Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtPháp luậtNghẹn ngào lời nói cuối cùng của “người nổi tiếng” tại tòa

Nghẹn ngào lời nói cuối cùng của “người nổi tiếng” tại tòa

Thứ ba, 03 Tháng 6 2014 06:57
"Bầu Kiên", Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng, Huỳnh Thị Huyền Như, Mai Văn Phúc... những người quyền lực một thời đã khóc, cười... thế nào trong "lời nói cuối cùng tại tòa"?

"Bầu Kiên" rớm nước mắt dặn dò vợ con

Trong phiên tòa phúc thẩm xử ông Kiên và đồng phạm sáng 2/6, ở phần "nói lời cuối trước khi kết thúc phiên tòa", lần đầu tiên người ta thấy ông khóc.
Trong lời nói cuối cùng, bị cáo Nguyễn Đức Kiên bày tỏ sự lo lắng cho vợ mình, người chưa bao giờ phải lo chuyện kinh doanh, nay phải đứng mũi chịu sào mọi thứ.
Ông Kiên nói: “Lúc này đây tôi đang cần sự giúp đỡ của những người bạn thân để giúp đỡ gia đình tôi mà cụ thể là vợ tôi để vượt qua khó khăn”. Khi nói đến gia đình mình, Nguyễn Đức Kiên đã không kìm được cảm xúc và rơi nước mắt.
k1
Khi nói lới cuối cùng, có lúc "bầu Kiên" đã không kìm được nước mắt
Đối với hơn 15.000 cán bộ, nhân viên ACB, ông Kiên mong họ tiếp tục gắn bó, làm việc tại ACB. Nguyễn Đức Kiên cũng yêu cầu vợ, con không được bán cổ phần tại ACB để tiếp tục gắn bó với ngân hàng này. “Tôi cũng xin lỗi những nhân viên và gửi lời tri ân đến khách hàng của Ngân hàng ACB, những người đã đồng hành với tôi trong suốt hơn 20 năm qua. Tôi khẳng định rằng, khách hàng của Ngân hàng ACB có thể tin rằng Ngân hàng ACB là ngân hàng quản trị tốt nhất”, "bầu Kiên" nói.
Đối với bạn bè, bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói: “Tôi mong bạn bè mình tiếp tục đi và làm những gì chúng tôi đã dự định để trước khi nhắm mắt xuôi tay có thể thấy đội tuyển Việt Nam tham dự World Cup. Đó là hoài bão của chúng tôi. Tôi tin rằng bạn bè tôi không kiện tôi. Còn những người đã ép họ phải kiện tôi thì trước sau gì cũng phải ra trước ánh sáng. Tôi xin lỗi VietBank vì gia đình tôi buộc phải bán cổ phiếu để đáp ứng nhu cầu tiền mặt khi đó. Tôi tin một ngày nào đó gia đình tôi sẽ quay lại VietBank”.
Không chỉ nhắc tới vợ, bạn bè, đồng nghiệp, trong lời nói sau cùng, Nguyễn Đức Kiên còn nhắc tới mẹ mình và các con: “Tôi muốn nói với mẹ tôi. Tôi không cho các em tôi kinh doanh và nắm các vị trí quan trọng ở ngân hàng vì tôi cho rằng các em chưa đủ trình độ, và hơn hết, tôi nhìn thấy rủi ro trong tương lai nên không muốn các em và vợ tôi phải gánh. Tôi đã nói chuyện với con trai tôi, mong con là người tốt, không làm kinh doanh và tôi mong con trai tôi là người đàn ông thay tôi chăm sóc vợ tôi. Tôi không trốn chạy trách nhiệm vì tôi tin đất nước này có kỷ cương, có phép tắc. Mặc dù visa của tôi dài hạn, tôi có quan hệ khắp nơi nhưng tôi không chạy trốn”.
Khi nói với hai con trai, Nguyễn Đức Kiên đã cố kìm nén để không bật khóc nhưng ông đã rớm nước mắt tại tòa.
Cũng trong lời nói sau cùng, ông Nguyễn Đức Kiên còn dặn dò vợ mình không bao giờ xin xỏ bất kỳ ai phụ trách vụ án này vì có thể tự đẩy mình vào phạm pháp. “Tôi có thể tự giải quyết và tôi tin rằng mình đủ khả năng, đủ tư duy để chứng minh mình vô tội”, ông Kiên nói.
Dương Tự Trọng nghẹn ngào lời cuối, nhưng "quên" dặn vợ
Trong phiên tòa phúc thẩm xử Dương Tự Trọng cùng đồng phạm ngày 22/5 vừa qua, trong phần “nói lời cuối cùng”, bị cáo Dương Tự Trọng đã nghẹn ngào nói rất nhiều, khiến không ít người chứng kiến phải ngậm ngùi.
k2
Dương Tự Trọng khóc tại tòa
Ông Trọng nói: “Do những văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện khoản 3 điều 275 bộ luật hình sự chưa được cụ thể rõ ràng nên mong HĐXX áp dụng điểm có lợi cho bị cáo.
Bị cáo cũng đề nghị tòa xem lại yếu tố lỗi đối với bị cáo Tuấn. Xem xét lại vai trò của bị cáo Sơn. Sơn chỉ có vai trò ngang bằng các bị cáo khác. Bị cáo bị tạm gian đã hơn 1 năm, thời gian trôi qua chậm chạp, lặng lẽ và dài đằng đẵng.
Ở hoàn cảnh đó, mỗi giây, mỗi phút là sự khát khao tự do, nỗi nhớ nhà da diết cùng với khắc khoải lo âu, tuyệt vọng và xót xa.
Càng xót xa hơn khi vì mình mà những người thân đang ngày đêm phải chịu những đau khổ, cay đắng. Khổ tâm nhất là khi nghĩ về bố mẹ. Tôi có nhiều đêm giật mình thổn thức gọi mẹ, nhớ mẹ và thương mẹ vô cùng.
Mỗi khi hướng lên tầng trên, nơi có buồng giam anh Dũng, tôi thầm đọc cho anh nghe những câu của Nguyễn Trãi trong Bình ngô đại cáo, kể cho anh nghe những câu chuyện giàu truyền thống nhân đạo, vị tha của dân tộc ta để động viên anh cố gắng.
Tôi có xin phép Chủ tịch nước từ bi cho anh Dũng và anh Phúc được sống. Ngày nào tôi cũng cầu xin và hy vọng điều đó. Cầu xin trời phật cho bố mẹ tôi thêm tuổi để mong đợi con.
Kính mong HĐXX công minh, công tâm trong xét xử, không khiên cưỡng, không suy luật theo kiểu con gà đẻ trứng, văn minh và nhân đạo”.
Những lời nói cuối cùng của bị cáo Dương Tự Trọng rất đỗi chân thành. Bạn bè, chiến hữu, anh em, bố mẹ, ông đều nhắc tới hết, với sự thương yêu và xót xa biết bao. Có ai mà không nghẹn ngào khi nghe những lời tâm sự của ông “có nhiều đêm giật mình thổn thức gọi mẹ, nhớ mẹ và thương mẹ vô cùng”. Thế nhưng, nhiều người vẫn băn khoăn không hiểu vì sao ông Trọng không có một lời dặn dò nào dành cho vợ con, dù vợ ông cũng xuất hiện tại phiên tòa với tư cách là nhân chứng.
Dương Chí Dũng đọc thơ, tha thiết xin được sống
Cuối giờ chiều 24/4, sau phần đối đáp gay gắt giữa các luật sư và VKSND tối cao, HĐXX phiên tòa phúc thẩm TAND Tối cao xử Dương Chí Dũng và đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho các bị cáo nói lời sau cùng.
k3
Dương Chí Dũng tha thiết xin được sống
Bị cáo Dương Chí Dũng được nói đầu tiên và cũng là người nói nhiều nhất.
Ông Dũng nói: “Thưa HĐXX, bị cáo với cương vị là cán bộ quan trọng của Vinalies, đã để ra sai phạm tiêu cực nghiêm trọng như thế này, bị cáo rất hối hận và những ngày vừa qua rất đau khổ trong trại, bị cáo thành tâm nhận thức về trách nhiệm của mình, xin lỗi Đảng, nhà nước, nhân dân.
Trước pháp luật bị cáo không thể nhận những việc không có, bởi nó có thể đánh đổi lấy tính mạng của mình. Bị cáo không thể không suy nghĩ được. Mong HĐXX cân nhắc rất kỹ lưỡng, khách quan, nếu chưa đủ chứng cứ thì cho bị cáo giảm nhẹ hình phạt để chờ sự thật, để không bị oan cho bị cáo. Bị cáo không trốn tránh tội, nếu nhận một đồng bị cáo sẽ chịu tội.
Bản thân bị cáo rất tâm huyết với ngành nghề. Năm 2005 bị cáo được vào Tổng công ty. Bị cáo không có mục đích cá nhân gì, chỉ mong phát triển ngành tàu biển. Mỗi năm phải đưa tàu ra nước ngoài sửa mất hàng trăm triệu đô. Bị cáo làm điều gì đó cho ngành nhưng không thành công giờ cũng thành tội cũng là điều đau đớn với bị cáo.
Bố đẻ bị cáo năm nay 91 tuổi, cả nhà phải giấu việc 2 anh em bị cáo. Cụ hiện bị bệnh tim, mẹ bị cáo 81 tuổi, tham gia kháng chiến, huy chương kháng chiến hạng nhất, bố mẹ tham gia kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Mẹ vợ cũng theo cách mạng, gia đình truyền thống, em trai, em gái em rể đều công an. Cả gia đình cách mạng.
Bị cáo cũng phấn đấu, giờ rất buồn. Chỉ mong… không phải bị cáo sợ đâu, nếu làm bị cáo sẵn sàng nhận. Mong HĐXX hết sức thận trọng. Bị cáo thành khẩn, rất ăn năn, rất mong xem xét cho bị cáo. Bị cáo sẽ vận động gia đình, dù bao nhiêu đi nữa cũng bán để khắc phục trách nhiệm. Nếu bị oan bị cáo vẫn khắc phục. Nhưng cho bị cáo được sống để đến lúc được minh oan cho bị cáo. Nếu không đến lúc đó không còn gì nữa.
Bị cáo yêu gia đình, yêu đất nước. Một lần nữa xin cảm ơn Đảng, nhà nước và nhân dân. Mong thiết tha xem xét xự việc này. Xin lỗi Đảng, nhà nước, nhân dân và mong HĐXX xem xét cho bị cáo…”
Trước đó, tại phiên tòa xử sơ thẩm, khi được nói lời sau cùng, Dương Chí Dũng tỏ ra khá lạc quan và còn đọc thơ, những câu thơ mà ông đã từng đọc ngày nhậm chức Cục trưởng Hàng hải: “Hai tám năm qua lại trở về/ Với người hàng hải lời thề năm xưa....”
 
Mai Văn Phúc muốn được sống nhưng "không đội trời chung với Dương Chí Dũng"
Cũng tại phiên tòa xử phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm trong vụ án kinh tế Vinalines, bị cáo Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines, khi được nói lời sau cùng đã xin được sống nhưng không đội trời chung với Dương Chí Dũng.
Cụ thể, bị cáo Mai Văn Phúc phủ nhận vai trò của mình trong vụ án, với lý do dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam đã khởi động 14 tháng trước đó. Vai trò của Mai Văn Phúc theo đó chỉ là “kế thừa” việc đã rồi.
Một lần nữa, bị cáo Phúc chối việc nhận tiền từ Sơn và lý luận rằng Sơn khai ra Hà Nội công tác vào ngày 29 Tết nhưng kết quả xác minh không có chuyến bay nào có Sơn đi lại những ngày đó. Công việc tại Vinalines cũng đã nghỉ hết vào ngày đó, không có gì để “ra công tác”.
Đáng chú ý, bị cáo Phúc nói thêm: “Bị cáo với Dương Chí Dũng không đội trời chung thì chắc không thể bàn bạc, làm chuyện gì được. Vậy xin cứu xét điểm này”.
Lời cuối cùng của Mai Văn Phúc: "Mong HĐXX xem xét cho bị cáo. Bị cáo chỉ là nạn nhân của vụ án. Bị cáo mong muốn HĐXX thật khách quan...".
Huỳnh Thị Huyền Như ân hận, khóc lóc nói lời cuối cùng
Chiều 22/1, phiên tòa xét xử đại án lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng do Huỳnh Thị Huyền Như và 22 đồng phạm thực hiện kết thúc phần tranh luận và bước sang phần nghị án. Trước khi tòa nghị án, các bị cáo đã được đứng trước vành móng ngựa nói lời nói sau cùng.
 
 k4
Huỳnh Thị Huyền Như với nỗi ân hận muộn màng.
Huỳnh Thị Huyền Như đã có những phút giây tự trấn an mình rồi bình tĩnh bày tỏ mong muốn, nguyện vọng và nỗi lòng về những việc mình đã gây ra.
 
Huyền Như cho biết, trong suốt hơn 2 năm bị tạm giam và những ngày dài diễn ra phiên xét xử, bản thân bị cáo này đã rất ân hận về những gì mình đã gây ra và để lại hậu quả đau lòng cho cơ quan, tổ chức, người thân, bạn bè, đồng nghiệp.
 
“Bị cáo muốn nói lời tạ lỗi dù là đã quá muộn. Xin lỗi bị cáo khác. Xin lỗi gia đình vì bị cáo đã làm liên lụy đến mọi người. Bị cáo xin lỗi Vietinbank vì gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ngân hàng. Bị cáo thành thật xin lỗi Vietinbank, xin lỗi anh chị em đồng nghiệp vì bị cáo mà hôm nay ngồi tại tòa và đối diện với trách nhiệm. Mong HĐXX xem xét chiếu cố cho anh chị em đồng nghiệp của bị cáo nay lại ngồi trước tòa. Vì tin tưởng bị cáo mà họ phạm phải sai lầm khi tuổi đời các bạn còn trẻ và đầy nhiệt huyết để họ có cơ hội làm lại cuộc đời. Bị cáo xin lỗi chị ruột và các bị cáo giúp sức bị cáo. Bị cáo sai lầm kéo theo họ phạm tội, xin HĐXX xem xét cho các anh chị và bản thân bị cáo”, Huyền Như đã không kìm được giọt nước mắt khi nói những lời sau cùng.
Theo: kienthuc.net.vn
 

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516