Bên cạnh đó, các biện pháp giải quyết tranh chấp do Hội đồng cấp cao tiến hành là điều tra, trung gian, hoà giải không phải các biện pháp pháp lý, kết quả làm việc của Hội đồng cấp cao là một khuyến nghị về biện pháp giải quyết tranh chấp mà các bên tranh chấp có thể áp dụng cũng không mang giá trị ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tranh chấp. Có lẽ các nhà soạn thảo TAC cũng đã nhận rõ được những hạn chế này, vì vậy trong Điều 17 của Hiệp ước cho phép các bên tranh chấp có thể sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp hoà bình khác nêu trong Điều 331 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Hiệp ước khuyến khích các bên tranh chấp chủ động giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hữu nghị trước khi sử dụng các biện pháp khác được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.

2.2 Cơ chế giải quyết tranh chấp của Nghị định thư về tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN năm 2004

Nghị định thư về tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN (EDSM) năm 2004 hay còn được gọi là Nghị định thư Viên chăn được các nước ASEAN ký ngày 29 tháng 11 năm 2004, có hiệu lực kể từ ngày ký. Hiệp định gồm 21 điều khoản và 24 phụ lục quy định về quy trình và thủ tục giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên ASEAN có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng các hiệp định kinh tế của ASEAN, trừ những tranh chấp đã có cơ chế giải quyết tranh chấp chuyên biệt[2].

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong EDSM có quy trình các bước tương tự cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO ngoại trừ một số điểm khác, ví dụ như thời hạn các bước ngắn hơn so với các bước trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.

Theo Nghị định thư Viên chăn, khi có bất kỳ tranh chấp nào giữa chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN liên quan đến việc giải thích, áp dụng các hiệp định kinh tế của ASEAN, quốc gia cho rằng lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp của mình theo hiệp định đang bị cản trở do việc nước thành viên khác không thực hiện các nghĩa vụ của mình sẽ gửi yêu cầu tham vấn đến quốc gia thành viên đó. Bên nhận được yêu cầu tham vấn phải trả lời yêu cầu tham vấn trong vòng 10 ngày và tham gia vào cuộc tham vấn trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn. Nếu bên nhận được yêu cầu tham vấn không trả lời tham vấn trong thời gian hiệp định quy định hoặc các bên đ bên bị thiết hại sẽ yêu cầu tham vấn hoặc không thực hiện tham vấn được trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn hoặc sau tham vấn các bên không giải quyết được tranh chấp trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận yêu cầu tham vấn, quốc gia khiếu nại có thể gửi đơn đề nghị thành lập Ban Hội thẩm lên Hội nghị quan chức kinh tế cao cấp ASEAN (SEOM).

Khi tranh chấp được đưa lên SEOM, SEOM sẽ thành lập Ban Hội thẩm trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu trừ khi SEOM nhất trí không thành lập Ban Hội thẩm. Ban Hội thẩm sẽ có tối đa 70 ngày để điều tra tranh chấp theo các điều khoản có liên quan, đánh giá khách quan tranh chấp và đưa ra khuyến nghị về tranh chấp và trình SEOM xem xét thông qua.

Nếu báo cáo của Ban Hội thẩm không bị một trong các bên tranh chấp kháng cáo, báo cáo sẽ được SEOM thông qua trong vòng 30 ngày kể từ ngày Ban Hội thẩm trình báo cáo. Trường hợp có kháng cáo của một trong các bên tranh chấp đối với báo cáo của Ban Hội thẩm thì báo cáo sẽ không được thông qua cho đến khi kết thúc kháng cáo.

Khi một trong các bên kháng cáo về báo cáo của Ban Hội thẩm, kháng cáo sẽ được gửi đến Cơ quan phúc thẩm (do Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN thành lập).[3] Cơ quan này sẽ giải quyết kháng cáo trong vòng 60 ngày kể từ ngày các bên tranh chấp nộp đơn kháng cáo đến Cơ quan phúc thẩm. Trong quá trình tiến hành phúc thẩm, cơ quan phúc thẩm sẽ xem xét lại các vấn đề luật pháp và các giải thích pháp lý trong báo cáo của Ban Hội thẩm để quyết định giữ nguyên, sửa đổi hay bác bở các kết luận, khuyến nghị của Ban Hội thẩm. Quyết định của Cơ quan phúc thẩm phải được SEOM thông qua và khi đã được thông qua, quyết định này có giá trị chung thẩm.

Sau khi quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp được SEOM thông qua, cơ chế giải quyết tranh chấp trong Nghị định thư Viên chăn 2004 cho phép các bên tranh chấp có thể áp dụng các biện pháp tạm thời dưới các hình thức như bồi thường, tạm ngừng các ưu đãi trong trường hợp các bên không tuân thủ các quyết định và khuyến nghị của cơ quan giải quyết tranh chấp trong vòng 60 ngày kể từ ngày quyết định đó được không qua, trừ trường hợp các bên thoả thuận kéo dài khoảng thời gian tuân thủ quyết định của cơ quan giải quyết tranh chấp hơn 60 ngày.

Có thể nói, cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN theo Nghị định thư Viên chăn 2004 có quy trình các bước tương tự như WTO nhưng một số thời hạn ngắn hơn nhiều so với WTO. Do đó, thời gian giải quyết tranh chấp trong ASEAN sẽ nhanh chóng hơn sơn với trong WTO.

2.3 Nghị định thư năm 2010 về giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiến chương ASEAN

Theo Điều 25 Hiến chương ASEAN, để giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Hiến chương ASEAN và các văn kiện khác của ASEAN, ASEAN sẽ thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp thích hợp, trong đó bao gồm cả trọng tài để giải quyết các tranh chấp này. Để thực hiện Điều 25 Hiến chương, ASEAN đã thông qua Nghị định thư năm 2010 (NĐT 2010) về giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiến chương ASEAN, trong đó, thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên bằng phương thức trọng tài. Nhắc lại Điều 15 của Hiến chương ASEAN, Điều 2 khoản 1 NĐT 2010 quy định về phạm vi giải quyết tranh chấp của Nghị định thư như sau: “Nghị định thư này chỉ áp dụng với những tranh chấp liên quan tới việc giải thích hoặc áp dụng: (a) Hiến chương ASEAN; (b) Các văn kiện ASEAN khác trừ khi các biện pháp giải quyết các tranh chấp đó đã được đưa ra trong những văn kiện này; hoặc (c) Các văn kiện ASEAN khác mà văn kiện đó quy định rõ ràng rằng toàn bộ hoặc một phần của Nghị định thư này sẽ được áp dụng.”

Trình tự giải quyết tranh chấp theo NĐT 2010 gồm 3 bước chính: Tham vấn; Giải quyết tranh chấp tại trọng tài; Giải quyết tranh chấp tại Hội đồng điều phối thông qua môi giới, trung gian, hoà giải. Ngoài ra, để hướng tới mục tiêu mục tiêu của ASEAN là được ghi nhận trong Hiến chương là “duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định và tăng cường hơn nữa các giá trị hướng tới hòa bình trong khu vực”, trong quá trình giải quyết tranh chấp theo tiến trình khu vực, Nghị định thư cho phép và khuyến khích các bên có thể tiến hành môi giới, trung gian, hoà giải vào bất kỳ thời điểm nào trong tiến trình giải quyết tranh chấp theo cơ chế của Nghị định thư sau khi một bên gửi đề nghị tham vấn tới bên còn lại của tranh chấp. Quá trình môi giới, trung gian hay hòa giải có thể bắt đầu và bị hủy bỏ tại bất cứ thời điểm nào.

- Giai đoạn tham vấn

Gửi đề nghị tham vấn là bước đầu tiên và cũng là bước bắt buộc để khởi động tiến trình giải quyết tranh chấp theo NĐT 2010 và bắt đầu giai đoạn tham vấn. Nguyên đơn sẽ gửi đề nghị tham vấn đến bị đơn, bị đơn sẽ trả lời yêu cầu tham vấn trong vòng 30 ngày và tham gia tham vấn trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị tham vấn. Nếu các bên có thể bước vào tham vấn thì thời hạn tham vấn là 90 ngày hoặc bất kỳ thời điểm nào mà các bên nhất trí để đạt được một giải pháp chung về giải quyết tranh chấp. Giai đoạn tham vấn được sử dụng với mục đích làm dịu đi căng thẳng giữa các bên, tạo điều kiện để các bên chủ động tìm kiếm những giải pháp mang tính chấp xây dựng, cùng có lợi cho cả đôi bên và nhanh chóng giải quyết xung đột. Nếu giai đoạn này thành công, thì có thể giúp cho quan hệ đầu tư giữa các bên tham vấn được duy trì, đồng thời cũng tiết kiệm thời gian, chi phí của các bên. Vì vậy, NĐT 2010 quy định gửi đề nghị tham vấn là bước đầu tiên để khởi động tiến trình giải quyết tranh chấp theo cơ chế giải quyết tranh chấp của Nghị định thư.

Trong trường hợp bị đơn không trả lời đề nghị tham vấn hoặc các bên không tổ chức được tham vấn trong thời hạn NĐT 2010 quy định hoặc các bên tham vấn không thành, nguyên đơn có thể đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài.

- Giai đoạn giải quyết tranh chấp tại trọng tài

Để giải quyết tranh chấp tại trọng tài, nguyên đơn có thể thông báo bằng văn bản cho bị đơn, yêu cầu thành lập một toà trọng tài để giải quyết tranh chấp. Nếu đồng ý thành lập toà trọng tài để giải quyết tranh chấp, bị đơn sẽ đưa ra ý kiến trong vòng tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Trọng tài sẽ được thành lập từ sự thoả thuận chung của các bên tranh chấp hoặc do Hội đồng điều phối ASEAN hướng dẫn thành lập.[4]

Trọng tài sẽ xem xét các tình tiết của vụ việc và quyết định vụ việc căn cứ theo các qui định của Hiến chương ASEAN và các văn kiện có liên quan của ASEAN để đưa ra phán quyết giải quyết tranh chấp giữa các bên. Phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm.

Trường hợp bị đơn không đồng ý đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài hoặc không trả lời yêu cầu thành lập toà trọng tài trong thời gian NĐT 2010 quy định, nguyên đơn có thể chuyển tranh chấp lên Hội đồng điều phối ASEAN.

Khi một tranh chấp được trình lên Hội đồng điều phối ASEAN, Hội đồng điều phối ASEAN sẽ hướng dẫn các bên giải quyết tranh chấp thông qua môi giới, trung gian, hòa giải hoặc trọng tài. Khi Hội đồng điều phối ASEAN không thể đưa ra quyết định để giải quyết tranh chấp trong khoảng thời gian NĐT 2010 quy định, các bên tranh chấp có thể trình tranh chấp lên Hội nghị cấp cao ASEAN như là một một tranh chấp chưa được giải quyết theo quy định tại Điều 26 của Hiến chương ASEAN.

Sau khi tranh chấp được giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp của NĐT 2010, các bên tranh chấp có nghĩa vụ tuân thủ phán quyết của trọng tài và các thỏa thuận giải quyết tranh chấp là kết quả của môi giới, trung gian và hòa giải. Tổng thư ký ASEAN sẽ theo dõi mức độ và tiến trình tuân thủ phán quyết và các thoả thuận của các bên.

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong NĐT 2010 là cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức ra đời muộn nhất tính cho đến ngày nay và qua đó, ASEAN đã khắc phục được những thiếu sót trong các cơ chế giải quyết tranh chấp trước đó. Ví dụ như về phạm vi giải quyết tranh chấp, NĐT 2010 đã quy định cụ thể cơ chế giải quyết tranh chấp trong NĐT chỉ được sử dụng để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Hiến chương, các văn kiện pháp lý mà quy định rõ về việc áp dụng NĐT 2010 để giải quyết tranh chấp có liên quan và các văn kiện pháp lý chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp riêng. Mặc dù Hiến chương ASEAN và NĐT không thiết lập toà án công lý để giải quyết tranh chấp trong ASEAN như các tổ chức khác, nhưng nó cũng tạo ra một cơ chế giải quyết tranh chấp để các quốc gia thành viên có sử dụng khi giữa họ phát sinh các tranh chấp.

2.4. Cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN năm 2009

Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) năm 2009 là một hiệp định về hợp tác trong các lĩnh vực tự do hoá đầu tư, bảo hộ đầu tư, xúc tiến và thuận lợi hoá đầu tư giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Trong ACIA, ASEAN đã xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp giữa quốc gia thành viên ASEAN và nhà đầu tư ASEAN về những vi phạm nghĩa vụ mà vi phạm này dẫn đến thiệt hại hay tổn thất cho nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình thực hiện đầu tư (các tranh chấp này phải phát sinh sau thời điểm Hiệp định có hiệu lực). Trong đó, “nhà đầu tư ASEAN” bao gồm “thể nhân của quốc gia thành viên hoặc pháp nhân của quốc gia thành viên đang hoặc đã tiến hành đầu tư trong lãnh thổ quốc gia thành viên khác”[5]. Pháp nhân được hiểu là bất cứ thực thể pháp lý nào được thành lập hoặc tổ chức theo pháp luật của một quốc gia thành viên, vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận, thuộc sở hữu tư nhân hay sở hữu nhà nước, bao gồm mọi công ty, tập đoàn, liên danh, liên doanh, doanh nghiệp một chủ, hiệp hội hoặc tổ chức; còn thể nhân là bất cứ người nào có quốc tịch hoặc quyền thường trú tại quốc gia thành viên theo quy định pháp luật hoặc chính sách của quốc gia đó.

Để giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ quốc gia thành viên ASEAN, ACIA 2009 cho phép nhà đầu tư có thể lựa chọn toà án, cơ quan hành chính có thẩm quyền của nước sở tại hoặc bất kỳ một trung tâm trọng tài nào là cơ quan giải quyết tranh chấp, ví dụ: ICSID, UNCITRAL; các trung tâm trọng tài trong khu vực như Trung tâm trọng tài khu vực Kuala Lumpur (KLRCA), Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC); các trung tâm trọng tài của quốc gia thành viên ASEAN như Ban trọng tài quốc gia Indonesia (BANI), Trung tâm trọng tài Thái Lan (THAC), Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm trọng tài thương mại (CCAC).

Quá trình giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ quốc gia thành viên gồm 2 giai đoạn: Tham vấn Giải quyết tranh chấp tại trọng tài. Bên cạnh đó, cũng giống như các cơ chế giải quyết tranh chấp khác, ASEAN khuyến khích giải quyết tranh chấp một cách một cách thân thiện, hòa bình và hữu nghị giữa các bên tranh chấp. Điều 30 của ACIA quy định thủ tục hòa giải có thể được các bên áp dụng và chấm dứt bất cứ lúc nào, ngay cả khi tranh chấp đang được giải quyết theo thủ tục tố tụng tại trọng tài hay tòa án, các bên cũng có thể thỏa thuận thay thế bằng biện pháp hòa giải.

- Giai đoạn tham vấn:

Tranh chấp trước tiên sẽ được giải quyết theo thủ tục tham vấn và đàm phán. Để khởi động tiến trình giải quyết tranh chấp, ACIA 2009 quy định nhà đầu tư sẽ gửi một văn bản yêu cầu tham vấn đến nước thành viên tranh chấp. Cũng giống như cơ chế giải quyết tranh chấp trong NĐT 2010, đây là thủ tục bắt buộc nhà đầu tư phải tiến hành trước khi đệ trình đơn kiện lên hội đồng trọng tài. Trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu, việc tham vấn phải được tiến hành.[6] Nếu trong giai đoạn tham vấn, hai bên thống nhất đưa ra cùng được phương án giải quyết thì tranh chấp chấm dứt. Nếu hai bên không thỏa thuận được giải pháp thỏa đáng cho vụ tranh chấp, thì việc giải quyết tranh chấp sẽ được tiến hành ở bước tiếp theo tại cơ quan giải quyết tranh chấp.

- Giai đoạn giải quyết tại trọng tài:

Trong vòng 180 ngày kể từ ngày nước tranh chấp đầu tư nhận được yêu cầu tham vấn mà tranh chấp vẫn không được giải quyết thì nhà đầu tư có quyền nộp đơn khởi kiện tại cơ quan giải quyết tranh chấp. Đây được coi là khoảng thời gian làm giảm căng thẳng giữa hai bên. Sau khoảng thời gian này nhà đầu tư ASEAN có quyền đệ trình đơn kiện ra một cơ quan trọng tài.[7]

Khi cân nhắc lựa chọn một cơ quan giải quyết tranh chấp bất kỳ, nhà đầu tư phải xem xét nhiều yếu tố như về thẩm quyền giải quyết của cơ quan đó, các quy tắc trọng tài/ tố tụng, thời gian, chi phí giải quyết,… để lựa chọn cơ quan giải quyết phù hợp.

Việc đưa tranh chấp ra giải quyết tại một cơ quan trọng tài phải thỏa mãn những điều kiện sau: Thứ nhất, trước khi nộp đơn khởi kiện trong vòng ít nhất 90 ngày, nhà đầu tư phải có trách nhiệm gửi thông báo đến quốc gia mình có tranh chấp về ý định đưa tranh chấp ra phân xử tại trọng tài, trong thông báo nhà đầu tư phải trình bày tóm tắt về cáo buộc vi phạm các quy định trong Hiệp định của chính phủ sở tại và những thiệt hai tổn thất mà nhà đầu tư phải gánh chịu do hành vi vi phạm ấy gây ra. Thứ hai, về thời hiệu khởi kiện, nhà đầu tư chỉ được phép nộp hồ sơ khởi kiện ra trọng tài trong thời hạn 3 năm kể từ thời điểm nhà đầu tư có tranh chấp nhận ra và phải nhận ra được hành vi vi phạm nghĩa vụ theo Hiệp định gây tổn thất hoặc thiệt hại cho nhà đầu tư hoặc khoản đầu tư của họ. Thứ ba, thông báo trọng tài phải kèm theo văn bản về việc khước từ quyền thực hiện tố tụng trước tòa án hoặc cơ quan hành chính có thẩm quyền của nước sở tại hoặc bất kỳ thủ tục tố tụng nào bị coi là vi phạm theo quy định về khởi kiện của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 34 cũng quy định rằng một quốc gia thành viên sẽ không được áp dụng bảo hộ ngoại giao hoặc đưa ra tranh chấp quốc tế khi tranh chấp đã được một trong các nhà đầu tư và quốc gia thành viên đó đã thống nhất giải quyết theo con đường trọng tài, trừ trường hợp quốc gia thành viên này không tuân thủ phán quyết trọng tài.

Sau khi đơn khởi kiện được tiếp nhận, Hội đồng trọng tài được thiết lập[8], Hội đồng sẽ tiến hành giải quyết tranh chấp, phán quyết được đưa ra theo nguyên tắc đa số và phán quyết này có hiệu lực ràng buộc giữa các bên tranh chấp.[9] Tuy nhiên, Hội đồng trọng tài không có quyền đưa ra phán quyết về bồi thường vi phạm. Phán quyết của trọng tài chỉ có giá trị ràng buộc giữa hai bên và trong một vụ việc cụ thể.

Trên tinh thần tiếp thu những điểm tiến bộ trong cơ chế giải quyết tranh chấp từ các Hiệp định cũ và cập nhật những thay đổi về giải quyết tranh chấp trên thế giới, ACIA 2009 đã xây dựng những quy định về trình tư, thủ tục GQTC khá toàn diện và hiện đại, chặt chẽ, khắc phục được những bất cập tồn đọng của các Hiệp định trước. Ví dụ như quy định về phạm vi chủ thể của ACIA khá rộng chứ không bị giới hạn bởi người có quốc tịch của các nước thành viên ASEAN hay pháp nhân có 100% vốn ASEAN như những văn kiện về đầu tư trước đó; ACIA thiết lập một danh sách khá đầy đủ và không giới hạn về các cơ quan giải quyết tranh chấp, cho phép nhà đầu tư có thể lựa chọn các trung tâm trọng tài quốc tế ICSID, UNCITRAL, các trung tâm trọng tài khu vực, ngoài ra, cũng không hạn chế quyền lựa chọn tòa án hay cơ quan hành chính có thẩm quyền tại quốc gia thành viên tiếp nhận đầu tư của nhà đầu tư nhằm tiết kiệm chi phí tố tụng; điểm tiến bộ đặc biệt trong cơ chế giải quyết tranh chấp của ACIA là các quy định về trình tự thủ tục giải quyết bằng thủ tục tham vấn và tố tụng tại trọng tài được quy định rất chặt chẽ và chi tiết. Mặc dù vậy, ACIA năm 2009 vẫn còn một số hạn chế. Thứ nhất, tính minh bạch trong thủ tục tố tụng trọng tài của ACIA chưa cao. Tính minh bạch là một trong những đặc trưng của hình thức trọng tài, tuy nhiên, đối với trọng tài đầu tư, khi một bên chủ thể là quốc gia thì các tranh chấp này lại liên quan đến lợi ích công, do đó đòi hỏi các thông tin liên quan đến vụ kiện phải được công khai. Mặc dù, vấn đề bảo mật hay công khai thông tin vẫn đang gây tranh cãi nhưng theo xu hướng phát triển hiện nay, tính minh bạch trong thủ tục tố tụng đang ngày càng được quy định phổ biến trong các cơ chế ISDS hiện hành, trở thành một tiêu chuẩn để đánh giá tính hiệu quả của cơ chế đó. Thứ hai, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa quốc gia và nhà đầu tư trong ACIA không thiết lập cơ quan phúc thẩm trong khi ý thức được tầm quan trọng của việc thiết lập cơ chế phúc thẩm, nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hiện nay đã có quy định về nội dung này để có thể khắc phục những sai sót của phán quyết trước.

3. Kết luận

Mặc dù cơ chế giải quyết tranh chấp đã được nhiều văn kiện pháp lý của ASEAN quy định kể từ khi ASEAN được thành lập đến nay với sự rõ ràng về thủ tục và thời hạn tuy nhiên vì một số lý do, những cơ chế giải quyết trah chấp này chưa bao giờ được các nước ASEAN sử dụng. Thay vào đó, các quốc gia thành viên ASEAN có xu hướng dựa vào các quy tắc mà họ cho rằng đáng tin cậy hơn như cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO hay giải quyết tranh chấp thông toa Toà án công lý quốc tế (ICJ). Kể từ khi thành lập cho đến nay, tất cả các tranh chấp giữa các nước ASEAN được giải quyết thông qua tham vấn mà các bên tranh chấp không yêu cầu sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp theo tiến trình khu vực. Điều này có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

Nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ phương cách ASEAN. Việc xây dựng các cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động chung và phù hợp với mục tiêu của ASEAN. Trong đó, một trong những mục tiêu của ASEAN là duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh và ổn định, tăng cường hơn nữa các giá trị hướng tới hoà bình trong khu vực. Chính vì vậy, ASEAN luôn xác định ASEAN sẽ đề cao việc sử dụng các phương tiện chính trị, ngoại giao và dựa trên quan hệ hợp tác để giải quyết sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên. Do đó, tất cả quá trình ra quyết định của ASEAN đều dựa trên sự đồng thuận, đây được coi là nguyên tắc hoạt động của ASEAN. Điều này cho thấy phần nào bản chất của sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên là coi trọng thương lượng và chính trị, ngoại giao. Bên cạnh đó, văn hóa của các quốc gia thành viên ASEAN có điểm chung độc đáo là không đối đầu mà dàn xếp để tránh các tranh chấp chính thức, cố gắng giải quyết mâu thuẫn thông qua tham vấn và hòa giải bất cứ khi nào có thể. Bởi vậy, các quốc gia thành viên ASEAN ưa thích giải quyết các tranh chấp theo cách không xét xử hơn là sử dụng các cơ chế tài phán.

Thứ hai, các phán quyết của trọng tài trong các cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của ASEAN trên thực tế gặp phải sự khó khăn trong việc áp dụng bởi sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên về hệ thống pháp luật và các cách tiếp cận đối với công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Mặc dù tất cả mười quốc gia thành viên ASEAN đều đã tham gia Công ước New York về việc công nhận và thực thi phán quyết của trọng tài nước ngoài năm 1958 nhưng việc thực hiện các quy định có liên quan tại một số quốc gia thành viên vẫn được xác định là chưa hoàn toàn tương thích với Công ước./.

 

Chú thích

[1] http://cil.nus.edu.sg/1976/1976-treaty-of-amity-and-cooperation-in-southeast-asia-signed-on-24- february-1976-in-bali-indonesia-by-the-heads-of-stategovernment/

[2] Xem Điều 1 Nghị định thư Viên chăn 2004

[3] Cơ quan phúc thẩm là cơ quan chuyên trách về giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của ASEAN. Thành viên Cơ quan phúc thẩm do Hội nghị bộ trưởng kinh tế ASEAN bổ nhiệm. Thành viên Cơ quan phúc thẩm là những người có năng lực được thừa nhận, có kiến thức chuyên môn về luật thương mại quốc tế và về các vấn đề của các hiệp định liên quan. Các thành viên của Cơ quan Phúc thẩm không trực thuộc bất kỳ chính phủ nào.

[4] Trọng tài được thành lập ra trên cơ sở các nguyên tắc trọng tài ở phần phụ lục của Nghị định thư. Trong đó, trọng tài viên được lựa chọn chặt chẽ từ những người có chuyên môn hoặc kinh nghiệm về luật và giải quyết tranh chấp quốc tế, trọng tài viên làm việc khách quan, độc lập và chưa từng tham gia giải quyết tranh chấp đó. (Điều 10, 11 Nghị định thư 2010)

[5] Điều 4 ACIA 2009

[6] Điều 31 ACIA 2009

[7] Điều 32 ACIA 2009

[8] Xem khoản 1,2 Điều 35 ACIA 2009

[9] Xem khoản 4 Điều 35 ACIA 2009

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516