Người trồng khoai tây nói gì?
Theo Bà Lý Thị Toàn và một số hộ dân thường trú tại thôn Chiềng 5, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn cung cấp thông tin cho nhóm phóng viên biết: Cuối năm 2011 đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh kết hợp với chính quyền địa phương, xã Võ Lao và thôn Chiềng tổ chức cung cấp nguồn giống, phân bón, thuốc trừ sâu và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân bằng hình thức cung cấp "khấu trừ". Về giống là loại khoai tây ATLANTIC- Mỹ với mức giá cung cấp 18,5 nghìn đồng/kg, đảm bảo mỗi 1ha sau thu hoạch lãi được trên 50 triệu đồng nhằm giúp nâng cao đời sống cho người dân. Người dân chúng tôi rất mừng về chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp. Chúng tôi đặt hết niềm tin vào chính quyền địa phương đã có hướng phát triển kinh tế mới (hợp với ý Đảng, lòng dân). Tuy nhiên, qúa trình triển khai đến các hộ dân do trình độ yếu kém của kỹ thuật viên Chi cục Bảo vệ thực vật Tỉnh Lào Cai, thực hiện sai kỹ thuật dẫn đến khoai tây chết hàng loạt. Kết cục, sản phẩm sau thu hoạch không đến đâu, đã ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của người dân vốn đã nghèo nay lại càng vấp phải cảnh nghèo khó hơn.
Ý kiến của đại diện chính quyền địa phương?
Sau sự việc trên, đứng trước việc mất công sức và tiền của của nhân dân đã bỏ ra, nhất là việc mất niềm tin đối với chính quyền địa phương, nhóm phóng viên chúng tôi đã có buổi làm việc với UBND xã Võ Lao, trực tiếp phỏng vấn ông Hà Ngọc Kiểm, Chủ tịch UBND xã để làm rõ vấn đề này. Chúng tôi đã gặp phải phản ứng gay gắt và đề nghị không được tác nghiệp bằng hình ảnh... Ông Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ban đầu UBND xã và nhân dân không muốn thực hiện nhưng do UBND huyện và Chi cục Bảo vệ thực vật ép xuống bằng hợp đồng không số, không ngày tháng. Toàn dự án này có 3 đơn vị tham gia thực hiện gồm: Chi cục Bảo vệ thực vật, UBND xã và các thôn, trong đó Chi cục Bảo vệ thực vật chịu trách nhiệm cung cấp giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, kỹ thuật trồng trọt và sau thu hoạch nếu lỗ, lãi là do Chi cục Bảo vệ thực vật đảm nhiệm, UBND xã chỉ là đơn vị chứng kiến và chỉ đạo các thôn, bảo lãnh thuốc bảo vệ thực vật, các thôn chịu trách nhiệm nhận giống, phân bón trực tiếp giao cho các hộ dân. Quá trình thực hiện có 3 cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và thu nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm, ngoài ra chúng tôi không được biết gì hơn”.
Qua buổi làm việc với UBND xã Võ Lao, căn cứ trên Hợp đồng kinh tế do UBND xã Võ Lao cung cấp, nhóm phóng viên đã có lịch việc với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai, trực tiếp người đại diện là Ông Nguyễn Văn Hùng - Chi cục Trưởng, sau đây là cuộc trao đổi giữa phóng viên và ông Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai:
Ông Chi cục trưởng nói gì?
PV: Thưa ông, Dự án trồng khoai tây tại xã Võ Lao do Chi cục quản lý được thực hiện bằng nguồn vốn gì?
Ông Nguyễn Văn Hùng: Chúng tôi đã thực hiện bằng nguồn vốn ngoài (nguồn vốn do doanh nghiệp cấp).
PV: Ông có thể cho biết những hợp đồng kinh tế (không số, không ngày, không tháng), trước khi ký ông có được đọc và nghiên cứu hợp đồng hay không?
Ông NVH: Tôi có biết những hợp đồng đó, mà thực lòng tôi chưa được đọc kỹ, rất đơn giản chúng tôi đang thực hiện hợp đồng này là hoàn toàn bằng "chữ tín", anh em chơi với nhau chứ không mang một chút tư lợi cho cá nhân mình.
PV: Thể hiện trên Hợp đồng kinh tế đại diện bên A là Chi cục Bảo vệ thực vật - Lào Cai, người đại diện là Ông đã cam kết cung ứng giống khoai tây, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng và đầy đủ hồ sơ về giống, ông có thể cho biết rõ hơn về nguồn gốc của giống khoai tây?
Ông NVH: Cốt lõi của Hợp đồng kinh tế và nguồn gốc xuất sứ giống khoai tây này tôi hoàn toàn không được biết giống khoai tây chính xác nhập từ đâu, tôi chỉ biết là do Công ty TNHH Tấn Phát - Hà Nội cung cấp. Đúng ra công ty này là đơn vị trực tiếp bàn giao cho UBND xã và các hộ dân, nhưng cái nghịch cảnh là xã không nhận, dân không nhận vì lý do dân và UBND xã không biết Công ty đó ở đâu. UBND xã và nhân dân yêu cầu (Tôi) Chi cục Bảo vệ thực vật đứng lên giao nhận theo hình thức "ủy quyền" của doanh nghiệp thì người dân mới tin, vừa để đảm bảo cho doanh nghiệp thu hồi vốn sau này, vừa để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Vì điều kiện tôi không thể trực tiếp, nên tôi giao nhiệm vụ đó cho Trạm Trưởng trạm Văn Bàn, đại diện cho bên nhận là ông Mai Hữu Đức, đại diện bên giao là ông Bùi Quý Diện - cán bộ kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật Lào Cai (Căn cứ biên bản bàn giao khoai tây ngày 18 tháng 11 năm 2011).
PV: Hợp đồng kinh tế số 16 ngày 29 tháng 11 năm 2011, ông là người trực tiếp có mặt để ký hợp đồng 3 bên hay không? Ông nghĩ sao trước khi ký mà đại diện của bên B dùng con dấu mã số thuế thay cho dấu đơn vị, không chức danh, không họ tên nhằm mục đích gì? Có phải chăng là sự lừa dối, tạo niềm tin đối với người dân lao động kém hiểu biết hay không?
Ông NVH: Các đồng chí hỏi vậy tôi cũng không biết trả lời như thế nào cho đúng, vì khi ký tôi hoàn toàn không để ý mà chỉ ký cho xong, đó là sai lầm lớn nhất của người làm lãnh đạo như tôi dẫn đến việc thất bại ngày hôm nay.
PV: Vâng xin cảm ơn ông.
Sau những ngày tìm hiểu sự việc trên, nhóm phóng viên chúng tôi đề nghị ông Nguyễn Văn Hùng cung cấp thông tin và tài liệu về sự việc này thì ông Hùng cho biết:"Chỉ thực hiện bằng chữ tín mà không có bất kỳ giấy tờ gì". Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại sự việc sau.
Bài, ảnh: Đình Thơm - Văn Quang - Long Giang.