LÊ VIẾT THIỆN
NCS. Trường Đại học Luật Hà Nội
Nhận bài ngày 15/5/2017. Sửa chữa xong 20/5/2017. Duyệt đăng 29/5/2017.
Tóm tắt: Bộ luật hình sự năm 2015 đã được Quốc hội thông qua, tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã phát hiện một số lỗi nhất định. Phản biện xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ ra những sai sót, những hạn chế để nhà nước kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế đời sống. Đứng trước yêu cầu góp ý kiến, phản biện xã hội để dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 nhanh chóng hoàn thiện và thông qua trong thời gian tới. Tác giả góp ý, phản biện đối với một số điều luật, một số quy định chưa phù hợp để Quốc hội xem xét, tham khảo và ban hành Bộ luật hình sự đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, mang tính khả thi, thực tiễn và ổn định lâu dài.
Từ khóa: Phản biện xã hội, Xây dựng pháp luật, Bộ luật hình sự năm 2015
1. Đặt vấn đề
Do nhiều lý do khác nhau mà văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sau khi ban hành đã mắc phải những sai sót về tố tụng, về thể thức hay về kỹ thuật lập pháp. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động và tâm lý chung của toàn xã hội. Điển hình là sai sót nghiêm trọng về kỹ thuật lập pháp trong Bộ luật hình sự năm 2015. Thông qua phản biện xã hội Bộ luật hình sự đã kịp thời tạm hoãn hiệu lực trước ngày 01/7/2016 để sửa đổi, bổ sung. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tiến hành rà soát tổng thể Bộ luật hình sự năm 2015 và đi đến kết luận: “có tới hơn 90 nội dung cần sửa đổi”.
Một số dạng sai sót thường gặp trong Bộ luật hình sự năm 2015 như: Trong cùng một điều luật quy định hai cấu thành định tội đối với một tội danh ảnh hưởng đến sự thống nhất về kỹ thuật lập; Việc viện dẫn không chính xác các điều luật đã được quy định trong bộ luật; Có sự mâu thuẫn giữa một số quy định trong phần quy định chung với nhau, thậm chí mâu thuẫn với phần các tội phạm; Không có sự tiếp nối về mức độ nghiêm khắc của hình phạt trong khung hình phạt tại một số điều luật; Có một số quy định bị trùng lặp về định lượng hoặc bị bỏ sót.
Nhờ có phản biện xã hội của nhân dân cả nước mà Quốc hội khóa XIII đã thông qua nghị quyết số: 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/ 2015/QU13, Luật thi hành tạm giam, tạm giữ số 94/2015/QH13 và bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2016.Thực hiện Công văn số 510/UBTP14 ngày 10/3/2017 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc đề nghị phối hợp rà soát dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, tác giả tham gia phản biện xã hội với một số vấn đề cụ thể.
2.Nội dung phản biện xã hội với Bộ luật hình sự năm 2015
2.1. Phân loại tội phạm(Điều 9)
Phản biện:Mục đích của phân loại tội phạm là nhằm có cơ sở định danh và áp dụng khung hình phạt phù hợp cho từng người phạm tội. Trong khi đó Luật đã chia ra người phạm tội gồm cá nhân và pháp nhân thương mại. Chính vì thế cần phân loại tội phạm, phải có sự phân biệt rõ ràng hai loại tội phạm này. Mức độ phạm tội, hành vi nguy hiểm ảnh hưởng đến xã hội của cá nhân sẽ khác với hành vi của pháp nhân thương mại. Thực tế là người phạm tội là cá nhân có thể xâm hại đến tất cả các lĩnh vực đời sống còn pháp nhân thương mại chỉ tác động trực tiếp đến chế độ quản lý nhà nước về kinh tế, nói cách khác là xâm phạm đến các hoạt động kinh doanh, kinh tế. Vì vậy động cơ và mục đích của hai nhóm tội phạm này sẽ khác nhau. Việc xâm phạm đến quản lý kinh tế sẽ có mức độ nhẹ hơn rất nhiều so với những hành vi tác động trực tiếp đến tính mạng của con người hoặc các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia như: Tội phản bội Tổ quốc (Điều 108); Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 109); Tội bạo loạn (điều 112)…..
Hơn nữa phân loại tội phạm dựa trên mức độ (hình phạt tù) thì không phù hợp với pháp nhân thương mại. Đối với pháp nhân thương mại cần lưu ý tới giá trị lợi ích và cần dựa vào các hình phạt ở điều39 đối với pháp nhân thương mại phạm tội mà phân loại.Nên phân loại theo 3 mức:(bị phạt tiền; Tạm đình chỉhoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn).
Kiến nghị:
- Sửa đổi theo hướng cụ thể và chi tiết về hai loại tội phạm (cá nhân và pháp nhân thương mại)
- Cần xem xét thêm về các hình phạt quy định tại Điều 39;thêm từ “Tạm”trước“đình chỉ hoạt động có thời hạn”, như thế mới thể hiện được các mức độ hình phạt. Vì khi một pháp nhân thương mại đã bị đình chỉ thì coi như hoạt động đã không còn. Nếu đó là tạm đình chỉ thì sẽ có ngày pháp nhân thương mại đó hoạt động trở lại khi có đầy đủ các tiêu chuẩn mà pháp luật quy định.
- Thêm hình phạt “cảnh cáo” là một trong những căn cứ phân loại tội phạm đối với cá nhân phạm tội: Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
Phương án sửa đổi:
Điều 9. Phân loại tội phạm
1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm do cá nhân thực hiện được phân thành bốn loại sau đây:
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;
c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại được xác định tương ứng với các hình phạt đối với pháp nhân thương mại và phân thành ba loại sau đây:
a) Tội phạm nhỏ: là tội phạm có mức hình phạt cao nhất là phạt tiền
b) Tội phạm trung bình: là tội phạm có mức hình phạt cao nhất là tạm đình chỉ hoạt động có thời hạn;
c) Tội phạm lớn: là tội phạm có mức hình phạt cao nhất là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
2.2. Pháp nhân thương mại
Về vấn đề này Luật chưa quy định rõ về pháp nhân thương mại, đối với các vụ việc đồng phạm thì sẽ giải quyết như thế nào? Khi Pháp nhân thương mại vi phạm các lĩnh vực về an ninh quốc gia thì giải quyết ra làm sao?. Trong quá trình hoạt động kinh tế như hiện nay sẽ có trường hợp một số tổ chức kinh doanh lợi dụng các hoạt động kinh tế để thực hiện các hành vi xâm phạm chế dộ dân chủ. Các pháp nhân thương mại có thể kết hợp thành các tổ chức chính trị làm ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền nhân dân, lôi kéo người lao động vào các hoạt động chính trị. Trong Luật hầu như mới quan tâm đến cá nhân có hành vi xâm phạm đến an ninh quốc gia mà chưa có chế tài đối với các pháp nhân thương mại xâm phạm đến các hoạt động chính trị nói chung, an ninh quốc gia nói riêng.
Liên quan đến pháp nhân thương mại khi đối chiếu với các dấu hiệu đồng phạm tại điều 17 thì thấy rằng khó xác định lỗi của đồng phạm được quy định tại điều 10 và điều 11. Cấu thành tội phạm bao gồm: (Khách thể; Mặt khách quan; chủ thể; Mặt chủ quan ) Mặt chủ quan của tôi phạm là những biểu hiện bên trong của tội phạm,là thái độ tâm lý của người phạm tội. Mặt chủ quan của tội phạm gồm các dấu hiệu lỗi,động cơ, mục đích của tội phạm. Đối với pháp nhân thương mại có thể thấy rằng không tồn tại yếu tố tâm lý tội phạm vì pháp nhân thương mại là một tổ chức nên không thể nhận thức được hành vi của mình. Hơn nữa với pháp nhân thương mại quy định loại người giúp sức là không phù hợp.
Kiến nghị:Đề nghị xem xét đưa ra một điều luật quy định rõ nếu pháp nhân thương mại tham gia các hoạt động như đã phân tích trên sẽ bị áp dụng các hình phạt quy định tại điều 39.
2.3. Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác(Điều 13)
Phản biện:Thực tế một số trường hợp người phạm tội bị ép, đe dọa hoặc cưỡng bức dùng rượu, bia nên ảnh hưởng tới khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Ví dụ: Một người bị trói chân tay và bị ép uống rượu cho đến say trong khi người đó không hề muốn uống rượu. Và hậu quả là vì say nên đã phạm tội. Đáng ra trong trường hợp này người đó sẽ được miễn trách nhiệm hình sự nhưng Luật chưa quy định. Những trường hợptại điểm k, l, Khoản 1, Điều 51 thuộc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;”
Có trường hợp người phạm tội có bệnh lý thâm niên về rượu bia, chỉ cần ngửi mùi rượu là say hoặc sử dụng 1 ít là say (việc sử dụng trong trường hợp chữa bệnh). Thực tế cuộc sống thấy rằng hiện trạng ngâm rượu để làm thuốc chữa một số bệnh vẫn tồn tại. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21:“Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Một bệnh khác trong quy định gồm những bệnh nào?. Liệu trong trường hợp trên có được xem là “một bệnh khác” để áp dụng miễn trừ trách nhiệm không?.
Kiến nghị:
- Bổ sung: loại trừ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp người phạm tội bị ép, đe dọa hoặc cưỡng bức dùng rượu, bia nên ảnh hưởng tới khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình
- Nêu rõ các bệnh khác trong Điều 21 về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Phương án sửa đổi:
Điều 13. Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác
Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp người phạm tội bị ép, đe dọa hoặc cưỡng bức dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác làm ảnh hưởng tới khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình dẫn đến phạm tội, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
2.4. Sử dụng trái phép chất ma túy(Điều 254)
Phản biện: Đối với những người dùng chất kích thích hoặc dùng ma túy thì biện pháp là đưa vào trung tâm cai nghiện. Nhưng luật quy định đây là một tội danh như điều 254 là chưa thỏa đáng. Điều đó chưa thể hiện tính nhân văn trong quy định với mục đích hướng tới lợi ích của xã hội và nhân dân. Đối với những người sử dụng chất ma túy cần có các hình thức thuyết phục, vận động và động viên họ từ bỏ sử dụng chất ma túy. Tham gia vào các hoạt động cộng đồng và có sự chia sẻ của gia đình, bạn bè, xã hội. Nếu quy định là một tội danh thì vô hình dung đã đẩy người nghiện ma túy vào mặc cảm, tự ti và không có động lực hòa nhập với đời sống cộng đồng.
Kiến nghị :Bỏ quy định sử dụng trái phép chất ma túy trong điều 254 và xem người sử dụng trái phép chất ma túy là bệnh nhân để bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại điều 49.
Phương án sửa đổi:Điều 254. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất ma túy.
2.5. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên(Điều 26)
Phản biện: Tại Khoản 2, Điều 4, Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 quy định: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp”. Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 quy định Nghĩa vụ của Cán bộ, công chức trong thi hành công vụ cụ thể tại Khoản 5, Điều 9: “Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.Như vậy, vô hình chung điều 26 của Bộ luật hình sự năm 2015 lại sao chép, lặp lại những quy định về nghĩa vụ của đối tượng là Công chức được quy định trong Luật cán bộ công chức năm 2008.
Kiến nghị: Bỏ quy định thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên tại điều 26 và đề nghị để Luật cán bộ công chức điều chỉnh bằng việc bổ sung trong thời gian sắp tới.
2.6. Người bào chữa và người giám hộ trong việc hưởng quyền về che dấu tội phạm và không tố giác tội phạm (Điều 18 và Điều 19)
Phản biện: Tại điểm c, Điều 19, Luật Luật sư năm 2006, (sửa đổi bổ sung năm 2012), quy định các hành vi cấm: “Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề”. Đối chiếu với quy định trên thấy rằng có sự xung đột giữa hai Luật và người bào chữa (Luật sư) sẽ đứng trước hai con đường vi phạm: Nếu che dấu và tố giác tội phạm thì sẽ chịu trách nhiệm hình sự còn thực hiện tố giác tội phạm thì vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin. Như vậy, có thể thấy có sự bất lợi rất lớn đến đội ngũ luật sư đang thực hiện nghề hiện nay. Tuy nhiên cũng cần có chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi liên quan đến an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Điều 389 quy định quá nhiều tội, cần liệt kê một số tội cụ thể.
Ngoài đối tượng hưởng đặc quyền là người bào chữa thì người giám hộ cũng phải được hưởng đặc quyền này. Vì Người giám hộ là cá nhân, tổ chức được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự. Vì thế cần thêm người giám hộ là người được hưởng đặc quyền tại điều 18 và điều 19.
Kiến nghị:
- Không quy định trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm
- Không quy định trách nhiệm hình sự của người giám hộ về hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm
- Quy định giảm cụ thể các tội phải chịu trách nhiệm hình sự đối với người bào chữa tại khoản 3, điều 19, bao gồm các tội sau: Tội phản bội Tổ quốc; Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội gián điệp; Tội bạo loạn; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.
Phương án sửa đổi:
Điều 18. Che giấu tội phạm
1. Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.
2. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng, người giám hộ, người bào chữa của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm quy định tại các Điều 108; Điều 109; Điều 110; Điều 112; Điều 113 của Bộ luật này.
Điều 19. Không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng, người giám hộ, người bào chữa của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm quy định tại các Điều 108; Điều 109; Điều 110; Điều 112; Điều 113 của Bộ luật này.
3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp biết được thông tin về việc chuẩn bị thực hiện các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các Điều 108; Điều 109; Điều 110; Điều 112; Điều 113 của Bộ luật này.
3. Kết luận
Trên đây là những phản biện xã hội mang tính tích cực xây dựng, với mong muốn đóng góp chân tình để Bộ luật hình sự năm 2015 hoàn thiện và triển khai phù hợp trong đời sống thực tế. Có thể những ý kiến của tác giả chưa thật sự xác đáng hoặc chưa phân tích được hết trên nhiều khía cạnh, kính mong nhận được sự đồng thuận và góp ý của bạn đọc. Xây dựng một Bộ luật muốn hiệu quả và chất lượng cần tập hợp được trí tuệ của nhiều người và đảm bảo lợi ích của đại đa số nhân dân. Cần có thời gian để kiểm tra, trao đổi, rà soát, không nhất thiết phải áp lực để cho ra đời sớm một bộ luật để rồi không phù hợp với thực tế, dẫn đến tình trạng phải sửa đổi, bổ sung. Tác giả hy vọng với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lập pháp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân sẽ tạo ra Bộ luật hình sự mới đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật lập pháp, đầy đủ nội dung và cân đối về hình thức.
Tài liệu tham khảo
- 1.Quốc hội, Luật Cán bộ, Công chức năm 2008, NXB Chính trị Quốc gia- Sự thật, Hà Nội.
- 2.Quốc hội, Bộ luật hình sự năm 2015, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2016.
- 3.Quốc hội, Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội…..
- 4.Công văn số 475/UBTP 14 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 27/02/2017 về việc xin ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hình sự năm 2015.
- 5.Công văn số 510/UBTP14 ngày 10/3/2017 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc đề nghị phối hợp rà soát dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015.
- 6.Tờ trình số 331/TTr-CP của Chính phủ ngày 22/9/2016 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.