LÊ VĂN THẮNG
Khoa Luật, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh
Nhận bài ngày 28/02/2023. Sửa chữa xong 03/3/2023. Duyệt đăng 07/3/2023
Abstract
The article points out the main difficulties that students often face when researching and learning the content "Forms of sanctioning administrative violations". On that basis, the article proposes a number of issues that students need to pay attention to when studying this content. These notes are drawn from the practice of teaching General Law, Administrative Law and some other specialized legal subjects.
Keywords: Form of sanction, administrative violations, research, study.
1. Đặt vấn đề
Hình thức xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) là một trong những nội dung quan trọng của bài Luật Hành chính trong Chương trình giảng dạy học phần Pháp luật đại cương, môn Luật Hành chính và bài Xử phạt VPHC trong một số môn Pháp luật chuyên ngành. Vì vậy, tất cả sinh viên (SV) của các trường đại học phải nghiên cứu, học tập nội dung này. Hiện nay, khi nghiên cứu nội dung này SV gặp một số vấn đề khó khăn trong cách tiếp cận. Nguyên nhân chính của tình trạng đó là do có nhiều điểm khác biệt cơ bản giữa Luật Xử lý VPHC năm 2012 (Sửa đổi và bổ sung năm 2020) và Pháp lệnh Xử phạt VPHC năm 2002 trước đây; SV chưa nhận biết được mối quan hệ giữa Luật Xử lý VPHC năm 2012 và các Nghị định về xử phạt VPHC trong những lĩnh vực cụ thể. Từ thực tiễn giảng dạy nội dung này, chúng tôi có đề xuất một số vấn đề SV cần lưu tâm nhằm góp phần mang lại hiệu quả trong nghiên cứu, học tập.
2. Khái quát chung về các hình thức xử phạt VPHC
Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật định nghĩa hình thức xử phạt VPHC. Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020) chỉ đưa ra khái niệm xử phạt VPHC. Cụ thể như sau: “Xử phạt VPHC là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi VPHC theo quy định của pháp luật về xử phạt VPHC”. Theo định nghĩa này, hình thức xử phạt VPHC là một trong những loại chế tài quan trọng hàng đầu áp dụng với chủ thể có hành vi VPHC. Loại chế tài này có những đặc điểm chủ yếu như sau:
- Do chủ thể có thẩm quyền áp dụng. Chủ thể có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt VPHC rất đa dạng, bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chung (Ủy ban nhân dân các cấp) và cơ quan có quản lý nhà nước có thẩm quyền chuyên môn (thanh tra chuyên ngành, các sở, phòng…).
- Hình thức xử phạt VPHC luôn là hậu quả bất lợi do chủ thể vi phạm pháp luật hành chính phải gánh chịu.
- Hình thức xử phạt VPHC bao gồm nhiều loại và mỗi hành vi VPHC tùy vào tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng các hình phạt tương ứng.
3. Quy định của pháp luật về các hình thức xử phạt VPHC và một số lưu ý khi nghiên cứu, học tập
3.1. SV cần hiểu rõ mối quan hệ giữa Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các Nghị định về xử phạt VPHC trong từng lình vực cụ thể. Theo đó, những vấn đề về xử lý VPHC nói chung, hình thức xử phạt VPHC nói riêng được quy định trong Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Trên cơ sở những quy định này, Chính phủ ban hành những Nghị định về xử phạt VPHC trong từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ: Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21/05/2019 quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực du lịch; Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai; Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020 quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài nguyên nước và khóang sản;…Dựa trên mối quan hệ này, SV sẽ rút ra được rằng: Các nghị định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực chuyên ngành phải tuân thủ các quy định, nguyên tắc chung trong Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Và cũng chính vì thế, hình thức xử phạt vi phạm trong các Nghị định về xử phạt VPHC trong từng lĩnh vực cụ thể sẽ có cả những điểm tương đồng và những điểm khác biệt.
3.2. Các hình thức xử phạt VPHC được quy định trong Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) bao gồm:
- Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức VPHC không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi VPHC do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản;
- Phạt tiền áp dụng đối với những hành vi VPHC có mức độ nghiêm trọng hơn so với hành vi bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo;
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
- Tịch thu tang vật, phương tiện VPHC là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến VPHC, được áp dụng đối với VPHC nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.;
- Trục xuất là hình thức xử phạt buộc người nước ngoài có hành vi VPHC tại Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...
Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) cũng quy định về nguyên tắc xác định, áp dụng các hình thức xử phạt này. Cụ thể:
- Cảnh cáo, phạt tiền chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính.
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật VPHC, phương tiện được sử dụng để VPHC; trục xuất có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.
- Đối với mỗi VPHC, cá nhân, tổ chức VPHC chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.
Ở nội dung này, SV dễ bị nhầm lẫn về sự khác biệt trong cách xác định loại hình thức xử phạt VPHC ở Luật Xử lý VPHC năm 2012 so với Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2002. Trong Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2002 các hình thức xử phạt được phân định cụ thể. Tức là cảnh cáo và phạt tiền là hình thức xử phạt chính. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Tịch thu tang vật, phương tiện dùng để VPHC; Trục xuất là ba hình thức xử phạt bổ sung. Cụ thể:
- Đối với mỗi VPHC, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: cảnh cáo; phạt tiền.
- Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức VPHC còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC.
Người nước ngoài VPHC còn có thể bị xử phạt trục xuất. Trục xuất được áp dụng là hình thức xử phạt chính hoặc xử phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.
Trong khoảng thời gian trước khi Luật Xử lý VPHC năm 2012 được ban hành và có hiệu lực, các nghị định về xử phạt VPHC trong từng lĩnh vực cụ thể cũng phân loại hình thức xử phạt VPHC giống với Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2002. Nhưng Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định theo hướng đưa ra nguyên tắc để các nghị định về xử phạt VPHC trong từng lĩnh vực cụ thể phân loại hình thức xử phạt.
3.3. Trên cơ sở những quy định về nguyên tắc xác định loại hình thức xử phạt VPHC của Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), các nghị định về xử phạt VPHC trong từng lĩnh vực cụ thể phân loại từng hình thức xử phạt cụ thể.
Ví dụ 1: Trong Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa có quy định các hình thức xử phạt như sau:
- Cá nhân, tổ chức có hành vi VPHC trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: + Cảnh cáo; + Phạt tiền.
- Cá nhân, tổ chức có hành vi VPHC, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung sau đây: + Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn có thời hạn; + Đình chỉ hoạt động có thời hạn; + Tịch thu tang vật VPHC, phương tiện được sử dụng để VPHC.
Ví dụ 2: Trong Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21/05/2019 quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực du lịch có xác định:
- Các hình thức xử phạt chính: Đối với mỗi hành vi VPHC trong lĩnh vực du lịch, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: Cảnh cáo; Phạt tiền.
- Các hình thức xử phạt bổ sung: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi VPHC trong lĩnh vực du lịch còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
+ Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng: Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; thẻ hướng dẫn viên du lịch; quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch; quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; quyết định công nhận điểm du lịch; quyết định công nhận khu du lịch; biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch;
+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng;
+ Tịch thu tang vật VPHC: Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành giả; thẻ hướng dẫn viên du lịch giả; biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch giả.
Ví dụ 3: Trong Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2022/NĐ-CP) quy định về hình thức xử phạt như sau:
- Tổ chức, cá nhân có hành vi VPHC trong lĩnh vực tài nguyên nước và khóang sản bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: + Cảnh cáo; + Phạt tiền; + Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khóang sản từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.
- Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau:
+ Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khóang sản từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành;
+ Đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất, thăm dò, khai thác khóang sản từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành;
+ Tịch thu tang vật (bao gồm mẫu vật là khoáng sản và các loại tang vật khác), phương tiện được sử dụng để VPHC.
Như vậy, tất cả các nghị định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực chuyên ngành kể trên đều xác định “cảnh cáo” và “phạt tiền” là các hình thức xử phạt chính. Tuy nhiên, trong Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2022/NĐ-CP) xác định thêm “Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khóang sản từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành” là hình thức xử phạt chính. Ngoài ra, “Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khóang sản từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành” trong Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2022/NĐ-CP) cũng được xác định là hình thức xử phạt bổ sung. Vậy khi đã áp dụng “cảnh cáo” hoặc “phạt tiền” là hình thức xử phạt chính thì không thể áp dụng “Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khóang sản từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành” là hình thức xử phạt chính nữa (để đảm bảo nguyên tắc mỗi hành vi VPHC chỉ áp dụng một hình thức xử phạt chính). Lúc này, nếu vẫn áp dụng “Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khóang sản từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành” thì đó là hình thức xử phạt bổ sung.
3.4. Về nguyên tắc xác định mức phạt tiền với các chủ thể khác nhau được quy định trong Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) có quy định về hình thức phạt tiền như sau: Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Các nghị định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực cụ thể đều thể chế hóa nguyên tắc này.
SV cần lưu ý rằng cá nhân và tổ chức phải cùng thực hiện một hành vi VPHC giống nhau thì mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức mới gấp đôi so với cá nhân. Trường hợp, cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi VPHC với tính chất mức độ khác nhau thì không áp dụng nguyên tắc phạt tiền này. SV cũng cần biết được nguyên tắc này chỉ áp dụng cho hình thức phạt tiền, còn các hình thức xử phạt khác không áp dụng “xử phạt gấp đôi” tổ chức so với cá nhân.
3.5. Đối với hình thức xử phạt “Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn” SV dễ bị nhầm lẫn rằng “Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn” và “Đình chỉ hoạt động có thời hạn” là hai hình thức xử phạt. Thực chất đây chỉ là một hình thức xử phạt VPHC. Nếu áp dụng “Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn” thì không áp dụng “Đình chỉ hoạt động có thời hạn” và ngược lại. “Đình chỉ hoạt động có thời hạn” sẽ được áp dụng trong trường hợp không có giấy phép, chứng chỉ hành nghề để tước. Mục đích của biện pháp này là nhằm ngăn chặn kịp thời những hành vi VPHC.
3.6. Hầu hết các nghị định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực chuyên ngành đều không có quy định về hình thức xử phạt “trục xuất”. Điều đó không có nghĩa là trong lĩnh vực đó không áp dụng hình thức xử phạt VPHC này. Nếu trong nghị định không quy định về hình thức trục xuất thì việc áp dụng hình thức xử phạt này tiến hành theo quy định của Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
4. Kết luận
Việc nghiên cứu, tìm hiểu, học tập nội dung “Hình thức xử phạt VPHC” gặp phải một số khó khăn. Với kinh nghiệm đã giảng dạy nội dung này trong nhiều năm ở nhiều môn học khác nhau, chúng tôi đã tổng hợp lại những điểm SV cần lưu ý. Nội dung nghiên cứu này được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong giảng dạy và học tập môn học Pháp luật đại cương, Luật Hành chính và một số môn pháp luật chuyên ngành khác trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Tài liệu tham khảo
[1] Quốc hội (2012), Luật Xử lý vi phạm hành chính năm (sửa đổi, bổ sung năm 2020)
[2] Ủy ban thường vụ Quốc hội (2002), Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
[3] Chính phủ (2021), Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
[4] Chính phủ (2019), Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21/5/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.
[5] Chính phủ (2020), Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
[6] Chính phủ (2022), Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ.