Du khách tại huyệt đạo thiêng
Am Tiên nằm trên đỉnh Núi Nưa thuộc làng Cổ Định, xã Tân Ninh (nay là thị trấn Nưa), Triệu Sơn, Thanh Hóa. Quần thể bao gồm: Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên, với tổng diện tích 100 ha, riêng khu vực Am Tiên là 4 ha. Là nơi gắn với sự tích cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Năm 248, tại Ngàn Nưa, nữ tướng Triệu Thị Trinh đã chiêu mộ binh sĩ, phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Ngô, lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, viết nên những trang sử hào hùng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Câu nói "Na Sơn nhất phiến nhất hộ thiên hạ biến " nghĩa là: “Một tiếng hô ở Núi Nưa đã chuyển biến ở thiên hạ”, chính là sự đề cao sự nghiệp anh hùng bất tử của Bà Triệu.
Du khách đang đi vòng quang huyệt đạo
Đỉnh Núi Nưa, nơi có động Am Tiên là một khu đất rộng và khá bằng phẳng. Tuy ở độ cao 585m so với mực nước biển nhưng ở đấy vẫn có mạch nước ngầm chảy ra trong vắt đã tạo thành một cái giếng tự nhiên rất đặc biệt mà dân gian đặt tên là Giếng Tiên, nước nơi đây không bao giờ vơi cạn, múc bao nhiêu đầy bấy nhiêu. Tương truyền, là giếng dành riêng cho Bà Triệu lấy nước rửa mặt mỗi khi xung trận, phía dưới vài trăm mét có một hố nước rộng gọi là Ao Hóp, tương truyền là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho nghĩa quân Bà Triệu. Trên đỉnh Núi Nưa ngoài động Am Tiên còn có bàn cờ Tiên, vườn thuốc Tiên và vườn Đào Tiên mà sử sách và truyền thuyết đã nhắc đến như một trung tâm của sự tu tiên đắc đạo. Dưới chân Núi Nưa có đền Nưa, tên chữ là Na Sơn Từ. Vì là nơi thờ Bà Triệu nên dân gian còn gọi là Đền Đức Vua Bà. Từ cổng đền Am Tiên đi vào sâu bên trong khoảng hơn 100m sẽ thấy huyệt thiêng, hay gọi là huyệt khí dương. Theo cách gọi của các nhà phong thủy thì nơi đây là điểm hội tụ giao hòa của đất và trời (hay cổng trời), tất cả linh khí của trời đất sẽ được hội tụ tại huyệt đạo thiêng này. Huyệt đạo thiêng ở đây là một khoảng đất rộng, được rào chắn kỹ lưỡng, bán kính khoảng 21m, thu hút hàng vạn lượt khách tham quan đến chiêm bái, thưởng ngoạn vào dịp đầu năm.
Hàng ngàn người đổ về khu di tích để hành hương và vãn cảnh.
Theo cách gọi của các nhà phong thủy thì nơi đây là điểm hội tụ giao hòa của đất và trời (hay nơi mở cửa trời). Điểm huyệt thiêng là Thiên - Địa - Nhân - hợp - nhất, 4 hướng đều có 4 bát hương và ở giữa một bát hương của thổ thần ứng với kim - mộc - thủy - hỏa - thổ. Theo sử sách, đây chính là một trong những huyệt đạo quan trọng nhất của nước Nam, mà tướng Cao Biền không thể trấn yểm nổi. Huyệt đạo trên đỉnh núi này là huyệt khí thiêng! Ngày 9 tháng Giêng hàng năm là ngày "mở cửa trời". Người dân hành hương về đây cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, người người khỏe mạnh, tài năng tiến tới, công thành danh toại./.
Thiệu Ninh