Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn – đ/c Lê Văn Tú phát biểu khai mạc Lễ hội
Với mong muốn tạo ra một sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn dựa trên truyền thuyết Hòn Trống Mái, Lễ hội đã được TP. Sầm Sơn tổ chức lần thứ Nhất vào năm 2019, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, tuyên truyền về truyền thuyết danh thắng Hòn Trống Mái đến nhân dân và du khách. Lễ hội còn góp phần giáo dục truyền thống, lan tỏa giá trị của tình yêu lứa đôi, hạnh phúc gia đình của người dân Việt Nam; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch Sầm Sơn nói chung và khu danh thắng Hòn Trống Mái nói riêng.
Hòn Trống Mái trên dãy núi Trường Lệ ở Sầm Sơn
Theo truyền thuyết dân gian, Hòn Trống Mái là sự hóa thân, biểu tượng cho sự thủy chung, khát khao hạnh phúc và được sống trong tình yêu. Hòn Trống Mái ở Sầm Sơn bao gồm 3 phiến đá được tạo hóa sắp đặt một cách độc đáo. Ở dưới là hòn đá lớn, bằng phẳng như chiếc bệ đỡ, một hòn có đầu nhọn, nằm chồng lên trông như một con gà trống. Một hòn khác ở phía đối diện, nhỏ hơn và mang dáng vẻ tựa như con gà mái.
Tại đêm hội, sự tích về Hòn Trống Mái được tái hiện sinh động, ngợi ca tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động, giàu nghị lực vượt khó, chinh phục thiên nhiên qua các ca khúc “Bài ca tôm cá”, “Trai làng chài”, “Tình ta biển bạc đồng xanh” và các làn điệu hò sông Mã. Chuyện tình của biển tiếp tục được tôn vinh qua các giai điệu, lời ca, màn múa, âm thanh, ánh sáng đa sắc màu, nối dài bởi các ca khúc trữ tình “Thuyền và biển”, “Biển hát chiều nay”, “Sắc màu - Ôi quê tôi”…
Thiệu Ninh.