Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcNAM TƯỚC, ĐẠI THẦN ĐOÀN ĐÌNH DUYỆT TỪ “LÂM VIÊN HÀNH TRÌNH NHẬT KÝ” ĐẾN TẦM NHÌN CỦA NHÀ KINH TẾ, QUÂN SỰ CÁCH ĐÂY HƠN 100 NĂM

NAM TƯỚC, ĐẠI THẦN ĐOÀN ĐÌNH DUYỆT TỪ “LÂM VIÊN HÀNH TRÌNH NHẬT KÝ” ĐẾN TẦM NHÌN CỦA NHÀ KINH TẾ, QUÂN SỰ CÁCH ĐÂY HƠN 100 NĂM

Thứ sáu, 05 Tháng 2 2021 08:42
 

Đoàn Xuân Trường

(Đăng Tạp chí Giáo dục và Xã hội số tháng 1/2021)

BBT: Từ ngày 27 tháng 8 đến 24 tháng 9 năm 1917, Thượng thư Bộ Công kiêm Bộ Binh Đoàn Đình Duyệt theo lệnh nhà vua có chuyến công tác đến tỉnh Lâm Viên mới thành lập (Lâm Đồng ngày nay) để xem xét đồng thời trù liệu xây cất hành cung nhà Nguyễn. Sau chuyến đi này ông đã lập một bản tấu trình lên Hoàng Thượng, được vua Khải Định châu phê: “… Nhưng nay, Ninh Lãng có thể được coi là có lòng đối với nước nhà vậy. Hãy đem bản biên soạn này cùng với lời châu phê chép lại phổ biến. Khâm thử !”. Tạp chí Nam Phong số 9 và 10, ra tháng 3 và 4 năm 1918 đăng bài “ Lâm Viên hành trình nhật ký” của ông (1). Theo các nhà nghiên cứu, kể từ đó cho đến nay đã 103 năm trôi qua” Lâm Viên hành trình nhật ký” vẫn là tác phẩm văn xuôi đầu tiên của người Việt Nam viết về Đà Lạt. Đặc biệt, những nơi Đại thần Đoàn Đình Duyệt đặt chân đến ngày đó được ông ghi chép đầy đủ, chi tiết trong tác phẩm đồng thời tác giả có những nhận định, đánh giá...ngày nay đã trở thành những địa danh nổi tiếng và cơ sở kinh tế, quân sự, văn hóa - xã hội, du lịch quan trọng hàng đầu của đất nước. Điều đó thể hiện tầm nhìn xa và dự đoán rất chính xác của một vị quan Đại thần triều Nguyễn.

lâm viên_1

VUA KHẢI ĐỊNH CHỤP HÌNH VỚI CÁC QUAN TỨ TRỤ

Từ trái sang phải: Thượng thư Bộ học kiêm Bộ Lễ Hồ Đắc Trung; 2.Thượng thư Bộ Hình kiêm Phụ trách Khâm Thiên Giám Tôn Thất Hân; 3. Vua Khải Định; 4. Thượng thư Bộ Lại kiêm Bộ Hộ Nguyễn Hữu Bài; 5. Thượng thư Bộ Công kiêm Bộ Binh Đoàn Đình Duyệt ( Tư liệu từ Bản dụ số 127 của vua Khải Định, ngày 28 tháng 2 năm Khải Định thứ 2, tức ngày 19/4/1917 Dương lịch, hiện đang lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội.

1. Bài ký giàu hình ảnh liên tưởng, ngôn ngữ gợi cảm

Tác phẩm “Lâm Viên hành trình nhật ký” của Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt thực chất là thể loại nhật ký hay bút ký, ký sự ? Ghi chép đều đặn từng ngày là nhật ký, nhưng theo Nhà nghiên cứu Sử học Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Hải Dương thì đây thực sự là một bài bút ký đã thể hiện rõ tài năng văn chương, tầm nhìn của một vị Đại quan Thượng thư liên bộ (2). Đọc tác phẩm qua chữ Quốc ngữ (bản dịch của Phạm Phú Thành đăng trong mục “Đà Lạt năm xưa” 12/10/2013) người ta thấy suốt chặng đường đi, về trong chuyến công cán, tác giả quan sát rất kỹ lưỡng, ghi chép rất cụ thể, chi tiết mọi cảnh vật, sự việc, con người với lối diễn đạt ngôn ngữ sinh động, giàu hình ảnh liên tưởng.

Ảnh phố Cụ X 3

I

Ảnh phố Cụ X 4

II

Ảnh phố Cụ X 5

III

Ảnh phố Cụ X 6

IV

Ảnh phố Cụ X 7

V

Ảnh phố Cụ X 8

VI

Ảnh trên: Tác phẩm “Lâm Viên hành trình nhật ký” bằng chữ Hán hiện lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Nói về thời gian của cuộc hành trình, người viết tính đến từng giờ, từng phút. Trong điều kiện giao thông thời đó có nhiều trở ngại, khó khăn, vị Đại quan đã phải dùng hàng loạt các loại phương tiện khác nhau như: xe lửa; tàu thuyền, xe điện ( xe hơi),  xe kéo, xe song mã (xe ngựa), đi kiệu. Tuy  vậy, tác phẩm không hề khô khan, rời rạc mà vẫn bay bổng, đôi chỗ thi vị trong từng câu chữ.  Hãy xem tác giả miêu tả cảnh thiên nhiên khi thăm cảng Ba Ngòi (nay là vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa): “Từ bờ ngoằn nghèo nhô ra biển một dãy núi, ba mặt cao ngất, ở giữa hình thành một cái vịnh sâu rộng. Tầu chiến có thể đậu trên một trăm chiếc. Trước vịnh duy nhất có một cửa ải, tàu chiến lớn có thể ra vào được. Quả là nơi đồn trú rất an toàn của tàu chiến, kín đáo như ao trời…”. Những ngày ở Đà Lạt, trời mưa liên tục, có lúc vị quan Đại thần phải đi “ xe kéo” để thăm thú, “khám sát” những nơi cần đến. Tác giả tập trung miêu tả Đà Lạt với nhiều chi tiết dồn dập, cảnh vật phong phú, đa dạng, đan xen lẫn nhau bằng lời văn đầy chất thơ: “… Nhìn bốn phía thấy núi cao vây bọc, rừng thông rậm rạp, ở giữa có chừng vài ngàn mẫu đều là núi bằng, đồi trọc cao thấp nhấp nhô. Từ các dinh thự, nhà cửa cho đến khách sạn, nhà ở của người dân đều xây cất trên đỉnh núi. Dưới chân núi nào cũng có đường cái đan chéo, ngang dọc, xe điện có thể chạy được. Lại có những cánh đồng bằng phẳng bé nhỏ có thể cày cấy. Từ dưới đồng bằng nhìn lên, thấy trên núi lâu đài sắp xếp như quân cờ, la liệt như sao. Cảnh đẹp giống như tranh vẽ.”

Tác giả giới thiệu kỹ lưỡng những địa danh tuyệt đẹp, hấp dẫn của Đà Lạt: Cách Đa Lạt 2,5 km có suối Cẩm Lệ (Cam Ly) “ quả là chốn bồng lai tiên cảnh”; Cách Đà Lạt 14 km là Lâm Viên, có vườn hoa và chỗ nuôi thú,đất đai trong vườn phì nhiêu bốn mùa đều có rau đậu phương Tây tươi tốt xứng đáng được gọi là Đàn hương sơn trên đại lục”; Cách  Lâm Viên  chừng 5-6 km có suối Đan Ki; gần Lâm Viên có ngọn núi cao 2.200 thước tây là núi cao nhất Trung kỳ…

2. Tầm nhìn của một nhà kinh tế, quân sự

Không chỉ ghi chép hay tả cảnh, với cách nhìn của một vị quan Đại thần nắm giữ Bộ Công (Bộ Kinh tế thời đó) và Bộ Binh (tương đương Bộ Quốc phòng ngày nay), ông Đoàn Đình Duyệt đã có những nhận định, đánh giá chính xác về tương lai, lợi ích của những địa danh nơi ông đặt chân đến. Với cảng Ba Ngòi, ông dự báo: “Tương lai, nơi này sẽ là bến neo thuyền lớn nhất của Trung kỳ”. Đúng vậy, nhiều thập niên đã qua cho đến ngày nay vịnh Cam Ranh là quân cảng lớn nhất, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của nước ta và của khu vực. Đến Cầu Bảo, tức Phan Rang, ông tả rất kỹ ngã ba này sầm uất khi có các con đường, trở về hướng Bắc đi Nha Trang, một ngả đi hướng Nam về Sài Gòn, còn một ngả đi về phía Tây “ Nơi đây quả là ngã tư hội tụ, tương lai hẳn sẽ ngày càng phồn thịnh”. Ngược đường lên Đà Lạt dù hiểm trở, gian nan nhưng khi thấy đất, rừng, đồi núi, ruộng đồng chen lẫn, mênh mông… ông nhận định: “Nhìn ra thấy hoang vu cả ngàn dặm tới tận cùng tầm mắt. Nếu di dân lập ấp, khai khẩn canh tác thì có thể có được hai, ba trăm thôn”. Đứng trước cảnh vật thiên nhiên phong phú, điệp trùng, tâm hồn ông dâng trào cảm xúc: “ Vùng đất này sản sinh rất nhiều thông, hai bên đường đi nhìn thấy toàn màu xanh, một màu xanh biếc thật đẹp mắt…”. Dành thời gian để tìm hiểu về Đà Lạt vì chuyến đi này nhiệm vụ chính của ông là tìm một khu đất để xây dựng hành cung nhà Nguyễn, tác giả tập trung miêu tả chi tiết  cảnh vật thiên nhiên trong đó ông khéo léo nói đến khí hậu đặc trưng, riêng biệt của Đà Lạt qua những câu văn thật xúc tích nhưng đầy gợi cảm “Trời vào tiết đầu thu, miền trung châu chưa bớt nóng mà ở nơi đây thì trời đã lạnh dần, có mưa phùn, mặc áo lông cừu thật thích hợp. Xem khí hậu thật giống như đầu xuân”. Và ông nhận định: “ Tương lai nơi này hẳn trở thành một đô hội lớn“. Đặc biệt, trước khi kết thúc những ngày công cán ở Đà Lạt, tác giả có những nhận định về vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Lâm Viên: “Thiết nghĩ, sau này khi kiến thiết xong hệ thống đường sá, đường bộ, đường thủy thông thương thì Lâm Viên sẽ là vùng đất rộng lớn, then chốt của Đông Dương”. Ông gợi mở cho tương lai một cách khéo léo bằng một câu tu từ: “Dường như nước non tươi đẹp vẫn còn đợi chờ khách hữu tình vậy ?”.  Thật chính xác như ông dự đoán, sau hơn 100 năm xây dựng, những địa danh ông đến tại các tỉnh ngày đó được ghi chép , miêu tả trong “ Lâm viên hành trình nhật ký”, nay đã phát triển vượt bậc, đặc biệt là thành phố Đà Lạt từ lâu đã trở thành một trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất của nước ta và thế giới.

 Là một vị quan Đại thần luôn có trách nhiệm trước công việc của dân, của nước, lại yêu cảnh vật thiên nhiên và con người nên khi trên đường từ Lâm Viên trở về Huế,  ông Đoàn Đình Duyệt vẫn dành từng chút thời gian để thăm thố, khám sát, ghi chép tại các địa phương như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. “ Ngày 22,… 4 giờ rưỡi chiều đi cùng với quan tỉnh đến xem một đập đá mới đắp do Hội bảo nông của địa phương thuộc phủ An Nhơn”. Sau khi nghe giới thiệu nguồn gốc, quá trình xây đập bằng xi măng, ích lợi và phương thức vận hành, ông ghi nhận, đánh giá: “ Công cuộc cải tiến nông nghiệp của ta ở Trung kỳ do dân khởi xướng bắt đầu từ cái đập này. Tỉnh hạt có vài cái đập. Nếu tất cả những nơi khác đều bắt chước đó mà làm, thật là lợi ích lâu dài…”

Ảnh phố Cụ X 9

Năm 1924, Nam tước, Đại thần, Cơ Mật Viện Đoàn Đình Duyệt được phục hồi lại chức, tước và hưởng lương hưu như khi tại chức.

lâm viên_9

Hậu duệ đời thứ Tư của Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt chụp hình lưu niệm bên đường phố mang tên Cụ tại TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương. 

3. Đôi nét về tác giả                       

Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt (còn có tên là Đoàn Đình Nhàn) sinh năm 1862 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Đào Lãng, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, nay là thôn Đào Lạng, xã Văn Hội, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Ngay từ nhỏ, cậu bé Duyệt đã bộc lộ tư chất thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát, chăm chỉ. Cha mất sớm, Đoàn Đình Duyệt phải ở với bác ruột, chăn trâu, cắt cỏ, tham gia công việc đồng áng. Một lần, để trâu ăn lúa, Đoàn Đình Duyệt bị đánh đòn, đành bỏ nhà ra đi, vào Bến Trại (thuộc xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) rồi lên thuyền đi theo dòng sông Luộc, sau đó gặp được người tốt đón về nuôi, cho ăn học đến khi trưởng thành. Cuộc đời và sự nghiệp của ông dần được sáng tỏ qua các báo cáo tại Hội thảo khoa học “ Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt với đất nước và quê hương Hải Dương” do Hội khoa học Lịch sử thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hải Dương phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Ninh Giang tổ chức ngày 18/01/2019. Báo cáo của các nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và tỉnh Hải Dương đã làm sáng tỏ phẩm chất cao quý và những công lao đóng góp to lớn của ông lúc đương thời đối với đất nước và quê hương Hải Dương (3). 

Gần 40 năm làm việc, làm quan, trải qua bốn đời vua: Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định dưới thời nhà Nguyễn; Nam tước, Đại thần, Cơ mật viện, Thượng thư Bộ Công kiêm Bộ Binh kiêm Quản Đô sát viện Đoàn Đình Duyệt ( 1862- 1929) đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp khi đương thời và cho hậu thế. Vì vậy, ông được vua Khải Định đánh giá rất cao, là “ văn võ toàn tài”. Tại sắc phong tước Linh Lãng Nam vào ngày mồng 2 tháng 8 niên hiệu Khải Định thứ Nhất (1916), Nhà vua viết: “ Trường hợp của Thượng thư Đoàn Đình Duyệt, Thượng thư Tài chính và Ủy viên Cơ mật  mà trí thông minh xuất chúng và những sáng kiến khôn ngoan đã được mọi người biết đến…”, “Từ thời thanh niên, vị đại quan này đã tỏ ra một ý chí  lạ thường. Ngoài ra vị này còn có một thiên tài đặc biệt là sự lanh  trí trong mọi tình huống”. Trong niềm vui, Nhà vua không quên nhắn nhủ và nhắc lại trách nhiệm của một vị quan Đại thần trong Cơ Mật Viện tại cuối bản Sắc phong tước: “Khanh hãy chung vai gánh vác công việc sơn hà với các bạn đồng liêu và hãy cùng chia xẻ niềm vinh dự với họ để mãi mãi được hưởng những ân huệ như chính ngày hôm nay khanh đang hưởng. Sự ban cấp danh dự này sẽ đem đến cho người tiếng tăm mãi mãi...”(4). 

Mặc dù công việc triều chính bận rộn nhưng Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt vẫn dành thời gian thả hồn cùng câu chữ bằng cách viết văn và làm thơ mỗi khi có dịp. Bài thơ khắc trên vách đá động Tam Thanh, tỉnh Lạng Sơn ngày 5/1/1918 là một ví dụ khi ông đi hộ giá vua Khải Định trong chuyến Bắc tuần (5). Hình như trong ông ngoài trách nhiệm của một vị quan Đại thần còn có một tâm hồn nhạy cảm dễ rung động trước cảnh vật, con người, ở đó ông muốn bầy tỏ nỗi lòng, tâm trạng. 

Tại Quyết định số 2866/QĐ-UBND ngày 29/12/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án Ngân hàng tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tên ông Đoàn Đình Duyệt ở số thứ tự số 35 (6). Thực hiện Quyết định  của UBND tỉnh Hải Dương, trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, một đường phố mang tên Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt đã được gắn biển tại thành phố Hải Dương; Điều đó thể hiện sự tri ân của chính quyền và nhân dân quê nhà tỉnh Hải Dương đối với một vị Đại quan tài năng, đức độ, luôn vì nước, vì dân dưới thời nhà Nguyễn (7) . 

Tài liệu tham khảo: 

(1) Tạp chí Nam Phong số 9 và 10, ra tháng 3 và 4 năm 1918, hiện lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam 

( 2), (3) Hội thảo Khoa học “Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt với đất nước và quê hương Hải Dương”, ngày 18/01/2019 tại Ninh Giang, Hải Dương 

(4) Sắc phong tước “ Ninh lãng Nam” ngày 2 tháng 8 niên hiệu Khải Định năm thứ Nhất, lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. 

(5) Bằng Giang dịch từ chữ Hán, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn 

(6) Quyết định số 2866/QĐ- UBND, ngày29/12/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng Về việc Phê duyệt Đề án Ngân hàng tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng 

(7) Quyết định số 427 /QĐ -UBND ngày 29/12/2019 của UBND tỉnh Hải Dương Về việc đặt tên đường, phố, công trình công cộng.

 

 

 

 

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516