Toàn cảnh kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026
Theo đó, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực, chủ động tham gia xây dựng và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Chủ trì tổ chức phản biện xã hội 109 cơ chế, chính sách, chương trình, đề án của tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; phối hợp với chính quyền cùng cấp, chủ trì tổ chức 4.213 hội nghị để đại biểu dân cử tiếp xúc với cử tri theo quy định của pháp luật. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt nam tỉnh đã tham gia góp ý 17 dự thảo luật, văn bản của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, kế hoạch, đề án của các sở, ngành, UBND tỉnh. Hoạt động giám sát được thực hiện bảo đảm theo kế hoạch và đi vào nền nếp, có chất lượng, tập trung giám sát những vấn đề được Nhân dân quan tâm.
Trước thềm Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, cử tri và Nhân dân thể hiện sự tin tưởng, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, góp phần đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm 2023. Bên cạnh đó, cử tri còn băn khoăn, lo lắng một số vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: giá thức ăn, thuốc thú y, vắc xin phục vụ chăn nuôi ở mức cao, trong khi giá đầu ra sản phẩm không ổn định, giá bán thấp, ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người dân; hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng so với cùng kỳ. Tình trạng thiếu thuốc, vắc xin, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế xảy ra ở nhiều cơ sở y tế. Tình hình thiếu điện, cắt điện luân phiên ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân…
Cử tri và Nhân dân trong tỉnh đã nêu một số ý kiến, kiến nghị gửi đến Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, ở các nhóm vấn đề: phát triển sản xuất; quản lý tài nguyên, đất đai và bảo vệ môi trường; văn hóa - xã hội; cơ chế, chính sách; an ninh trật tự, an toàn xã hội và một số vấn đề khác.Về phát triển sản xuất, cử tri đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước, hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, triển khai kịp thời các quy định về chính sách tín dụng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay, giải ngân vốn vay; tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã; quan tâm hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.
Cử tri đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển kinh tế trên địa bàn. Quan tâm đầu tư nâng cấp các tuyến tỉnh lộ; đầu tư xây dựng, sửa chữa, gia cố các cầu dân sinh; các tuyến giao thông trục trung tâm để đảm bảo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, đi lại của Nhân dân, thu hút dự án đầu tư, phát triển kinh tế của các địa phương. Sớm có kế hoạch đầu tư nâng cấp cầu phao hoặc chuyển đổi làm phà trên sông Chu tại địa bàn xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa). Tiếp tục đầu tư hoàn thiện Dự án đầu tư xây dựng hệ thống tiêu úng Đông Sơn trên địa bàn TP Thanh Hóa. Chỉ đạo Thủy điện Cẩm Thủy 1 hỗ trợ làm đường dân sinh tránh ngập đoạn thôn Sơn Thủy, xã Lương Trung (Bá Thước); đề nghị nhà thầu đơn vị thi công đường cao tốc Bắc Nam, đường Vạn Thiện - Bến En đảm bảo an toàn giao thông và hoàn trả lại các tuyến tỉnh lộ 525, 512, 505b, 517 tại huyện Nông Cống, Triệu Sơn…
Về văn hóa - xã hội, cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác quản lý việc dạy thêm, học thêm. Nghiên cứu tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT cho các địa phương có sự tăng dân số cơ học; bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương. Tiếp tục có giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư, thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 6 tuổi. Có giải pháp phù hợp, thứ tự ưu tiên tăng nguồn phí đầu tư, tôn tạo, bảo tồn, chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh...
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trình bày thông báo công tác mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trong tỉnh gửi
Cử tri và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục đề nghị UBND tỉnh quan tâm có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tiếp tục có giải pháp giải quyết tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, chậm trả lương, phúc lợi cho người lao động. Sớm ban hành quy định hạn mức tách thửa đất nông nghiệp, lâm nghiệp thuộc thẩm quyền do UBND cấp tỉnh quy định tại Luật Đất đai hiện hành. Ban hành quy định hoặc văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục đấu giá đất công ích, do UBND cấp xã quản lý. Quy định chặt chẽ hơn việc quản lý và công bố giá của tất cả các loại vật liệu dùng cho công trình xây dựng, do có tình trạng các chủ mỏ bán cao hơn bảng giá quy định của tỉnh.
Cử tri và Nhân dân kiến nghị UBND tỉnh hướng dẫn chi tiết cách xác định giá trị bồi thường, đơn giá bồi thường vật kiến trúc trong giải phóng mặt bằng theo Quyết định số 11/2023/QĐ-UBND ngày 10-4-2023 của UBND tỉnh; xem xét ban hành cơ chế, chính sách cho người dân tộc thiểu số miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nghèo kéo dài chế độ bảo hiểm y tế miễn phí từ 3 đến 5 năm. Có chính sách đặc thù hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi cho các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu nhưng khó khăn về nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn huy động trong Nhân dân. Sớm xem xét chế độ chính sách cho chức danh Chủ tịch HĐND kiêm nhiệm không được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm, đối với các xã không sáp nhập mà có cán bộ, công chức dôi dư; quan tâm nâng mức phụ cấp cho cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn, bản, khu phố và kinh phí hoạt động cho các Hội đặc thù cấp xã;...
PV.