ĐỖ THU HƯƠNG
Trường Đại học Luật Hà Nội
Summary
Case law is a source of law admitted and used widely in either common law nations (England, the United States of America…) or civil law ones (France, Germany…). Vietnam has officially recognized case law since 2015 and it has become one of the official sources of law. In this article, the author presents the understanding of case law, the principles of applying it; the advantages and disadvantages of applying it and the author gives an opinion about the case law formation and development processes in Vietnam currently in the context of judicial reform.
Keywords: Case law, source of law, the application of case law.
1. Khái quát về án lệ
Án lệ xuất hiện khá sớm trong lịch sử, vào khoảng thế kỉ thứ III TCN và tồn tại dưới hình thức các phán quyết, nhằm điều chỉnh các mối quan hệ phù hợp với sự phát triển của xã hội La Mã cổ đại. Trải qua thăng trầm lịch sử, án lệ được duy trì và phát triển trong hệ thống pháp luật các nước trên thế giới một cách chính thức hoặc không chính thức tồn tại đan xen trong các hệ thống pháp luật.
Nhắc đến án lệ là nhắc đến một nguồn luật hết sức quan trọng trong hệ thống pháp luật Common law (Thông luật) mà đại diện tiêu biểu là Anh và Mỹ. Với người Anh, họ cho rằng nước Anh là “quê hương” của án lệ. Điều này được các chuyên gia pháp luật ở Anh và các nước Common law giải thích với lý do pháp luật Anh là truyền thống của Common law - pháp luật hình thành chủ yếu bằng xét xử; Common law ở Anh được hình thành rất sớm, từ năm 1066; pháp luật Anh đã được lan truyền khắp thế giới chủ yếu bằng cách mở rộng thuộc địa và bằng con đường tự tiếp nhận, từ đó đã hình thành trên thế giới hệ thống pháp luật Common law. Và lý do quan trọng nữa là, Anh là nước sử dụng án lệ điển hình nhất.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu chính trong pháp luật Anh và xem đến tận cùng vấn đề, ta sẽ thấy người Anh đã tự công nhận nguồn gốc của án lệ. Thực tế, án lệ đã ra đời trước đó (trước năm 1066), án lệ có nguồn gốc từ pháp luật La Mã - tức nó đã có từ thời kỳ La Mã cổ đại. Điều này được minh chứng rõ và không thể phủ nhận đựơc trong việc áp dụng học thuyết án lệ ở Anh, với quy tắc bất thành văn stare decisis - tôn trọng tiền lệ. Nếu không có án lệ thì làm sao có sự tôn trọng tiền lệ, để rồi ra đời học thuyến về quy tắc án lệ trong pháp luật La Mã cổ đại?
Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nhiều từ pháp luật Anh do có thời gian dài thuộc địa. Án lệ của Mỹ tuy còn mang đậm dấu ấn của pháp luật Anh nhưng được áp dụng một cách mềm dẻo, linh hoạt hơn trong hoạt động xét xử. Các án lệ trong pháp luật Mỹ được hình thành từ các phán quyết của các thẩm phán tòa án liên bang và tòa án tiểu bang.
Có nhiều cách hiểu khác nhau về án lệ. Án lệ theo Từ điển luật học của Anh(1) là bản án hoặc quyết định được nêu ra để chứng minh cho một quyết định trong một vụ việc gần tương tự sau đó. Trong từ điển luật học Black Law của Mỹ, án lệ được định nghĩa như là một quyết định xét xử mà ở đó tạo ra một quy tắc với vai trò là điểm quy chiếu để quyết định những vụ án sau này có cùng tình tiết hoặc vấn đề pháp lý. Ở Việt Nam, trong Từ điển Luật học(2), án lệ được hiểu là: “Bản án đã tuyên hoặc một sự giải thích, áp dụng pháp luật được coi như một tiền lệ làm cơ sở để các thẩm phán sau đó có thể áp dụng trong các trường hợp tương tự”. Theo một nghiên cứu mới đây tại Việt Nam, “án lệ là chế độ trong đó Thẩm phán tiến hành xét xử không mâu thuẫn với quan điểm pháp lý được thể hiện trong phần xét xử của Tòa án cấp cao nhất của một nước, đối với các vụ án tương tự”(3).
Nhìn chung, “Án lệ là hệ thống các quy phạm và nguyên tắc được hình thành và áp dụng bởi các thẩm phán trong quá trình xét xử và đưa ra phán quyết”. Ngoài ra, tùy thuộc vào từng hệ thống pháp luật cũng như việc áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử, án lệ sẽ được định nghĩa theo các cách khác nhau.
2. Việc sử dụng án lệ trên thế giới
Đặc điểm của án lệ được xác định bởi các phương pháp tạo ra án lệ và văn hóa pháp lí đặc biệt với những đòi hỏi, nguyên tắc áp dụng án lệ.
Án lệ do thẩm phán tạo ra và để giải quyết vụ việc cụ thể. Nhưng không phải bản án của cấp xét xử nào cũng được coi là án lệ mà nó phải được thông qua một số trình, tự, thủ tục nhất định tùy theo quy định của mỗi quốc gia.
Án lệ có tính khuôn mẫu, điều này thể hiện ở việc khi bản án được công nhận là án lệ thì sẽ được lấy làm khuôn mẫu cho các vụ việc có tính chất tương tự và được sử dụng nhiều lần.
Án lệ có tính bắt buộc, nếu bản án được sử dụng cho vụ việc tương tự nhưng chỉ để tham khảo thì không được coi là án lệ mà phải là khuôn mẫu đặt ra yêu cầu đối với các thẩm phán phải áp dụng đối với các vụ tương tự sau này.
Án lệ cũng như các nguồn luật khác, có cơ chế hình thành riêng. Thông thường để hình thành án lệ trước hết phải có bản án, không phải toàn bộ bản án được coi là án lệ mà chỉ có một phần trong đó và không phải bản án nào cũng được coi là án lệ.
Nguyên tắc quan trọng nhất khi sử dụng án lệ là “stare decisis” (tôn trọng tiền lệ). Nguyên tắc này bắt buộc từ việc Common law được tạo ra không phải bởi các văn bản pháp luật mà bằng việc các tòa án sử dụng quyết định của tòa án như một tiền lệ. Nguyên tắc stare decisis phát triển nhanh và thế là các quyết định của tòa án trước đây trong vụ việc tương tự phải được tuân thủ, nghĩa là án lệ phải được tôn trọng. Tóm lại, nguyên tắc stare decisis được hiểu là: hai vụ việc với các tình tiết chính tương tự như nhau sẽ được xét xử như nhau. Sở dĩ nguyên tắc này được sử dụng và được coi trọng vì khi không có các quy định của luật thành văn điều chỉnh, nguyên tắc stare decisis góp phần vào việc xét xử kịp thời, từ đó duy trì sự tôn trọng pháp luật ở mức nhất định. Nguyên tắc áp dụng án lệ ở Mỹ còn được gọi là “rule of precedent”, theo đó tòa án Mỹ không bị ràng buộc bởi chính các án lệ của mình.
Nguyên tắc tiếp theo là án lệ được hình thành phải mang tính mới (ratio). Nguyên tắc này đơn giản là sự việc chưa có trước đó. Ví dụ, vụ Donoghue v Stevenson 1932. Vào năm 1928, cô Donoghue đến quán cà phê ở Paisley. Donoghue mua một lon bia gừng. Sau khi uống cô đã phát hiện trong ly có một con ốc sên. Sau đó, cô đã bị sốc thần kinh và đau dạ dày. Vì vậy, cô ấy đã kiện nhà sản xuất (Stevenson) với lý do đã thiếu trách nhiệm đối với người tiêu dùng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Vấn đề pháp lý ở đây là có một hợp đồng pháp lý phát sinh giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng hay không và người tiêu dùng có quyền kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với nhà sản xuất hay không. Theo lý thuyết về hợp đồng truyền thống của Common law (privity of contract) thì không thừa nhận quan hệ hợp đồng giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng vì nhà sản xuất không ký hợp đồng với người tiêu dùng. Tuy nhiên, cuối cùng thượng nghị viện Anh (House of Lords) đã đưa ra phán quyết buộc nhà sản xuất phải bồi thường cho cô Donoghue theo luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tort law). Từ đây hình thành nên quy tắc "ratio” về nghĩa vụ của nhà sản xuất (duty of care) đối với người tiêu dùng.
Án lệ đã có quá trình sử dụng lâu dài trong truyền thống Common law. Những mục tiêu đạt được khi áp dụng án lệ có thể kể đến như:
- Áp dụng án lệ trong xét xử góp phần khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật khi có những quy định của pháp luật chưa rõ ràng, hoặc có những vấn đề chưa có quy định cụ thể
- Giá trị của án lệ thể hiện ở việc những lập luận, phán quyết có tính chuẩn mực của tòa án trong một vụ việc cụ thể được vận dụng để giải quyết một vụ việc cụ thể khác, đảm bảo rằng những vụ việc như nhau được giải quyết giống nhau, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
- Với thẩm phán khi nghiên cứu án lệ họ sẽ yên tâm hơn trong việc áp dụng pháp luật, tự tin về tính minh bạch, công bằng, năng lực xét xử được nâng lên.
Tuy nhiên, ngoài những tác dụng tích cực trên, việc áp dụng án lệ cũng có nhược điểm nhất định:
- Khối lượng cũng như sự phức tạp của án lệ là khó khăn lớn với luật sư
- Lạm dụng án lệ có thể dẫn đến coi thường việc hoàn thiện pháp luật thành văn
Chính những ưu điểm của án lệ và hiệu quả mà nó đem lại là một trong những lí do quan trọng để các quốc gia sử dụng án lệ trong hoạt động xét xử. Ngoài ra, các nhược điểm của án lệ vẫn không ngừng được khắc phục và các nguyên tắc áp dụng án lệ vẫn tiếp tục được hoàn thiện để việc áp dụng án lệ đạt được hiệu quả cao trong thực tế.
Ở mức độ nhất định, một số quốc gia theo truyền thống luật thành văn vẫn coi án lệ là nguồn luật và thực tiễn cho thấy án lệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hệ thống luật thành văn.
3. Việc áp dụng án lệ tại Việt Nam trong bối cảnh cải cách tư pháp hiện nay
3.1. Án lệ trong lịch sử nền tư pháp Việt Nam
Ở Việt Nam, dưới chế độ phong kiến, có thể coi án lệ đã xuất hiện và tồn tại dưới dạng các phán quyết, chiếu, sắc dụ, lệnh của nhà vua nhưng vào thời điểm đó không gọi bằng thuật ngữ án lệ. Án lệ chính thức được coi là nguồn luật của Việt Nam vào thời kì Pháp thuộc (1858 - 1945). Vào giai đoạn này, án lệ đã được sưu tập và công bố, điển hình là Tập án lệ Bắc Kì (1937) và Trung Kì (1941).
Việc thừa nhận án lệ tại Việt Nam được ghi nhận tại rất nhiều văn bản khác nhau. Có thể kể đến như Thông tư của Thủ tướng Chính phủ số 442/TTG, ngày 19/1/1955 về việc trừng trị một số tội phạm có nội dung như sau: “Tới nay, các Tòa án căn cứ vào những văn bản nói trên và chính sách trừng trị của Chính phủ mà xét xử đem lại kết quả tốt cho việc bảo vệ trật tự, an ninh. Kinh nghiệm xét xử về một số loại phạm pháp đã được trở thành án lệ…”; hay tại Thông tư số 19-VHH ngày 30/6/1955 của Bộ Tư pháp về việc áp dụng luật lệ có nêu: “Nếu chỉ có luật hình cũ, chưa có sắc lệnh mới, mà xét cần trừng phạt thì cũng không viện dẫn luật hình cũ, Tòa án sẽ căn cứ vào đường lối truy tố xét xử, vào các yêu cầu chung và cụ thể đối với từng sự việc, vào án lệ”. Theo dòng thời gian, tại Chỉ thị số 772-TATC ngày 10/7/1959 của TANDTC về vấn đề đình chỉ áp dụng luật pháp cũ của đế quốc và phong kiến, cũng nêu: “Để xét xử các vụ án hình sự và dân sự, cần áp dụng luật pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành từ trước đến giờ (luật, sắc lệnh, nghị định, thông tư…) đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, án lệ của các Tòa án, của Tòa án tối cao” và Thông tư số 92-TC ngày 11/11/1959 của Bộ Tư pháp – TANDTC giải thích và quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của các TAND phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh, chỉ rõ: “TAND phúc thẩm chỉ đạo công việc xét xử của các TAND cấp dưới thông qua án lệ của mình”.
3.2. Cơ sở pháp lý để thừa nhận án lệ tại Việt Nam
Từ sau năm 1960 đến trước năm 2006, khái niệm “án lệ” không được sử dụng chính thức trong các văn bản pháp luật mà hầu như chỉ còn mang tính chất nghiên cứu.
Ngày nay, Việt Nam là quốc gia theo truyền thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, luật thành văn là nguồn luật cơ bản và quan trọng nhất. Để đảm bảo đưa các quy phạm mang tính khái quát cao vào cuộc sống, đồng thời các quy phạm này không phải lúc nào cũng rõ ràng, dễ hiểu và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, do đó mà cần đến quá trình làm rõ, hướng dẫn, hay đúng hơn là quá trình giải thích pháp luật. Hoạt động giải thích pháp luật được hiểu “nhằm làm sáng tỏ về mặt tư tưởng, nội dung và ý nghĩa của các quy phạm pháp luật, đảm bảo cho sự nhận thức và thực hiện nghiệm chỉnh, thống nhất pháp luật”(4). Ở Việt Nam, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, hoạt động này, nếu do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thì nó sẽ có giá trị bắt buộc, còn nếu hoạt động giải thích pháp luật do các nhà nghiên cứu, bình luận thực hiện thì chỉ mang tính tham khảo. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta hoạt động giải thích pháp luật không đáp ứng đựơc các yêu cầu của lý luận cũng như thực tiễn.
Trong quy định của Hiến pháp, khoản 2 Điều 74 của Hiến pháp quy định: “Ủy ban Thường vụ quốc hội có quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh”. Một quy định trên văn bản cao nhất của một quốc gia, nhưng thực tế, UBTVQH lại không sử dụng hay thực hiện quyền này nhiều, mà nhu cầu giải thích thì rất lớn, vì các các văn bản lập pháp do Quốc hội, UBTVQH nước ta ban hành thường mang tính quy phạm, khái quát cao. Việc UBTVQH không thực hiện nhiều quyền này vì với tư cách là một cơ quan thường trực của Quốc hội không chuyên trách, nên phải thực hiện nhiều việc quan trọng hơn. Hơn nữa, chính UBTVQH là một bộ phận giữ vai trò rất lớn trong việc thông qua luật, đặc biệt là có quyền ban hành các pháp lệnh, vì vậy, hoạt động giải thích pháp luật của Quốc hội sẽ rơi vào tình trạng giải thích chính văn bản do mình ban hành ra.
Nếu UBTVQH không đảm bảo việc giải thích pháp luật của mình theo quy định, thì một điều ngược lại đã xảy ra đối với hoạt động giải thích pháp luật của các cơ quan hành chính. Ở nước ta, các cơ quan hành chính thực hiện hoạt động giải thích pháp luật là nhiều nhất, hơn cả cơ quan tư pháp là toà án. Các cơ quan hành chính ở Việt Nam, bên cạnh việc thực hiện chức năng do cơ quan lập pháp giao, đặc biệt là trong vấn đề mà các luật mang tình khát quát, chung chung, trừu tượng không đáp ứng kịp thời các quan hệ xã hội và thực tiễn; bên cạnh việc thực hiện ra các quy định chi tiết hóa các quy định đó theo uỷ quyền, thì các cơ quan hành chính này lại lấn sang cả vấn đề “làm luật”, hay giải thích luật vượt quá uỷ quyền, đó là việc ban hành các quy định để định nghĩa các khái niệm. Điều này còn dẫn tới một tình trạng không mong muốn đã xảy ra là, luật, pháp lệnh được ban hành nhưng không có hiệu lực trực tiếp, mà phải chờ và thực hiện theo những khái niệm, định nghĩa, và hướng dẫn do các cơ quan hánh chính ban hành hướng dẫn. Các đạo luật đã không còn đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống pháp luật, mà thay vào đó là một đời sống pháp luật nghị định và thông tư.
Có thể nói rằng, hoạt động giải thích pháp luật bất cập nhất ở Việt Nam hiện nay là không có một quy định cụ thể, rõ ràng, trong việc trao thẩm quyền giải thích pháp luật cho Toà án trong Hiến pháp cũng như các đạo luật.
Thực tế cho thấy, luật thành văn dù có được xây dựng cẩn thận và kĩ lưỡng đến đâu thì cũng không thể dự đoán được hết những tình huống sẽ xảy ra trong tương lai. Hơn nữa, ngày càng có nhiều hành vi vi phạm pháp luật tinh vi, nhiều tình huống mà các nhà làm luật không lường hết được. Khi xuất hiện những hành vi vi phạm pháp luật hay tình huống mới thì việc cần phải làm là sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật thành văn để kịp thời điều chỉnh những tình huống này. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi phải qua trình tự, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật và sẽ mất khoảng thời gian nhất định, do vậy tình trạng thiếu quy phạm để điều chỉnh là dễ xảy ra. Ngoài ra, trong một số trường hợp luật thành văn cũng không rõ ràng và khó hiểu nếu như thiếu các văn bản hướng dẫn. Nếu trao cho thẩm phán quyền được phán quyết ngay cả khi chưa có luật điều chỉnh, tức là tạo ra quy phạm luật và có thể trở thành án lệ sau này thì sẽ hạn chế được tình huống trên. Như vậy, án lệ đã bổ sung giúp cho luật thành văn trở nên gắn liền với thực tiễn hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, án lệ cũng giúp cho mỗi công dân có thể xác định được cách xử sự phù hợp với pháp luật khi mà các hành vi đó có những khuôn khổ ứng xử được xác lập từ trước và đã được pháp luật thừa nhận. Còn khi xảy ra tranh chấp, các tòa án có cơ sở để xét xử dựa trên khuôn khổ đã có, những khuôn khổ này nếu không được sử dụng trong phán quyết thì cũng là nguồn tài liệu tham khảo có ích.
Khi xây dựng án lệ, tòa án góp phần vào việc hoàn thiện và phát triển luật thành văn trong tương lai. Do việc giải thích luật được thực hiện tại từng thời điểm khác nhau, khi các điều kiện kinh tế xã hội đã chuyển biến nhiều so với lúc ban hành luật nên việc áp dụng luật để xét xử vụ án mới lại trở thành hoạt động mang tính sáng tạo, khác hẳn với việc thụ động của các thẩm phán mà người ta vẫn gọi là “án tại hồ sơ”, cho dù gặp phải những vụ án hay vụ việc có những tình tiết tương tự thì họ vẫn phải nghiên cứu hồ sơ và đối chiếu quy phạm pháp luật mà không có cơ sở để được phép sử dụng những phán quyết đã có hiệu lực. Sử dụng án lệ sẽ khiến cho thời gian nghiên cứu hồ sơ ngắn lại và tổng thể thời gian giải quyết vụ việc sẽ nhanh chóng hơn, chưa kể án lệ cũng khiến cho hoạt động của tòa án trở nên tích cực và mang tính sáng tạo hơn.
Chính vì những lí do đó, vấn đề áp dụng án lệ lại trở thành câu chuyện thời sự trong bối cảnh cải cách tư pháp hiện nay. Chúng ra có thể nhận ra câu chuyện đó thông qua một số nội dung trong các bản nghị quyết và các văn bản pháp luật chuyên ngành. Cụ thể trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, xác định: … “Nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ…”; và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định: … “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”.
Từ năm 2003, TANDTC đã tiếp nhận và cho công bố các tập Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về tất cả các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính để phát hành Toà án nhân dân các cấp tham khảo. TANDTC đã công bố một số các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, một số quyết định giám đốc thẩm của các tòa chuyên trách TANDTC trên Trang thông tin điện tử của TANDTC. Việc công bố công khai các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC được coi là một bước chuẩn bị rất căn bản cho việc triển khai áp dụng án lệ ở Việt Nam. Ngày 31-10-2012, TANDTC đã ban hành Quyết định số 74/QĐ-TANDTC phê duyệt Đề án phát triển án lệ của TANDTC. Theo Kết luận số 62-KL/TW ngày 14/5/2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về việc tiếp thu ý kiến nhân dân hoàn thiện bản Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì: “Án lệ là vấn đề mới, chưa được nghiên cứu kỹ, nên không quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; tiếp tục nghiên cứu, nếu thấy phù hợp thì quy định trong Luật”.
Kể từ ngày Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 có hiệu lực (01/7/2015), Việt Nam chính thức thừa nhận án lệ bằng việc quy định Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thẩm quyền phát triển phát án lệ.
Từ những cơ sở pháp lí nói trên, ngày 6/4/2016, Chánh án TANDTC đã công bố 6 án lệ đầu tiên theo Quyết định số 220/QĐ-CA. 6 án lệ này được lựa chọn từ những quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Tòa dân sự TANDTC về các lĩnh vực hình sự, hôn nhân và gia đình, thừa kế, đất đai, tài sản. Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, án lệ được công bố phải bao gồm những nội dung chính yếu của vụ án và đặc biệt là các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Tòa án có liên quan đến án lệ và vấn đề pháp lí có giá trị hướng dẫn xét xử được giải quyết trong án lệ. Ví dụ trong án lệ số 01/2016/AL, phần khái quát nội dung của án lệ đã nêu rõ: Trong vụ án có đồng phạm, nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người chủ mưu là chỉ thuê người khác gây thương tích cho người bị hại mà không có ý định tước đoạt tính mạng của họ (người chủ mưu chỉ yêu cầu gây thương tích ở chân, tay của người bị hại mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể có khả năng dẫn đến chết người); người thực hành cũng đã thực hiện theo đúng yêu cầu của người chủ mưu; việc nạn nhân bị chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người chủ mưu thì người chủ mưu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”(5). Dựa vào những kết luận hết sức cụ thể này, cơ quan xét xử sẽ rất dễ dàng trong việc sử dụng án lệ vào hoạt động xét xử của mình. Áp dụng án lệ sẽ khiến cho việc xét xử các vụ việc có nội dung tương tự được nhất quán hơn, hiện tượng tiêu cực sẽ giảm đi, việc chạy án hay nghi ngại cho rằng có sự khuất tất trong xét xử sẽ không còn nữa.
Cũng theo Quyết định 220, 6 án lệ vừa được công bố sẽ có giá trị áp dụng trong quá trình xét xử từ ngày 01/6/2016. Cứ 6 tháng, việc xem xét lựa chọn và thông qua án lệ lại được thực hiện một lần. Các án lệ cũng sẽ được tập hợp để xuất bản theo định kì 1 năm. Dự đoán đến thời điểm năm 2020, Việt Nam sẽ có một hệ thống án lệ phong phú về các lĩnh vực và góp phần tích cực vào hệ thống nguồn luật hiện nay. Vào thời điểm này, chúng ta chưa thể đưa ra nhận định gì về thực tế cũng như các vướng mắc nếu có khi áp dụng các án lệ trên. Tuy nhiên việc chính thức công nhận án lệ được coi là một bước đi hết sức quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay, thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 48 và 49. Có thể nói, chúng ta đang trông chờ vào một nền tư pháp hiện đại hơn, minh bạch hơn và đặc biệt là hiệu quả hơn.
Chú thích
1. Từ điển Luật học (1993), Tái bản lần thứ 4, in và xuất bản tại Anh, 1993.
2. Bộ Tư pháp, Viện Khoa học pháp lí, Từ điển Luật học (2006)
3. Nghiên cứu chung Việt-Nhật về phát triển án lệ tại Việt Nam- Nhà xuất bản Thanh niên, năm 2008.
4. Xem Chương X Mục III, Giáo trình Lí luận nhà nước và pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân, 2015.
5. Xem án lệ số 01/2016/AL.
Nhận bài ngày 17/5/2016. Sửa chữa xong 25/5/2016. Duyệt đăng 05/6/2016.