Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa.
10h22: Sau ý kiến của các luật sư, HĐXX tạm dừng để hội ý. Phòng xử án lại mất điện.
10h15: Có mặt tại tòa, LS Lưu Tiến Dũng người bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Giá đã đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. Bởi bị cáo Trần Xuân Giá hiện đang bệnh phải điều trị không có mặt tại phiên tòa được, xin hoãn phiên xử.
LS Trương Thanh Đức - người bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng ACB, cho rằng cần phải hỏi nhiều vấn đề liên quan đến ông Trần Xuân Giá vì ông này vốn là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng ACB nhưng ông Giá đã vắng mặt.
10h10: Sau khi nghe ý kiến của đại diện VKS và các Luật sư, bị cáo Nguyễn Đức Kiên xin có ý kiến: "Tôi bị buộc tội trốn thuế trên cơ sở văn bản yêu cầu của Tổng Cục thuế nên yêu cầu người ký văn bản hoặc đại diện có thẩm quyền của Tổng Cục thuế có mặt".
9h40: Siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như cũng có mặt tại phiên xét xử sáng nay.
9h15: Tòa chuyển sang điểm danh các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo và các bên liên quan.
8h50: Tòa tiến hành kiểm tra căn cước của 8 bị cáo. Bị cáo Trần Xuân Giá có đơn xin vắng mặt. Tiếp đó Tòa kiểm tra danh sách của những vị luật sư tham gia bào chữa và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng.
Trong vụ án này có 9 bị cáo bị truy tố ra trước TAND TP.Hà Nội, có Nguyễn Đức Kiên bị tạm giam, còn lại các bị cáo Trần Xuân Giá, Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn, Lý Xuân Hải được hưởng tại ngoại.
8h45: Phòng xử án cũng mất điện
8h23: Khi thư ký phiên tòa đang báo cáo danh sách bị cáo và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên qua được triệu tập thì phòng tác nghiệp của báo chí bỗng nhiên bị mất điện, hàng chục phóng viên đã ồ lên trước tình huống bất ngờ này. Hơn 15 phút sau đó phòng tác nghiệp vẫn không có điện trở lại.
8h15: HĐXX bước vào phòng xét xử. Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa ông Nguyễn Hữu Chính thay mặt HĐXX đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
9h40: HĐXX đã xướng tên Huỳnh Thị Huyền Như kiểm tra sự có mặt tại phiên tòa. Huyền Như trong chiếc áo xanh và cặp kính cận đã đứng lên trả lời HĐXX. Huyền Như đến tham dự phiên tòa "bầu" Kiên và đồng phạm với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, Huỳnh Thị Huyền Như đã lừa đảo chiếm đoạt gần 719 tỷ đồng của Ngân hàng ACB.
Sáng 16.4, TAND TP.Hà Nội mở phiên xử sơ thẩm vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TP.HCM và TP.Hà Nội. Dự kiến phiên tòa này sẽ kéo dài đến ngày 29.4.
Trước đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã hoàn tất bản cáo trạng truy tố ông Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là bầu Kiên, 50 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) bị đưa ra xét xử với các tội danh: Kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Ông Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB); ông Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB); ông Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB); ông Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB); ông Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB); ông Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng ACB). 2 bị cáo còn lại bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội).
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Hữu Chính, Phó Chánh án TAND TP.Hà Nội, Thẩm phán thứ hai là ông Nguyễn Quốc Thành - Phó Chánh tòa hình sự. Giữ quyền công tố tại tòa là ông Đào Văn Cường - Phó Viện trưởng VKSND TP.Hà Nội và bà Nguyễn Thị Thu Yến.
Tham gia bào chữa cho 9 bị cáo trong vụ án có 20 luật sư, trong đó bị cáo Nguyễn Đức Kiên có 4 luật sư bào chữa, bị cáo Lý Xuân Hải và Huỳnh Quang Tuấn đều có 3 luật sư bào chữa.
Vụ án bầu Kiên được xếp là một trong những đại án tham nhũng xảy ra trong thời gian qua, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Cáo trạng cáo buộc ông Nguyễn Đức Kiên lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB, thông qua 6 công ty, thực hiện hàng loạt các hành vi phạm tội, trong đó có hành vi kinh doanh vàng, tài chính trái phép và trốn thuế. Cùng với các đồng phạm, Nguyễn Đức Kiên đã gây ra thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng. Trước đó, vào tháng 12.2013, sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, TAND TP.Hà Nội đã yêu cầu điều tra, bổ sung thêm một số chứng cứ, tài liệu, tình tiết liên quan tới việc xác định tính chất, mức độ hành vi vi phạm của các bị can và một số người liên quan, nhằm đảm bảo căn cứ cho quá trình giải quyết vụ án được đúng đắn, khách quan, toàn diện và đầy đủ, tránh bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã có công văn đề nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo HĐQT Ngân hàng ACB có hình thức xử lý hành chính đối với 3 ông gồm: Nguyễn Văn Hòa, kế toán trưởng Ngân hàng ACB; Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, thành viên Hội đồng thành viên Công ty TNHH chứng khoán ACB (Công ty ACBS) và Nguyễn Ngọc Chung, quyền Tổng Giám đốc Công ty ACBS. Cơ quan điều tra cũng đề nghị điều tra hành vi nhận tiền gửi vượt trần từ nhân viên ACB của 22 ngân hàng tổng cộng hơn 28.000 tỷ đồng và tách vụ án hình sự để xử lý theo quy định của pháp luật. |
Theo Danviet