Ảnh 1: Bản Dụ của Nhà vua phục hồi chức tước như cũ cho Cụ Đoàn Đình Duyệt ngày 13/7/1924
Ảnh 2: Lăng mộ Cụ Đoàn Đình Duyệt đặt tại Đống Tháp, thôn Đào Lạng, xã Văn Hội, H. Ninh Giang, T. Hải Dương
Tiếp nhận đơn của các ông Đoàn Xuân Trường và Đoàn Ngọc Trịnh là hậu duệ đời thứ 4 của Cụ Đoàn Đình Duyệt gửi Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đề nghị được hướng dẫn lập hồ sơ khoa học xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Tỉnh; Sáng ngày 11/4/2024, đoàn cán bộ do Phó Giám đốc Đỗ Đình Quyết, bà Đặng Thị Thu Thơm, Trưởng Phòng Bảo tồn di tích thuộc Bảo tàng tỉnh Hải Dương cùng đại diện lãnh đạo Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ninh Giang đã về khảo sát thực địa Khu Lăng mộ Nam tước, Đại thần, Cơ mật viện,Thượng thư Bộ Công kiêm Bộ Binh kiêm Quản Đô sát viện Đoàn Đình Duyệt tại Đống Tháp thôn Đào Lạng, xã Văn Hội, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Đón tiếp và làm việc với đoàn có các ông: Dương Bá Đông, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã; Đoàn Văn Sản, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã; các cán bộ văn hóa, địa chính xã Văn Hội; Trưởng thôn Đào Lạng; đại diện gia đình, họ tộc gồm nhiều thế hệ hậu duệ từ các cụ cao niên thế hệ thứ 3 (cháu), thế hệ thứ 4 ( chắt) đến thế hệ thứ 5 (chút) của Cụ Đoàn Đình Duyệt.
Khu Lăng mộ cổ đặt tại Đống Tháp hiện nay là nơi an táng hài cốt Nam tước, Đại thần, Cơ mật viện Đoàn Đình Duyệt được xây dựng từ tháng 11/ 1939. Sau khi Cụ qua đời, thi hài được an táng 10 năm đầu (1929 - 1939) tại thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang. Theo cụ Trịnh Văn Đàm (nay gần 100 tuổi) kể lại từ nhiều năm trước: “ Ngày ấy tôi còn nhỏ nhưng đến nay vẫn nhớ như in nơi đặt lăng mộ Cụ, trước cửa Lăng có dựng đôi câu đối ghi bằng chữ Nho, nội dung như sau: “ Tam hồn thất phách quy ư Đào Lạng; Ngũ thể hình hài ký tại Tranh Xuyên”.
Ảnh 3: Đôi câu đối dựng tại Lăng mộ Cụ Đoàn Đình Duyệt ở Tranh Xuyên (1929-1939)
Ảnh 4: Đoàn khảo sát làm việc với Chủ tịch và cán bộ xã Văn Hội về bản đồ quy hoạch đất mở rộng khu Lăng mộ Cụ Đoàn Đình Duyệt
Trước đó, vào những năm 2016, 2017 cán bộ của Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã về khảo sát khu lăng mộ này nhưng không rõ vì sao khu lăng mộ chưa được ghi trong danh mục kiểm kê các di tích của tỉnh ? Đến nay, Khu Lăng mộ Cụ Đoàn Đình Duyệt hầu như còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, lối đi vào từ đường tỉnh lộ 396 đã bị bịt lại do một số hộ dân sinh sống, kinh doanh, làm nhà kiên cố trong Hành lang an toàn giao thông và sát với tường bao quanh khu lăng đã qua nhiều chục năm. Vì vậy, các gia đình, hậu duệ của Cụ cùng với khách thập phương đến thăm viếng một thời gian dài phải đi qua bờ ruộng. Mấy năm gần đây chắt nội của Cụ tự bỏ tiền mua đất của người dân được giao khoán làm lối đi…Khu Lăng mộ Cụ cũng đã đón tiếp đoàn công tác của Bảo tàng tỉnh Hải Dương do Giám đốc Vũ Đình Tiến (nay là Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh) và Phó Giám đốc Nguyễn Thị Huê (nay là Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương) về khảo sát vào cuối năm 2018. Sau đó ông Vũ Đình Tiến đã có bài viết nghiên cứu rất công phu với tiêu đề: “Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt với quê hương Hải Dương” (đăng trên trang điện tử của Bảo tàng tỉnh Hải Dương”. Bài nghiên cứu này do Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Huê trình bày trong Hội thảo Khoa học ngày 18/01/2019 tại Ninh Giang.
Đoàn Công tác của tỉnh và huyện lần này dành nhiều thời gian làm việc với Chủ tịch UBND xã, cán bộ địa chính, văn hóa xã Văn Hội, xem cụ thể bản đồ giải thửa và bản đồ đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, trong đó có 0,3 ha được xác định là đất lúa chuyển thành đất tín ngưỡng để mở rộng và xây dựng đền thờ mới quan Thượng thư, Đại thần Đoàn Đình Duyệt. Đoàn công tác đến thắp hương tại Từ đường gia tộc Đoàn Đình, nơi đặt tượng thờ, sắc phong, những hình ảnh và tư liệu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước của tỉnh Hải Dương về Cụ Đoàn Đình Duyệt.
Sau đợt khảo sát lần này, Đảng ủy, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, cán bộ, nhân dân xã Văn Hội cùng Đoàn tộc Việt Nam và các thế hệ hậu duệ của Cụ Đoàn Đình Duyệt rất mong cấp có thẩm quyền huyện Ninh Giang và tỉnh Hải Dương sớm lập hồ sơ khoa học và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương quyết định xếp hạng di tích Khu Lăng mộ Nam tước, Đại thần, Cơ mật viện Đoàn Đình Duyệt là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Tỉnh. Trước đó, UBND dân tỉnh Hải Dương đã quyết định đặt tên một đường phố ở thành phố Hải Dương mang tên Đoàn Đình Duyệt. Đây là những việc làm thiết thực nhằm tri ân công – đức với một nhân vật lịch sử đã có nhiều đóng góp cho đất nước, quê hương Hải Dương nhân kỷ niệm 100 năm Cụ Đoàn Đình Duyệt được minh oan, phục hồi lại chức tước như cũ ./.
Tin, ảnh: Trương Huyền